Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

J-20 giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu vũ khí

RFI


Máy bay tiêm kích tàng hình J-20 biểu diễn ngày 01/11/2016 tại Triển Lãm Hàng Không Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. REUTERS/Stringer

Có tốc độ nhanh, được trang bị đầy vũ khí và cho đến giờ vẫn là một bí ẩn lớn : máy bay tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 (Chengdu) được Trung Quốc chính thức giới thiệu rộng rãi ngày 01/11/2016 tại Triển Lãm Hàng Không Châu Hải (Zhuhai), miền nam Trung Quốc. Theo đánh giá của truyền thông và giới quân sự quốc tế, đây là biểu tượng sức mạnh ngày một vượt bậc của Bắc Kinh và cho phép Trung Quốc bắt kịp với Hoa Kỳ về mặt quân sự.

Trung Quốc không che giấu tham vọng chinh phục những khách hàng mới và không ngừng tăng cường hiện diện tại các triển lãm quân sự quan trọng trên thế giới. Còn tại Châu Hải, tiêm kích tàng hình J-20 là niềm tự hào của Trung Quốc : « J-20 là một thanh gươm sắc bén để bảo vệ đất nước và người dân chúng ta », hay « Tôi rất mừng vì cuối cùng nó đã bay trên bầu trời » là những lời bình luận trên mạng Vi Bác (Weibo), được trang NBC News trích đăng ngày 03/11/2016.

J-20 giống “bất thường” F-35 của Mỹ

Vẫn theo NBC News, chiến đấu cơ J-20 được thiết kế giống với hai đối thủ tiên tiến nhất hiện nay : F-35, tiêm kích tấn công kết hợp (Joint Strike Fighter) và F-22 Raptor của Mỹ. Những nét tương đồng này không phải là điều ngẫu nhiên, vì giới chức Hoa Kỳ từng cáo buộc quân đội Trung Quốc đánh cắp dữ liệu tin học liên quan đến chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ.

Các chuyên gia nhận định rằng sự giống nhau giữa J-20 của Trung Quốc với F-35 và F-22 của Mỹ chứng tỏ những thông tin bí mật đánh cắp được đã cho phép Bắc Kinh nhanh chóng bắt kịp để ra mắt cái được gọi là chiến đấu cơ « thế hệ thứ năm ».

Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute) tại Luân Đôn, khẳng định : « Trong nhiều năm, Trung Quốc đã rất tích cực trong việc đánh cắp thông tin liên quan đến thiết kế. Đó là một chiến lược của Trung Quốc, đánh cắp những gì họ có thể và thiết kế theo đó ». Ông Bronk cũng nhận thấy rất nhiều tính năng của J-20 gần giống với chiến đấu cơ F-35 hoặc F-22 của Mỹ.

Trong lúc viễn cảnh xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều không chắc, Bắc Kinh công khai và tức giận về những bất đồng với nhiều đồng minh của Washington liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Chính vì vậy, đại tá Trần (Shen), một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, cho biết J-20 sẽ được giao « sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ ».

Vũ khí Trung Quốc thu hút vì... giá rẻ

Thế nhưng, phải chờ ít nhất đến năm 2018 để tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 được triển khai. Dù sao, chuyến bay biểu diễn ngắn ngủi tại Triển Lãm Hàng Không Châu Hải cũng là cơ hội cho Trung Quốc phô trương tiến bộ trong lĩnh vực này, dù còn phải kiểm chứng độ tin cậy.

Theo nhật báo L’Opinion (03/11/2016) của Pháp, trong vòng 5 năm gần đây, các thương vụ bán vũ khí của Trung Quốc đã tăng 147%, soán vị trí thứ ba của Đức. Nhưng cũng phải nói là việc xuất khẩu vũ khí của Đức cũng phất như diều gặp gió : tăng 15% trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015.

Giống như nhiều lĩnh vực khác (đường sắt, nguyên tử, xe hơi), Trung Quốc đề ra những mục tiêu và nguồn tài chính để có được những trang thiết bị có khả năng cạnh tranh với những sản phẩm tốt nhất của phương Tây. Được thông báo vào cuối năm 2010, chương trình J-20 đã được triển khai ít nhất là 6 năm trong khi dự án chiến đấu cơ Rafale của Pháp cần khoảng 10 năm để thực hiện và 15 năm đối với máy bay F-22 của Lockheed-Martin, mà J-20 giống một cách đáng ngờ.

Màn bay trình diễn quá ngắn ở Châu Hải không cho phép các nhà quân sự nước ngoài kiểm tra được khả năng « tàng hình » của J-20. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều nhận thấy chất lượng các động cơ đã được cải thiện, đặc biệt là động cơ Xian WS-15 do Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Hàng Không Thẩm Dương (Shenyang Aeroengine Research Institute) phát triển và trang bị cho J-20.

Điều quan trọng là tiêm kích J-20 đã gây ấn tượng, dù chiến đấu cơ này còn bị F-35 của Mỹ vượt xa. Chỉ cần quan sát phản ứng của khách tham quan là có thể nhận thấy chiến dịch quảng bá đã thành công, giống như tháng 09/2015, khi quân đội Trung Quốc tiết lộ DF-21 D, loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất, được mệnh danh là « sát thủ diệt tầu sân bay », trong lễ duyệt binh nhân dịp 70 năm chấm dứt Thế Chiến II được tổ chức tại Bắc Kinh.

Với J-20, các nhà công nghiệp vũ khí Trung Quốc tìm cách chiếm lấy thị trường từ tay các nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Khi chiếc J-20 lượn một góc 90 độ, bộ Quốc Phòng Malaysia thông báo mua 4 tầu tuần duyên của Trung Quốc, trong đó hai chiếc sẽ được sản xuất tại các xưởng đóng tầu của nước này. Trong chuyến công du Trung Quốc, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã giải thích việc mua vũ khí là một trong những ưu tiên của chuyến thăm chính thức của ông. Trước đó, sau tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Bắc Kinh, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cũng thể hiện mong muốn trang bị vũ khí Trung Quốc.

Vũ khí Trung Quốc, với giá rẻ hơn, là một lựa chọn có lợi trong bối cảnh tái vũ trang trên toàn cầu. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), chi phí quân sự trên toàn thế giới đã tăng thêm 1% vào năm 2015 so với năm 2014. Các mối căng thẳng tại nhiều vùng đã buộc nhiều nước phải trang bị vũ khí. Ví dụ Indonesia đã tăng thêm 77% ngân sách quốc phòng trong vòng 4 năm trở lại đây.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa thâm nhập được thị trường Indonesia vì chưa gây được tiếng tăm, đặc biệt về độ tin cậy của thiết bị. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tận mắt chứng kiến thất bại vụ bắn thử tên lửa chống tầu C-705. Nhưng điều đó không ngăn cản được Trung Quốc trưng bày khoảng 900 loại vũ khí, do 426 nhà sản xuất Trung Quốc tham gia triển lãm Châu Hải, trên tổng số 710 đơn vị tham gia trưng bày. Điều này cũng đủ giúp Trung Quốc giữ vị trí của mình trên bảng các nhà xuất khẩu vũ khí chính trên thế giới.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét