Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

DỰNG LẠI VĂN HÓA

FB Mạnh Kim

Đã quá muộn để tiếp tục tự dối trá trước thực tế hiển nhiên về sự phá sản không thể cứu vãn của hệ thống giáo dục XHCN, trong đó giá trị nhân văn không được tôn trọng mà được thay bằng giáo điều chính trị khuôn mẫu. Những gì diễn ra vài năm gần đây mà mức độ ngày càng tệ hại, với sự hỗn loạn xã hội và xuống cấp một cách “có hệ thống”, chính xác là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục phi nhân bản. Nó gây ra những cơn tâm chấn rúng động tận lõi hệ thần kinh. Thực tế này khiến buộc phải nhìn lại, và cần phải dẹp bỏ tự ái để thừa nhận, rằng nền giáo dục VNCH là ưu việt hơn nền giáo dục XHCN chứ không phải ngược lại.


Được xây dựng bằng nhiệt huyết tinh thần dân tộc cùng nền triết lý giáo dục lấy chữ “nhân” (nhân bản, nhân vị, nhân tâm…) làm trọng tâm, giáo dục VNCH, với đóng góp của tinh hoa nhân tài ba miền, đã tạo ra nền móng đạo đức và giềng mối xã hội mạnh đến mức, mà đến tận nay, dù bị ảnh hưởng bởi sự ăn mòn từ axít XHCN khiến nham nhở diện mạo đời sống, miền Nam hiện vẫn ráng giữ lại những giá trị nhân bản cốt lõi từng được gieo cấy vào tâm hồn bằng giáo dục, từ giáo dục gia đình, giáo dục học đường đến giáo dục xã hội.

Sức đề kháng của miền Nam có thể thấy ở những sự kiện xảy ra vài năm nay, thể hiện sự khác biệt đối nghịch trong văn hóa ứng xử, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa giao tiếp… giữa miền Nam và miền Bắc – hay nói chính xác là giữa một miền Nam còn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa VNCH, và một miền Bắc tiếp tục bị tác động bởi thứ văn hóa XHCN vốn từng khép kín trong bầu không khí thiếu oxy của “văn hóa cộng sản” lai tạo bởi Trung Cộng và Liên Xô. Nói rộng hơn, sự kiện Hiệp định Geneve 1954 đã tạo ra hai xã hội với hai lối sống đối nghịch mà đến giờ vẫn có thể thấy sau hơn 60 năm. Vấn đề ở đây, cho nên, không phải là vùng miền, mà là sự khác biệt của hai nền văn hóa, giữa văn hóa khai phóng và văn hóa đóng khuôn.

Nếu vẫn không thừa nhận văn hóa VNCH tốt hơn văn hóa XHCN thì thử đặt câu hỏi tại sao người Bắc hiện vẫn tiếp tục di cư vào Nam chứ chưa bao giờ ngược lại? Miền Nam thu hút không chỉ bởi cơ hội làm ăn mà còn bởi lối sống và văn hóa sống. Nếu vẫn không thừa nhận nền văn hóa tự do tốt hơn văn hóa cộng sản thì có thể giải thích sao về việc một số (đang tăng dần) người Việt, sau nhiều thập niên sống dưới “nền” văn hóa XHCN, lại rất giống dân Hoa lục Trung Cộng, về cách sinh hoạt lẫn lối ứng xử, từ xô bồ đến nhếch nhác, từ cắp vặt đến giết người? Giải thích sao về việc người sống ở miền Bắc, khi vào Nam định cư, buộc phải thay đổi lối sống để thích nghi và hòa nhập với văn hóa xã hội miền Nam? Miền Nam không có “cháo chửi”, kể cả khi quán cháo được bán bởi người Bắc vốn từng sống ở một môi trường quen với quát tháo và xin-cho. Có không ít người miền Bắc di cư vào Nam từ sớm sau thời điểm 1975 nay cảm thấy xấu hổ trước hiện tượng suy đồi văn hóa diễn ra tại chính mảnh đất sinh ra mình. Đó là một thực tế.

Miền Nam trước 1975 không cần có “làng văn hóa” hay “khu du lịch văn hóa”. Bây giờ “khu phố văn hóa” và “xã văn hóa” hiện diện khắp đất nước này, tỉ lệ nghịch với sự xuống cấp không phanh về văn hóa; tương phản với sự vắng mặt những viện bảo tàng lẫn thư viện đẳng cấp quốc gia; tương phản chua chát với cơn sốt xây dựng chùa chiền miếu mạo và “lễ hội văn hóa”; tương phản mỉa mai với số lượng “bằng khen gia đình văn hóa” và các “phong trào thi đua văn hóa”. Trong văn hóa không thể có “thi đua”. Văn hóa là sự bao gồm kiến thức, nghệ thuật, luật pháp, giá trị và chuẩn mực sống được định dạng và thừa nhận qua thời gian, chứ không phải bằng “thi đua” hay được “công nhận” bằng “cơ quan quản lý”. Văn hóa không thể được “quản lý”. Người ta đang nhắc đến cách sống và phong thái lịch sự đầy tinh tế của người Nhật, với sự thèm muốn dữ dội, ở một đất nước nơi mà sách báo khiêu dâm vẫn bán đầy đường. Xây dựng văn hóa là tạo ra một hệ chuẩn được số đông công nhận để từ đó xã hội có thể tự kiểm soát và tự cân bằng, chứ không phải can thiệp bằng “quản lý” và “định hướng văn hóa”.

Văn hóa và nền móng văn hóa chỉ có thể xây dựng từ một nền giáo dục tự do, sáng tạo tự do, và tôn trọng con người tự do. Tri thức là thành tố quan trọng trong văn hóa. Không thể xây dựng văn hóa khi mà trí thức tự do còn bị gạt ra ngoài lề. Miền Nam, nơi sinh sống của người đến từ ba miền như vốn dĩ xưa nay, đang đóng vai trò như cái bản lề níu lại cánh cửa văn hóa chực bong. Tuy nhiên sự sụp đổ đang diễn ra ào ạt, khắp nơi, với tốc độ đáng sợ. Nếu không khôi phục lại những giá trị giáo dục tinh túy từng hiện diện ở miền Nam, chính xác hơn là nếu không từ bỏ hệ thống giáo dục giáo điều, cơn lốc phá sản văn hóa sẽ càn quét không chừa một góc nào trên đất nước này. Muốn dựng lại những gì đang đổ nát, hơn lúc nào hết, phải thay đổi giáo dục và triết lý giáo dục. Người ta có thể chịu đựng một đất nước nghèo về kinh tế nhưng không dân tộc nào có thể dung thứ cho sự phá sản văn hóa bởi sự ngu muội và sợ hãi tự do.
……..

Nhếch nhác lễ hội (ảnh: Tuổi Trẻ, Pháp Luật VN)

H1
H2
H3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét