Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Việt Nam ngăn chặn các cuộc biểu tình trong Ngày Môi trường Thế giới



Gia Minh RFA 

 
Biểu tình ở Hà Nội ngày 5/6/16

Ngày 5 tháng 6 hằng năm là Ngày Môi trường Thế giới theo nghị quyết của Liên hiệp quốc. Trong ngày này thường có nhiều sinh hoạt cộng đồng nhằm cổ xúy công tác bảo vệ môi trường Trái Đất hiện nhiều nơi đang bị xâm hại, xuống cấp trầm trọng.

Tuy nhiên một số người xuống đường tuần hành biểu tình vì môi trường trong ngày 5 tháng 6 hôm nay ở Hà Nội và Sài Gòn bị ngăn chặn, bắt bớ.


Ngăn chặn - bắt bớ

Trong tuần qua trên mạng Internet xuất hiện kêu gọi xuống đường trong ngày chủ nhật 5 tháng 6- Ngày Môi trường Thế giới lên tiếng cho một môi trường xanh-sạch.

Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, một nhà hoạt động tại Hà Nội, cho biết tình hình vào sáng nay ở thủ đô nhân ngày Môi trường Thế giới như sau:

“Tôi vẫn còn ở trong trung tâm thành phố đây. Sáng nay tôi đi taxi ra đến Bờ Hồ thì thấy thành phố Hà Nội đã triển khai rất nhiều xe khủng để cắt cành cây ở trên cao; thế nhưng họ không cắt gì mà chỉ đi quanh Hồ Gươm để thị uy thôi.

Dọc quanh Hồ Gươm có rất nhiều thanh niên tình nguyện đi nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh ở đó. Còn Nhà Hát Lớn thì bị ‘nhốt’ bởi một hàng rào sắt vì có những lời kêu gọi trên mạng nhân ngày Môi trường Quốc tế hôm nay đi ra Đài Phun nước Bờ Hồ và Nhà Hát Lớn để mit ting, biểu tình nhằm lên tiếng kêu cá chết, biển chết và đòi chính phủ phải minh bạch và công bố kết quả. Thế nhưng lực lượng môi trường của Nhà nước được đưa ra Bờ Hồ hôm nay rất nhiều để cho có hình ảnh đưa lên báo chí. Còn chủ yếu vẫn là lực lượng công an các loại; cũng như quanh Hồ Gươm có hằng chục chiếc xe của các phường túc trực để sẵn sàng bắt người.

Hôm nay có gần 30 thanh niên Hà Nội đi ra Bờ Hồ để biểu tình; nhưng họ không thể tụ tập được ở Nhà hát Lớn hay Đài Phun nước. Họ tập họp lại đi bộ không hô hoán gì đến Phố Hàng Gai thì bị an ninh buộc tất cả lên xe và đến lúc tôi nói đây thì được biết họ bị đưa đến đồn công an quận Long Biên, nơi giữ những người đi biểu tình.”

Từ Sài Gòn, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cho biết bản thân bà cũng muốn xuống đường để bày tỏ ủng hộ việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong tình hình lĩnh vực này ở Việt Nam ngày càng xuống cấp; tuy nhiên bà bị chốt chặn không thể ra khỏi nhà.

Ngoài ra mạng xã hội facebook ở Việt Nam trong ngày chủ nhật 5 tháng 6 cũng gặp trở ngại, bà Phạm Thanh Nghiên cho biết:

“Ngày hôm nay mạng facebook cũng bị chặn rất gắt gao cũng như những lần trước. Động thái của nhà cầm quyền khi mà xảy ra những hoạt động chính đáng nào của người dân gây sức ép với nhà nước; đặc biệt trong trường hợp này là đòi minh bạch về thông tin môi trường, họ đều làm động tác chặn các mạng xã hội.

Người dân Hà Nội giơ cao biểu ngữ trong cuộc biểu tình vì môi trường ngày 5 tháng 6 năm 2016. 

Do đó ở phía Sài Gòn thì tôi chỉ nhận được cuộc điện thoại của một người tham gia tuần hành ở Sài Gòn nói rằng hàng rào kẽm gai được huy động vào khu vực trung tâm thành phố nơi mà sẽ diễn ra cuộc tuần hành ôn hòa trong sáng ngày hôm nay.

Nhiều nhóm nhỏ đi nhưng chưa thể tập trung lại một chỗ được. Theo tường thuật của bạn đưa tin cho tôi thì nhóm đông nhất hơn 100 người đang đi bình thường; nhưng chỉ tích tắc sau khi bạn đưa tin cho tôi vượt thoát sự đeo bám của an ninh nhìn lại thì không thấy 100 người đó đâu cả. Theo dự đoán của người này thì tất cả bị ‘hốt’ hết. ‘Hốt’ là từ mà chúng tôi dùng để chỉ việc bị công an bắt.”

Nạn nhân

Anh Trịnh Bá Phương, một trong những người bị bắt tại Hà Nội, vào lúc 9 giờ sáng cho biết tình trạng của anh lúc đó như sau:

“Tôi đang trên xe của công an trên đường về. Sáng nay khi đến chỗ Đền Ngọc Sơn, Hồ Hoàn Kiếm đang ngồi chờ tập trung thì tôi bị khoảng 10 tên an ninh khống chế lên xe. Một viên an ninh nói rằng bộ phận A38, phụ trách an ninh xã hội của Bộ Công an nói đưa tôi đưa về công an phường Cửa Nam. Tại đó họ đưa giấy ra lập biên bản nhưng tôi bất hợp tác và không ký gì cả. Một lát sau công an địa phương chở tôi đi nhưng không biết chở đi đâu.”

Hoạt động trước đây

Trước đây vào những dịp như Ngày Môi trường Thế giới hằng năm, cơ quan chức năng như Bộ Tài Nguyên- Môi trường và những tổ chức xã hội trong lĩnh vực này cũng có những sinh hoạt cộng đồng với mục tiêu hưởng ứng kêu gọi của toàn thế giới trong việc chung tay bảo vệ hành tinh Trái Đất.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có nhận định về sinh hoạt đó lâu nay:

“Vào những năm trước, vào Ngày Môi trường Thế giới, các ông lãnh đạo thường dự một cuộc mít ting ngoài đường phố và rồi có thể cùng các cháu thanh thiếu niên nhi đồng đi nhặt rác. Họ làm một tí vào buổi sáng thế thôi! Chứ quanh năm Hồ Gươm vẫn rất nhiều rác rưởi và nhất là sau một đêm lễ hội thì Hồ Gươm như một bãi rác khổng lồ.

Vấn đề là ý thức của con người; chứ truyền thống của Việt Nam gói gọn trong 8 chữ ‘cờ đèn- kèn trống-bưng bê-kê đặt’. Đến ngày lễ gì thì cũng gõ vài tiếng trống, mít tinh rộn ràng cho vui rồi đưa lên báo chí, truyền hình; chứ còn việc giúp cho người dân ý thức bảo vệ môi trường, cũng như trách nhiệm đối với môi trường của quan chức Việt Nam từ trung ương đến địa phương rất yếu. Bằng chứng là khi mà hằng tuần có một đội tình nguyện của các nhóm xã hội dân sự mang túi giấy ra Hồ Gươm nhặt rác thì hay bị làm khó.

Hai nữa, thảm họa cá chết ở miền trung, ô nhiễm cả mấy trăm cây số bờ biển đến nay 60 ngày rồi mà vẫn không công bố được kết quả điều tra nguyên nhân. Và nhiều điều cho thấy sự vô trách nhiệm đối với dân, đối với môi trường và đối với tài nguyên của đất nước.”

Những người quan tâm đến môi trường Việt Nam đều cho rằng nếu bàng quan với những diễn tiến đang xảy ra, đến một lúc nào đó tất cả đều phải gánh chịu hậu quả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét