Trà Mi-VOA
Tư lệnh hàng đầu phụ
trách các hoạt động quân sự của Mỹ ở Châu Á kêu gọi Hoa Kỳ nên dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam để tăng cường phòng thủ trước kế hoạch gầy dựng
quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu trong buổi
điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm qua, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình
Dương Harry Harris nhấn mạnh việc Bắc Kinh gần đây bố trí tên lửa đất đối không
trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đưa hệ thống radar ra Đá Châu Viên thuộc Trường
Sa, và xây các đường băng tại khu vực là
hành động thay đổi ‘môi trường vận hành’ ở Biển Đông trong nỗ lực chiếm
lĩnh quân sự vùng Đông Á.
Đô đốc Harris khẳng định
‘Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á’ và đề nghị hải quân Mỹ
cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị,
đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như
Trung Quốc. Đô đốc Harry Harris nói:
"Còn nhiều việc
cần phải làm và chúng ta cần phải giữ xung lượng. Tôi yêu cầu Ủy ban Quân vụ
Thượng viện ủng hộ việc tiếp tục đầu tư cho các khả năng trong tương lai. Tôi cần
các võ khí tăng cường sát thương, có khả năng tấn công nhanh hơn và sâu
hơn."
Thượng nghị sĩ Jack
Reed, một thành viên cao cấp trong Ủy ban, nhấn mạnh tại buổi điều trần:
"Một trong những
trụ cột trong chiến lược của Mỹ là bảo đảm an ninh ổn định khu vực thông qua việc
duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, từ hợp tác quốc phòng mới
với Philippines, sự hiện diện hàng hải luân phiên tại Australia, cho tới mối
quan hệ quốc phòng đang phát tiển với Việt Nam. Đang có những tiến bộ đáng kể
trong chính sách tái cân bằng của Mỹ về Châu Á. Chúng ta phải tiếp tục thăng tiến
các mối quan hệ đối tác này và chứng tỏ cam kết với khu vực bằng việc đầu tư hữu
hiệu cho các chương trình tăng cường hiện diện và khả năng của Mỹ tại
đây."
Đáp câu hỏi của thượng
nghị sĩ John McCain, người lâu nay thúc đẩy tích cực cho hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ,
rằng có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam hay không, chỉ huy
lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tuyên bố: ‘Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược
quan trọng cho Hoa Kỳ và tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội
làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa’. ‘Tôi
nghĩ rằng chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam,’ Đô đốc Harris nói.
Chính quyền của Tổng
thống Barack Obama trong thời gian gần đây đang tăng cường thúc đẩy bang giao với
Hà Nội. Năm 2014, Washington tuyên bố dỡ bỏ phần nào lệnh cấm vận võ khí cho Việt
Nam, một hành động mang tính lịch sử sau khi chấm dứt cuộc chiến Việt Nam.
Cả Washington và Hà Nội
xem quyết định này là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa hai nước
cựu thù trước sự ‘giương oai diễu võ’ của Trung Quốc trong khu vực.
Các giới chức Hoa Kỳ
cho biết chỉ bật đèn xanh cho Hà Nội đối với các loại võ khí sát thương trên biển
bao gồm những thiết bị về an ninh và giám sát hàng hải, một phần trong nỗ lực của
Mỹ tăng cường hỗ trợ các đồng minh và đối tác giúp đáp ứng với đe dọa từ Trung
Quốc, đảm bảo an ninh hàng hải trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, cho tới
nay, chưa có báo cáo về việc Mỹ bán võ khí cho Việt Nam và rào cản khiến lệnh cấm
chưa được hủy bỏ hoàn toàn chính là quan ngại về thành tích nhân quyền của Hà Nội,
một điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ gần gũi Việt-Mỹ.
Điều kiện này giúp tô
đậm chính sách xoay trục của Mỹ về Châu Á trong sự cân nhắc, tôn trọng dân chủ-nhân
quyền, các giá trị cốt lõi mà Hoa Kỳ lâu nay ra sức cổ súy trên toàn cầu, theo
nhận định của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt
ngữ.
Tiến sĩ Vũ, nghiên cứu
viên của chương trình Dân chủ Reagan-Fascell tại Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ Hoa Kỳ
và cũng là một nhà phân tích và hoạt động chính trị được nhiều người biết tiếng,
cho rằng:
"Mỹ đặc biệt
quan tâm đến ổn định ở Đông Á và tình hình Biển Đông nói riêng. Các hành vi gây
xung đột của Trung Quốc, đương nhiên Mỹ phải đặc biệt quan tâm vì nó làm gián
đoạn đường lưu chuyển của quốc tế. Bằng cách bảo vệ Việt Nam, giúp Việt Nam, Mỹ
đang khẳng định với Trung Quốc rằng hãy chấm dứt ngay các hành động phiêu lưu quân
sự. Mỹ nhất thiết phải ủng hộ Việt Nam. Thế nhưng, phải có điều kiện: phải cải
thiện nhân quyền. Việt Nam cũng đã có những cam kết cải thiện theo yêu cầu của
Mỹ. Đây không phải là nhân nhượng, mà là cái thế Việt Nam bắt buộc phải làm, bởi
vì nếu Việt Nam không cải thiện nhân quyền thì mọi cái khác đều ách tắc."
Dù vẫn còn một số
nghi ngại với ‘đế quốc Mỹ’ và không muốn làm phật lòng ‘người anh em cộng sản
Trung Quốc’, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang có các bước tiến gần hơn với
quốc gia ‘tư bản thù địch’ với những lời kêu gọi Washington biểu hiện cương quyết
hơn trước các âm mưu bành trướng, gây hấn từ Bắc Kinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét