Đại Sự ký Biển Đôn
Tác giả: Alexander L.
Vuving
Biên dịch: Huệ Việt
(Với sự hiệu đính của tác giả)
Kể từ năm 2014, quần
đảo Trường Sa đã trở thành một công trường xây dựng lớn độc nhất vô nhị. Hàng
chục tàu của Trung Quốc đã làm việc suốt ngày đêm, cắt san hô và nạo vét cát
đáy biển để biến những rạn đá chìm thành đảo nổi nhân tạo. Trong vòng chưa đầy
một năm, Trung Quốc đã tạo ra hơn 10 km vuông đất mới trên bảy địa điểm khác
nhau trên cả quần đảo mà tổng diện tích đất ban đầu chỉ có khoảng 4 km vuông.
Bãi Chữ Thập, chìm ở thuỷ triều cao khi bị TQ chiếm đóng vào năm 1988, giờ đã
là một hòn đảo rộng 2,74 km vuông đủ lớn để chứa một đường băng dài 3.100 mét
và một bến cảng rộng 63 ha. Và mặc dù đảo nhân tạo ở Bãi Chữ Thập đã gấp gần 6
lần diện tích hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình, nó vẫn nhỏ
hơn hai hòn đảo nhân tạo khác. Vào tháng Sáu năm 2015, Trung Quốc đã tạo được 4
km vuông đất tại Xu bi và và 5,6 km vuông đất tại Vành Khăn, và những con số
này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.[1]
Vậy kết cục của cuộc
chơi xây dựng đảo này sẽ là gì? Vai trò của các hòn đảo nhân tạo này trong thời
kỳ chiến tranh và ở phương diện luật biển rất đáng hoài nghi. Những hòn đảo này
quá nhỏ và quá cô lập để có thể chống đỡ các cuộc tấn công lớn, chúng có thể dễ
dàng trở thành gánh nặng trong thời gian chiến tranh. Chỉ là đảo nhân tạo, những
thực thể địa lý này sẽ không thể được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải
lý. Vậy tại sao Trung Quốc lại đầu tư những nguồn lực khổng lồ để tạo ra những
hòn đảo này? Trung Quốc cần những đảo này làm gì?
Cách tiếp cận truyền
thống tập trung vào ý nghĩa quân sự và pháp lý của những hoạt động này không
phù hợp để trả lời những câu hỏi trên. Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược
dựa trên những nguyên tắc rất khác với lối nghĩ thông thường.[2] Triết lý đằng
sau chiến lược này có thể được tìm thấy trong “Binh pháp” của Tôn Tử. Ý tưởng
then chốt là làm sao để không đánh mà vẫn thắng. Mục tiêu tổng thể là giành quyền
kiểm soát Biển Đông, nhưng không phải thông qua các trận đánh lớn. Thay vào đó,
Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu của mình thông qua các hoạt động từng bước
thay đổi thực địa, tạo dựng một sân chơi có lợi cho mình, làm thay đổi về mặt
tâm lý những tính toán chiến lược của các quốc gia khác. Logic cơ bản của chiến
lược này là khéo léo tác động lên các cấu hình chiến lược của khu vực để làm
thay đổi thực tế theo xu hướng có lợi cho sự thống trị của Trung Quốc.
Có ba yếu tố bắt buộc
cần có để theo đuổi chiến lược bành trướng lắt léo này, và sáu thập kỷ can dự
vào Biển Đông của Bắc Kinh đã tuân theo những yếu tố này một cách chặt chẽ (Giả
thuyết này đã được trình bày lần đầu tiên vào năm 2014 ngoái và đã dự đoán được
một cách chính xác các chương trình xây dựng của Trung Quốc ở bãi Xubi và Vành
Khăn)[3]
Yếu tố bắt buộc đầu
tiên là tránh tối đa những trận đánh lớn; có thể tạo ra những đụng độ, nhưng chỉ
là để khai thác một tình huống có lợi đang có sẵn. Yếu tố này đã từng là trụ cột
trong kế hoạch Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ tay Nam Việt Nam vào năm 1974 và đụng
độ với Việt Nam ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988.
Yếu tố bắt buộc thứ
nhì là kiểm soát các vị trí chiến lược trong khu vực: nếu những vị trí này còn
chưa có ai chiếm hữu, chúng cần phải được chiếm một cách âm thầm lén lút nếu có
thể, và bằng một cuộc xung đột có giới hạn, nếu cần thiết. Có thể dễ thấy yếu tố
này nhất khi Trung Quốc chiếm 7 thực thể ở Trường Sa, và bãi cạn Scarborough
vào năm 2012.
Yếu tố bắt buộc thứ
ba là phát triển những vị trí này thành các trạm kiểm soát mạnh, các trung tâm
hậu cần vững chắc và các căn cứ triển khai sức mạnh quân sự một cách hiệu quả.
Đây chính xác là những gì Trung Quốc hiện đang tiến hành ở Biển Đông.
Những hoạt động này
nhằm phục vụ mục tiêu kép là thiết lập uy thế và chủ quyền của Trung Quốc ở Biển
Đông. Nhờ ở những vị trí chiến lược và có tác dụng hỗ trợ hậu cần, các đảo
trong tay Trung Quốc sẽ là những căn cứ vững chắc để từ đó vô số các tàu thuyền
đánh cá, tàu thực thi pháp luật, tàu chiến và máy bay có người lái hoặc không
người lái, toả ra thống trị bầu trời và vùng biển của Biển Đông.
Các vị trí kiểm soát
then chốt bao gồm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Bãi Chữ Thập, Xu Bi và
Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough ở phía đông bắc của Biển
Đông. Đảo Phú Lâm, Bãi Chữ Thập, Vành Khăn và bãi cạn Scarborough sẽ tạo thành
một cụm bốn điểm mà từ đó, với bán kính 250 hải lý, có thể theo dõi chặt chẽ
toàn bộ khu vực chính của Biển Đông. Tại quần đảo Trường Sa, các đá Xu bi, Vành
Khăn và Chữ Thập tạo ra một tam giác hoàn hảo để bao phủ toàn bộ quần đảo (Xem
bản đồ).
SCS points of control
Trên đảo Phú Lâm,
Trung Quốc gần đây đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 mét và một cảng nước
sâu dài 1.000 mét. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế
hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các
bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Một đường
băng và một cảng có kích cỡ tương tự đã được xây dựng tại Bãi Chữ Thập. Hình dạng
các đảo nhân tạo đang được hình thành ở Xu Bi và Vành Khăn gợi ý rằng ở đây rồi
cũng sẽ có những đường băng và một hải cảng với kích thước tương tự. Mặc dù Bắc
Kinh hiện chưa tiến hành xây dựng quy mô lớn ở bãi cạn Scarborough, sẽ không ngạc
nhiên nếu như trong tương lai cũng sẽ có một đường băng và một cảng nước sâu tại
đây.
Các khu vực đã được mở
rộng thông qua lấn biển sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập tại các tiền đồn các
trang thiết bị quan trọng của quân đội cũng như các thiết bị lưỡng dụng cho cả
quân sự và dân sự. Bốn tiền đồn nhỏ hơn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa hiện
giờ đã ít nhiều có kích thước tương tự với tiền đồn lớn nhất của Việt Nam ở
đây. Đảo Trường Sa, hòn đảo lớn nhất mà Việt Nam đóng quân rong quần đảo, rộng
15 ha. Bốn tiền đồn Trung Quốc, Châu Viên, Gạc Ma, Gaven, và Tư Nghĩa giờ đã có
kích thước lần lượt là 23,1 ha, 10,9 ha, 13,6 ha và 7,6 ha.
Trung Quốc sẽ đặt các
trạm radar, các trạm phát điện và nước, cũng như các kho tàng, bến bãi và những
cơ sở hạ tầng dịch vụ trên những đảo họ đang chiếm. Các trang thiết bị ở Hoàng
Sa và Trường Sa sẽ có đủ năng lực để hỗ trợ hàng ngàn tàu cá và hàng trăm tàu
tuần tra, tàu chiến và máy bay hoạt động ở những vùng biển và vùng trời cách xa
bờ biển Trung Quốc hàng trăm dặm. Trung Quốc cũng sẽ đưa hàng ngàn dân, nhân
viên quân sự và dân sự tới cư ngụ ở đây. Cùng với vài hòn đảo đã được mở rộng ở
Hoàng Sa và bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa đóng vai trò như là những điểm dừng
chân và tiếp tế nhiên liệu, Trung Quốc có thể triển khai hang ngàn tàu cá và
tàu thực thi pháp luật để đẩy người Việt Nam, Philippines, Malaysia, và
Indonesia ra khỏi vùng biển mà Bắc Kinh coi là của riêng mình.
Trung Quốc có thể
không tấn công những thực thể địa lý mà các quốc gia khác đang chiếm đóng nhưng
họ sẽ tăng cường nỗ lực bí mật kiểm soát những thực thể địa lý chưa có người mà
ở những vị trí chiến lược. Bãi Én Đất và Đá Ba Đầu ở các cụm đảo trung tâm cũng
như một vài thực thể địa lý ở phần phía đông quần đảo Trường Sa gần Philippines
sẽ tiếp tục là mục tiêu của những nỗ lực này.
Trung Quốc có thể sẽ
không chính thức tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông vì một
hành động như vậy có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn và khiến nhiều quốc
gia Đông Nam Á chống lại Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh sẽ áp đặt một số khu vực
phòng không nhỏ ở những vùng trời xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc cũng sẽ khẳng định một cách âm thầm rằng vùng trời bên trong đường
lưỡi bò là thuộc về họ.
Với cơ sở vật chất
đáng kể hơn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc sẽ thỉnh thoảng
tuyên bố một số vùng an ninh, vùng đánh cá và vùng bảo vệ môi trường ở Biển
Đông. Mặc dù những vùng này có thể không phù hợp với luật pháp quốc tế, Trung
Quốc sẽ không chịu đưa tranh cãi ra toà, và vì là quốc gia mạnh nhất trong khu
vực, Bắc Kinh có thể thi hành bất cứ điều gì mà họ tự cho là hợp pháp.
Liệu Trung Quốc có thể
đạt được ưu thế không quân và hải quân ở Biển Đông không? Như đã đề cập ở trên,
các sân bay và bến cảng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là quá cách biệt và lộ
liễu để có thể chống đỡ những cuộc tấn công lớn trong thời chiến. Tàu Liêu Ninh,
chiếc tàu sân bay duy nhất hiện nay của Trung Quốc, không phải là đối thủ của bất
kỳ tàu sân bay nào trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Mặc dù tàu Liêu Ninh sẽ
được trang bị 30 máy bay chiến đấu đa chức năng SU-33 và nhiều máy bay trực
thăng tác chiến chống tàu ngầm, một chiếc tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ thôi
cũng đã có năng lực gấp hai lần.
Nhưng mục tiêu của Bắc
Kinh dường như là muốn chiếm ưu thế trên không và trên biển vào những lúc mà
không có sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Khả năng Việt Nam tấn công vào các tiền
đồn của Trung Quốc ở Biển Đông bị hạn chế rất lớn bởi khả năng Trung Quốc trả
đũa dọc theo 1,450 km đường biên giới trên bộ. Bốn sân bay ở quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc tăng thêm 30-40 máy bay vào số máy bay chiến
đấu thế hệ thứ tư mà Trung Quốc có thể triển khai cùng lúc ở Biển Đông. Điều
này sẽ cho phép Trung Quốc qua mặt Việt Nam và Malaysia, những lực lượng không
quân lớn nhất trong số các đối thủ Đông Nam Á. Tuy Việt Nam được hưởng một bờ
biển dài dọc theo Biển Đông nhưng hiện nay cả nước chỉ có khoảng 36 (cuối năm
nay có thể có 48) máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư. Malaysia nằm xa về phía nam
và hiện giờ có không nhiều hơn 50 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trên toàn bộ
lãnh thổ.
Ngoài máy bay và tàu
chiến, Trung Quốc cũng có thể triển khai tên lửa tới Hoàng Sa và Trường Sa. Việc
triển khai tên lửa có thể sẽ kích hoạt những phản đối kịch liệt từ Việt Nam,
Philippines, Hoa Kỳ và một số chính phủ khác, nhưng Trung Quốc sẽ tìm một thời
điểm thuận tiện để biện minh cho việc triển khai đó như là một hành động tự vệ.
Những trang thiết bị quân sự của Trung Quốc tại đó sẽ rất dễ bị tổn thương
trong thời chiến, nhưng chức năng chính của chúng dường như là để dành cho những
cuộc tuần tra thời bình và có tính đe doạ tâm lý.
Cách tiếp cận của
Trung Quốc pha trộn các yếu tố cưỡng chế với các yếu tố hợp tác, sử dụng sự hợp
tác để thu hút và bẫy đối phương vào sự cưỡng chế. Trung Quốc có thể cung cấp
các cơ sở của mình trên đảo nhân tạo cho các lợi ích chung trong khu vực. Tháng
5 năm 2015, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, nói với Đô đốc
Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân của Mỹ là các cơ sở trên đảo nhân tạo của
Trung Quốc có thể được sử dụng cho những hoạt động cứu nạn và cứu trợ thiên
tai. Mặc dù Hoa Kỳ đã từ chối lời rao này của Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn
sẽ sử dụng những thực thể địa lý còn đang trong tranh chấp này như bàn đạp cho
các hoạt động nhân đạo hay hợp tác nhằm gây sự chú ý cao và lôi kéo các quốc
gia khác trong khu vực. Đối với những quốc gia không có tranh chấp đảo hay biển
với Bắc Kinh ở Biển Đông, điều này sẽ tạo thêm một động lực để ngầm chấp nhận sự
thống trị của Trung Quốc.
Trung Quốc có thể sẽ
không cản trở các tuyến thương mại trên không và trên biển ở Biển Đông, nhưng sẽ
chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu như Trung Quốc sẽ thỉnh thoảng chặn một số tàu
thuyền và máy bay, cả dân sự lẫn quân sự, của những quốc gia phản đối những nỗ
lực bá quyền khu vực của họ. Những hành vi đó được thiết kế để tạo ra những hiệu
ứng về tâm lý hơn là hiệu ứng vật lý.
Các hoạt động của
Trung Quốc ở Biển Đông phù hợp với một chiến lược lớn hơn và lâu dài mà nguyên
lý trung tâm là giành quyền kiểm soát khu vực có vị trí chiến lược then chốt
này theo những cách mà có thể ngăn chặn các nước khác đáp trả tương tự. Chiến
lược này lại là một phần của một nỗ lực lớn hơn để đạt được Giấc mơ Trung Quốc,
để khôi phục lại vị trí mà Trung Quốc tự cho là chỗ đứng xứng đáng của nó, đó
là ở trên đầu các quốc gia khác. Số phận của những quốc gia trỗi dậy hiếu chiến
trong quá khứ và sự dễ bị tổn thương của các tuyến đường thương mại của Trung
Quốc cho thấy rằng chiến tranh không phải là cách để Trung Quốc đạt được tham vọng
này. Được trang bị với một truyền thống chiến lược ưa chuộng cách tiếp cận gián
tiếp, Trung Quốc đã lựa chọn một chiến lược bành trướng lắt léo để tìm cách định
hình sân chơi hơn là trực tiếp tấn công đối thủ. Đe dọa là một yếu tố chính của
chiến lược này nhưng nó là kết quả của sự áp đảo hoặc trừng phạt nặng có chọn lọc
chứ không phải là tấn công bừa bãi.
Nếu các đối thủ của
Trung Quốc không có đối sách bẻ gãy chiến lược này, Trung Quốc sẽ nổi lên như
là chúa tể của Biển Đông, ít nhất là trong nhận thức của hầu hết các nước trong
khu vực. Từ đây, sẽ chỉ còn vài bước để vươn tới vị trí bá quyền khu vực và toàn
cầu. Với thực tế là huyết mạch của nền kinh tế châu Á chạy qua Biển Đông, và
châu Á đã trở thành chấn tâm kinh tế thế giới, ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống
trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới.
Alexander L. Vuving
là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Mỹ
và là một chuyên gia trong lãnh vực An ninh châu Á, Biển Đông, Việt Nam và
Trung Quốc. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết phân tích các vấn đề
chính sách, chiến lược Biển Đông và quan hệ quốc tế trên các chuyên san như
Asian Survey, The Diplomat, The National Interest và website của nhiều trường Đại
học, cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới, cũng như là đồng tác giả của nhiều cuốn
sách trong cùng lãnh vực. Ông đồng thời là thành viên ban biên tập tờ Chính
sách và chính trị châu Á (Asian Politics and Policy) của Tổ chức nghiên cứu
chính sách. Thông tin thêm về ông: http://apcss.org/college/faculty/vuving/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét