Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

LHQ cho ‘dùng biện pháp cần thiết’ chống IS

 
Cửa kiếng một quán cafe bị tấn công tại Paris hôm 13/11  

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết cho phép các quốc gia ‘tăng cường’ hành động chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), sau các cuộc tấn công thảm sát ở Paris tuần trước.

Dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc “dùng mọi biện pháp cần thiết" trong cuộc chiến chống IS.

IS tuyên bố họ thực hiện các cuộc tấn công Paris khiến 130 người chết.


Họ cũng nhận trách nhiệm vụ đánh bom chết người ở Lebanon tháng này, trong khi một nhóm liên kết IS tuyên bố gây ra vụ rơi một máy bay chở khách Nga tháng 10/2015.

Nghị quyết 2249 của Liên Hiệp Quốc cũng lên án các cuộc tấn công gần đây ở Sousse, Tunisia và Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghị quyết được thông qua trong lúc nhà chức trách Bỉ nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất ở thủ đô Brussels, báo động một "mối đe dọa sắp xảy ra".

Một số trong những kẻ tấn công Paris được xác định sống ở Brussels. Salah Abdeslam, kẻ duy nhất sống sót trong nhóm này vẫn đang đào tẩu và được cho là đã quay lại đó.

Nhà chức trách Bỉ cũng thông báo rằng một nghi phạm vừa bị buộc tội tham gia các cuộc tấn công Paris, nâng tẩng số nghi phạm lên ba người.
Pháp và Nga lập luận rằng hành động quân sự là chính đáng vì các quốc gia có quyền tự vệ

Hành động quân sự là chính đáng

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên "tiêu diệt hang ổ của IS và các nhóm chiến binh khác” tại một số tỉnh của Iraq và Syria.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia nên "tăng cường và điều phối các nỗ lực của họ để ngăn ngừa và chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố".

Tuy nhiên, nghị quyết không trích dẫn Chương VII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, theo đó cho phép các quốc gia có thẩm quyền sử dụng vũ lực.

Pháp và Nga lập luận rằng hành động quân sự là chính đáng vì các quốc gia có quyền tự vệ.

Trước đó, các quan chức Pháp cho hay Hasna Ait Boulahcen, người em họ của kẻ được cho là cầm đầu các cuộc tấn công hôm 13/11 tại Paris không nổ bom tự sát mà thực ra là bị bắn chết sau khi ý định thuyết phục đặc nhiệm không thành trong cuộc bố ráp của cảnh sát hôm thứ Tư 18/11 tại Saint-Denis.
Nhà chức trách Bỉ nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất ở thủ đô Brussels
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC, một thành viên của nhóm đặc nhiệm tham gia cuộc bố ráp cho hay Hasna Ait Boulahcen, 26 tuổi, "cố thuyết phục rằng bà ta không dính líu với các phần tử khủng bố, không làm gì với họ và muốn đầu hàng".

Nhưng ông nói rằng dựa vào nguồn tin tình báo trước đó, “chúng tôi biết rằng bà ta muốn lừa phỉnh chúng tôi".

Các quan chức cho biết kẻ đánh bom tự sát là một người đàn ông và kẻ bị cáo buộc cầm đầu Abdelhamid Abaaoud cũng đã bị giết.

Trong một diễn biến khác, các công tố viên Pháp cho biết, kẻ đánh bom tự sát thứ hai trong cuộc tấn công Stade de France đã đến Pháp qua ngả Hy Lạp. Các công tố viên trước đó đã cho biết một trong những kẻ tấn công đã đi cùng tuyến đường này qua đảo Leros của Hy Lạp. Những kẻ khủng bố có thể đã giả dạng người tỵ nạn Syria.

Hàng trăm người đã bị thương trong các vụ tấn công diễn ra gần như đồng thời tại các quán bar, nhà hàng, một phòng hòa nhạc và sân vận động tại Paris.

IS tuyên bố họ đứng sau các vụ tấn công được ghi nhận là tồi tệ nhất ở châu Âu từ vụ đánh bom Madrid năm 2004.


 http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151121_un_measures_is

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét