Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Tư bản trong thế kỷ XXI của Thomas Piketty


Bùi Tín

Le capital au XXIème siècle (Tư bản trong thế kỷ XXI) là cuốn sách gây tiếng vang lớn trong các học giả, nhà kinh tế, các nhà chính trị Âu, Mỹ suốt hai năm nay.

Trong tác phẩm dày hơn một ngàn trang này, nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty, năm nay 45 tuổi, nghiên cứu về những bất bình đẳng về kinh tế, thu nhập trong các nền chính trị - kinh tế khác nhau, từ đầu thế kỷ thứ Nhất đến nay. Cuốn sách trình bày những nhận định sâu sắc về kinh tế xã hội dưới các chế độ chính trị khác  nhau trong nhiều thời kỳ khác nhau, nhất là về thế kỷ XIX, XX và XXI. Sách do nhà Xuất bản Seuil của Pháp phát hành giữa năm 2013, chỉ  trong vòng3 tháng đã bán được hơn 15 vạn cuốn. Đầu năm 2014 sách được dịch ra tiếng Anh, trong 3 tháng bán được 450.000 cuốn. Báo The New York Times số ra ngày 23/3/2014 cho rằng đây là cuốn sách ‘’quan trọng nhất trong năm 2014’’, và cũng có thể là cuốn sách quan trọng nhất trong thập kỷ này.


Ngay sau đó, Thomas Piketty được mời sang Hoa Kỳ giảng dạy ở Trường Đại học Harvard. Năm 2014 ông được nhận giải thưởng ‘’Nhà kinh tế tài năng trẻ nhất nước Pháp’’, được giao sáng lập “Trường Kinh tế của nước Pháp” -  École d’Économie de France”. Tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) ở Hoa Kỳ đầu năm 2015 nhận định ông ở trong số “Một trăm trí thức có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm qua”.

Ông Nguyễn Quang Đỗ Thống, giáo sư gốc Việt ở Paris, đã tóm lược cuốn sách bằng tiếng Pháp, được chuyển qua tiếng Việt trên tạp chí Thời Đại Mới, rất dễ hiểu cho người đọc VN.

Điều rất lý thú và bổ ích là cuốn sách đồ sộ của Thomas Piketty đã đề cập đến một vấn đề then chốt của bất kỳ chế độ chính trị, bất cứ thời đại nào, đó là việc phân chia và phân chia lại của cải xã hội, vấn đề cơ bản hệ trọng nhất, liên quan đến cuộc sống của mỗi con người, đến sự tồn vong của một chế độ.

Cuốn sách chỉ ra rằng trong những thế kỷ cổ sơ, sản xuất còn tự nhiên, thô sơ, giao thông còn hạn chế, mỗi cộng đồng có phương thức sản xuất riêng, phân chia của cải xã hội còn ít ỏi theo kiểu đồng loạt, cùng làm, cùng ăn, cùng hưởng theo xã hội cộng sản nguyên thủy.

Sang thế kỷ XIX sự nghiệp công nghiệp hóa được đẩy mạnh với điện khí hóa, cơ giới hóa, giao lưu rộng khắp, buôn bán toàn cầu... giai cấp tư bản từ sơ khai trở thành tư bản lũng đoạn, chênh lệch thu nhập, giàu nghèo ngày càng mở rộng, bất công xã hội ngày càng lớn, người giâu ngày càng giàu thêm, kẻ nghèo ngày càng thêm nghèo khổ. Do đó mà sinh ra xung đột, dẫn đến chiến tranh, dân di tản, bất ổn xã hội.

Thomas Piketty cảnh báo rằng sang thế kỷ XXI, bi kịch lớn nhất, căn nguyên cơ bản của các xung đột trong nội bộ và trong quan hệ quốc tế chính là bất công xã hội, chênh lệch thu nhập ngày càng mở rộng. Vì vậy các chính phủ, các đảng chính trị cần xem việc chấn chỉnh phân phối hợp lý của cải xã hội là trách nhiệm hàng đầu, để phát triển trong an ninh xã hội. Việc thu thuế, chống tham nhũng và lãng phí cũng như thu nhập bất minh, công khai và minh bạch tài chính quốc gia trở thành những vấn đề sinh tử của mọi nước, mọi chế độ.

Đáng chú ý nhất trong cuốn Le capital au XXIème siècle là những đoạn nói về chênh lệch thu nhập trong các nước tư bản phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tác giả đã lập nên hàng trăm biểu đồ, hàng trăm bảng thống kê, tính theo tỷ lệ số dân và tỷ lệ thu nhập, trong một xã hội thu nhập trung bình, tính theo đầu người là bao nhiêu. Có nước chậm phát triển ở châu Phi, mức thu nhập này hàng năm chỉ chừng 600 đến 800 US$. Có nước phát triển trung bình đạt 1.500 đến 2.500 US$, (như ở VN, năm 2015 là 2.000 US$ ). Có nước  phát triển cao như Đức, Anh, Hoa Kỳ là 30.00 đến 45.000 US$.

Thế nhưng thực tế hoàn toàn không phải phân chia đồng đều  như vậy. Ông Thomas  Piketty cho rằng trên đây là thu nhập trung bình hàng năm, tiếng Pháp là thu nhập ‘’moyen’’ – bình quân của một người dân. Ông gọi người đứng giữa 100%, có thu nhập médian, dịch ra là ‘’trung vị’’.
Thực tế có những người thu nhập cao hơn con số trung vị, và cũng có người thu nhập thấp hơn nhiều. Ông tách ra nhóm 10% số người giàu nhất thế giới, thu nhập cao nhất,  trên thực tế lại chiếm đến một nửa tài sản chung là 50%.  Còn 95% số dân chia nhau 50% tài sản còn lại. Trong nhóm 5% số dân giàu nhất, mức thu nhập cũng chênh lệch nhau ghê gớm, có người gấp 10, gấp trăm mức trung vị. Và trong số 95% chia nhau 50% của cải cũng chia ra số nghèo và số giàu, số giàu tột đĩnh và số nghèo cùng cực.

Vậy nếu tính để so sánh người giàu nhất trong số người giàu và người nghèo nhất trong số nghèo, người thu nhập một năm trung bình một tỷ US$ như Bill Gates, người ở châu Phi chỉ có 500$, nghĩa là Bill Gates giàu gấp 2 nghìn  lần, vậy là người nghèo nhất ấy phải làm trong 2 nghìn năm mới bằng một tỷ phú Hoa Kỳ. Đây là vết sẹo xấu xa của một xã hội văn minh, ít ai nhận rõ.

Dựa vào thống kê Thomas Piketty cho biết nhóm 85 tỷ phú giàu nhất hành tinh hiện nắm giữ 50 % giá trị tài sản toàn thế giới. Tất nhiên trong số đó những người giàu nhất có tài sản trị giá gấp hàng chục lần người giàu thứ 85.

Tình hình đó đặt ra cho mọi Nhà nước, chính phủ, chinh đảng, nhà hoạt động xã hội nghĩa vụ phải tìm biện pháp để giảm bớt sự chênh lệch, giảm bớt thu nhập của người rất giâu và tương đối giàu để bù đắp cho những người nghèo và quá nghèo.
Nhiều tỷ phú hàng đầu của Hoa Kỳ như Bill Gates, Mark Zuckerberg… đã tự nguyện san sẻ tài sản riêng cho các tổ chức từ thiện quốc tế, cấp học bổng rộng rãi, đóng góp hàng tỷ đô la cho các cơ quan nghiên cứu chữa bệnh hiểm nghèo. Đánh dấu ngày sinh con gái đầu long, vợ chồng Zuckerberg đã tặng 95 % tài sản hiện có (trên 4 tỷ đôla) cho sự nghiệp nuôi dưỡng trẻ em và giáo dục tuổi trẻ trên thế giới.

Rất nhiều nhà tỷ phú nghĩ rằng để lại gia tài quá lớn cho con cháu mình không chắc đã là điều hay, có khi còn có hại, nuôi dưỡng tinh thần ỷ lại, lười biếng, không lao động mà giàu to, sinh ra lêu lổng, ăn chơi, mất tính tự lập và tự trọng. Nhiều nhà tỷ phú, triệu phú  trước khi chết đã để lại di chúc hiến tặng toàn bộ hay một phần lớn tài sản của mình cho xã hội, các hội từ thiện, các cơ quan nghiên cứu tìm tòi thuốc men chữa bệnh, cho các cháu nhỏ mồ côi, cho các giáo hội, hội Chữ Thập Đỏ...

Nhưng việc giải quyết tốt đẹp, bền vững hiện tượng bất công này trước hết thuộc về trách nhiệm của các chính phủ, nhà hoạt động chính trị, chính đảng cầm quyền, các cơ quan lập pháp và hành pháp… của mỗi nước.

Có hai kết luận rút ra từ cuốn Le capital au XXIème siècle là :
-    Chỉ có kiện toàn chế độ dân chủ, xóa bỏ mọi chế độ độc tài cá nhân và mọi chế độ độc đảng toàn trị mới làm cho của cải dồi dào, phân chia thu nhập tương đối hợp lý, giảm bớt bất công xã hội. Tất cả các nước giàu có nhất, phân chia của cải hợp lý nhất đều thuộc về  các nước dân chủ thuần thục, xã hội ổn định, hòa hợp, không trừ một nước nào.

-    Muốn giảm bớt bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo quá đáng cần có một chế độ công khai, trong sáng, minh bạch về tài chính, ngân sách, có kiểm toán chặt chẽ, bài trừ tham nhũng, lãng phí đến mức cao nhất, theo chế độ pháp trị thật nghiêm minh.

Mới đây, nhiều học giả và sinh viên Pháp tỏ ý mong muốn Thomas Piketty ra ứng cử tổng thống Pháp năm 2017, nhưng ông đã từ chối, tự cho mình chỉ là nhà khoa học. Ngày 1/1/2015 ông cũng không nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp, viện cớ rằng một tác phẩm khoa học nên để cho giới khoa học và công luận thẩm định chân giá trị là quá đủ rồi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét