Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

“Dân ta phải biết sử ta”: Nói vậy mà không phải vậy (!?)


Minh Trí - Ngọc Thịnh
(VNTB) - Lũ học trò chúng tôi nhận thấy một điều, trong các trận chiến chống Pháp, Mỹ, Việt Nam luôn luôn là người thắng. Còn nếu thua thì cứ ba từ “rút kinh nghiệm” mà “phang” vào bài kiểm tra. Riết rồi cứ đến tiết Sử là lũ học trò tụi tôi lại ngồi ngáp lia lịa. Không lẽ lịch sử Việt Nam lại chán đến như vậy?
Có người đã nói: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tuy nhiên, hình như, nền giáo dục Việt Nam đang có xu thế đi ngược lại?
 “…Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;/ Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,/ Song hào kiệt thời nào cũng có…”.
Những trang lịch sử của Việt Nam luôn oai hùng, thể hiện khí phách của cha ông dân tộc Việt. Đó là những trận thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo; là ba lần đại phá quân Nguyên; là một Lý Thường Kiệt của “tiên phát chế nhân”; là những anh thư như Hai Bà Trưng, Bà Triệu… là của “Mơ thành người Quang Trung”.
Ngáp lia lịa
Thời gian gần đây, cư dân mạng xôn xao mới một clip của VTV, chương trình chuyển động 24h, nội dung xoay quanh về vua Quang Trung -  Nguyễn Huệ, “Ông vua Quang Trung và ông vua Nguyễn Huệ có mối quan hệ nào với nhau?”. Hàng loạt câu trả lời “ngộ nghĩnh” tưởng chừng trong một “games – show hài hước”, nghe mà vô cùng mắc cười (không biết rõ là nụ cười gì, thư giãn hay chua chát, lo lắng cho lịch sử nước nhà?) như “Con học trường Nguyễn Du mà Nguyễn Du chính là Quang Trung”; có em nói không biết, em nói biết Quang Trung, không biết Nguyễn Huệ, em trả lời là anh em, bố con, là bạn chiến đấu cùng nhau.
Đó cũng là những điều vô cùng dễ hiểu tại sao trong đợt thi đại học vừa rồi, ngoài việc tìm thấy trong sọt rác, giám sát còn phát hiện tài liệu được ghi lên cửa, hay nhiều sách Sử được ngâm trong bồn nước nhà vệ sinh. Và càng vô cùng “bình thường” hơn khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 là bình thường (!?).
Câu hỏi đặt ra đâu là nguyên nhân để diễn ra tất tần tật những điều nói trên? Lỗi hoàn toàn do các em, lỗi ở người lớn hay “phần nhiều do giáo dục mà nên”?
Chợt nhớ lại, khi mình còn bé, được ông bà cha mẹ kể về những trận đánh vẻ vang của ông cha, được nghe những bài sử ca như “Hội nghị Diên Hồng”; “Bạch Đằng Giang”; “Bóng cờ lau”… thấy thích mê. Đem niềm đam mê đó vào trường, đến lớp. Những trang sử trong sách vở lúc ấy thật dễ dàng làm sao, dễ tới cái mức mà tụi bạn nó hay hỏi: “Sao mày có thể nhớ trận đánh của Hai Bà Trưng, ông Ngô Quyền, ba lần đánh quân Nguyên… vào năm nào hay vậy?”.
Thế rồi, lớn hơn một tí, những trang sử bắt đầu nhuốm màu “súng đạn”, các bài giảng cũng dần dần khô hơn. Với học sinh (điển hình là lớp 12 thuở ấy) đi học Sử là “học tủ”, cứ có cái gì thì cứ tụng. Nếu ai không nhớ thì lên lớp… hỏi bài đứa kế bên. Ai xui hơn nữa thì bị “cấm túc”, đối diện với giáo viên xem… ai “kiên nhẫn” hơn ai?
Về phần thầy cô dạy chúng tôi thuở ấy thì cứ đến tiết, lên lớp, giảng bài theo số liệu của sách giáo khoa đưa ra, nói trận chiến này như thế này, trận chiến kia như thế kia. Cuối cùng, lũ học trò chúng tôi nhận thấy một điều, trong các trận chiến chống Pháp, Mỹ, Việt Nam luôn luôn là người thắng. Còn nếu thua thì cứ ba từ “rút kinh nghiệm” mà “phang” vào bài kiểm tra.
Riết rồi cứ đến tiết Sử là lũ học trò tụi tôi lại ngồi ngáp lia lịa. Không lẽ lịch sử Việt Nam lại chán đến như vậy?
Một số học sinh xem lịch sử như là một môn phụ, chủ yếu học là để đối phó. Giáo dục cũng cho rằng 0 điểm lịch sử là bình thường. Phần nữa, những bài học lịch sử khô cứng, không thổi hơi thở vào học sinh thì những gì đã, đang diễn ra là chuyện bình thường.
Chỉ tò mò một điều. Không biết rồi đây, sẽ còn xuất hiện những gì “thú vị” về lịch sử?


Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/07/vntb-dan-ta-phai-biet-su-ta-noi-vay-ma.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét