Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Chống tham nhũng: có luật nhưng thiếu cơ chế

Nam Nguyên - RFA



Việt Nam đã thực thi kê khai tài sản của cán bộ công chức có chức vụ quyền hạn trong 10 năm qua. Việc không phát hiện cán bộ công chức có thu nhập bất minh được cho là do chưa có cơ chế kiểm soát.

Kê khai mà không công khai

Theo tinh thần Luật phòng chống tham nhũng 2005 được sửa đổi lần sau cùng năm 2012, biện pháp minh bạch tài sản và thu nhập là một trong những công cụ để có thể phòng chống tham nhũng. Tuy vậy, biện pháp kê khai tài sản thu nhập mỗi năm được cho là trở thành hình thức và không giúp phát hiện thu nhập bất minh hoặc tài sản do tham nhũng mà có được.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa 14 đương nhiệm, ngày 28/10/2016 ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo năm nay có 1 triệu người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ  hơn 99% và chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Ngày 31/10/2016, ông Phạm Trọng Đạt, Thanh tra Chính phủ, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng được VietnamNet dẫn lời nói rằng, kê khai tài sản mà không quản lý được, kê khai mà không công khai thì kê khai để làm gì. Ông Đạt còn tiết lộ một thực trạng, các quan chức khi kê khai tài sản đều khai đó là tài sản của người khác, không phải của mình.

Phát biểu của Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng thể hiện sự kiện Việt Nam chưa có cơ chế để giám sát vấn đề kê khai tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:

“Kê khai thì đúng là ai cũng phải kê khai, những người cán bộ công chức có chức có quyền. Bên cạnh đó phải có nhiều biện pháp, thí dụ như quản lý dòng tiền từ ngân hàng, phải có việc không dùng tiền mặt. Thứ hai, phải có quy chế  quản lý cán bộ công chức, sau khi họ kê khai không trung thực thì phải xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thậm chí xử lý về mặt hình sự nữa, thì nó mới mang tính chế tài. Nếu ban hành Luật mà không có cơ chế kiềm soát quyền lực thì nó dễ sinh ra lạm quyền. Với cách làm hiện nay và nếu không có cơ chế thì nó chỉ mang tính hình thức thôi.”

Trên thực tế Thanh tra Chính phủ từ năm 2013 đã soạn thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức có quyền để tạo cơ chế thực thi Luật phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên dự thảo đề án này bị ách tắc ở Bộ Tư pháp và cho đến nay vẫn chỉ là các thông tin nhỏ giọt trên báo chí.

Bản dự thảo đề án giao nhiều nhiệm vụ cho hai Bộ Tư pháp và Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước. Điển hình như tiến tới mọi hình thức chi trả từ ngân sách phải qua tài khoản ngân hàng, đặc biệt với người có chức quyền.  Điểm đáng chú ý là phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức quyền từ khi được bầu cử hoặc bổ nhiệm đến 5 năm sau khi người có chức vụ, quyền hạn nghỉ hưu.

Dự kiến lộ trình thực hiện chia làm ba giai đoạn, thứ nhất từ năm 2014 đến 2016 tập trung kiểm soát thu nhập người có chức quyền ở địa phương từ Phó Chủ tịch huyện và tương đương trở lên; các cơ quan nhà nước ở Trung ương từ phó vụ trưởng và tương đương trở lên. Giai đoạn 2 từ 2017 đến 2020,  tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật và điều kiện thực hiện việc kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn và mở rộng diện kiểm soát. Và giai đoạn 3  sau năm 2020 thực hiện việc kiểm soát thu nhập đối với toàn bộ người có chức vụ, quyền hạn.

“Ta đánh ta”

Tại sao đề án kiểm soát thu nhập của người có chức có quyền, bị nằm trong ngăn kéo Bộ Tư pháp cho đến nay vẫn chưa có ý kiến gì. Các thông tin rò rỉ trên báo chí cho thấy một vài điều đáng chú ý. Đó là sự kiện bản dự thảo đề án khẳng định minh bạch tài sản, thu nhập được coi là giải pháp then chốt, trọng tâm trong phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên pháp luật hiện hành của Việt Nam có thể chưa hoàn toàn tương ứng để áp dụng.

Nhà báo tự do Phạm Thành chủ Blog Bà Đầm Xòe từ Hà Nội trình bày ý kiến về việc kê khai tài sản thu nhập và phòng chống tham nhũng không đem lại kết quả. Ông nói:

“Nói như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chống tham nhũng là ‘ta đánh ta.’ Việc một cơ quan thanh tra để kiểm tra những đối tượng xem có tham nhũng hay không cũng là ‘ta đánh ta,’ thì làm sao mà có thể phát hiện được tham nhũng. Cái gốc của vấn đề là do cơ chế, tức là ta muốn kiểm tra ta, ta muốn đánh ta mà ta muốn đánh ta được thì nó khó trở thành hiện thực lắm.”

Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trả lời VietnamNet ngày 31/10/2016 đã tiết lộ một chi tiết đáng chú ý. Theo đó, ban soạn thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức có quyền, lúc đầu muốn làm theo hướng nước ngoài, tức là kiểm tra tài sản thu nhập ở trên trước dưới sau và từ trong ra ngoài. Bà Thủy giải thích là ban soạn thảo dự tính xây dựng đề án theo hướng kiểm tra giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuôc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nhưng sau có nhiều ý kiến đề nghị  quy định kiểm tra giám sát cả cấp ủy các cấp nữa.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:

“Theo tôi, phải làm từ trên làm xuống, chứ không nên từ dưới làm lên, tức là phải làm từ những người cấp cao nhất ở trên, thì nó mới nghiêm minh được. Chứ còn những cái cấp trung trung thì rất là khó, tức là từ trên xuống dưới giống như dòng nước chảy từ trên xuống dưới, chứ không bao giờ nước chảy từ dưới lên trên. Muốn làm chuyện đó thì phải làm giống như dòng nước chảy thì mới thành công được, chứ làm như hiện nay thì rất khó…”

Quyền lực đẻ ra tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn điều gọi là “nhốt quyền lực trong lồng luật pháp”. Phải chăng Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam sẽ đi theo hướng cải cách này trong thời gian tới. Nhưng những người quan tâm đến vận mệnh đất nước cho rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục trì hoãn việc kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ và quyền hạn.


Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét