Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CÂU CHUYỆN ÔNG PUTIN

Lê Phan

Huyền đai và vô địch karate, đua xe Formula 1, và thỉnh thoảng lãnh tụ của liên bang Nga, ông Vladimir Putin, như theo ý kiến của địa chỉ MashableUK, vừa biểu diễn một thành quả thể thao phi thường ngay cả chính với ông trong một trận đấu ice hockey để đời.

Vị tổng thống có vẻ sắp trở thành muôn năm của nước Nga đã làm bàn 8 lần trong một trận đấu ở thành phố nghỉ mát Sochi của nước Nga hôm Thứ Bảy tuần rồi, qua mặt cả những tay chơi vĩ đại của trò chơi này như Pavel Bure, cầm đầu đội tuyển của mình đến một chiến thắng quyết liệt và lịch sử 18 ăn 6, mặc dù ông mới bắt đầu chơi từ năm 2011.

Dĩ nhiên nếu ai theo dõi trận đấu, dầu chỉ là để nửa mắt trong khi còn multi tasking việc khác, cũng thấy là một số những bàn thắng của tổng thống trông hơi... xạo xạo làm sao đó. Dĩ nhiên ta cũng phải công nhận là ở tuổi 62, ông Putin trông cũng còn lanh lẹ ra phết, nhưng cũng phải thêm là thủ môn của phe địch có vẻ đã không mấy cố gắng chặn đòn của tổng thống. Tờ The Economist mỉa mai, “Ngay cả những ủng hộ viên trung thành nhất của ông cũng phải thấy điều đó.”


Điều còn mỉa mai hơn là sau đó đội tuyển quốc gia Nga đã thua Canada 6-1 trong giải vô địch thế giới ở Prague. Như vậy là cộng với thất bại của đội tuyển Nga ở Thế Vận Hội Sochi cũng vào tay Canada, đây quả là một cái nhục khó rửa. Nhất là thời còn Liên Bang Xô Viết cũ, trong các thập niên 1960, 1970 và ngay cả đến 1980, đội tuyển Liên Xô thường xuyên đánh bại đội tuyển Canada. Chưa hết, đội tuyển Nga, trong một cử chỉ hờn dỗi như con nít, đã bỏ ra khỏi sân trước khi quốc ca Canada trỗi lên để vinh danh đội vô địch. Chỉ vài thành viên còn lại, cầm đầu bởi ngôi sao của Liên Đoàn Hockey Quốc Gia Canada NHL là Alexander Ovechkin. Tội nghiệp ông Ovechkin tìm cách ngăn cản các bạn đồng đội của mình những đã thất bại.

Sự thất bại ở Prague đã là một gáo nước lạnh dội lên những nhà “ái quốc” Nga thân Putin. Họ khẳng định với nhau, đây không phải cách ice hockey được chơi trong cái thời hoàng kim của Liên Xô. Phát ngôn nhân của đội tuyển Nga Igor Larin giải thích thật lý thú: “Chúng ta cần phải trở thành một cường quốc bình thường đã. Một khi chúng ta trở thành một cường quốc bình thường, chúng ta sẽ chơi như người Canada.” Lời tuyên bố quái đản này đã làm chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao của Viện Duma Alexei Pushkov nổi giận, “Cái ông này ăn nói bậy bạ quá. Bộ ông quên mất là chúng ta đã đánh bại người Canada nhiều lần rồi sao?”

Một trong những điều khiến ông Putin được dân chúng Nga ngưỡng mộ là một phần nào đó, ông đã phục hưng lại được lòng tự hào dân tộc. Và một trong những điều mà ông Putin có vẻ như đã hứa với họ là sẽ đưa nước Nga trở lại vị thế siêu cường của thời Liên Xô cũ.

Khổ một nỗi tham vọng đó cứ gặp trở ngại hoài trong hai lãnh vực mà Liên Xô đã rất thành công, thể thao và không gian. Cũng hôm thứ bảy, một hỏa tiễn Proton-M của Nga chở một vệ tinh cho Mexico đã rớt chưa đầy 10 phút sau khi được phóng lên. Đây là lần mới nhất của ít nhất là vấn đề với hỏa tiễn Proton từ năm 2010 và một vụ “tai nạn” thứ nhì trong chương trình không gian của Nga trong vòng chưa đầy một tháng. Hôm đầu tháng, một con tàu chở hàng Progress đã không đáp được vào Trạm Không Gian Quốc Tế, có vẻ vì hỏa tiễn Soyuz có vấn đề. Dĩ nhiên là có rất nhiều những cuộc phóng thành công, nhưng những thất bại này, không những đang gây khó khăn cho Nasa, vốn đang trông cậy vào Nga để đưa phi hành gia và vật dụng lên Trạm Không Gian Quốc Tế sau khi Nasa cho về hưu các phi thuyền con thoi.

Cũng phải thêm là cũng như Nasa, các chương trình không gian của Nga cũng bị vấn đề tài chánh. Trong nhiều năm, nền kinh tế khó khăn, đầu tư vào không gian đã giảm dần. Vấn đề của chương trình không gian Nga lại thêm chồng chất vì như một nhà bình luận Nga Andrei Sinitsyn giải thích trên tờ nhật báo chuyên về kinh doanh Vedomosti “(trong quá khứ) những kỹ nghệ song dụng (cả quân sự lẫn dân sự) như không gian hoạt động dưới đe dọa trừng phạt nặng nhưng lại được hưởng tài nguyên vô tận. Nay đe dọa không có hiệu nghiệm nữa và tài nguyên thì giới hạn.”

Nhưng riêng ông Putin vẫn đơn thương độc mã duy trì vị thế “người hùng” cho quốc gia. Trong 15 năm nắm quyền, ông đã từng săn cọp, đánh trần ra câu cá, cưỡi ngựa, đi cứu báo tuyết, chữa lửa bằng phi cơ, và vô cùng hiếm có, chỉ lặn lần đầu tiên mà đã tìm được cổ vật ở Hắc Hải.

Khổ một nỗi một số những vụ này dàn cảnh quá đến chính ông Putin cũng phải công nhận. Câu hỏi mà tờ The Economist đặt ra là với những màn dàn cảnh lộ liễu và giả mạo quá đến nỗi mục đích tuyên truyền của nó cũng khó đạt được, vậy chuyện gì đã khiến có những màn trình diễn kỳ quái này.

Một giải thích không mấy sâu sắc là vì chúng là một phần của việc tôn thờ lãnh tụ mà điện Kremlin đã tạo ra quanh ông Putin, nhất là kể từ khi ông tái tục nắm chức tổng thống năm 2012, sau bốn năm làm thủ tướng để tránh một chướng ngại hình thức mà Hiến Pháp đã đặt ra. Những cố gắng này bao gồm những phim tài liệu nịnh bợ, những đoàn thanh niên trung thành, những bản nhạc ca ngợi, tượng đài, hình ảnh, và tất cả những tấm hình ông “cưỡi gió” theo đàn chim hạc di cư hay một mình vật lộn với gấu trắng. Theo lý luận này, những trò hề đó là để cung cấp cho ước muốn có một lãnh đạo mạnh, cột người Nga vào với ông Putin và giúp họ quên đi những sự thất bại rất nhiều của chế độ.

Nhưng The Economist không tin là vậy. Tờ báo chỉ ra là tuy thường xuyên bị tấn công bởi những luận điệu bài Tây phương, những thông tin tôn thờ ông Putin, khá nhiều người Nga đủ tinh khôn và cũng có bản năng nghi ngờ nên khó mà bị đánh lừa. Chả thế mà trên Internet những lời chế nhạo ồn lên mỗi khi có một biến cố như vậy, đặc biệt là trong giai đoạn biểu tình xuống đường hồi năm 2011. Người Nga hẳn cũng thấy rõ như những người Tây phương là thủ môn không cố tâm giữ goal, và rằng những cái trò hề kiểu “viễn tây” đó đã được đạo diễn. The Economist do đó lý luận là những cái trò này không phải là tổng thống đánh lừa dân chúng nhưng là một sự hợp tác. Trong các tuồng này, ông Putin đã đóng vai một sa hoàng can đảm, độ lượng, ái quốc và không ai lay chuyển được, thay vì chỉ là... ông. Trong một quốc gia mà dân số đàn ông đa số nghiện rượu và sức khỏe kém, những cái trò mạo hiểm của ông tiêu biểu cho một biểu tượng lý tưởng của nam giới. Nó cũng trấn an dân Nga là họ không cần phải lo về ai sẽ kế vị, một yếu kém về cơ cấu trong chế độ cá nhân trị của ông. Xét như thế thì ông Putin không phải là một thần tượng để tôn thờ mà là giáo chủ của một tôn giáo, không phải là tập trung của ao ước của một quốc gia mà là một nguồn cung ứng hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hơn thế, những hình ảnh này còn tiêu biểu cho một nguồn quyền lực nữa: quyền ép buộc của sự dối trá. Nói láo, và rồi buộc mọi người, dầu cho là dân của ông hay là các nhà ngoại giao, phải chấp nhận sự gian dối đó, đã trở thành một trong những khí cụ chính trong nghề cai trị của ông Putin. Những cáo buộc rõ ràng là giả mạo đối với các nhà tranh đấu, sự gian dối trắng trợn về cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, không phải là những khía cạnh phụ của lối cầm quyền của ông. Nó là điều chính, chứng minh khả năng của điện Kremlin coi thường sự thật nếu thích, cũng như khả năng bò tù đối lập và xâm lăng các quốc gia khác.

Thành ra những cú làm bàn trong trận ice hockey đó thích hợp với một chiến thuật: Vladimir Vladimirovich có thể không có khả năng thể thao để làm chủ sân cầu nhưng ông chắc chắc có quyền lực để buộc mọi người phải giả bộ là ông có thể làm được điều đó.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét