Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Việt Nam tăng cường quân sự giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông


Lực lượng đặc công Việt Nam trong cuộc diễu hành mừng Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/2015.
Lực lượng đặc công Việt Nam trong cuộc diễu hành mừng Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/2015.

Hành động quân sự hoá các đảo mới xây ở Biển Đông của Trung Quốc đã biến Việt Nam thành một trong các nước nhập khẩu vũ khí năng động nhất trên thế giới.

Tờ The Wall St. Journal hôm 21/2 tường thuật rằng Hà Nội mua nhiều vũ khí hơn các nước láng giềng giàu có hơn như Nam Triều Tiên và Singapore, trong bối cảnh Việt Nam đang chống chọi những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ngày càng có tính cách gây hấn hơn của Trung Quốc trong Biển Đông.

Việt Nam nhập khẩu vũ khí nhiều hàng thứ 8 trên thế giới trong thời gian từ năm 2011 tới năm 2015, một bước nhảy vọt so với 5 năm trước đó, khi Việt Nam xếp hạng thứ 43, dựa trên cuộc khảo sát thường niên mới nhất về xu hướng mua bán vũ khí trên toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm thực hiện, và công bố kết quả trong ngày hôm nay, thứ Hai 22/2.


Viện Nghiên cứu Stockholm ước lượng trị giá vũ khí mà Việt Nam nhập trong thời gian từ 2011-2015 chiếm 3% trị giá vũ khí được mua bán trên toàn thế giới.

Đứng đầu danh sách này là Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu tới 14% vũ khí được trao đổi trên toàn cầu, tiếp theo đó là Ả Rập Xê-út và Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc cũng trở thành nước xuất khẩu vũ khí quan trọng, qua mặt các đối thủ Châu Âu để trở thành nước cung cấp vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới.

Theo nguồn tin này thì các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông là nguyên nhân Việt Nam phải đầu tư rất nhiều để nâng cấp lực lượng hải quân và không quân hầu có thể tự bảo vệ trước những đòi hỏi chủ quyền các vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc và với các nước láng giềng khác.

Mới đây Bắc Kinh đã đưa hệ thống tên lửa tối tân ra quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm của Việt Nam từ năm 1974.

Hôm thứ Sáu phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Hà Nội đã gửi công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon để phản đối và đòi Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động quân sự hoá này.

Trước đó Hoa Kỳ cũng đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc ‘quân sự hóa’ Biển Đông và nhắc lại lời cam kết của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi sang thăm nước Mỹ là sẽ không quân sự hoá Biển Đông.


Theo Reuters, Wsj.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét