Lạm phát ở Venezuela có thể lên tới 1.600%
trong năm 2017, theo một số ước tính
Đây là tờ 100 bolivar của Venezuela, tờ bạc mệnh giá cao nhất
nước này. Trị giá hiện tại khoảng 10 xu Mỹ, 100 bolivar gần như không
mua được gì. Một chai nước uống 500ml ở ngoài chợ cũng có giá 600 bolivar.
Venezuela không in tiền mệnh giá cao hơn, có nghĩa là nếu
muốn trả tiền cho một bữa ăn 10.000 bolivar (10 đôla), bạn sẽ phải đếm một cọc
100 tờ bạc; còn nếu mua món hàng xa xỉ nào đó như bộ váy thời trang, bạn sẽ phải
mang theo một va-li tiền.
Thế nhưng 100 bolivar lại có thể mua cho bạn hơn 10 lít
xăng, vì giá xăng là khoảng dưới 10 bolivar/lít, rẻ hơn nước lọc.
Nghịch lý này phản ánh thực trạng kinh tế ở quốc gia từng có
thời giàu có thuộc loại nhất Mỹ Latin.
Khi Hugo Chávez lên cầm quyền năm 1999, thu nhập từ dầu lửa
đang ở mức cao được ông dùng để trợ giá cho các mặt hàng chính yếu như gạo, đường,
thuốc men..., xây nhà cho người thu nhập thấp và một số chương trình xã hội
khác.
Chavez qua đời năm 2013, kế nhiệm ông là Nicolás Maduro, cựu
tài xế xe buýt và lãnh đạo công đoàn.
Năm 2014 giá dầu thế giới bắt đầu sụt mạnh, tới nay đã giảm
60%. Nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu, ỷ lại và mất tính cạnh
tranh, nay dần bộc lộ các khiếm khuyết của nó.
Khủng hoảng kinh tế và biểu tình chống chính phủ ở Venezuela
'Khó tốt lên trước 2019'
Một số chính sách dân túy từ thời Chávez, nay vẫn đang tiếp
tục được Maduro thực hiện, như nhu yếu phẩm giá rẻ hay nhà ở cho người thu
nhập thấp, ngay cả khi lạm phát lên tới 500%-600%.
Cũng bởi vậy mà nhiều người cho rằng chính sách kinh tế của
nhà nước không có gì sai, mọi vấn đề là do đế quốc Mỹ, tư bản nước ngoài và phe
đối lập tạo ra.
Paulo Giménez là kinh tế gia, giảng viên khoa kinh tế chính
trị Đại học Tổng hợp Venezuela tại Caracas. Ông Giménez nói khủng hoảng kinh tế
Venezuela phải được đặt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các
thay đổi về địa chính trị.
Hoa Kỳ luôn muốn chi phối các nước Mỹ Latin trong kế hoạch
giành ảnh hưởng của mình, theo ông Giménez.
Tuy nhiên ông thừa nhận: "Chúng tôi đã nhận ra các bất
cập của hình mẫu kinh tế quá phụ thuộc vào dầu lửa và đang tìm cách thay đổi
cơ cấu".
Chuyên gia này lạc quan cho rằng, nếu như giá dầu tăng
50%-60% trong thời gian tới thì chỉ trong vòng hai năm kinh tế Venezuela hồi phục
về mức trước khủng hoảng.
Ông Giménez cũng nói sự phát triển ở Việt Nam hay Trung Quốc
cho thấy điều chỉnh chính sách kinh tế có thể mang lại các thay đổi nhanh chóng
và thần kỳ.
Việt Nam là một trong các nước làm ăn lâu nay với
Venezuela và giới chức Việt Nam cho hay vẫn đang tiếp tục trợ giúp Venezuela để
"xốc lại" nền kinh tế.
Theo Đại sứ quán Việt Nam ở Caracas, nhiều đoàn chuyên gia
Việt Nam đã được điều sang "giúp bạn" kinh nghiệm về tăng cường
phát triển nông ngư nghiệp, giảm phụ thuộc vào dầu khí.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã vào thị trường Venezuela
nhiều năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác dầu và sản xuất hàng tiêu dùng
cũng như tham gia dự án phát triển hạ tầng. Thế nhưng dường như họ không lạc
quan cho lắm về triển vọng kinh tế tại nơi đây.
Có đánh giá rằng tình trạng của Venezuela khó có thể tốt
lên, ít nhất cho đến hết năm 2019.
'Dấu ấn Đinh La Thăng'
Ít người biết đương kim Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh
La Thăng, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(Petrovietnam), là một trong những người tiền khởi quan hệ hợp tác Việt Nam
- Venezuela trong lĩnh vực dầu khí.
Việt Nam bắt đầu quan tâm đến thị trường Venezuela từ năm
2006, trên cơ sở "đề xuất ưu tiên mối quan tâm chính trị kinh tế giữa hai
nước", đặc biệt là trong các lĩnh vực thăm dò khai thác và chế biến dầu
khí.
Theo một nguồn tin từ PVEP, phía Việt Nam có giai đoạn ba
năm đánh giá và chuẩn bị đầu tư. Đến tháng 6/2010, hai bên chính thức ký hợp đồng
thành lập Công ty Liên doanh PetroMacareo mà phía Việt Nam góp vốn 40% để phát
triển khai thác, nâng cấp dầu nặng tại lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco, một
trong những vùng trầm tích có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy các bên cho hay hoạt động dầu khí vẫn đang tiếp tục được
triển khai đến thời điểm hiện tại, nhưng thực chất chỉ cầm chừng duy trì cơ
quan đại diện, sau khi Chính phủ và PetroVietnam chỉ đạo PVEP tạm dừng việc
khai thác thử tại mỏ Junin 2 từ năm 2013.
Tổng cộng PetroVietnam đã đầu tư 1,8 tỷ đôla vào hoạt động
của mình ở Venezuela, và có thể không khó đoán các nhà đầu tư đang lo lắng như
thế nào trước viễn cảnh kinh tế không lấy gì sáng sủa ở quốc gia cách một vòng
trái đất này.
Có cáo buộc rằng trong hợp đồng ký hồi tháng 6/2010 giữa
Việt Nam và Venezuela, có điều khoản Việt Nam cam kết tiền "bonus"
cho Venezuela trên số lượng thùng dầu trữ lượng dự đoán ở mỏ Junin-2. Có lẽ đây
là khoản tiền giúp "xúc tác" cho dự án mà Việt Nam từng hy vọng sẽ
giúp bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trước khi giới chức Venezuela chấp
thuận hợp tác.
Ông Đinh La Thăng bên trái trong chuyến thăm
làm việc tại Venezuela hồi tháng 4/2011
Phía Việt Nam dường như thua thiệt khá nhiều khi phải dừng
hoạt động khai thác, quyết định được đưa ra sau khi phân tích các khó khăn
trong môi trường đầu tư ở Venezuela.
Các khó khăn này, theo một người làm việc trong ngành dầu
khí , có thể tóm tắt như sau: Thể chế chính trị đặc thù, bất ổn; Đảng phái
chính trị tập trung tranh giành quyền lực, thiếu quan tâm đến phát triển kinh tế
ở giai đoạn hiện nay; Chính phủ không kiểm soát được vấn đề an ninh an toàn; Quản
lý tỷ giá phức tạp và đặc thù, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư; Chính
sách liên quan đến đầu tư thiếu ổn định: thuế, phí, quản lý tỷ giá; Rủi ro cao
về liên quan đến các vấn đề bất khả kháng như quốc hữu hóa, thay đổi thể chế,
…; Phương thức làm việc đặc thù, văn hóa làm việc không theo chuẩn thế giới; Xã
hội bất ổn, thiếu thốn nên ảnh hưởng đến vấn đề nguồn lực; Lạm phát hàng năm
quá cao; Thiếu vốn đối ứng...
Yếu tố ý thức hệ
Ngần ấy khó khăn chắc hẳn đủ làm nhụt chí bất cứ nhà đầu tư
nào. Doanh nghiệp Việt Nam còn ở lại Venezuela, ngoài lý do đã đâm lao phải
theo lao, liệu có còn lý do nào khác?
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela Carlos Figuera nói rằng
không thể không tính đến nét tương đồng về ý thức hệ giữa hai quốc gia theo lý
thuyết đều theo xã hội chủ nghĩa.
Đảng Cộng sản không phải đảng cầm quyền ở Venezuela, nhưng
đảng Liên minh Xã hội Chủ nghĩa (PSUV) cầm quyền do ông Hugo Chávez sáng lập
cũng là đảng cánh tả, thậm chí còn tự nhận là theo định hướng tân Mác-xít.
Bản thân ông Chávez đã thăm Việt Nam năm 2006, năm hai bên
ký hợp đồng hợp tác dầu khí và thiết lập đại sứ quán ở Hà Nội và Caracas. Các
lãnh đạo Việt Nam từ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết đều đã thăm Venezuela.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela Carlos
Figuera (bên phải) nói Venezuela muốn học bài học của Việt Nam
Tổng Bí thư Figuera nói: "Chúng tôi yêu mến và cảm phục
Việt Nam từ thời cuộc chiến chống Mỹ, nay lại khâm phục Việt Nam hơn vì các
thành tựu kinh tế. Chúng tôi muốn học bài học Việt Nam".
"Hasta la victoria siempre! (Chúng ta nhất định thắng!),"
ông Carlos Figuera nhắc lại câu nói bất hủ của Che Guevara.
Thế nhưng có lẽ không một ai, kể cả ông, có thể tiên đoán
bao giờ thì xã hội chủ nghĩa chiến thắng ở đất nước Venezuela đang kiệt quệ
trong khủng hoảng kinh tế hiện thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét