Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Thừa nước đục thả câu



 Lê Phan

Trung Cộng đã triển khai hai giàn hỏa tiễn địa không trên Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa theo các hình ảnh vệ tinh dân sự và chính phủ Đài Loan, tạo căng thẳng ngay trong khi Tổng Thống Barack Obama đang tìm sự ủng hộ của vùng cho việc chống lại lập trường khiêu khích và lấn chiếm lãnh thổ của Bắc Kinh.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan tuyên bố hôm Thứ Tư là Trung Cộng đã cho đặt hai giàn hỏa tiễn địa không trên đảo Phú Lâm (Woody Island), vốn hiện nay dưới quyền kiểm soát của Trung Cộng nhưng đã được cả Đài Loan lẫn Việt Nam dành chủ quyền. Tiết lộ này được phổ biến ngay khi Tổng Thống Barack Obama kết luận một cuộc họp thượng đỉnh với các lãnh tụ của hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.


Như Tạp chí The Economist đã chỉ ra, sự việc là Trung Cộng đã thành công về kinh tế đến mức mà họ trở thành hùng mạnh là một điều đáng ghi nhận. Nhưng còn đáng chú ý hơn nữa là Hoa Kỳ, cường quốc mà Trung Cộng muốn thách thức, đã coi sự phát triển của Trung Cộng như là một cơ hội chứ không phải là một đe dọa. Tuy nhiên, tờ báo lý luận, trong Biển Đông, nơi mà qua đó di chuyển 30% hàng hóa của thế giới, Trung Cộng đang có nguy cơ phá hủy dàn xếp tốt đẹp này. Thái độ của họ đã coi thường luật lệ quốc tế, làm các nước láng giềng lo sợ và gia tăng nguy cơ chiến tranh giữa Trung Cộng và một số trong các quốc gia này và với chính Hoa Kỳ. Nếu Bắc Kinh còn nhớ khẩu hiệu của chính họ về ổn định và hòa bình thi đã đến lúc họ phải lùi bước,” theo tờ Economist.

Sự gây hấn mới nhất là việc Trung Cộng cho lập hai giàn hỏa tiễn địa không trên đảo Phú Lâm mà không có giải thích nào cả. Bắc Kinh lần này không bác bỏ rõ ràng sự leo thang quân sự nguy hiểm nay, ngược lại tuyên bố họ có quyền xây dựng “các cơ sở phòng vệ giới hạn và cần thiết.”

Quần đảo Hoàng Sa vốn được cả Việt Nam và Đài Loan nhận là thuộc chủ quyền của mình. Trung Cộng thì cả quyết là hầu như toàn thể vùng biển quốc tế này là của họ, dựa trên một thứ biện minh lịch sử vô lý.

Trung Cộng đã xây dựng vội vàng những đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, ở sâu hơn về phía nam, tạo nên những hòn đảo nhân tạo từ các mỏm đá hay rạn san hô vốn đang thuộc chủ quyền của Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Việc xây dựng này, cũng như các hỏa tiễn, đã bất chấp tinh thần của bản thông báo chung ký kết hồi năm 2002 với các thành viên của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó các phe phái hứa hẹn sẽ “có những hành động tự kiềm chế” trong vùng này.

Trung Cộng đã từ chối chấp nhận thẩm quyền của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye vốn đang cứu xét vụ kiện do Philippines đưa đơn kiện theo công ước quốc tế về Luật Biển. Nếu, có vẻ như có triển vọng là tòa sẽ có phán quyết lợi cho Philippines, Trung Cộng sẽ lờ đi vụ này. Đây không phải là “phản ứng có trách nhiệm” mà Hoa Kỳ đã hy vọng ở Trung Quốc.

Hai yếu tố có thể tạo nên việc thúc đẩy Trung Cộng triển khai hỏa tiễn. Tin về vụ này được loan ra trong khi Tổng Thống Barack Obama đang đón tiếp ở trang trại Sunnylands trong một sự kiện chưa từng xảy ra với tất cả các lãnh tụ của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà trong đó có bốn quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh. Hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức một phần là để chứng tỏ Hoa Kỳ ủng hộ họ. Trung Cộng thì lại nghĩ đây chỉ là một cái cớ để khuyến khích các quốc gia láng giềng của họ tỏ ra độc lập hơn với Bắc Kinh, và do đó là một phần của một chiến thuật rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm phong tỏa Trung Cộng.

Một lý do thứ nhì, theo tờ The Economist, là vì vào cuối năm ngoái, Hoa Kỳ tái tục các chiến dịch “tự do hải hành” ở Biển Đông, hai lần gửi chiến hạm đi qua vùng biển mà Trung Cộng đanh dành chủ quyền. Cố gắng tuy hơi trễ này là để chứng tỏ là, dầu cho ai sở những mẫu đất đá trên biển, hầu hết vùng biển quanh đó theo công pháp quốc tế không nằm trong tay một quốc gia nào cả và do đó phải được mở cửa cho mọi hình thức hải hành.

Điều đáng tiếc là Hoa kỳ đã làm lu mờ thông điệp này qua việc xác nhận là cả hai chiến dịch này được tổ chức theo điều khoản “ Innocent passage” tức là điều khoản của Luật Biển cho phép đến cả chiến hạm có thể đi qua không đe dọa qua lãnh hải của một quốc gia khác. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, Trung Cộng có vẻ đã thấy chiến dịch này đủ khiêu khích để tìm cách ngăn chặn người Mỹ đừng theo đuổi nữa.

Hành động gây hấn này đã rõ ràng vi phạm hứa hẹn của ông Tập Cận Bình là ông sẽ không quân sự hóa trong các hải lộ với hơn 5 ngàn tỷ đô la hàng hóa mỗi năm.

Hai giàn hỏa tiễn HQ-9 này được biết có khả năng tấn công cách bờ khoảng 125 km và có thể phá hủy phi cơ, hỏa tiễn tuần du, và hỏa tiễn đạn đạo. Trên lý thuyết thì hai giàn phóng hỏa tiễn có thể có một lý do chính đáng, giúp Trung Cộng có thể giúp họ bảo vệ căn cứ của họ trên Đảo Hải Nam, cách đó 273 miles. Và tuy cả Việt Nam lẫn Đài Loan đòi chủ quyền trên đảo này nhưng hòn đảo đã nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh từ bốn thập niên nay, và quân đội của họ đã có căn cứ trên đó nhiều năm nay.

Nhưng thời biểu của việc triển khai hai giàn hỏa tiễn này cũng như phương thức nó được thực hiện khiến chúng ta không thể nhắm mắt chấp nhận việc này là trong vì lý do tự vệ. Nó là một phần của một chiều hướng trong đó Trung Cộng trong mấy năm gần đây đã dành “chủ quyền không chối cãi” trên 90% của Biển Đông và khẳng định chủ quyền pháp lý không những trên quần đảo Hoàng Sa, những hòn đảo thực sự và một lô những bãi, cồn... trên quần đảo này.

Mục tiêu của Bắc Kinh là để xóa bỏ những dành chủ quyền ở nhiều quốc gia kể cả Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. Và một phần trong cố gắng này của họ, họ đã biến ngay cả những bãi cạn mà bình thường không đáng kể thành những hòn đảo nhân tạo, đủ lớn để có một căn cứ quân sự trong khi dành chủ quyền trên các vùng biển quanh đó.

Trung Cộng đã thông qua hiệp ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vốn bảo đảm quyền tự do hải hành trên biển cả cho doanh nghiệp, ngư nghiệp và tìm kiếm dầu khí. Nhưng hành động của họ đối với quần đảo Hoàng Sa trên thực tế đã viết lại hiệp ước và khiến các quốc gia nhỏ trong vùng vốn tranh chấp lãnh thổ, cảm thấy bị đe dọa và tìm cách siết chặt liên hệ với Hoa Kỳ.

Đặt các giàn hỏa tiễn trên đảo Phú Lâm rõ ràng là làm gia tăng quan ngại. Những căn cứ mới này đã giúp Bắc Kinh thành lập một hệ thống vùng bảo vệ phòng không Adiz trên quần đảo Hoàng Sa.

Trung Cộng sẽ tạo thêm nguy cơ bất ổn trong vùng qua việc tìm cách áp đặt ý muốn của họ thay vì là hòa giải giữa các đụng độ tranh chấp lãnh thổ. Philippines đã không chịu nổi nữa và nộp đơn kiện Bắc Kinh ở tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, với phán quyết được chờ đợi là vào tháng 5 này. Trung Cộng đã từ chối tham gia và phản ứng của họ với quyết định của tòa sẽ là một thử nghiệm nữa cho việc họ có thực sự muốn tuân thủ luật pháp quốc tế hay không.

Trong hoàn cảnh này, dầu kết quả của vụ kiện của Philippines có thế nào chăng nữa, điều tối quan trọng là Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh mới, phải bảo đảm sự giao thông trôi chảy về hải hành và phải tiếp tục gửi tàu bè và phi cơ hoạt động bình thường ở vùng biển này.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét