Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

HAI HƯỚNG NHÌN


  
Lê Phan 


Tuần rồi tôi được đọc hai bài của hai bạn đồng nghiệp viết về Trung Quốc, một bài từ Anh quốc và một bài từ ngay trên Biển Đông.

Bài thứ nhất trên tờ Financial Times nói về ngân sách quốc phòng của Trung quốc với lý luận rằng mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gia tăng hai con số mỗi năm từ mấy thập niên nay, một điều đang gây lo sợ cho các quốc gia láng giềng, nhưng ngân sách và số lượng binh sĩ theo tác giả Charles Clover chỉ nói lên được một nửa câu chuyện.

Bài báo mở đầu với sự việc là hầu như mỗi ngày chúng ta đều nghe đến những tiến bộ lịch sử của quân đội Trung Quốc. Mới thứ năm tuần trước, một khu trục hạm có hỏa tiễn đạn đạo đã đậu ở cảng Aden đang lâm nguy của Yemen để cứu 225 người Hoa ra khỏi vùng chiến sự. Được quảng cáo ở Bắc Kinh như là cố gắng di tản hàng hải đầu tiên của hải quân nước họ, sứ vụ này giúp cho thấy tham vọng ngày càng gia tăng của giải phóng quân.

Vài ngày sau, đài truyền hình nhà nước cho thấy hình chụp từ vệ tinh ba tàu ngầm đậu ở căn cứ tuyệt đối bí mật ở cực Nam đảo Hải Nam. Truyền thông nhà nước nói đó là loại tàu ngầm hạt nhân tối tân nhất của hải quân Type-093G. Và các chuyên gia Trung Cộng nói là vào cuối năm nay Bắc Kinh sẽ cho những tàu ngầm này đi tuần lần đầu tiên.

Và cũng trong tuần lễ bận rộn đó, Pakistan nhận mua của Bắc Kinh 8 tàu ngầm trong một hợp đồng trị giá cho đến 5 tỷ đô la, hợp đồng bán vũ khí lời nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Trung Quốc hôm tháng rồi cũng loan báo là đang xây hàng không mẫu hạm thứ nhì và ngân sách quốc phòng năm nay sẽ lên 10.1%, đánh dấu 27 năm liên tiếp tăng hai chấm. Trong khi đó, trong năm năm qua, xuất cảng của kỹ nghệ quốc phòng của Bắc Kinh đã tăng 143%, khiến họ đã trở thành quốc gia đứng thứ ba về xuất cảng vũ khí, chỉ sau Hoa Kỳ và Nga, theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế ở Stockholm (Sipri).

Câu hỏi tác giả đặt ra là “Phải chăng Trung Quốc đang quân sự hóa? Hay họ chỉ xây dựng quân đội?” Sự phân biệt, theo tác giả, không phải chỉ trong vấn đề danh từ. Quân sự hóa là điều mà các quốc gia làm khi họ tính chuyện sử dụng quân đội của họ, và được đo không phải bằng tàu bè hay xe tăng mà bằng cách xử sự.

Dẫn thái độ của Bắc Kinh ở Biển Đông, vốn đã làm cho các quốc gia láng giềng từ Nhật Bản đến Đài Loan, từ Philippines đến Việt Nam lo ngại, nhất là khi Bắc kinh tăng cường sự kiểm soát trên những hòn đảo tranh chấp. Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã gọi việc này là tạo “một bức vạn lý trường thành bằng cát” khi ông nói đến những cố gắng bơm cát từ đáy biển lên để xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên đó có hải cảng, quân trại và cả phi đạo.

Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã bảo với chính tờ Financial Times, “Nếu chúng ta nhìn vào Trung Quốc trên phương diện quân sự, công chi của họ cho quốc phòng tăng liên tục 27 năm ở một mức gần hai con số mỗi năm và, ngay lúc này, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gấp 3.6 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản.” Mà Nhật là một quốc gia giàu có, đủ khả năng để có thể gia tăng ngân sách.

Bắc Kinh còn gây lo ngại hơn nữa trước thái độ diệu võ dương oai của họ. Ngay trước ngày Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ, quân đội Trung Cộng tiến gần biên giới tranh chấp với Ấn ở trên rặng Hy Mã Lạp Sơn. Hồi tháng 11 năm 2013, bộ quốc phòng Bắc Kinh đột ngột thành lập “Khu nhận diện phòng không” (ADIZ) vốn đòi hỏi các phi cơ đi qua vùng đó phải khai báo với họ trên một vùng trời bao gồm cả Biển Hoa Đông nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản về lãnh thổ. Nghe đâu hành động đó đã được thực hiện mà không thông báo cả cho bộ ngoại giao Trung Quốc.

Sau khi chỉ ra là nếu chiến thuật của Trung Cộng được suy xét qua con số thì gia tăng 10 lần trong ngân sách quốc phòng từ năm 1989 đến nay quả là vô cùng đặc biệt. Một chuyên gia ở Sipri Sam Perlo-Freeman nhận xét, “Tôi không nghĩ được một trường hợp tương tự mà không phải trong thời chiến hay là đang dẫn đến chiến tranh.”

Nhưng ông Clover dẫn lời ông Jack Midgley, giám đốc về chiến thuật của bộ phận tư vấn của công ty Deloitte ở Tokyo, giải thích là, “Chúng ta đã tập trung quá mức vào liệu giải phóng quân muốn gì và giải phóng quân sẽ làm gì, chúng ta dễ dàng quên mất là giải phóng quân hiện đang làm gì. Khi người ta bảo Trung Quốc đang có một sự gia tăng quân sự có tính xâm lấn, con số cho thấy một câu chuyện khác.” Các chuyên gia mà ông Clover chọn chỉ ra là tính theo tỷ lệ GDP thì chi cho ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ có 2.21% GDP, thua xa các quốc gia láng giềng chứ đừng nói đến Hoa Kỳ.

Ông Clover còn chỉ ra thêm là tuy Bắc Kinh đã đổ tiền vào máy móc, nhưng quân đội của họ có rất ít khả năng điều khiển những hệ thống vũ khí tối tân này. Vả lại ông Clover cũng chỉ ra là sự phát triển của quân đội không đồng đều thành ra vì thiếu phi cơ vận tải cho quân đội nên ngày càng thấy quân đội đáp máy bay dân sự. Nếu nói về không quân chẳng hạn, mỗi phi công Hoa Kỳ có lẽ có nhiều kinh nghiệm lên xuống hàng không mẫu hạm nhiều hơn toàn thể quân đội Trung Quốc.

Có rất nhiều điều chúng ta có thể tranh cãi với lập luận của ông Clover nhưng chúng tôi không có ý định làm điều đó ở đây.

Bên kia bờ Thái Bình Dương, một nhà báo của đài BBC đã thực hiện một bài tường thuật mang tên “Xí nghiệp xây đảo của Trung Quốc.”

Câu chuyện của nhà báo Rupert Wingfield-Hayes bắt đầu trên một con tàu đánh cá của ngư dân Philippines lênh đênh trên Biển Đông. Sau 40 giờ lăn lộn với sóng gió, họ thấy một cái gì nổi lên ở chân trời, trông như một giàn khoan. Nhưng khi tàu đến gần, ông nhà báo của BBC ngạc nhiên buột miệng hỏi, “Trông như là đất liền,” nhưng khi nhìn tới nhìn lui vào cái GPS, anh chẳng thấy có một 'hòn đảo' nào được đánh dấu ở chỗ đó cả chỉ có một bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa. Nhưng nhà báo nói là ông đã không trông lầm. Quả đó là một hòn đảo. Khi hỏi ông thuyền trưởng người Phi chỗ này tên gì vậy, ông ta bảo, “Bãi Gaven.” Nhà báo năn nỉ thuyền trưởng hãy đến gần hơn nhưng cơn giông bão làm họ phải trở về.

Nhà báo kết luận, “Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu chặng đường chỉ để thời tiết đánh bại. Nhưng tôi biết là tôi đã thấy một hòn đảo ở nơi mà chỉ cách đây vài tuần không có hòn đảo nào cả. Ngay chính ông thuyền trưởng của tôi cũng chưa từng thấy nó.”

Chuyển hướng vì gió bão, họ đi về hướng Nam và đụng nơi mà tên tiếng Anh là Johnson South Reef, mà tên tiếng Việt không mấy người Việt mà không biết vì đó là Đá Gạc Ma. Cũng vậy nơi máy định vị GPS chỉ ghi một bãi ngầm nay là một hòn đảo nhân tạo vĩ đại. Nhiều triệu tấn đất đá đã được nạo vét từ đáy biển và bơm đổ lên trên bãi san hô để tạo thành đất mới. Dọc theo 'bờ biển' nhà báo thấy các toán đang xây một bức tường chắn biển. Có xe trộn xi măng, cần trục, ống thép lớn và những ngọn đèn xì lấp lánh. Trên đỉnh một lô cốt, một binh sĩ Trung Quốc đang chĩa ống nhòm vào con tàu đánh cá nhỏ bé của nhà báo. Nhà báo yêu cầu thuyền trưởng tới gần hơn nhưng ngay lập tức bầu trời bùng lên hỏa châu, khuyến cáo của phía Trung Quốc.

Và Rupert Wingfield-Hayes giải thích, “Đối với Trung Quốc cuộc chiến dành Biển Hoa Nam không phải là vì tài nguyên mà là về chủ quyền và không gian chiến thuật. Nó cũng không phải là một cuộc tranh chấp với Philippines và các quốc gia láng giềng. Thay vì vậy nói là về đối thủ chiến lược thực sự của Trung Quốc: Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ không công nhận dành chủ quyền của Trung Quốc, và Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tiếp tục đi qua lại thường xuyên ở Biển Hoa Nam. Nhưng hải quân Trung Quốc ngày càng khiêu khích hơn.”

Và nhà báo kết luận, “Trung Quốc mới bắt đầu sự thăng tiến thành một cường quốc hải quân. Tốc độ thay đổi thật đáng kinh ngạc. Hiện nay Trung Quốc đang xây dựng nhiều chiến hạm và tàu ngầm nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác, kể cả Hoa Kỳ. Một hàng không mẫu hạm thứ nhì đang hình thành. Hải quân Hoa Kỳ vẫn lớn hơn và mạnh hơn. Nhưng khoảng cách đang hẹp dần nhanh hơn người ta tưởng. Chuyện gì đang xảy ra ở Biển Hoa Nam là một biểu hiện của ý định của Trung Quốc. Tham vọng của Trung Quốc là chế ngự vùng biển bên trong 'chuỗi đảo thứ nhất.' Về lâu về dài họ muốn đi xa hơn, ngoài Philippines và miền Nam Nhật Bản, đến 'chuỗi đảo thứ nhì,' đến Palau, Guam và chuỗi đảo Bắc Mariana. Sẽ có một chuyển hướng chấn động trong thăng bằng lực lượng ở Tây Thái Bình Dương. Trong 70 năm qua, Hoa Kỳ là cường quốc vô địch của vùng này. Nay, lần đầu tiên, một cường quốc mới đang lên với ý chí và phương tiện để thách thức sự chế ngự quân sự của Hoa Kỳ. Nó sẽ khó là một chuyến đi bình an.”

Nếu bảo tôi chọn giải thích của ai thì tôi xin chọn giải thích của nhà báo ở Biển Đông.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét