Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Âu Châu khó khăn để đối phó khủng bố


PARIS - Sau vụ khủng bố ở Pháp cuối tuần vừa qua, người ta nhận thấy việc đối phó với nạn khủng bố tại Âu Châu nói chung và Liên Âu nói riêng là một bài toán vô cùng khó khăn phức tạp.



Hoa và thông điệp của dân chúng Anh chia buần và bày tỏ tình đoàn kết với Pháp trong buổi lễ tưởng niệm tại công trường Trafalgar, London.

Trước hết, không có biên giới giữa 28 thành viên Liên Âu khiến cho rất khó kiểm soát chặt chẽ các phần tử khủng bố tự do qua lại. Làn sóng dân tị nạn từ Trung Đông và Phi Châu đang đổ tới rõ ràng tạo ra một môi trường dễ dàng cho khủng bố trà trộn và phân tán đến khắp mọi nơi. Xã hội phức tạp với các cộng đồng di dân đã định cư từ lâu ở nhiều nước Âu Châu là vấn đề nan giải về mặt an ninh. Như người ta đã biết, Nhà Nước Hồi Giáo ISIS là tổ chức chủ mưu vụ khủng bố ở Paris nhưng Abdeslam Salah, nghi can cầm đầu nhóm khủng bố lại là một thanh niên 26 tuổi sinh ở Bỉ.

Nạn khủng bố đã xảy ra ở Âu Châu từ hơn nửa thế kỷ, bắt đầu từ Pháp và Ý năm 1958 trong thời kỳ chiến tranh giải phóng thuộc địa Bắc Phi. Tuy nhiên đó chỉ là một vài hành động lẻ tẻ của cá nhân ở Paris và một vài thành phố Ý, với thương vong nhỏ, cao nhất là tại Milan, Ý, năm 1969, với 17 người chết.



Cuộc khủng bốn lớn nhất là vụ bắt giữ làm con tin phái đoàn vận động viên Israel ở Thế Vận Hội Munich năm 1973 do nhóm kháng chiến Palestine thực hiện, 17 con tin bị giết khi Đức tấn công định giải cứu, Từ đây về sau, các vụ khủng bố là do các tổ chức chính trị địa phương và hầu hết là những nhóm Hồi Giáo cực đoan, bao gồm cả các vụ không tặc và đặt bom nổ máy bay hành khách.

Sau vụ al-Qaeda tấn công Hoa Kỳ 9/11/2001, hình thức khủng bố hoàn toàn thay đổi và từ 2004 Liên Âu bắt đầu gánh chịu tai họa từ các tổ chức Hồi Giáo quá khích. Vụ khủng bố chết người nhiều nhất, ở Âu Châu xảy ra năm 2004 khi 334 con tin bị giết trong một trường học ở Beslan, Nga, năm 2004, cũng do loạn quân Hồi Giáo.

Tổn thất nhân mạng nặng nề nhất là vụ khủng bố al-Qaeda nổ bom ở các ga xe lửa Madid, Tây Ban Nha, năm 2004, với 191 người chết và 2,050 bị thương. Tiếp theo là vụ nổ bom tự sát ở ga xe lửa London tháng 7 năm 2005 làm 52 người chết, 700 bị thương. Vụ khủng bố ở Paris vừa qua đứng háng thứ nhì về tổn thất nhân mạng, 138 chết kể cả 8 khủng bố, 352 bị thương.

Sáu nơi bị tấn công tối Thứ Sáu 13 ở Paris và vùng phụ cận là vụ khủng bố lớn thứ nhì ở Paris sau 11 nhân viên tuần báo trào phúng Charlie Hebdo bị sát hại tại tòa báo hồi đầu năm. Tác giả cả hai vụ này và một loạt các hành động khủng bố nhỏ hơn xảy ra trong vòng hai năm vừa qua đều do các tổ chức Hồi Giáo quá khích đã có tai tiếng như al-Qaeda và ISIS. Nhật báo Le Figaro ở Paris nói rằng theo nhận định của EuroPol, tổ chứ cảnh sát của Liên Âu, động lực tôn giáo đóng vai trò chính. Các nhóm ly khai ở Pháp như nhóm dân đảo Corse cũng có nhiều hành động khủng bố, tuy nhiên quy mô và tầm mức tàn nhẫn kém xa.

Một số các chuyên gia nghiên cứu về khủng bố nói rằng nguyên nhân chính của tình trạng khủng bố đang hoạt động mạnh ở Pháp là do số cư dân Pháp trốn qua Syria gia nhập ISIS. Dân số Pháp bằng 1/8 dân số Liên Âu  nhưng cư dân Pháp trốn sang Syria, khoảng 1,550 tính cho đến tháng 8, chiếm  từ ¼ đến 1/3 con số toàn Liên Âu. Tuy nhiên chưa rõ có phải chính những phần tử ấy trở về khủng bố tại Pháp hay không, bởi vì nghi can then chốt, Abdeslam Salah, như đã nói trên là dân Bỉ và một nghi can khác cũng vừa bị bắt ở Bỉ. Ngoài ra người ta tìm thấy một hộ chiếu Syria gần xác một khủng bố nổ bom tự sát bên ngoài sân vận động Stade de France.

Cơ quan an ninh Pháp bị tràn ngập với số hàng ngàn người tình nghi cần phải theo dõi, bao gồm những kẻ từ Pháp đã qua Syria, một số kẻ từ Syria trở về, những người dường như đang chuẩn bị đi và những kẻ hoạt động đáng nghi ngờ tại Pháp.

Một yếu tố quan trọng khác, Pháp là nơi có nhiều súng hơn hết so với mọi nước thành viên EU. Để so sánh: 89% dân Mỹ có súng, ở Âu Châu Thụy Sĩ 46%, Phần Lan 45%, Cyprus 36%, Thụy Điển 32%, Pháp 31% nhưng Pháp đông dân hơn nhiều so với bốn nước kia. Vũ khí của liên bang Nam Tư sau khi tan rã lọt vào tay các nhóm buôn lậu và các nhóm khủng bố có thể dễ dàng mua được.

Pháp còn là nước Âu Châu tích cực nhất trong chiến tranh chống khủng bố. Quân Pháp đã tham chiến ở Afghanistan, đưa hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles de Gaulle  đến Libya, đem quân can thiệp vào Mali và nhiều vùng ở Phi Châu khác, tham gia chiến dịch không kích chống ISIS trong liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Do đó Pháp là một trong những kẻ thù chính ở Âu Châu của các nhóm Hồi Giáo quá khích. Thêm vào đó, ở quốc nội, chính quyền Pháp có những điều không khoan nhượng đối với dân Hồi Giáo, chẳng hạn cấm phụ nữ mang mạng che kín mặt và những đảng phái hoặc những tờ báo đều có thể tự do phê phán Hồi Giáo như trường hợp tuần báo Charlie Hebdo. Hai cuộc tấn công khủng bố quan trọng của Hồi Giáo quá khích trong năm nay sẽ làm cho Pháp thêm cứng rắn dứt khoát đối phó với khủng bố, một chiều hướng tốt cho tương lai bình an của thế giới nhưng trước khi đi đến thành quả ấy Âu Châu có thể còn phải chịu nhiều tai họa bất ngờ không thể dự tính hết.  (HC)


 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217635&zoneid=403

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét