Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

DIỄN ĐÀN CỦA AI?


Diễn đàn của ai?

Lê Phan


Hàng năm khi mùa Ðông đang bao trùm Âu Châu, ở một thành phố nhỏ xíu của Thụy Sĩ, những người giàu có nhất và đôi khi nhiều quyền nhất thế giới tụ họp trong cái nay được gọi là Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum-WEF), hay như thường được gọi tắt là Diễn Ðàn Davos.

Davos quả là diễn đàn của những kẻ quyền quý, bởi nếu không có quyền hay không có tiền thì khó đến được Davos, nhất là khi nghe nói là tiền đến dự lên đến 40,000 đô la theo dự đoán được tờ Guardian của Anh quốc trích dẫn. Và cũng vì có kẻ quyền quý tụ hội là có báo chí. Những cơ quan truyền thông thế giới đều phải gửi đại diện. Ðài CNBC có nguyên một trang blog dành cho diễn đàn và phát tuyến ngay thẳng từ Thụy Sĩ. Các đài truyền hình khác, từ CNN đến Fox News, từ BBC đến ABC đều phải có đại diện. Các báo điện tử như Huffington Post cũng không thiếu. Còn báo giấy thì dĩ nhiên là đủ mặt. Không những các tờ báo chuyên về kinh doanh như Wall Street Journal hay Financial Times có mặt mà còn các tờ báo khác nữa. Mục Dealbook của tờ New York Times gửi nguyên một phái đoàn nhỏ.

Nhưng tất cả những ồn ào đó có đạt được gì ở Davos hay không?

Năm nay là năm thứ 45 cuộc hộp họp này được thực hiện. Thực sự nó là một hội nghị khổng lồ của giới quyền quý do một tổ chức “bất vụ lợi” điều hành diễn ra hàng năm. Nó luôn luôn được tổ chức ở thành phố nhỏ Davos nằm trong rặng núi Alps. Bình thường Davos có 11,000 dân, nhưng khi diễn đàn nhóm họp, thành phố phình ra để chứa nhiều ngàn khách. Năm nay trên 2,500 quan khách được dự trù đến dự, chưa kể các đại diện báo chí và tùy tùng của họ.

Diễn đàn được quảng cáo là một cơ hội cho giai cấp cai trị gặp nhau, trao đổi ý kiến, và tìm cách giải quyết những vấn đề quan trọng toàn cầu. Mỗi năm có một chủ đề thường nghe đao to búa lớn nhưng khá mơ hồ được đưa ra. Năm nay chủ đề là “The New Global Context,” muốn hiểu nó là gì thì hiểu. Khi đưa ra chủ đề, ban tổ chức muốn nói đến “một giai đoạn thay đổi sâu xa về chính trị, kinh tế, xã hội và kỹ thuật mà thế giới mới đi vào, và có tiềm năng chấm dứt giai đoạn kết hợp kinh tế và đối tác quốc tế bắt đầu từ năm 1989.” Ý hẳn ban tổ chức muốn nói là toàn cầu hóa sắp cáo chung.

Thường cái đề tài rộng rãi đó cho phép có những phiên họp về bất cứ đề tài nóng bỏng nào trên thế giới. Năm nay, có những phiên họp về bất bình đẳng trong lợi tức, khoa học về gene, trí khôn nhân tạo, và cuộc chiến Israel-Palestine.

Diễn đàn này ra đời vào năm 1971. Nó được thành lập bởi ông Klaus Schwab, chủ tịch diễn đàn và là một giáo sư của Viện Ðại Học Genève. Lúc khởi đầu nó được gọi là Diễn Ðàn Quản Trị Âu Châu (European Management Forum). Mãi đến năm 1987, diễn đàn mới đổi tên thành Diễn Ðàn Quốc Tế, để phản ảnh vai trò toàn cầu của nó.

Nhưng bảo là toàn cầu thì cũng không đúng cho lắm vì không phải vùng nào hay nhóm nào cũng được đại diện đồng đều ở diễn đàn này.

Vậy ai đến dự diễn đàn này? Phải nói đây là cuộc tụ tập những kẻ quyền quý lớn nhất thế giới mà chúng ta có thể thấy được hiện nay. Ðặc biệt các nhà lãnh đạo kinh doanh chiếm đa số ở diễn đàn, khác với các tụ hội quan trọng khác trên thế giới thường chỉ dành cho các nhà lãnh đạo chính trị. Tờ báo điện tử Quartz của Tập đoàn Atlantic Media đã đếm được 2,872 người tham dự năm nay và diễn đàn thì khoe là có khoảng 1,500 nhà kinh doanh đến dự, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như bà Marissa Mayer của Yahoo, Sheryl Sandberg của Facebook.

Các chính trị gia cũng rất đông đủ. Danh sách khách năm nay kể cả nhiều thủ tướng và tổng thống hay chủ tịch vòng quanh thế giới. Từ Thủ Tướng Angela Merkel của Ðức, người phụ nữ uy quyền nhất thế giới đến Quốc Vương Abdullah của Jordan đến Thủ Tướng Lý Khắc Cường của Trung Cộng, các chính trị gia đều có mặt. Có năm Davos còn được cả tổng thống Hoa Kỳ đến tham dự.

Nhưng có lẽ sự mỉa mai của Davos đã lộ rõ Thủ Tướng Angela Merkel của Ðức đang chủ trì một khóa họp về “Trách nhiệm toàn cầu trong thời đại điện tử” thì ở Brussels, Thống Ðốc Ngân Hàng Âu Châu Mario Draghi loan báo kế hoạch kích thích các nền kinh tế của khối Euro, một kế hoạch mà chính phủ của bà thủ tướng đã cực lực chống.

Chưa hết, còn có các nhân vật khác nữa kể cả những ca sĩ như wil.i.am. Davos có lẽ là nơi duy nhất năm nay mà chúng ta có thể gặp George Soros cùng một nơi với một ca sĩ nhạc rock. Ðó cũng là nơi mà will.i.am khoe trên twitter là đã đi party với nhật báo Wall Street Journal và Sir Richar Branson.

Và dĩ nhiên khi có những người quyền quý tụ hội, ở thời đại này, cũng sẽ có những người phản đối. Hồi năm 2013, nhóm bảo vệ quyền cho phụ nữ từ Ukraine, Femen, đã tổ chức một cuộc phản đối ngoạn mục “topless” mỉa mai bảo là các lãnh tụ thế giới ở Davos chỉ “giả bộ bày tỏ quan ngại về số phận phụ nữ.” Năm 2014, những nhà tranh đấu cũng từ Ukraine đã đến để phản đối lần này là chống lại Tổng Thống Viktor Yanukovich.

Thế chuyện gì thực sự xảy ra ở Davos?

Chính thức mà nói thì Davos cũng chỉ là một hình thức hội thảo hay hội nghị, nghĩa là những bài diễn văn, các toán thảo luận. Nhưng có một số điểm làm cho Davos đặc biệt. Trước hết là chương trình bao gồm loại hoạt động phải chi ra chục ngàn đô la để tham dự. Năm nay có ca sĩ nhạc cổ điển Andrea Bocelli cũng như các buổi ngồi thiền tập thể do người được coi là bậc thầy của thế giới tâm linh Jon Kabat-Zinn.

Nhưng nhiều người đến dự Davos mà không thèm tham dự một khóa họp hay vui chơi chính thức nào cả. Bởi điều làm cho Davos thực sự khác người là danh sách khách mời. Các lãnh tụ kinh doanh, các viên chức chính quyền, các người nổi tiếng, tụ tập để nghe thảo luận một phần nhưng chính là để gặp gỡ nhau. Davos thường được diễn tả là một thế giới nhỏ riêng tư trong đó những người giàu có và quyền quý có thể gặp nhau trong hành lang hay là trong các quầy rượu. Và dĩ nhiên cũng vì vậy mà các nhà báo đổ tới. Ðây là cơ hội ngàn năm một thuở để có thể chặn đường bà Merkel hỏi xem bà nghĩ gì về quyết định của ông Draghi. Một nhà báo từng giải thích là hỏi những câu như vậy, chỉ cần nhìn sắc mặt của một lãnh tụ là đủ hiểu hết tất cả.

Davos như vậy là về vị thế quyền quý và về tiếp cận. Như một nhà báo chuyên về tài chánh đã viết năm 2011, chính mấy các party cuối ngày mới quan trọng, vì đây là lúc mọi người thư giãn và có lẽ dễ 'gần gũi' nhất. Ấy thế mà cái ông đứng ra tổ chức Davos, Giáo sư Schawab lại bảo với tờ New Yorker là những parties này làm “chúng tôi phân tâm không chú ý vào chuyện cần phải làm.”

Nhưng Davos có quan trọng không?

Davos chắc chắn là nổi tiếng nhưng quan trọng thì cũng chưa chắc. Thực ra mỗi năm đến mùa Davos là các nhà báo lại viết những bài chỉ trích về sự quan trọng của diễn đàn. Mới năm ngoái, chủ bút của Bloomberg News Tom Keene đã chê Davos 2014 là “lạc hậu” và “làm bộ.”

Một trong những chỉ trích quan trọng nhất với diễn đàn là nó đã tiêu biểu cho sự cách biệt giữa nhóm 1% so với phần còn lại của thế giới, rằng nó đưa nhóm quyền quý lại với nhau để bàn thảo về các vấn đề của thế giới trong một khung cảnh bao bọc tách rời khỏi những gì mà 99% còn lại muốn nói. Năm ngoái cũng như năm nay, bất bình đẳng là một trong những đề tài được nói nhiều đến, nhưng nói chuyện bất bình đẳng giữa những party mắc tiền thì quả là trớ trêu lắm thay.

Dĩ nhiên những người tham dự Davos thì bảo là diễn đàn đã là nơi thực sự có ích lợi vì nó đưa các nhà kinh doanh, khách hàng và chính phủ vào một chỗ, khiến cho hợp tác dễ dàng hơn ở những nơi khác.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà những người quyền quý thích dự Davos. Cây bút bình luận Gillian Tett của tờ Financial Times giải thích hồi năm 2012 là Davos là nơi mà những người quyền quý có thể tách rời ra khỏi thế giới ngày càng không tin tưởng và ghen tức với họ. Bà Tett viết, “Các vị CEO đều hiểu rõ sự thù hận đối với giai cấp quyền quý đang dâng.” Một lãnh tụ doanh nghiệp bảo với bà “làm một CEO có thể là một cuộc sống hết sức cô đơn khi muốn có một ai để tâm sự và để cố vấn, thành ra họ đến Davos để gặp và nói chuyện với nhau.” Thế ra họ đến để tâm sự với nhau.

Nhưng tuy được gọi là Diễn Ðàn Thế Giới, Davos không tiêu biểu cho thế giới. Davos là của người giàu và của Tây Âu và Bắc Mỹ. Hai vùng đó chiếm đến hai phần ba số khách. Davos cũng rất ít phụ nữ. Theo Quartz, năm nay chỉ có 17% khách đến dự là phụ nữ.

Nghe đâu WEF đang muốn thay đổi thực trạng này. Mỗi thành viên doanh nghiệp của WEF có được bốn vé vào cửa cho nhân viên. Nhưng nếu một trong các vé đó là một phụ nữ thì họ được thêm một vé nữa, miễn phí!

Năm nay Davos còn thêm một hiện tượng nữa. Với Trung Cộng ngày càng giàu có và hùng mạnh hơn, một số doanh nghiệp của họ cũng bắt đầu xuất hiện. Có điều, câu chuyện khố rách làm giàu của các nhà đại kinh doanh Trung Cộng đã làm tờ Financial Times nghi ngờ. Từ người sáng lập ra Huawei, tập đoàn đang bị chính phủ Hoa Kỳ nghi ngờ làm gián điệp cho chính phủ Bắc Kinh, đến chủ tịch của Soho China, một công ty địa ốc, ai cũng bảo mình xuất thân nghèo khó. Tờ FT mỉa mai, “Hẳn tại đó là kịch bản ăn khách nhất hiện nay.”


Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét