Biên dịch: Vũ Thị
Hương Giang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: William
Henderson & Wesley R. Fishel, “The Foreign Policy of Ngo Dinh Diem”,
Vietnam Perspectives, Vol. 2, No. 1 (Aug., 1966), pp. 3-30.
Chính sách đối ngoại
của một quốc gia là sản phẩm của nhiều lực lượng, thường là đối lập nhau, nhưng
là những lực lượng tương đối rõ ràng. Điều này đặc biệt rõ rệt trong lịch sử
ngoại giao của các nước được thiết lập lâu đời trên vũ đài chính trị thế giới.
Hệ quả của các nhân tố như vị trí địa lý, dân số, tài nguyên kinh tế, lịch sử
và ý thức hệ thường được dẫn giải như những yếu tố quyết định chủ yếu của chính
sách đối ngoại. Ít nhất, những yếu tố quyết định đó xuất hiện để đặt ra các giới
hạn cho việc thực hiện chính sách đối ngoại nói chung của một quốc gia cụ thể.
Tuy vậy, việc phân
tích chính sách đối ngoại theo nghĩa đó trở nên quá máy móc; thường không xem
xét được những yếu tố ngẫu nhiên và phi lý vốn có trong mọi sự kiện của con người.
Hơn nữa, trong trường hợp các quốc gia mới độc lập, nghiên cứu các yếu tố quyết
định này thường chẳng có tác dụng mấy trong việc tìm hiểu các chính sách đối
ngoại của họ. Hoàn cảnh ra đời của các nhà nước độc lập, tính ngẫu nhiên của
các cuộc đấu tranh cay đắng giành sống còn, sự thiếu kinh nghiệm của họ trong
thăng trầm của quan hệ quốc tế có thể dẫn đến những năm tháng hành động ban đầu
cách xa với những gì rút cục được coi là giới hạn “bình thường” trong chính
sách đối ngoại. Một đất nước cần có thời gian để ổn định. Việc xem xét hồ sơ quốc
tế trong những năm mới ra đời của một quốc gia có thể không thật sự mang lại
nhiều bài học cho xu hướng chính sách đối ngoại có thể có trong dài hạn.
Điều đó có thể rất
đúng với trường hợp Nam Việt Nam. Hoàn cảnh ra đời đầy bạo lực khi trở thành một
quốc gia độc lập năm 1954, và lịch sử u sầu của nó từ thời đó, có vẻ đã bóp méo
chính sách đối ngoại đến mức vượt xa khỏi ngoài biên giới của cái được cho là
giới hạn tự nhiên của nó. Từ khi độc lập, Nam Việt Nam đã phải tập trung hoàn
toàn vào cuộc đấu tranh để đơn giản có thể tồn tại như một thực thể độc lập.
Trong quá trình đó, sự phát triển trong quan hệ giữa Sài Gòn và các nước khác
đã bị ảnh hưởng to lớn, và sự tiến hóa từ từ của một chính sách đối ngoại “bình
thường” – phản ánh những gì rốt cục có thể trở thành các quyền lợi kinh tế,
chính trị “truyền thống” và các quyền lợi khác của quốc gia – đã bị hao mòn.
Tất cả điều đó nhanh
chóng trở nên rõ ràng khi tìm hiểu diễn biến chính sách đối ngoại của Nam Việt
Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Đây là một giai đoạn nghiên cứu cực kỳ thú vị và
vô cùng quan trọng nhằm hiểu được chính trị đương đại, không chỉ ở Đông Nam Á
mà trên cả thế giới. Nhưng tình hình suốt thời Diệm và sau khi ông bị lật đổ trở
nên thật sự bất thường khiến ta chần chừ khi khái quát hóa các xu hướng dài hạn
của chính sách đối ngoại từ hồ sơ lịch sử. Trong khía cạnh này, các chế độ khác
nhau sau Diệm kể từ tháng 11/1963 đã thể hiện sự nối tiếp những bất thường của
giai đoạn Diệm. Thật sự mà nói, truyền thống chính sách đối ngoại “bình thường”
của Nam Việt Nam vẫn chưa được tạo ra.
Bài viết này muốn
đánh giá hồ sơ của Nam Việt Nam trên trường quốc tế suốt thập kỷ nắm quyền của
Diệm. Nó không nhằm mục đích diễn giải lịch sử có hệ thống về chính sách đối
ngoại của Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn mười năm đó bởi hồ sơ tư liệu vẫn
còn hoàn toàn thiếu thốn cho mục đích ấy. Do đó, trong khi chúng ta xem xét các
chủ đề chính của chính sách đối ngoại dưới thời Diệm, phân tích này đặc biệt nhằm
truyền tải một số điều về chất lượng và “hương vị” của chính sách, và xem xét một
số định kiến cơ bản đã tạo nên bản chất của việc hình thành chính sách ấy.
Tầm quan trọng tương
đối của chính sách đối ngoại
Ngô Đình Diệm thống
trị chính phủ Nam Việt Nam trong gần một thập niên, từ khi nhận chức tháng
7/1954 cho đến khi bị ám sát tháng 11/1963. Chế độ của ông để lại dấu ấn mãi
mãi lên lịch sử đương đại của Việt Nam và Đông Nam Á. Các sai lầm bi kịch và những
cơ hội bị đánh mất trong các năm cầm quyền của ông, và tình hình u ám xung
quanh việc ông bị lật đổ, đã làm lu mờ các thành tựu hiển nhiên của Diệm, nhất
là trong những năm 1950. Hồ sơ trong lĩnh vực đối ngoại đặc biệt đáng lưu ý.
Nhìn chung, tuy có một số khuyết điểm rõ ràng, việc thực hiện công tác đối ngoại
suốt thời Diệm nắm quyền là điều đáng khen.
Ở một chừng mực đáng
kể, chính sách đối ngoại của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) suốt giai đoạn này là
chính sách của chính Ngô Đình Diệm. Mặc dù ông thường dựa vào các nhóm cố vấn
thường xuyên bị thay đổi, cả về đối ngoại và đối nội,[1] bản thân Diệm là nhân
tố quyết định trong việc hình thành chính sách trong ít nhất mười năm sau đó
cho đến khi ông ngày càng phụ thuộc vào người em Ngô Đình Nhu. Các Ngoại trưởng
của Diệm, kể cả Vũ Văn Mẫu – người giữ chức Bộ trưởng trong gần hết thời gian
đó, đóng vai trò tuy đáng kể nhưng vẫn mang tính bổ trợ.[2] VNCH không có John
Foster Dulles.
Tuy vậy, chính sách đối
ngoại không phải là mối bận tâm thường trực của Diệm. Để yên tâm, ông quan tâm
sâu sắc đến thế giới quanh mình, và đặc biệt chú ý tới diễn biến ở các nước có ảnh
hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nhưng Diệm và các đồng nghiệp chủ chốt của mình
trong chính phủ là những tay chơi nghiệp dư thật sự về chính sách đối ngoại.
Nhìn chung, Diệm giảm thiểu tầm quan trọng của tình hình quốc tế đối với đất nước
mình, và đánh giá thấp những đóng góp mà một nền ngoại giao mang tính xây dựng
có thể đem lại cho sự nghiệp của chính ông ta. Ông nắm bắt tin tức khá tốt về
các sự kiện, nhưng thường không nắm được tầm quan trọng thật sự của chúng. Thường
thì ông đơn giản chỉ là thờ ơ với những gì các cường quốc nước ngoài nghĩ về
tình hình Việt Nam; đôi khi ông lại phản ứng dữ dội với các bình luận ở những
nước khác, và thăm dò liên miên để tìm kiếm ý nghĩa giấu dưới những phát ngôn
chính thức thường lệ nhất. Thói quen làm việc lộn xộn của Diệm gây trở ngại
nghiêm trọng cho việc nghiên cứu có hệ thống đối với các vấn đề chính sách đối
ngoại, hoặc với việc nghiên cứu xuyên suốt cần có để chuyển tải những ý tưởng
đơn thuần thành hành động có suy tính. Hơn nữa còn có khuynh hướng thâm căn cố
đế là cá nhân hóa và cảm xúc hóa quan hệ với các nước khác. Các tiêu chuẩn đạo
đức hà khắc của Diệm thường gây cản trở. Ông vô cùng khinh thường Thái tử
Sihanouk của Campuchia và Tổng thống Sukarno của Indonesia, ít nhất một phần là
do ông không ủng hộ họ về mặt cá nhân. Không may là sự không tán thành này ảnh
hưởng nghiêm trọng đến ngoại giao của VNCH với cả hai nước.
Nhưng cách giải thích
quan trọng nhất cho sự thờ ơ tương đối với chính sách đối ngoại là bản thân Diệm
phải chú tâm vào các vấn đề nghiêm trọng ở mặt trận đối nội, thu hút tâm trí và
năng lượng của ông đến mức không còn quan tâm đến điều gì khác: thiết lập và củng
cố sức mạnh chế độ, xử lý dòng người tị nạn từ miền bắc, xử lý các bè phái và lập
hòa bình cho đất nước, áp dụng biện pháp khôi phục kinh tế ở miền nam. Trên tất
cả là mối đe dọa sống còn, bao trùm và thường trực từ miền bắc Cộng sản, một đe
dọa mà sau năm 1957 đã chuyển thành cuộc chiến tranh du kích liên tục mở rộng
trong lãnh thổ VNCH nhằm lật đổ chế độ Diệm. Trong hoàn cảnh đó, việc chú ý đến
chính sách đối ngoại chỉ là lúc có lúc không. Các giai đoạn quan ngại mạnh mẽ
xen kẽ với những thời kỳ gần như là lơ là, và tiêu chuẩn chủ yếu [cho khác biệt
này-ND] thường là mối quan hệ trực tiếp của các vấn đề ngoại giao với tình hình
nội bộ và việc duy trì chế độ. Các chủ đề nhận được chú ý hơn gồm có hệ quả của
các Hiệp định Geneva (trong giai đoạn ngay sau Geneva), sự rút lui của người
Pháp (những năm đầu), sự công nhận quốc tế và xây dựng tính hợp pháp (đặc biệt
trong những năm 1950), quan hệ với Hoa Kỳ (một vấn đề thường xuyên), Campuchia,
và luôn luôn có vấn đề tiến thoái lưỡng nan khủng khiếp trong cách xử lý với miền
bắc. Nhưng trong khi có các chính sách đơn lẻ để giải quyết từng trường hợp cụ
thể, hầu như không có gì trong chính sách toàn diện nhằm xây dựng hướng đi của
cả nước trong tình hình thế giới.
Đã có một vài nỗ lực
để xây dựng một cơ quan đối ngoại hiệu quả và phục vụ ngoại giao chuyên nghiệp,
nhưng không đạt được mấy thành tựu. Diệm và các Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, Vũ
Văn Mẫu đều không có tài về phục vụ ngoại giao; và một nhóm các “gia đình dòng
dõi” nắm vị trí then chốt do các chế độ Bảo Đại trước đó chỉ định. Khâu tổ chức
bị thiếu vắng, và trong hầu hết các trường hợp, những phái viên này thường dùng
bài nhắc vở từ các đồng nghiệp Pháp ở nhiều thủ đô khác nhau nhiều hơn là từ
chính phủ của mình ở Sài Gòn. Nhiều thanh niên trẻ có khả năng được chính phủ
Diệm đưa vào phục vụ ngoại giao, trong số đó có thể kể đến Trần Kim Phượng, người
đã thể hiện vô cùng tốt trong nhiều năm ở Kuala Lumpur và Singapore. Năm 1959,
cùng với một số người có cùng suy nghĩ mới được tuyển dụng vào phục vụ ngoại giao,
ông nộp đơn từ chức cho Diệm và Nhu trong một phản ứng đầy xúc cảm trước mối hận
thù giữa các gia đình trong bộ ngoại giao. Đơn từ nhiệm của ông bị từ chối và
ông tiếp tục vị trí của mình.[3]
Tương đối ít cá nhân
trong cơ quan ngoại giao được cử ra nước ngoài để được đào tạo có hệ thống. Diệm
đảm bảo là các thủ đô quan trọng nhất có những đại sứ tương đối có năng lực;
nhưng về cơ bản, lựa chọn của ông mang đậm cảm tính. Do đó, Trần Văn Chương, một
người Việt Nam yêu nước có lòng tự trọng là người bạn tin cậy và bạn tâm tình của
Diệm (và là cha của Madame Nhu), được cử sang Washington, nơi nhiệm vụ cơ bản của
ông là đảm bảo Mỹ tiếp tục ủng hộ chế độ Diệm.[4] Em trai của Diệm, Ngô Đình
Luyện, được bổ nhiệm là Đại sứ lưu động ở châu Âu, với trách nhiệm cụ thể ở cả
London và Paris. Hoàng tử Bửu Hội phục vụ như đại diện của VNCH ở vô số hội nghị
quốc tế. Nhưng ở những nơi khác thì việc bổ nhiệm ngoại giao thường là để gạt bỏ
những người không mong muốn. Thường thì các sứ quán đầy những chính trị gia,
công chức, sĩ quan quân đội và những người “lưu vong vàng” mà Diệm không còn
tin cậy.[5] Mỗi đại sứ thường mang theo tùy tùng cá nhân; và mỗi người thực hiện
nhiệm vụ theo cách riêng, với hướng dẫn chung chung từ Diệm và bộ ngoại giao.
Trong hoàn cảnh đó, việc thực hiện một nền ngoại giao chuyên nghiệp, bài bản để
theo đuổi một chính sách quốc gia được tính toán kỹ lưỡng (mà trong trường hợp
nào đi nữa vẫn chưa tồn tại) hầu như là điều không thể, mặc dù các nhà ngoại
giao Việt Nam đơn lẻ có những năng lực không phải nghi ngờ gì. Thậm chí đến cuối
những năm 1960, cơ quan phục vụ ngoại giao của VNCH vẫn vụng về và hầu như
không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân lý giải cho chính sách đối ngoại của chế
độ Diệm cũng như cho tính không hiệu quả về hành chính đặc trưng ở các cấp hoạch
định chính sách của chính phủ.
Sự cần thiết phải
liên kết
Diệm tiếp cận việc thực
hiện chính sách đối ngoại với một số định kiến cơ bản. Có lẽ quan trọng nhất là
việc ông tin chắc vào việc các nước nhỏ cần liên kết (với một nước lớn – NBT) một
cách rõ rệt trong Chiến tranh Lạnh trên nền tảng realpolitik [chính trị hiện thực
– ND] cũng như tin vào tính vô đạo đức của chính sách không liên kết.
Diệm đã có lần nghĩ
khác. Một mặt ông luôn chống Cộng khủng khiếp song trong những ngày lưu vong, Diệm
từng là người thể hiện ý tưởng về một lực lượng châu Á thứ ba trong tình hình
quốc tế. Theo khái niệm này, các quốc gia mới độc lập của châu Á có thể đóng
góp hiệu quả nhất cho hòa bình thế giới nếu can dự chính trị với một trong những
bên đóng vai chính của Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ là người lãnh đạo hợp lý của khối
các quốc gia châu Á không liên kết này, và Diệm hình dung ra vai trò phù hợp của
Việt Nam là một trong những nước nhỏ quan trọng ủng hộ sự lãnh đạo của Ấn Độ
trên thế giới.
Tuy thế, khi nhận chức
vào tháng 7/1954, Diệm đã thay đổi cơ bản tư duy của mình. Giờ đây ông thấy thế
giới tất yếu bị chia ra làm ba phe: liên minh thế giới tự do, khối Cộng sản, và
các nước không liên kết. Việt Nam nên nằm ở phe nào? Ông ngày càng quan ngại về
tính dễ bị tổn thương về chính trị của một nước nhỏ như Việt Nam trước sự tấn
công và lật đổ vô hạn của Cộng sản; và ông kết luận rằng cách duy nhất để rút
ra khỏi thế tiến thoái lưỡng nan này là thông qua liên kết chặt chẽ với khối chống
Cộng. Vận mệnh đáng tiếc của nước ông hiển nhiên đã tạo ra thay đổi này trong
suy nghĩ của Diệm. Nhưng trong hoàn cảnh nào đi nữa thì việc chống cộng sản
tích cực cũng thích hợp hơn với đặc điểm trí tuệ và cảm xúc của ông ta.
Về khía cạnh này, ta
có thể nhớ rằng anh cả của Diệm là Ngô Đình Khôi và con trai ông đã bị phe Cộng
sản chôn sống năm 1945; và Diệm là một tín đồ Công giáo La Mã mộ đạo, phản đối
sâu sắc chủ nghĩa cộng sản về phương diện tôn giáo.
Trong Chiến tranh Lạnh,
nơi trú ẩn của một nước nhỏ không phải là chính sách không liên kết mà là liên
minh thân thiết với một cường quốc lớn chống Cộng. Trong trường hợp của Việt
Nam, không thể giao vai trò cường quốc bảo vệ cho Pháp, một phần là vì hồ sơ lịch
sử của Pháp ở Đông Dương và nỗi căm ghét mà Diệm có chung với đồng bào mình đối
với chủ nghĩa thực dân Pháp. Là quốc gia cường mạnh nhất thế giới và là lãnh đạo
của liên minh thế giới tự do chống chủ nghĩa cộng sản, Hoa Kỳ là lựa chọn hiển
nhiên. Hơn nữa, đến năm 1954, liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ trở thành lựa chọn
chính sách ngày càng thực tiễn với Việt Nam trong bối cảnh đầu những năm 1950,
Washington ngày càng quan tâm hơn đến số phận Đông Dương. Do đó, Diệm chọn mối
liên hệ với Mỹ và một khi đã chọn như vậy, ông ta không bao giờ từ bỏ điều đó
trong định hướng quốc tế cơ bản của mình.
Cùng với thời gian,
Diệm trở nên ám ảnh với việc cần phải có liên kết trong Chiến tranh Lạnh, và
các quan điểm của ông có những hàm ý đạo đức mạnh mẽ. Những cân nhắc về đạo đức
cá nhân có lúc còn chồng lấn lên các đòi hỏi của chính sách công. Chủ nghĩa cộng
sản là xấu xa, do đó phải bị đánh bại bằng mọi phương tiện có trong tay. Diệm
không thể hiểu tại sao các nhà lãnh đạo châu Á khác lại không nhận thức như vậy
về mối hoạ Cộng sản và hệ quả đạo đức, chính trị của mối hoạ này đối với chính
sách đối ngoại. Mặc dù ông nhìn thấy sự khôn ngoan trong việc nuôi dưỡng quan hệ
thân thiện với các quốc gia đang nổi lên của châu Á cũng như của châu Âu và Mỹ
Latin song cách tiếp cận của ông chẳng có gì giống với sự phân chia (các nước
trên thế giới) sau này của Sukarno thành “các thế lực đang nổi mới” và “các thế
lực cũ”. Các quốc gia mới độc lập nên chọn phe. Ông đồng ý với việc Ngoại trưởng
Dulles lên án chủ nghĩa trung lập là sai trái về đạo đức. Các phái viên của
VNCH ở nước ngoài do đó được hướng dẫn phải thuyết phục các chính phủ không
liên kết nơi họ có nhiệm vụ cũng như các nhân vật hàng đầu ở những nước này về
sự cần thiết phải có liên kết. Chuyện này khiến các nhà ngoại giao Việt Nam nhiều
lần gặp rắc rối nghiêm trọng vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước
khác.[6]
Diệm cũng không đạt
được nhiều tiến bộ trong việc cải đạo những người ngoại đạo. Ông đã đánh giá
sai khả năng thuyết phục các nước không liên kết để chỉnh sửa định hướng quốc tế
của họ theo hướng ủng hộ liên kết mở chống những người Cộng sản. Tuy không tạo
được thay đổi ở những điểm đó, Diệm đã nhìn thấy việc đáng duy trì quan hệ thân
thiện với các nước không liên kết miễn là họ thật sự không liên kết. Nhưng ông
hoàn toàn khinh bỉ các chính phủ và lãnh đạo đi theo cả hai lề của con đường
chính trị. Về mặt này, Sihanouk và Sukarno là những kẻ côn đồ hàng đầu. Ông
cũng coi thường chả kém những bên thứ ba, ví dụ như những người Mỹ có thiện chí
mà theo cách nhìn của ông, đây là những người cho phép các lãnh đạo Campuchia
và Indonesia lừa bịp mình.
Với bản thân ông,
VNCH nhất định và rõ ràng đứng trên mặt trần hàng đầu của liên minh thế giới tự
do, dẫn đầu là Hoa Kỳ, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản. Về phương diện
này, Diệm nhiều lần nêu đi nêu lại quan điểm rõ ràng của mình. Một hệ quả thú vị
của lập trường rõ rệt này là Diệm khen ngợi lộ liễu quan hệ chính trị của VNCH
với Hoa Kỳ. Ông chào đón mối liên hệ Mỹ và dòng tài trợ khổng lồ về quân sự và
kinh tế từ đó. Ông cũng chẳng ngần ngại thể hiện sự trân trọng ấy trong những dịp
phù hợp. Nhưng ông không cảm xúc hoá thực tế. Trong phán xét của ông, Hoa Kỳ
đơn thuần chỉ đang phục vụ lợi ích quốc gia của họ chứ không phải của Việt Nam
khi viện trợ ồ ạt cho VNCH hay gánh các chi phí cho việc bảo vệ nó dưới cái ô
liên minh SEATO (Khối phòng thủ chung Đông Nam Á – NBT). Điều đó cũng đúng, và
nó đã kiềm chế đáng kể lòng biết ơn của Diệm với Hoa Kỳ.
Nguồn: nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét