Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bình
luận về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhân sự Đại hội 12 và nhân quyền Việt
Nam.
BBC: Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa
thuận đối tác toàn diện, trong chừng mực nào TPP sẽ là lực đẩy mạnh hơn cho
quan hệ Mỹ-Việt?
Tôi nghĩ là vô cùng lớn. TPP là
ưu tiên số một của chúng tôi và tôi nghĩ rằng thỏa thuận này tạo ra nền tảng
cho các mối quan hệ trong nhiều thập kỷ tới bởi vì nó làm sâu sắc hơn quan hệ đối
tác kinh tế, giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng hơn, mạnh hơn và độc lập hơn và
tạo cơ hội cho các quốc gia tham gia khu vực tư nhân trong thời gian dài nữa.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng thỏa thuận này là sự đóng góp rất lớn.
BBC: Hoa Kỳ đã kêu gọi dừng cải tạo
và bồi đắp đảo nhân tạo tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó Bắc Kinh nói họ chủ quyền không thể tranh cãi tại đây. Vậy ông
nghĩ liệu có yếu tố 'giọt nước làm tràn ly' nào hay không?
Tôi không nghĩ rằng sẽ có một biến
cố giọt nước làm tràn ly duy nhất. Đã và đang có ba khía cạnh diễn ra. Thứ nhất
là về pháp lý. Đã có vụ kiện ra tòa trọng tài quốc tế ở The Hague. Tôi nghĩ rằng
yếu tố này sẽ góp phần tác động tới tiến trình ngoại giao. Thứ hai là tiến
trình ngoại giao liên quan đến việc bảo đảm rằng tất cả các quốc gia trong khu
vực cam kết hệ thống pháp luật chứ không phải ỷ mạnh hiếp yếu. Và thứ ba là có
quá trình xây dựng năng lực cho các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đang xây dựng
năng lực an ninh hàng hải của mình, Philippines đang xây dựng năng lực an ninh
hàng hải của mình. Và chúng tôi đang ở khu vực này. Hoa Kỳ hiện diện trong khu
vực này. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt
động trong khu vực này theo luật pháp quốc tế.
BBC: Ông có theo dõi Đại hội Đảng
Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 không? Liệu cá nhân ông có thấy “ngạc nhiên” về
dàn lãnh đạo mới của Việt Nam?
Chúng tôi theo dõi Đại hội Đảng vừa
qua rất cẩn trọng và với sự quan tâm rất lớn. Điều khiến tôi thấy quan tâm nhiều
nhất trước hết là đã có các quyết định sớm về việc nhất trí cho chính sách hội
nhập quốc tế. Thứ hai là việc tán thành TPP.
Tôi nghĩ cả hai quyết định về
chính sách đó là các yếu tố để tôi tiếp tục lạc quan rất nhiều về quỹ đạo của mối
quan hệ của chúng tôi với Việt Nam.
Xét về mặt nhân sự, tôi nghĩ rằng
mối quan hệ song phương thì lớn hơn bất kỳ các cá nhân nào. Vì vậy, thực tế là
có những thay đổi về thế hệ mới vừa khởi sắc chỉ là điều tốt đẹp mà thôi. Và thực
tế rằng Đảng Cộng sản Việt Nam rất rõ ràng khi ủng hộ TPP và tiếp tục hội nhập
quốc tế chỉ có thể là điều tích cực cho mối quan hệ với Hoa Kỳ.
BBC: Giới cổ súy cho nhân quyền
và dân chủ nói về thực trạng "có vấn đề" ở Việt Nam, cụ thể như quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do tôn giáo... Nhân quyền dường như là một
trong những trở ngại chính ngăn cản Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác toàn diện hơn.
Ông lạc quan ở mức nào rằng chủ đề nhân quyền này có thể được cải thiện hoặc được
thay đổi?
Tôi đồng ý rằng nhân quyền là vấn
đề cản trở trong quan hệ song phương. Tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác của chúng
ta không thể đạt được đầy đủ tiềm năng trừ khi có sự tiến bộ tiếp tục và bền vững
đối với việc tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Chẳng hạn như việc chuẩn thuận
TPP do Quốc hội Hoa Kỳ sẽ không thể là việc cứ đương nhiên được thông qua.
Vì vậy, nhân quyền là một vấn mà
tôi quan tâm nghiêm túc và tôi dành rất nhiều thời gian để làm việc về vấn đề
này. Tổng thống Obama nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục rằng
nhân quyền kể như một phần định hình ra người Mỹ và rằng người Mỹ nói rằng
chúng tôi rất coi trọng tự do ngôn luận, tự do thờ phụng, tự do báo chí và rằng
Việt Nam cần tiếp tục trông đợi chúng tôi quan tâm và đề cập tới những chủ đề
này với sự nhiệt thành và có tính lâu dài.
Thực ra là người đã theo dõi những
gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam trong 20 qua thì nay tôi nghĩ rằng có nhiều
chiều hướng chung diễn ra tốt. Tôi nghĩ rằng có nhiều điều đáng quan ngại nhưng
tôi cũng nghĩ rằng theo thời gian thì đã và đang có một số tiến bộ. Và vì vậy
chúng tôi ngoài lập trường cứng rắn thì thực ra cũng phải thừa nhận sự tiến bộ
khi chứng kiến sự tiến bộ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét