Bùi Bảo Trúc
Chắc cơ hội để cho
tôi gặp ông sẽ chẳng bao giờ có. Thôi thì cứ nói đôi ba lời cám ơn gửi tới ông,
dù biết những lời cám ơn đó cũng khó (hay nói thẳng ra) sẽ chẳng bao giờ đến được
tới ông. Nhưng ông cũng hiểu là có những việc chúng ta làm mà chính chúng ta chẳng
cần biết phía bên kia có tiếp nhận được hay không, nhưng chúng ta vẫn làm. Chỉ
vì chúng ta thấy cần phải làm. Thế thôi.
Xin cảm ơn và rất cảm
phục ông đã làm một công việc đẹp vô cùng trong mấy lớp học ông phụ trách.
Ông giáo Nguyễn Duy
Khánh năm nay 35 tuổi, là giáo sư của một trường ở An Thới huyện Phú Quốc. Ông
dạy môn (Việt) văn đã từ hơn một chục năm nay. Hôm 17 tháng 2 vừa qua, trước
khi giảng bài thường lệ, ông hỏi các học sinh trong lớp rằng trong tháng 2, có
một ngày quan trọng nào trong lịch sử Việt Nam đáng ghi nhớ không, thì tất cả
các học sinh của ông đều trả lời là không biết. Cũng có mấy học sinh khác nói rằng
tháng 2 có ngày Valentine, ngày lễ tình yêu, ngày một số quốc gia Tây phương
dùng làm để tôn vinh tình yêu của nam nữ.
Thôi thì cũng hiểu là
tuổi trẻ mới lớn muốn có một dịp để vui với nhau trong một đời sống chẳng có được
bao nhiêu ngày vui (ta đi qua nửa đời, không có một ngày vui: Trịnh Công Sơn).
Nhưng ông thấy rất đau khi tất cả các học sinh của ông đều không biết ngày 17 tháng
2 năm 1979 là ngày đã diễn ra một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng vô cùng tàn khốc ở
vùng địa đầu của Việt Nam, nơi tiếp giáp với Trung Quốc. Trong ngày 17 tháng 2
năm 1979 đó, đã bùng nổ một loạt những trận đánh khốc liệt của quân đội Trung
Quốc nhắm vào, không phải một, mà là nhiều thành phố của Việt Nam. Những loạt tấn
công này kéo dài trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng một tháng, nhưng
sau đó vẫn còn những trận giao tranh lẻ tẻ giữa hai bên trong suốt 10 năm kế tiếp.
Con số thương vong lên đến hai ba chục ngàn người. Đích xác là bao nhiêu đến
nay cả hai bên đều không đưa ra những con số rõ ràng. Nhưng phải là một con số
rất lớn, rất đáng kể.
Nhà cầm quyền Việt
Nam đã ém nhẹm mọi chuyện, không hề nhắc tới cuộc chiến này trong rất nhiều
năm. Bằng cớ là các học sinh trong lớp của ông giáo Nguyễn Duy Khánh, những em ở
những lớp tương đối là khá lớn (lớp 9 và lớp 10) đều chưa một lần nghe nói về
cuộc chiến ấy. Trong cuốn sách lịch sử dùng để dậy các em, cuộc chiến đẫm máu
đó được đề cập tới chỉ vỏn vẹn có 11 (mười một) dòng. Việc các em không biết gì
về cuộc chiến ấy hoàn toàn không phải lỗi của các em, và cũng không phải lỗi của
các thầy cô dậy các em. Với 11 dòng vùi lấp trong những trang sách của một
chương trình bề bộn ấy, các em không biết về cuộc chiến khủng khiếp đó là một
điều dễ hiểu.
Các binh sĩ Trung Quốc,
mà theo chính những tài liệu của họ, được lệnh là giết hết những người Việt Nam
mà họ gặp trên lãnh thổ Việt Nam. Và các binh sĩ này đã làm đúng các chỉ thị
đó. Mục tiêu tàn sát ấy không phải chỉ là các binh sĩ Việt Nam, mà còn là những
thường dân tại các khu vực Trung Quốc tấn công. Giải phóng quân Trung Quốc
không chỉ bắn giết những người lính và các thường dân Việt Nam các vùng này, mà
bọn chúng còn thực hiện những hành vi vô cùng thâm độc khác. Chúng hãm hiếp tất
cả các phụ nữ mà chúng gặp. Hãm hiếp xong, lính Trung quốc còn đâm chém giết
các phụ nữ Việt, cắt vú, mổ bụng, phanh thây các nạn nhân rồi quăng xuống những
giếng nước trước khi đổ thuốc độc xuống các nguồn nước này và rút đi. Một tấm bảng
nhếch nhác viết tay được dựng lên để ghi nhớ những hành động tàn ác ấy nay đã bị
cây cỏ dại mọc lên che kín.
Những cảnh thương tâm
và dã man ấy đã được nhà cầm quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách để lấp liếm che dấu,
xóa hết khiến cho hơn một thế hệ người Việt không hề biết tới những hành vi bạo
ngược của bọn xâm lăng Trung Quốc.
Các học sinh trong
các lớp học ông giáo Nguyễn Duy Khánh phụ trách đã không biết gì về cuộc chiến
tàn bạo ấy. Cho đến khi ông giáo Khánh giảng cho các em, sau khi đã nhìn trước
nhìn sau, sợ bị các biện pháp kỷ luật vì dám nói ra những chi tiết cấm kỵ liên
quan đến cuộc chiến biên giới Việt-Trung đó.
Những hy sinh của những
người lính, những cái chết oan khiên tức tưởi của những người dân vùng địa đầu
hoàn toàn bị chối bỏ trong suốt gần bốn chục năm nay, và nếu không có ông giáo
Khánh thì lại một số học sinh ở Phú Quốc cũng chỉ biết có ngày Valentine trong
tháng 2.
Ông giáo Khánh là một
người can đảm. Một người yêu nước can đảm. Ở Việt Nam ngày nay yêu nước cũng phải
can đảm. Phải can đảm mới dám yêu nước. Ông đã phải ngó trước, ngó sau mới dám
kể cho các học sinh của ông về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ngay việc
tưởng niệm những người đã khuất đó cũng bị ngăn cấm, cũng bị phá hoại thì việc
làm của ông giáo Khánh cần phải được ghi nhớ và cảm tạ.
Có một chi tiết khác
cũng nên nhắc ở đây. Đó là sau khi nghe thầy Khánh kể về cuộc chiến ấy, các học
sinh của thầy đã khóc và đứng lên cúi đầu mặc niệm những người chết trong cuộc
chiến năm 1979.
Những bức hình chụp
cho thấy các học sinh của thầy Khánh không có em nào đeo trên cổ những chiếc
khăn quàng đỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét