Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Kiều hối về VN năm 2015 là 12 tỉ USD

Tôi mới nhận được số báo đặc biệt Xuân Bính Thân của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, với nhiều bài viết hay -- như thường lệ. Xin cám ơn các bạn TBKTSG còn nhớ đến tôi và gửi báo biếu. Trong các bài đó, tôi chú ý đến bài viết cung cấp những thông tin về kiều hối. 

Trích nguồn từ một nghiên cứu của Gs Thái Cẩm Hưng, nói là từ đại học Pomona (1), bài báo cho biết trong năm 2015 kiều hối về VN là 12 tỉ USD. Trong số này, 1.6 tỉ USD là từ nửa triệu người Việt đi làm mướn ở nước ngoài (tức xuất khẩu lao động). Trong số còn lại (10.4 tỉ), phân nửa là từ Mỹ, nơi có nhiều người Việt tị nạn nhất. 

Con số 12 tỉ USD kiều hối phải đặt trong bối cảnh xuất khẩu mới thấy được qui mô của nó. Năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu tính bằng USD như sau (2): 

• Gỗ và sản phẩm gỗ: 6.77 tỉ
• Thuỷ sản: 6.53 tỉ
• Gạo: 2.85 tỉ
• Cà phê: 2.56 tỉ
• Hạt điều: 2.39 tỉ 


Như vậy, số tiền Việt kiều chuyển về VN cao hơn bất cứ mặt hàng xuất khẩu nào. Thật ra, số kiều hối tương đương với tổng giá trị xuất khẩu của thuỷ sản, gạo, cà phê cộng lại! 

Nhưng trong khi đồng bào ở nước ngoài gửi tiền về, thì các đại gia ở VN gửi tiền đi. Theo bài báo, trong thời gian 2008-2013 số tiền mà các đại gia VN (có lẽ kể cả quan chức) gửi ra nước ngoài là 33 tỉ USD. 

Như vậy, chúng ta thấy một tình trạng trớ trêu. Một đằng là đồng bào nghèo ở nước ngoài chắt chiu gửi tiền về quê hương, thì trong nước một đằng là giới nhà giàu tuồn tiền ra nước ngoài. Có thể hiểu rằng kẻ nghèo lo xây dựng, còn kẻ giàu thì lo trốn thuế. 

Bài báo viết rằng "Nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng. Đây không phải là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước". Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định này. Theo kinh nghiệm của chính tôi, tiền người Việt ở nước ngoài gửi về thân nhân trong nước là "tiền tình cảm", tiền tự nguyện nhằm giúp cho thân nhân có cuộc sống ổn định hơn hoặc giúp làm ăn buôn bán. Tôi chưa thấy một người bà con nào của tôi ở dưới quê, dù rất nghèo, mà trông chờ vào đồng tiền từ nước ngoài. 

Tôi nghĩ nếu tác giả muốn nói chính quyền thiếu lòng tự trọng và ăn bám thì cứ nói thẳng như thế, chứ hà cớ gì mà mượn câu chuyện kiều hối cho người dân nghèo để làm tiền đề. Tôi nghĩ nói rằng người dân trong nước trông chờ vào kiều hối là một xúc phạm đến lòng tự trọng của họ. 


Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét