Tác giả: Vương Cẩm Tư
(Trung Quốc) | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Khác với tư duy quen
thuộc của người Trung Quốc, trong mắt người Việt Nam, chiến tranh Trung-Việt
không chỉ là cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam kéo dài nhiều năm
sau năm 1979 như dưới góc nhìn của người Trung Quốc, mà còn gồm cả cái gọi là sự
“xâm chiếm” Việt Nam do các vương triều Trung Quốc trước đây tiến hành kéo dài
tới hai nghìn năm kể từ thời Đông Hán.
Thượng tuần tháng 9
năm 2010, tác giả Vương Cẩm Tư khởi hành từ Bắc Kinh cùng mấy người bạn đến Việt
Nam xem tình hình thị trường gỗ hồng. Lúc rảnh rỗi, chúng tôi đã tìm hiểu về cuộc
chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam.
Đối với một người lớn
lên ở vùng Đức Huệ tỉnh Cát Lâm như tôi, Việt Nam là nơi rất xa xôi, hầu như
tôi không có quan hệ gì với quốc gia này. Thế nhưng mối liên hệ [với Việt Nam]
lại từng gần gũi đến thế, bởi lẽ hồi ở tuổi thiếu niên tôi nhận được sự giáo dục
chủ nghĩa yêu nước chính tông và lây nhiễm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quen
thuộc “Phong thái nhuốm máu” và “Vòng hoa dưới núi cao”,[1] từng cùng thầy trò
toàn trường nghe các anh hùng Lão Sơn[2] báo cáo chuyên đề tại Cung Văn hoá
công nhân Đức Huệ, tôi lại còn hăng máu đòi ra tiền tuyến Việt Nam liều mạng với
quốc gia này mà không ngại hy sinh, cho dù sức mình còn chưa xách nổi ngọn giáo
có tua hồng.
Để tìm hiểu cuộc chiến
Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam, tôi có chủ ý đi thăm Bảo tàng Quân đội Việt
Nam tại Hà Nội. Thật may là Bảo tàng này ở ngay chếch phía trước mặt Đại sứ
quán Trung Quốc, cách chưa đầy 100 mét, nhà Bảo tàng không lớn.
Tác giả từng thăm Bảo
tàng Quân sự cách mạng Trung Quốc tại Bắc Kinh, cảm thấy cực kỳ hùng vĩ, oách
hơn Bảo tàng Việt Nam nhiều. Quy mô và phong thái hai nhà bảo tàng quân sự của
hai nước nên là sự thể hiện và hình ảnh thu nhỏ các mặt sức mạnh kinh tế, diện
tích lãnh thổ và sức mạnh quân sự của hai nước.
Nhưng vào xem thì căn
bản chẳng có trưng bày nội dung nào về cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt
Nam, chỉ có các tư liệu Trung Quốc giúp Việt Nam chống Mỹ. Máy ảnh tôi mang
theo thế là vô dụng, tôi cảm thấy có chút hẫng hụt.
Thỉnh thoảng có du
khách Trung Quốc vào xem Bảo tàng, họ đến Việt Nam theo các đoàn du lịch. Khi
nhập cảnh họ được nhắc nhở chớ nói chuyện với người Việt Nam về cuộc chiến
tranh này nhằm tránh tổn thương tình cảm của đối phương.
Nhưng tôi thì bất chấp
cái tình cảm gì gì ấy, xông thẳng tới hai nhân viên đứng ngoài sân Bảo tàng
Quân đội Việt Nam hỏi cho ra nhẽ. Họ cũng mặc quân phục, một nam một nữ. Vì
không hiểu tiếng Trung Quốc tôi nói nên họ lập tức đi gọi một hướng dẫn viên du
lịch Việt Nam đến. Anh này chừng 30 tuổi, nói tiếng Trung rất thạo.
Nghe tôi hỏi đoạn lịch
sử ấy, nụ cười của anh trở nên nghiêm trang: “Tôi biết Trung Quốc các ông tuyên
truyền đây là cuộc chiến phản kích tự vệ, nhưng ông hãy thử nghĩ xem, có thể
như thế được không? Việt Nam chúng tôi một nước nhỏ thế này mà có thể xâm lược
nước các ông được sao? Hồi ấy cuộc Cách mạng Văn hoá của các ông vừa mới chấm dứt,
rất nhiều mâu thuẫn và nguy cơ chưa giải quyết được, các ông bèn xâm lược Việt
Nam để đổ vấy nguy cơ. Dĩ nhiên nguyên nhân không chỉ có vậy.”
Tôi nói, vì Việt Nam
quấy nhiễu biên giới và xua đuổi Hoa kiều nên Trung Quốc mới phản kích tự vệ.
Anh ta nói, chúng ta hãy tạm chưa tranh cãi ai sai ai đúng. Ai ngờ hướng dẫn
viên du lịch Việt Nam này nhắc đến cả chuyện Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng
Trung Quốc đi vào vùng biển đảo Điếu Ngư [Nhật gọi là Senkaku]. “Tôi thấy nhiều
thành phố Trung Quốc bắt đầu [biểu tình chống Nhật], thực ra đó là kết quả việc
chính phủ và giới truyền thông Trung Quốc kích động. Người Trung Quốc các ông
quá thù hận. Người Việt Nam chúng tôi xưa nay không bao giờ thù hận nước khác,
chúng tôi là một dân tộc hoà bình” – anh nói.
Điều khiến tôi kinh
ngạc không phải ở chỗ anh ta nói có đúng hay không mà là tôi không nghĩ anh hiểu
Trung Quốc nhiều như vậy. Bên cạnh còn có một người Việt Nam biết tiếng Trung
nói xen vào: Trung Quốc các ông một mặt nói thù hận là không hợp trào lưu của
loài người, một mặt lại hết mức thù hằn Nhật Bản và các nước khác. Như thế chẳng
phải là tự mâu thuẫn với mình, rất giả dối đó sao? Kinh tế các ông có thành
công nữa cũng không được người ta tôn trọng.
Tôi bảo, Nhật Bản có
sai, họ cũng từng xâm lược Việt Nam, Trung Quốc căm thù là bình thường, nhưng
nhà nước chúng tôi không kích động, người Trung Quốc chúng tôi không căm thù Việt
Nam.
Tôi kể, khi lính
Trung Quốc gánh nước cho phụ nữ Việt Nam thì bị người phụ nữ ấy bắn lén từ sau
lưng mà hy sinh, cả đến trẻ con Việt Nam 11, 12 tuổi cũng bắn giết Giải phóng
quân, thật là lấy oán trả ơn. Tôi hỏi hướng dẫn viên du lịch thấy chuyện ấy như
thế nào, anh bảo: “Các ông xâm lược vào đây, có thể nào không đánh các ông hay
sao?”
Tôi cảm thấy đây là
chuyện làm người Trung Quốc chúng ta xấu hổ khó xử. Sau này hướng dẫn viên du lịch
ấy có gửi E-mail cho tôi, trình bày quan điểm của Việt Nam đối với cuộc chiến
tranh này, viết bằng Trung văn.
Có lẽ là cách viết
sách giáo khoa của Việt Nam bắt chước cách viết của Trung Quốc 40 năm sau khi lập
quốc, Trung Quốc tô sơn cho cuộc Kháng chiến chống Nhật: năm 1979, “Quân đội
Trung Quốc tự cho là có thể chiếm toàn cõi Việt Nam trong một thời gian ngắn
nhưng rốt cuộc đã rơi vào biển cả chiến tranh nhân dân của con em Việt Nam anh
hùng chúng ta, sau khi trả giá lớn buộc phải hoảng hốt tháo chạy ra khỏi lãnh
thổ Việt Nam.”
Sách giáo khoa và dân
chúng Việt Nam còn nói về cái gọi là quân đội Trung Quốc “làm đủ mọi điều hung
ác”, “Việt Nam nghèo khổ lạc hậu chính là do Trung Quốc xâm lược và cướp bóc
gây ra”.
Cho dù nhà Bảo tàng
Quân đội Việt Nam không có nội dung cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt
Nam nhưng khi tôi đến Bảo tàng Quốc gia Việt Nam thì lại nhìn thấy cái gọi là
ghi chép về việc các vương triều Trung Quốc trước đây xâm lược Việt Nam; tại
đây người ta có phát các tài liệu tiếng Trung Quốc giới thiệu lịch sử chuyện
đó. Lại còn có trưng bày cái gọi là “Trung Quốc chiếm Việt Nam lâu tới 1000
năm”.
[Tài liệu của] Đại sứ
quán Việt Nam tại Trung Quốc viết bằng Trung văn giới thiệu thế này: “Nhân dân
Việt Nam từng nhiều lần bị nước ngoài xâm lược, gồm các vương triều Trung Quốc
trước đây như triều Tống (thế kỷ 11), triều Nguyên (thế kỷ 13), triều Minh (thế
kỷ 15) và triều Thanh (thế kỷ 18).” Người Việt Nam tự hào vì đã đánh bại quân
Trung Quốc từ phương Bắc đến, lưu lại nhiều cái gọi là sự tích anh hùng “Chống
Nguyên”, “Chống Minh” và “Chống Trung Quốc”. Trong thời gian đó liên tiếp xảy
ra các cuộc khởi nghĩa anh hùng do Hai Bà Trưng (đời Hán), Triệu Trinh Nương (đời
Tam Quốc), Mai Thúc Loan (đời Đường), Dương Đình Nghệ (đời Ngũ đại thập quốc)
lãnh đạo chống lại sự thống trị tàn bạo của Trung Quốc, nhưng đều bị đàn áp.”
Những nhân vật ấy được người Việt Nam coi là thần minh phù hộ bình yên và mưa
thuận gió hòa để thờ cúng.
Tác giả Vương Cẩm Tư
còn thấy tại trung tâm Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc Việt Nam, có dựng một
bức tượng đồng cao hơn ba chục mét, theo giới thiệu là “bà Lê Chân nữ anh hùng
Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược thời kỳ Đông Hán”.
Tương truyền Lê Chân
xinh đẹp, tính tình hiền thục, quan lại Trung Quốc thèm khát muốn lấy làm vợ. Cả
gia đình Lê Chân phản đối, kết quả quan Trung Quốc giết người nhà Lê Chân. Quyết
tâm trả thù cho gia đình mình, bà Lê Chân vô cùng đau buồn căm phẫn về quê triệu
tập binh sĩ tình nguyện chiến đấu anh dũng, cuối cùng bà hy sinh vẻ vang.
Tại Việt Nam, các nơi
đều có nhiều nghĩa trang quân nhân, chủ yếu là kết quả chiến tranh với Mỹ, tiếp
sau là các binh sĩ Việt Nam chết trong tác chiến với quân đội Trung Quốc; có thể
thấy người Việt Nam vẫn rất tôn trọng họ. Nghe nói có phụ nữ trung niên Việt
Nam không bán hàng cho người Trung Quốc, nguyên nhân do chồng bà bị quân đội
Trung Quốc bắn chết trong cuộc chiến tranh Trung-Việt hồi trước.
Hiện nay việc hoạch định
biên giới trên bộ giữa hai nước Trung-Việt đã được giải quyết. Theo nguồn tin
tin cậy, nước ta có một anh hùng chiến đấu năm xưa từng cố thủ trận địa, coi
thường cái chết, có thành tích nổi bật, nhưng cuối cùng khi phân chia biên giới
thì trận địa đó lại thuộc về Việt Nam; mới đầu tư tưởng người anh hùng ấy rất
không thông, về sau anh đã nghĩ thông suốt, lợi ích quốc gia trên hết.
Nói tới chuyện cách
nhìn nhận người Trung Quốc, nhiều người Việt Nam đánh giá còn được, cũng có người
nói thẳng: “Thường thôi”, “Không tốt, không bằng Nhật”. Lý do là Trung Quốc còn
đe dọa họ, phẩm chất người Trung Quốc không tốt, bịp bợm lừa đảo; chất lượng
hàng Trung Quốc không tốt, xe máy dùng 1-2 năm là hỏng; xe máy Nhật cấp cao
hơn, dùng lâu bền. Quả vậy, tại Việt Nam tôi thấy xe máy đầy đường mà hầu như rất
ít xe Trung Quốc, tuyệt đại đa số là xe Nhật.
Lần này tôi sang Việt
Nam đúng vào dịp đại lễ 1000 năm thủ đô Hà Nội Việt Nam, tại nhiều nơi có thể cảm
nhận thấy ảnh hưởng lớn của lịch sử, văn hoá Trung Quốc.
Như có người nói,
trong lịch sử mấy nghìn năm của mình, Việt Nam chiến tranh nhiều, hoà bình ít,
xáo động nhiều, yên ổn ít, [người Việt Nam] không suy tính quá nhiều những ân
oán trong lịch sử và quý trọng nền hoà bình không dễ đến với mình.
Năm 2010 là dịp kỷ niệm
60 năm Trung Quốc-Việt Nam lập quan hệ ngoại giao, hai nước tận hưởng hoà bình,
người buôn bán đi lại ngày càng thân mật, Hữu Nghị Quan thực sự hưởng tình hữu
nghị chứ không phải là tranh chấp và khói súng. Phần lớn người Việt Nam rất nhiệt
tình với Trung Quốc. Trên đoàn tàu hỏa cũ nát từ Hải Phòng đi thủ đô Hà Nội,
tôi trò chuyện với các cô gái Việt Nam bằng thứ tiếng Anh đơn giản. Có một anh
chàng biết lõm bõm vài từ tiếng Trung Quốc nói oang oang với tôi trước mặt mọi
người trên toa tàu: “Tôi yêu bạn!” Chúng tôi đều cười.
Giới thiệu của người
dịch: Vương Cẩm Tư người Cát Lâm, nay ở Bắc Kinh. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh Đại
học Bắc Kinh ngành truyền thông điện ảnh, từng làm nhà báo, ca sĩ, nay hoạt động
tự do. Bỏ nhiều công sức sưu tầm tư liệu về tội ác chiến tranh của Nhật Bản chống
Trung Quốc, chủ trương ghi nhớ sự kiện lịch sử nhưng không hận thù. Tác phẩm nổi
tiếng: “Nhật Bản được, Trung Quốc lại càng được”, chủ yếu phân tích sự thịnh
suy của Trung Quốc trong 100 năm qua, vạch ra thực tế Trung Quốc thua kém Nhật.
Gần đây sau vụ đâm tàu ở đảo Senkaku/Điếu Ngư, Vương viết bài kiến nghị Trung
Quốc cứ bán đất hiếm cho Nhật, kết quả Vương bị dân mạng chửi là “thân Nhật”.
Vương cũng là người viết bài nói lên sự thật Trung Quốc từng ủng hộ Nhật thu hồi
4 đảo phương Bắc do Liên Xô cũ chiếm đóng theo thỏa thuận sau Thế chiến II.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét