Một kiến trúc sư cho rằng ý định
cử cán bộ đi học nước ngoài về cây xanh của thành phố Hà Nội là 'rất tốt',
nhưng quan trọng nhất là vấn đề này phải được đặt trong quy hoạch hạ tầng tổng
thể của một đô thị.
"Cây xanh là một thành phần
của hạ tầng kỹ thuật của một thành phố, có liên quan chặt chẽ với nhau,"
kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị nói với BBC hôm 25/02 trong phỏng vấn về công văn của
thành phố Hà Nội trong quy hoạch cây xanh.
"Hạ tầng kỹ thuật của một
thành phố bao gồm hệ thống đường, hệ thống kỹ thuật dưới đường, vỉa hè, cây
xanh... thì tất cả những cái đó mới tạo thành hình ảnh tổng quát.
"...Đôi khi mình nhìn thì chỉ
thấy cây xanh thôi mà nhiều khi quên rằng để trồng được cây xanh phải có sự
nghiên cứu liên đới với những yếu tố khác.
"Việc cử chuyên gia đi học
hay mời chuyên gia đến để tư vấn cho hệ thống hạ tầng trong đó có cây xanh là
điều rất cần thiết, không phải chỉ về mặt cá nhân mà vừa là thu thập được tinh
hoa, những cái hay mà các nước khác đã áp dụng,"
Kiến trúc sư là Hội viên Hội Kiến
trúc sư Pháp, đã có hơn 20 năm làm việc ở Việt Nam, nhận xét, việc cử cán bộ đi
học Singapore, là thành phố đáng học tập, dù sao cũng sẽ có tác động ít nhiều.
Image copyright iStock
Theo văn bản đề ngày 23/02 của Ủy
ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có đoạn nhắc tới khảo sát, thống kê cụ thể khối
lượng và phân loại cây xanh, thảm cỏ, cũng như thống kê khối lượng công việc, dự
án cần làm.
Đoạn cuối của văn bản viết:
"Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí cử một số cán bộ quản lý, cán bộ
nghiệp vụ về cắt tỉa đi học nghiệp vụ về cắt tỉa, trồng mới cây xanh tại
Singapore, Trung Quốc."
Tuy nhiên ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ
tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, "nếu đi học trồng cây mà trong
nước có kinh nghiệm thì là việc làm phí tiền", và "nếu đi mua những
giống cây ở Việt Nam chưa có thì đáng khuyến khích," truyền thông Việt Nam
trích lời vị Giáo sư.
Một kiến trúc sư khác từ Hà Nội
nhận xét, cũng nên đi học nhưng là học cách tổ chức thực hiện như thế nào,
"còn lựa chọn cây xanh thì phải là ta, phải căn cứ vào đặc điểm của mình
mà lựa chọn," ông Nguyễn Trực Luyện nói với BBC Tiếng Việt vào cùng ngày.
Ông Luyện nói, những kỹ thuật như
trồng cây như thế nào, cắt tỉa ra sao thì cán bộ không nhất thiết phải đi học.
Học Trung Quốc
Các chuyên gia và kiến trúc sư có ý kiến khá khác nhau
về việc cử cán bộ đi học ở nước ngoài về quy hoạch cây xanh
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt
về việc liệu Trung Quốc có phải là ví dụ phù hợp cho Việt Nam học hỏi về cây
xanh khi nhiều đô thị lớn của quốc gia này đang trong tình trạng ô nhiễm không
khí nghiêm trọng, ông Hồ Thiệu Trị cho rằng một số tỉnh thành của nước này có
quy hoạch tốt về cây xanh.
Bên cạnh đó, cả Trung Quốc và
Singapore có khí hậu gần giống với miền Bắc và miền Nam Việt Nam, thuận lợi hơn
cho chủng loại cây, phát triển cây,"về hạ tầng và môi trường sống, tôi
nghĩ Singapore là nơi rất đáng để các nước khác học tập," ông nói thêm.
Theo vị kiến trúc sư, quan điểm
phát triển đô thị tổng thể là rất quan trọng, "trong thời gian vừa qua ở
Việt Nam vẫn có nguyên tắc là thấy gì chưa được thì làm lại, đôi khi mình không
có thời gian để nghiên cứu sâu để tìm được hình ảnh tổng thể để giải quyết vấn
đề mang tính tổng thể."
"Đây là cơ hội và cũng là dịp
để nhìn lại vấn đề và định hướng phát triển tổng thể, trong đó có môi trường
cây xanh."
Với hiện trạng ở Hà Nội, ông Hồ
Thiệu Trị nhận xét rằng có hai vấn đề chính cần giải quyết song song, là cải
thiện môi trường, quy hoạch đô thị do lịch sử để lại, tuy chậm và khó nhưng
"phải làm" nếu muốn có bộ mặt thành phố khang trang hơn.
Vấn đề thứ hai, dễ giải quyết
hơn, là với những khu vực có dự ánh mới, hạ tầng và trong đó có hệ thống cây
xanh cần có nghiên cứu thật tốt, mà theo đó cử cán bộ đi học ở nước ngoài còn
"bổ ích" cho việc phát triển đồng thời cả không gian sẵn có và không
gian mới.
"Sự tiếp cận này tuy chậm,
nhưng là dấu hiệu tích cực và có định hướng tốt, chiều hướng tốt cho Việt Nam
sau này," kiến trúc sư người Pháp gốc Việt nhận xét.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét