Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Giai thoại về dịch giả Ngọc Thứ Lang và lời tựa tiểu thuyết Bố Già


Nhân trao đổi với bạn You Know Me về tựa đề của tiểu thuyết “The Godfather” dịch thành “Bố Già”, tui tình cờ kiếm được cái giai thoại về dịch giả Ngọc Thứ Lang – người mà tui cho là dịch tác phẩm Bố Già hay nhất – khá là thú vị nên post lên cho mọi người đọc chơi.
Copy từ Sổ Tay Tháng Tám, 1999 của Nguyễn Xuân Hoàng. Link.

Tác giả The Godfather và dịch giả Bố Già

Một buổi sáng tháng Chạp năm 72, một người đàn ông gầy ốm, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay, bước vào toà soạn Văn ở đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn. Mai Thảo giới thiệu với tôi anh là Tú tức Ngọc Thứ Lang, dịch giả cuốn Bố Già của Mario Puzo. “Mình đi uống cà phê đi!” Mai Thảo rủ cả hai chúng tôi. Quán cà phê nhỏ nằm bên hông toà soạn của bà Tư (tôi không nhớ tên bà có đúng là bà Tư không, nhưng tôi nhớ bà là người Nam rất dễ tính, xởi lởi và hệch hạc. Bà vẫn thường cho tôi ghi sổ nợ để cuối tháng trả một lần cho tiện, mặc dù tôi ít khi được dịp trả nợ, vì Bố già Vượng luôn luôn “thanh toán hộ” tôi trước kỳ hạn.) Thường tôi vẫn ra ngồi cà phê sáng ở quán Cái Chùa với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, chỉ hôm nào không ra ngồi ở Quán Cái Chùa, chúng tôi mới ăn sáng ở quán bà Tư. Aên sáng ở đây không có gì khác hơn là bánh mì hột gà (ốp la hay ô mơ lét) và cà phê (đen hay sửa). Quán nhỏ nằm bên hông nhà của một con hẽm, hình như là tiệm ảnh sát bên toà soạn Văn. Con hẽm rất hẹp, chỉ vừa cho một chiếc xe Honda ra vào một chiều. Quán chỉ có hai ba chiếc ghế lèo tèo, loại ghế cao đóng bằng gỗ tạp. Ngọc Thứ Lang ít nói. Và Mai Thảo hôm đó cũng không nói gì nhiều. Chưa uống hết ly cà phê, anh Ngọc Thứ Lang là người đứng dậy trước dợm bước đi, tôi thấy Mai Thảo đứng dậy theo kín đáo dúi vào tay Ngọc Thứ Lang mấy tờ giấy bạc. Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất tôi gặp dịch giả Bố Già. Tôi không có cơ hội nào khác để gặp anh. Tôi đọc cuốn Bố Già bản tiếng Việt của Ngọc Thứ Lang và cuốn sách đã lôi cuốn tôi mạnh mẽ. Thời gian đó tôi đang thực hiện một loạt bài dưới tên Nhà Văn Ở Phút Nói Thật, phỏng vấn các nhà văn Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Mai Thảo, Bùi Giáng, Viên Linh , Nguyễn Mạnh Côn,… Bỗng nhiên tôi thấy muốn phỏng vấn một người dịch là Ngọc Thứ Lang. Bố Già Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tờ Văn cười bảo tôi, phỏng vấn chi người dịch Bố Già, cứ phỏng vấn trực tiếp Bố Già có hơn không. Bởi vì tôi vẫn thường gọi ông là Bố Già mà! Tuy nhiên thời gian đó có quá nhiều việc phải làm nên tôi quên bẳng chuyện đi tìm anh để hỏi vì đâu anh nắm bắt được cái ngôn ngữ kỳ lạ của thế giới mafia như thế.

Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt mà chúng tôi vẫn chưa được xem Bố Già trên màn ảnh lớn. Bố Già Nguyễn Đình Vượng thì đã mất trước đó một năm. Gia đình, bạn bè thì đã ly tán. Cả thành phố chìm trong bóng tối. Tôi quên mất Bố Già Mario Puzo. Tôi cũng không nhớ có một người tên là Ngọc Thứ Lang đã dịch cuốn Bố Già tuyệt hay.

Năm 1986 từ Bataan Phi Luật Tân đến Mỹ tình cờ tôi được xem cuốn video Bố Già. Tôi có cái cảm giác giống như anh Hoàng Hải Thủy, cuốn phim không lôi cuốn tôi như khi tôi đọc sách, mặc dù đó là một trong những tác phẩm lớn của điện ảnh Hoa Kỳ. Sự chờ đợi quá lâu đã làm tình cảm người ta nguội lạnh chăng? Tôi không tin là như thế. Bởi vì, có những tác phẩm, như cuốn Bác Sĩ Jhivago, sau bao nhiêu năm giờ đây xem lại vẫn làm trái tim tôi rung động như mới ngày nào vừa mới gặp người đàn bà định mệnh Lara từ cuốn tiểu thuyết của Boris Pasternak bước lên màn ảnh và khuôn mặt đam mê quyến rũ ấy cứ theo đuổi tôi mãi suốt những tháng năm trong đời mình.

Thời gian đã cắt bỏ một góc trí nhớ này, ráp nối một mãnh ký ức khác. Miếng bánh tráng nướng dòn trong tô Mì Quảng bao giờ cũng làm sống lại trong tôi cái hình ảnh dịu dàng của mẹ tôi một buổi chiều ngồi trước sân nhà trên tỉnh lộ Mười Ba ngó qua khoảnh sân banh ngập cỏ với cái khán đài không mái che và những hàng ghế gỗ xộc xệch long đinh ván cong lên hay đã gẫy.

Và cái bản tin tôi đọc được hồi đầu tháng cho biết tác giả The Godfather đã qua đời hôm 1 tháng Bảy tại thành phố Bay Shore, New York, thọ 78 tuổi, đã làm tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông gầy gò, chiếc sơ mi màu cháo lòng, hai tay áo dài thòng che lấp hai bàn tay, một buổi sáng nào đã bước vào toà soạn tạp chí Văn trên đường Phạm Ngũ Lão. Bây giờ anh ấy ở đâu, người dịch giả tài năng ấy? Hoàng Hải Thủy nói Ngọc Thứ Lang mất cách nay cũng đã 20 năm rồi. Sau 1975, hai nhà xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của anh, giờ đây không phải trả tiền bản quyền người dịch nữa. Một nhà xuất bản Việt ở hải ngoại cũng đã in Bố Già và nay cũng miễn chi tiền bản quyền cho Ngọc Thứ Lang.

“Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết best-seller từng bán đến 21 triệu quyển, qua đời ở nhà riêng trong thàmh phố Bay Shore, New York, ngày Một tháng Bảy 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, qua đời ở trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, khôâng vợ, không con.”

Theo trí nhớ Hoàng Hải Thủy thì ông đã gặp Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang, công tử Bắc Kỳ vào năm 1951 tại Sài Gòn. Đó là năm mà cả hai ông đều mới ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng ở vào tuổi đó Tú đã là người chơi trội hơn Hoàng Hải Thủy nhiều: Đánh roulette ở sòng bạc Kim Chung và hút thuốc phiện. Năm 1955, mới chừng 25 tuổi, Nguyễn Ngọc Tú đã kiếm được nhiều tiền. Anh in và bán quyển Tại Sao Tôi Di Cư cho Bộ Thông Tin chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời bộ trưởng Phạm Xuân Thái. Năm đó Nguyễn Ngọc Tú có trong tay cả trăm ngàn đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Anh ăn diện như một tay chơi thứ thiệt: áo sơ mi hàng nhập từ Paris sang chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, máy chữ, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát,… Vào giai đoạn đó, Nguyễn Ngọc Tú gặp tình yêu. Nhưng mối tình trắc trở. Người yêu anh tự tử và cuộc đời anh bắt đầu xuống dốc không phanh. Anh nằm luôn trong căn nhà bán thuốc phiện ở hẽm Monceaux, Tân Định. Ăn, hút và ngủ luôn trong nhà đó . Để có tiền hút, Tú bán dần đồng hồ, máy chữ, cặp da,… Anh trở thành người nghiện hút nặng. Những năm 70 anh viết cho tuần san Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, anh đã chọn tên Bố Già cho bản dịch của mình. Và cuốn sách trở thành tác phẩm ăn khách của Sài Gòn những năm 71, 72. Năm 1976, anh bị bắt đi phục hồi nhân phẩm trên Bình Triệu. Trung tâm cai ma túy nằm trong toà nhà Tu viện Fatima. Một nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung Tâm ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo. Cô nhà báo không tin. Và anh được phép về Sài Gòn mang cuốn sách dịch lên Trung Tâm cho cô ký giả thấy là thật.

Người ta còn nhớ khi cuốn tiểu thuyết viết về tổ chức Mafia ở Hoa Kỳ của Mario Puzo được Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ vào năm 1972 dưới tên Bố Già lập tức, như tác phẩm nguyên bản của nó, Bố Già trở thàønh cuốn sách ăn khách nhất thời bấy giờ, mặc dù đó là thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đang bước vào những giây phút ác liệt nhất, thời mà Phan Nhật Nam viết Mùa Hè Đỏ Lửa.

Người Sài Gòn rất mê cuốn tiểu thuyết Bố Già, và chờ đợi xem cuốn phim thực hiện theo tác phẩm này, thế nhưng cho đến năm 1975, chưa người Sài Gòn nào được xem phim Bố Gia do Marlon Brando đóng vai Don Corleone. Mặc dù như lời Hoàng Hải Thủy, ngay từ đầu năm 1975, người ta đã cho nhập cảng cuốn phim này vào Việt Nam, nhưng phim vẫn chưa được trình chiếu trước công chúng. Tại sao? Hoàng Hải Thủy cho biết vì những người nhập phim còn chờ đợi ngày lành tháng tốt mới đem ra chiếu để hốt bạc. Sự chờ đợi của những con buôn ấy không bao giờ trở thành hiện thực. Cuốn phim ấy đã đi qua và mãi hơn 20 năm sau người Sài Gòn mới được xem Bố Già.
Với Mario Puzo, sau Bố Già ông vẫn không ngừng viết. Năm 1996, ông viết The Last Don – Bố Già Cuối Cùng, nhưng không mấy ăn khách, và tác phẩm cuối cùng của ông Omerta (Luật Kín Miệng) sẽ được ấn hành năm 2000, cuốn sách mà tác giả không còn cơ hội nhìn thấy mặt mũi đưá con tinh thần của mình.

Lời tựa tiểu thuyết “Bố Già” của Ngọc Thứ Lang tiên sinh

Cóp từ vinagame.org.Link.

Độc giả Mỹ chẳng lạ gì tựa sách đó. Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, nó là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách “best-seller” đều được quay thành phim. “The Godfather” đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, “Bố Già” là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố Già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.

Sự toàn năng tối thượng của “Bố Già” một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra. Balzac đã viết:”Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác”. Đó cũng chính là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu chương I của tiểu thuyết như lời bình giới thiệu nhân vật “Bố Già” của mình. Ông còn cẩn thận ghi chú thêm: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có… đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, chúng ta hiểu được sự thận trọng của tác giả khi viết lời ghi chú đó. Tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa trên những chi tiết có thực về những con người có thực.

Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và “The Godfather” cho chúng ta biết rằng nhân vật “Bố Già” ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm “Mano Nero” (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức “La Cosa Nostra” (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.

Ngoài “Bố Già” thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác rất thú vị. “Kép” Johnny Fontane lại chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ Mỹ giàu nhất hiện nay.
…Tuy Mario Puzo vẽ lên những nhân vật tiểu thuyết là cái bóng phản của ông X, ông Y…sừng sỏ có thực ngoài đời như đã dẫn ở trên, những điều ông tiết lộ chẳng phải là cái gì khiến độc giả bàng hoàng, sửng sốt lắm. Ngay cả những cảnh bạo lực, bắn giết trong truyện cũng vậy. Họ thích thú đọc, hồi hộp theo dõi, và dường như sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của nó. Tin dễ dàng. Tin thanh thản. Báo chí Mỹ ngày ấy viết rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong “Bố Già”, nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó. Trong khía cạnh này thì “Bố Già” cũng giống phần lớn các sách, phim Mỹ viết về đề tài các tổ chức tội ác. Các nhân vật chính trong đó không chỉ là bọn găng-tơ, hay găng-tơ mại bản, mà còn mang dáng dấp của một anh hùng, một thần tượng. Họ có những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý xây dựng trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ sùng đạo và cương trực, v.v… Hơn hết, người viết không lên giọng miệt thị tố cáo giới giang hồ, cái mầm độc gây nguy hại cho xã hội Mỹ. Bằng một cách nào đó, người đọc hay người xem được cho thấy rằng tội ác rõ ràng không thể tiêu diệt được, nó là một bộ phận không xoá bỏ được. “Thời Báo” đã có lần nhận xét: chính sự lãng mạn hoá các ông Trùm Mafia và giới giang hồ đó đã khiến cho nó trở thành một hiện tượng xã hội chấp nhận được và giúp nó phát triển.”

Phải chăng Mario Puzo chỉ dừng lại ở chỗ lãng mạn hoá một ông Trùm Mafia và những sự kiện bạo lực ác liệt chung quanh ông Trùm đó? Xây dựng nhân vật dựa trên những chất liệu có thật, ông đã tiểu thuyết hoá các con người thật dưới những nét miêu tả chân chất. Và chúng ta cũng không quên chủ định của tác giả ẩn sau câu trích dẫn đầu quyển sách: “Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác.”

Giới thiệu “Bố Già” lần này, chúng tôi mong sẽ đem đến cho độc giả một hình ảnh xưa với những suy nghĩ mới về một hiện tượng phức tạp đang tồn tại trong xã hội Mỹ hiện nay.



 https://chuyenvovan.wordpress.com/2009/03/12/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét