Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón các bạn trẻ trong cuộc gặp
gỡ Các nhà Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 25 tháng
5 năm 2016.
Thời còn đi học, hầu hết chúng tôi khi được hỏi có dự định
gì khi ra trường đều nói muốn được làm công việc mình ưa thích, đúng chuyên
ngành. Một cô bạn học báo truyền hình mong một ngày được đứng trên sân khấu làm
MC chương trình ca nhạc sống động, hay anh chàng học tài chính ngân hàng thì muốn
tìm hiểu cơ hội việc làm trong thị trường chứng khoán, buôn bán cổ phiếu… Có những
mơ ước rất hay và thực tế, tuy nhiên sau tất cả, họ đều chọn cho mình một công
việc nhà nước rất an vị. Và một điểm chung là những vị trí đó đều có được nhờ mối
quan hệ của gia đình.
Mới đây, trưởng ban thành ủy Hà Nội đã xác nhận rằng huyện Mỹ
Đức toàn cho con em, người thân, họ hàng vào cơ quan công tác tại huyện này là
có thật. Việc cơ chế tuyển dụng đều “đúng quy trình, đúng thẩm quyền” đặt ra
nhiều nghi vấn. Sự việc ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai Bộ trưởng bộ Công
Thương được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng của bộ này, cũng như làm phó tổng
CTCP Bia rượu Sài Gòn Sabeco cũng khiến dư luận chú ý. Một vài luồng thông tin
ngoài lề còn cho biết thêm các vị trí lãnh đạo cấp cao của Sabeco cũng toàn do
COCC (con ông cháu cha) nắm giữ.
Tất cả những trường hợp như trên càng lúc càng trở nên phổ
biến tại Việt Nam, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều cơ quan đầu não chính
trị nhà nước hơn các thành phố khác. Một lần nói chuyện với một cô bạn đã lâu
không gặp, cô than thở về công việc văn phòng nhàm chán với lương cơ bản chỉ
vài triệu đồng. Khi tôi hỏi sao không nghỉ việc đi kiếm chỗ khác, thì cô trả lời
đơn giản: “Nhưng mà nhàn, ngồi cả ngày lướt facebook cũng không sao cả.” Thôi
thì khoan nói đến chất lượng công việc và năng lực, tôi có một mối băn khoăn
khác, về những khát vọng của tuổi trẻ.
Cho đến nay, dù đã đi qua một vài nước, trải nghiệm nhiều nền
văn hóa khác nhau trên thế giới, cùng những công việc ngắn hạn tại những nơi
đó, tôi vẫn chưa thể hiểu hết bản thân và biết mình thực sự mong muốn điều gì.
Và tôi dám chắc những người nhỏ hoặc bằng, thậm chí là lớn tuổi hơn tôi cũng có
cảm giác như vậy. Đã qua rất lâu rồi cái thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thậm
chí không ít người trẻ hiện nay “dị ứng” với cụm từ này. Nhưng câu nói đó đâu
chỉ gói gọn trong vấn đề hôn nhân, có lẽ ý nghĩa của nó bao hàm cả cuộc đời,
trong cả quyết định về việc chọn lựa trường lớp, nghề nghiệp. Những con đường
được vẽ sẵn, những kế hoạch được vạch trước, tạo nên một hệ thống văn hóa
“thích an phận” như bây giờ. Chính những người trẻ Việt cũng không còn biết
mình cần phải làm gì nếu không có sự nâng đỡ từ phía gia đình. Họ cũng tự đặt
mình vào guồng quay “an phận” ấy.
Tôi từng xem một bộ phim tài liệu về người đầu bếp chuyên
nghiệp chế biến món cá sống giỏi nhất thế giới sống tại Nhật Bản, Jiro Ono. Để
được thưởng thức tay nghề của ông, khách hàng phải đặt chỗ trước cả năm trời. Cửa
hàng nhỏ xíu chỉ độc 10 chỗ của người đầu bếp này không có thực đơn cố định. Thực
khách đến sẽ ăn ngẫu nhiên món ăn ông làm ngày hôm đó. Có một chi tiết tôi nhớ
mãi khi ông kể về cuộc đời mình: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy rằng con nên
nhớ không có chốn nào để quay về đâu, vì vậy hãy làm việc thật chăm chỉ và cố gắng
hết sức. Từ đó, tôi biết mọi việc đều phải dựa trên chính bản thân mình. Thời đại
bây giờ, cha mẹ hay nói với con là nếu mọi chuyện không được như ý muốn, hãy
quay về nhà. Chính từ lúc ấy, họ đã biến con trẻ trở thành những kẻ thất bại.”
Với cha mẹ Việt, họ muốn con cái có cuộc sống dễ dàng, càng
dễ dàng càng tốt, dẫu sự dễ dàng đó được xây dựng trên những khổ đau của kẻ
khác. Họ tích góp (hay vơ vét) cả đời, chỉ để mong con cái có được sự “ổn định”
càng sớm càng tốt. Nhưng đó là sự mong muốn đến từ phía cha mẹ, còn đối với các
bạn trẻ, ở tuổi 20s, chẳng nhẽ chúng ta cũng tự ràng buộc mình trong một cuộc sống
như vậy? Một công việc do cha mẹ mang đến, một chỗ đứng nhờ gia đình sắp đặt,
và những khao khát chưa bao giờ được lắng nghe, những thành tựu không khi nào
được xã hội công nhận, thậm chí là bị hạ thấp và coi thường, đằng sau cái bóng
nâng đỡ từ phía gia đình. Quan trọng hơn, liệu bản thân mình, với tâm hồn bay
nhảy của một người trẻ tuổi, có cảm thấy bị kìm kẹp và tổn thương trong chiếc lồng
mà cha mẹ đã đặt bạn trong đó? Tại sao không tung cánh và trải nghiệm cuộc sống
của chính bản thân mình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét