Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chợ trên xe thồ


SÀI GÒN (NV) - Tôi đã từng xem người ta đội hàng hóa bán rong ngoài chợ ở các nước Ả Rập. Tuy nhiên có lẽ không đâu việc tải hàng đi bán rong nhiều như Việt Nam hiện nay.

                       Trên chiếc xe đạp là cả một cái chợ bé xíu xiu. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Từ ngoài đường phố cho đến trong các ngõ ngách khắp thành phố Sài Gòn đầy dẫy xe ba bánh hay gắn máy chở trăm thứ hàng hóa. Nào thực phẩm thịt thà tôm cá cho đến rau đậu, trái cây và bà rằn các thứ hàng hóa vật dụng cần đến hàng ngày.          

Có điều không phải ai cũng dễ dàng sở hữu một chiếc xe ba bánh dù cà tàng. Xe đạp xem chừng gọn gàng, vừa túi tiền với người lao động nghèo và dễ len lỏi ngay cả những con hẻm hẹp nhất của thành phố.

Vì thế người ta nhìn thấy dân nhập cư từ các miền của Việt Nam đến thành phố, với chiếc xe thồ nặng chình nặng trĩu đi khắp nơi bán hàng. Phụ nữ không đạp nổi chiếc xe ba bánh xếp hàng có ngọn nên thường chỉ dùng xe đạp. Cong lưng đẩy chiếc xe đạp chồng chất đủ thứ hàng như muốn cụp xương sống, họ như người lực sĩ nghèo nàn ốm yếu cử đẩy những quả tạ quá nặng ngoài tầm vóc và hơi sức của mình.

Hôm nay tình cờ tôi lại gặp một chiếc xe thồ như vậy. Một cô gái trẻ đội nón lá che sụp cả mặt, oằn mình đầy cái chợ nho nhỏ của mình đi bán rong. Năm rồi cô gái này bán cốm từ miền Trung chở vào, sau đó mất tăm hơi. Chắc là cốm không đắt khách nên cô tìm cách đổi mặt hàng.

Xe ba gác có lòng xe khá rộng và sâu để đổ hàng chứ xe đạp thì chứa bao nhiêu. Chiếc xe đạp này như không thấy đâu vì bị bao trùm, che khuất bởi vô số bao bịch chồng chất chung quanh. Ngoài ghi đông đằng trước, chiếc yên sau ràng một chiếc thúng to. Lại thêm nhiều túi to nhỏ treo chung quanh và úp lên trên chiếc thúng ấy. Tuy nhìn rất to lớn nhưng thực chất chỉ toàn các món nhẹ. Nếu nặng quá thì chiếc xe đạp mỏng manh sẽ bể lốp chứ làm sao đạp đi nổi.

Khi ngừng lại, cô bán hàng kéo một thanh gỗ dọc sườn xe ra làm nạng để chống cho chiếc xe cồng kềnh khỏi nghiêng đổ.

Cô ta chào mời:

- Ngoài cốm, bánh phồng còn mè xửng mới mang từ miền Trung vào. Và đây là kẹo cau, kẹo gừng...

Quả nhiên trước tay lái vắt đầy cốm gạo, cốm nếp, bánh tráng mè đen... Cứ mỗi bịch là một loại bánh khác nhau. Cốm Quảng Ngãi có tráng đường lên mặt ăn thơm mùi gừng uống với nước trà sau bữa cơm.

Dân tứ xứ kéo đến Sài Gòn mang món ăn từng vùng quê hương theo họ. Vừa giới thiệu, phổ biến các thứ đặc sản tới dân thành phố, vừa nguôi lòng xa xứ khi đi đâu cũng thấy các những thức quen thuộc đó. Dân nhập cư càng đông, hàng rong càng nhiều. Đây là loại buôn bán không đứng cố định một chỗ nên không sợ bị đuổi, không chịu thuế má. Hàng rong nhiều nên cạnh tranh cũng gia tăng. Hàng hóa của họ vì thế ngày càng trở nên phong phú.

Cô ta tháo hai bao nylon to tướng nằm trên thúng, vạch ra cho khách nhìn rõ hơn và giới thiệu:

- Đây là miến và bún gạo mười lăm ngàn một ký.

Để rỡ bao bún gạo, cô ta lại phải nâng chồng nón lá đặt lên yên xe. Nón lá lâu nay càng ngày càng ít người dùng. Thế mà ở đây có tới mấy chục chiếc thứ mỏng, thứ dày, thứ trơn, thứ lộng hoa lá... Có thứ nón Huế mỏng nhẹ, dày hơn là nón Cần Thơ... Loại thường ba chục ngàn một chiếc. Tốt hơn giá mỗi cái năm chục. Lại thêm một gói nhỏ đựng quai nón xanh đỏ đi cùng cho khách chọn.

Tôi tiến lại gần để xem. Thế nhưng khi đứng sát chiếc xe lại ngửi thấy lẫn lộn vào đó không chỉ là mùi thơm va ni của một rừng bánh: bánh đuông, bánh kẹp, bánh đũa... Té ra các gói nhỏ buộc lủng lẳng quanh chiếc sọt lớn, một nửa là các loại bánh cổ truyền Việt Nam, nửa kia chính là đồ khô. Món mặn và món ngọt bình thường không thích hợp kề cận nhưng trên chiếc xe đạp nhỏ bé chật chội này, xem chừng chúng đành yên ổn nằm sát cạnh nhau.

Thấy tôi chăm chú nhìn, cô gái vội giải thích:

- Đây là khô cá Phan Thiết, cá lóc, cá sặc rằn và sặc bổi Cà Mau... Còn bọc lớn kia là đầu khô mực. Mỗi ký một trăm sáu chục ngàn. Người ta rất thích mua râu mực để nấu nhiều món ăn nên có bao nhiêu đều bán hết trong ngày.

Đây mới chỉ là các thứ hàng hóa chung quanh và trên mặt giỏ. Bên trong chiếc giỏ to đan lưới thép thưa là nếp cái, nếp than, các thứ đậu đỏ, đậu xanh và đậu đen xanh lòng. Có một thời gian, đậu đen xanh lòng bán rất chạy vì dân thành phố rộ lên bài thuốc mỗi sáng nuốt 49 hạt đậu đen mang lại sức khỏe, sống lâu. Thêm cả tỏi, hành tím... mà cô ta quảng cáo là tỏi Bắc và tỏi Lý Sơn, hành tím Vĩnh Châu...

Vì quá nhiều túi, bọc nên cô bán hàng luôn miệng giới thiệu hết món này đến món khác. Dường như đặc sản của mọi miền đất nước đều hội tụ trên chiếc xe đạp nhỏ bé này với giá cả không thể rẻ hơn.

Những chiếc xe thồ đã đẩy chợ lưu động đến tận hang cùng ngõ hẻm mang đủ mọi thứ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Xe này bán đồ khô nên đi rong đến tận chiều. nhưng những xe bán thức tươi như rau cỏ, thịt thà... chỉ tới gần trưa là nghỉ cùng lúc với chợ tàn. Đồ khô lợi ở chỗ hàng bán được trong nhiều ngày không sợ ế trong khi hàng tươi phải bán hết nội buổi sáng.

Cô bán hàng giải thích:

- Những thứ hàng lặt vặt thế này, đôi khi sáng, người ta đi chợ không nhớ hoặc ngại ra chợ xa mất công chỉ để mua món nhỏ nên mua của tôi tiện lợi lắm. Vì nhiều hàng nên thế nào họ cũng chọn được món gì đó.

Cô tiếp theo:

- Tôi chọn đi dạo trong các khu vực bình dân thường có các bà nội trợ ở nhà suốt ngày gọi vào mua. Khu công chức đi làm cả ngày, cửa nẻo đóng kín mít vắng vẻ, vả họ thường đi siêu thị hơn mua hàng rong.

Cứ vài ngày, cô lại đến chợ sỉ một lần để bổ hàng, chọn mua những thứ nhẹ nhàng để có thể đẩy hay đạp xe suốt ngày. Tuy vất vả như vậy nhưng lời không bao nhiêu vì hầu như khu dân cư nào ngoài siêu thị và chợ lớn có nhà lồng thì còn rất nhiều chợ cóc họp trong hẻm. Bởi vậy hàng lạ và rẻ thì may ra mới bán được.

Vài người dừng lại hiếu kỳ nhìn cả một gian hàng đồ khô nằm trên chiếc xe đạp. Bánh kẹo xưa bây giờ khó bán vì các tiệm tạp hóa thường bán hàng đẹp có mẫu mã bắt mắt bắt chước hàng Thái Lan, Trung quốc. Vì thế bánh kẹo cổ tuyền đâm ra ít, chỉ bắt gặp đây đó như trên chiếc xe thồ này.

Tôi mua tất cả năm mươi bốn ngàn đồng cho hai ký bún gạo, một bịch bánh kẹp với cọng lá ngò trang trí gọi là bánh hẹ làm từ Phan Thiết. Tôi thích nhất bánh hạnh nhân tròn tròn, to hơn lòng bàn tay một chút vốn được trẻ con vùng quê ngày xưa rất yêu thích. Gọi là bánh hạnh nhân nhưng thực ra chỉ có hạt đậu phọng nhấn lên mặt thay thế hạnh nhân mà thôi.

Lúc này cô gái có vẻ thấm mệt. Mồ hôi trán đổ ra, gương mặt tái nhợt. Một số kẻ làm giàu bất kể trong khi hầu hết người dân còn có quá nhiều kẻ bần cùng lam lũ ngược xuôi những ngõ ngách của cuộc sống để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi. Cô gái đẩy xe tạp hóa đi bán hàng rong có lẽ là như thế.

Cũng như tất cả dân nhập cư, cô ta còn gia đình dưới quê.

Cô gái nói:

- Tôi có một đứa con gái ở dưới quê. Cháu ngoan lắm, hằng ngày vẫn gọi điện thoại nói chuyên với mẹ luôn.

Thì ra điện thoại di động bây giờ là vật bất ly thân và là phương tiện duy nhất của cô gái bán hàng rong để liên lạc thường xuyên với gia đình.

Những người phụ nữ mua ve chai hay bán giày dép, người nào cũng nằm túi một chiếc điện thoại di động. Họ gọi nhau nói chuyện ra rả ngoài vỉa hè như nói chuyện với người trong nhà vậy. Thôi thì đó cũng là an ủi phần nào nỗi nhớ gia đình, quê hương trên bước đường cơ cực kiếm tìm cái sống cho gia đình của họ.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét