Nguyễn Xuân Nghĩa
Khúc Quanh Cũng Là Lúc Dễ Lật!
Cuộc tranh cử năm nay là cơ hội cho nhiều người tự hỏi về
giá trị của nền dân chủ nói chung - và riêng về nền dân chủ Hoa Kỳ.
Lời giải đáp cho câu hỏi mang tính chất triết lý chính trị ấy
sẽ phải mất nhiều năm mới có, và chưa chắc đã thỏa đáng. Yếu tố cận kề hơn, sự
chọn lựa của dân chúng khi đề cử vị đại diện cho họ tại cấp Hành pháp và Lập
pháp – qua đó ảnh hưởng đến cơ chế Tư pháp kia là Tối cao Pháp viện – cũng là
điều gây phân vân, thậm chí đả kích hay chụp mũ nặng nề từ cả hai phía.
Thật ra, nhiệt tình dân chủ qua lập luận nhiều khi quá đáng
cũng là một ưu điểm bất ngờ của dân chủ Hoa Kỳ. Dù chẳng sơ múi gì đến đỉnh
chung của chính trị, người viết này cũng thưởng thức loại nhiệt tình ấy!
Các quốc gia dân chủ khác thì kín đáo và lịch sự khi vận động
cử tri và thường tránh loại đề tài nhạy cảm mà một số cử tri Mỹ lại cho là quan
trọng. Nhưng quyền xác định “tầm quan trọng” chính là sự chọn lựa dân chủ tối
thiểu! Chế độ độc tài thì dìm cả nước xuống bùn, bên trên thủ sẵn cái còng để xử
lý những ai nói khác với chân lý của đảng.
Trở lại cuộc bầu cử năm nay, dù đứng từ giác độ chính trị
nào, ta cũng thấy ra tầm quan trọng của sự chọn lựa sau ba chục năm bất động của
sự chuyển dịch dân số theo thứ bậc “giàu nghèo” khiến thành phần “trung lưu thấp”
– 20% hạng thứ tư trên bảng ngũ phân của dân số từ giàu nhất tới nghèo nhất –
thấy tuyệt vọng với hiện tại và lo ngại về tương lai. Chưa đủ nghèo để được
nâng đỡ như nhóm ngũ phân thứ năm, họ lại khó ngoi lên cấp cao hơn vì sự đổi
thay quá mạnh của tiến trình sản xuất. Họ càng bất mãn khi thiểu số có tiền và
có học ở trên theo đuổi các ưu tiên khác về văn hóa xã hội – thí dụ như quyền
phá thai, hôn nhân đồng tính, đổi giới tính hay quyền sử dụng cần sa cho mục
tiêu y dược…. Đấy là thành phần lao động chật vật bị giới ưu tú ở trên lãng
quên, có khi miệt thị là thất học.
Khi đảng Dân Chủ chuyển trọng tâm tranh thủ từ kinh tế qua
văn hóa thì thành phần trung lưu nghèo này thất vọng và càng thất vọng khi đảng
Cộng Hòa không nhìn ra điều ấy sau tám năm lãnh đạo của đảng Dân Chủ bên Hành
pháp, với quá nhiều tai tiếng về hiện tượng cấu kết hay tư bản thân tộc.
Yếu tố chọn lựa thứ hai là kinh tế.
Đà tăng trưởng sút kém từ vụ Tổng suy trầm 2008-2009 cần giải
pháp khác, ra khỏi loại tính toán cổ điển như tăng chi hay giảm thuế, trong khi
cả chục tiến bộ về thuật lý (technology) và sản xuất đang hứa hẹn nhiều đột phá
quan trọng cho nước Mỹ trong nhiều thập niên tới. Khi đó, Chính quyền mới gồm cả
Hành pháp và Tư pháp có thể làm gì về ngân sách hay luật lệ hầu khai thác lợi
thế mới mà không lãng quên những ai chạy theo không kịp? Chạy chậm hơn và cào bằng
tất cả hay cứ lao về phía trước? Lại một vấn đề không dễ có giải pháp – trừ khẩu
hiệu!
Chuyện thứ ba còn sâu xa hơn vậy. Trật tự kinh tế thế giới bị
đảo lộn từ 2008 khiến người ta có thể quên là trật tự toàn cục thành hình từ
sau Thế chiến II đang cáo chung. Thế giới đang bước vào một vùng vô định, với
nhiều thách thức mà các thế hệ trước chưa mường tượng ra.
Cả đại lục Âu-Á, từ Tây Âu qua Đông-Á đang bị loạn to, với
cuộc khủng hoảng của thế giới Hồi giáo từ Trung Đông qua Trung Á đang dội ngược
làm Liên hiệp Âu châu thêm phân hóa. Ở cực bên kia, sự lớn mạnh và bành trướng
của Trung Quốc đã đặt ra nhiều bài toán mới. Đấy lại là lúc mà siêu cường toàn
cầu là Hoa Kỳ lại mệt mỏi và thoái thác trách nhiệm lãnh đạo.
Hillary Clinton mà làm Tổng thống thì biệt tài chiến thuật của
bà và nhiều người đi trước là thỏa hiệp có thể là nhược điểm chiến lược. Đấy là
kịch bản đáng sợ khi hiện tượng khủng bố đã vào tới xương tủy của nền văn minh
Thiên Chúa Giáo và các nước Tây phương và đe dọa sự tồn vong của nền dân chủ
trong khi Trung Quốc lại đòi vạch ra một trật tự khác.
Nhìn lại lịch sử cận đại, trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã có các
Tổng thống đã kế thừa di sản khó khăn của thời sự và các vị tiền nhiệm mà lại đảo
ngược tình hình. Đó là Theodore Roosevelt rồi Franklin Roosevelt và Ronald
Reagan. Họ đưa nước Mỹ ra khỏi thời u ám bên trong hay bất định bên ngoài và vạch
ra con đường mới trên thế mạnh cho các thế hệ về sau. Hoa Kỳ đang cần loại lãnh
tụ xuất chúng như vậy, với viễn kiến thật xa và nghệ thuật thuyết phục thật gần
để Lập pháp và giới lãnh đạo dư luận lẫn toàn dân cùng nhìn lại và tin tưởng tiến
tới.
Vào hoàn cảnh đó, chúng ta có thể thất vọng với cả hai đảng
và có khi còn tự hỏi là nước Mỹ hết thời rồi sao mà đưa ra hai ứng cử viên đại
diện có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất lịch sử?
Nhưng thể chế chính trị Hoa Kỳ không cho Tổng thống được
toàn quyền. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội càng có tầm quan trọng để cử tri bầu
lên các thế lực đối trọng hầu quân bình lại cán cân quá lệch trong một khung cảnh
phân cực quá nặng. Việc bầu bán đó sẽ có kết quả trước mắt là làm cả hai đảng đều
lỡ trớn và phải xét lại, với những trận đánh ác liệt sắp tới trên chính trường.
Đấy là điểm lật.
Cho nên khủng hoảng chính trị trong bốn năm 2016-2020 là điều
khó tránh mà cũng là nhắc nhở cần thiết, như người ta từng thấy trong nhiều
khúc quanh khác của lịch sử Hoa Kỳ. Sau cơn hốt hoảng vẫn là niềm tin mới. Sau
điểm lật cũng lại là lúc bật!
Người dân trong các xã hội độc tài thì chẳng bao giờ phải
phân vân ngao ngán vì mọi sự đã được ai đó định trước. Họ không được phép chối
bỏ thân phận con sâu cái kiến và không được nhìn thấy không gian ba chiều và chẳng
thể nêu vấn đề về lẽ trên dưới, về chuyện xin-cho. Trong các xã hội dân chủ, ai
cũng được quyền nêu vấn đề, có khi gây nhiễu âm và hỗn loạn.
Nhưng chính phản ứng đó khiến các phần tử ưu tú trong chính
trường hay trên doanh trường và các lò đào tạo trí tuệ như đại học phải nhìn lại.
Khả năng phê bình và chủ nghĩa “xét lại” mới khiến nền dân chủ Mỹ hay bị náo loạn,
mà sau cùng, như Winston Churchill đã phát biểu, “hãy tin vào người Mỹ vì họ sẽ
tìm ra giải pháp sau khi thử nghiệm tất cả!”
Cũng chính Thủ tướng Churchill của Anh đã để lại một phương
châm vàng ngọc: “Chế độ dân chủ là tệ nhất – ngoại trừ các giải pháp khác mà
con người đã thử nghiệm đâu đó”. Chúng ta đang chứng kiến cuộc thử nghiệm “sống”,
tức thời, trước mắt và hàng ngày hàng giờ tại Hoa Kỳ.
Những ai than vãn về sự bất toàn kỳ cục đó thì nên nhớ đến một
Thủ tướng khác của Anh. Ngày xưa, bà Magareth Thatcher được báo chí Anh ban cho
một hỗn danh là TINA, vì thản nhiên nói rằng “chẳng có cách gì khác”, There Is
No Alternative, viết tắt là TINA.
Ít ra, dân Mỹ vẫn còn khả năng chửi thề văng tục mà chẳng bị
ai bỏ tù về tội bôi bác chế độ!
Nguồn: https://vietbao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét