Nguyễn An Dân
Lãnh đạo Formosa xin lỗi người dân và Nhà nước
Việt Nam
Trước khi chính phủ họp báo chính thức vào 17h ngày
30/06/2016, đã có những thông tin “lọt lộ” ra, rằng thủ phạm chính là Formosa,
và những thông tin xì xào ra đó được cộng đồng mạng xã hội hoài nghi là “dọn đường
dư luận”.
Sau lời xin lỗi của Formosa và những thông tin mà chính phủ
họp báo đưa ra, cá nhân tôi vẫn chưa thấy hài lòng vì còn nhiều câu hỏi chưa có
lời đáp, dù cũng có một số vấn đề được sáng tỏ.
Theo các bình luận sau họp báo của quần chúng trên mạng xã hội,
tỷ lệ không đồng ý, không muốn nhận số tiền Fomosa bồi thường 500 triệu USD là
khá cao, cũng như họ đòi đóng cửa Formosa.
Cũng có nhiều ý kiến trung dung hơn, như đòi nâng số tiền bồi
thường lên, so sánh với việc Tập đoàn dầu khí BP phải bòi thường 54 tỷ USD do sự
cố về dầu ở Mexico trước đây.
Trên góc độ pháp lý, nhiều luật sư Việt Nam kiến nghị khởi tố
vụ án, điều tra xử lý về vấn đề môi trường theo luật, số tiền bồi thường căn cứ
vào phán quyết của tòa án, chứ không thể theo quyết định của Formosa.
Theo các nhà báo phỏng vấn trực tiếp ngư dân địa phương
trong vùng cá chết, ngư dân nói là “tiền bồi thường quá thấp nếu chia cho ngư
dân 4 tỉnh”, nguyện vọng duy nhất là “biển trở lại như trước khi có Formosa”.
Dư luận còn nêu ra những câu hỏi chưa có lời đáp, như ai sẽ
chịu trách nhiệm việc đường ống xả thải thẳng ra biển là trái luật, ai chịu
trách nhiệm trong việc báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa?
Về mặt y học, cũng có nhiều ý kiến phản ánh ngành y tế Việt
Nam phải công bố những chất độc đó tồn lưu trong cá và trong biển về sau này có
ảnh hưởng gì đến sức khỏe, trước mắt và lâu dài của nhân dân hay không?
Họp báo công bố nguyên nhân cá chết chiều 30/6
ở Hà Nội
Cũng như vậy, quần chúng đặt câu hỏi với ngành tài
nguyên-môi trường, là bao giờ biển của chúng ta trở lại như trước khi có
Formosa?
Việc xử lý hậu quả sau này là việc quan trọng, một cái nhìn
toàn cục và đưa ra giải pháp là hết sức cần thiết.
Thiệt hại
Báo Pháp Luật Tp HCM có một bản tin công bố rằng Bộ Lao Động
Thương Binh Xã Hội “khẩn trương” làm đề án để giải quyết việc làm cho 1 triệu
lao động, đang là ngư dân ở 4 tỉnh Miền Trung đã bị thiệt hại, chuyển sang làm
ngành nghề khác.
Điều này cho thấy rằng chính phủ Việt Nam, trước khi công bố
thông tin, đã “biết trước” khu vực biển 4 tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh trở vào tới
Quảng Bình, đã không còn là ngư trường nữa?
Việc chính phủ làm đề án chuyển đổi cơ cấu lao động là cần
thiết để khắc phục hậu quả, nhưng dân sinh không chỉ đơn thuần là cần kiếm ăn,
mà kèm theo đó là tâm tư, nguyện vọng làm giàu chính đáng. Vốn đã quen ngư nghiệp,
đổi thay không phải là đơn giản, kèm theo không ít là sẽ là hậu quả xã hội phát
sinh.
Đây mới là thiệt hại lớn nhất, ở ven biển mà không thể kiếm
ăn từ biển mà phải đi lên núi, xuống đồng hay ra tỉnh.
Thiệt hại thứ hai là quốc tế nghi ngờ năng lực bảo vệ môi
trường của Việt Nam, nghĩa là từ nay những sản phẩm từ biển của Việt Nam nói
riêng, và thực phẩm khác nói chung, xuất khẩu đi phải chịu kiểm soát nhiều hơn.
Thiệt hai này là cả nước phải gánh chịu.
Thiệt hại thứ ba, lâu dài hơn và nguy hại hơn, là như vậy
ngư trường truyên thống của nước ta tại miền Trung từ nay thuộc về ai, nước
nào? Nếu ngư dân không còn ra biển?
Image caption Cá chết ở Quảng Bình
Thiệt hại thứ tư là cả nước nghi ngờ nhau.
Về quan hệ người dân-chính quyền, người dân nghi ngờ chính
quyền “thiếu minh bạch và có tiêu cực”, nhất là sau những phát ngôn trái ngược
nhau của các quan chức phụ trách ngành môi trường.
Về quan hệ nhân dân, người tiêu dùng nghi ngờ người bán hải
sản bán sản phẩm nhiễm độc cho mình để thu lợi nhuận.
Về an ninh quốc gia, người dân hoài nghi năng lực phòng thủ
của đất nước trước các tấn công hóa-sinh học, họ tự hỏi rằng thời bình mà chính
quyền nghiên cứu, điều tra…chậm như vậy, thì thời chiến sẽ thiệt hại như thế
nào, liệu có phản ứng kịp để giảm thiểu thiệt hại hay không?
Sau vụ cá chết cách ứng xử của nhà nước tạo nghi ngờ trong
người dân và quốc tế về khả năng ứng phó kịp thời, chuyên nghiệp, hữu hiệu và
minh bạch. Đây là những yếu tố không thể thiếu để bảo đảm an ninh quốc gia và
khu vực trong bối cảnh Biển Đông đang bất ổn.
Về an ninh xã hội, sau nhiều cuộc biểu tình, chính quyền
ngăn chặn thì bị mang tiếng là vi hiến, mà không ngăn chặn thì chính quyền lo
ngại đảng này phái kia ở nước này nước nọ thao túng giật dây, hết sức lung túng
và thiếu chính danh khi hành xử.
Nghe nói rằng quy mô đầu tư của Formosa tầm khoảng 15 tỷ
USD, hàng năm nộp ngân sách khoảng 10 ngàn tỷ đồng (chưa kể có nghi vấn trốn
thuế), liệu có đáng vì những con số đó mà làm chúng ta lộn xộn nghi ngờ lẫn
nhau?
Giải pháp
Vấn đề mở rộng của “vụ cá chết” này chính là giải bài toán
kinh tế biển của đất nước, cũng như bài toán kinh tế quốc gia nói chung mà vẫn
giữ vững an ninh và thể diện quốc gia.
Thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết trong tình hình kinh
tế tự thân của quốc gia còn yếu. Nhưng cần đặt nó dưới cái nhìn phát huy lợi thế
quốc gia.
Với vị trí địa-chính trị của Việt Nam, nếu coi đất liền là
cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng nhân dân thì biển Đông chính là nơi để đất nước
sinh tồn và hùng mạnh
Tôi không phải chuyên gia kinh tế, nhưng với đặc trưng Việt
Nam chúng ta là quốc gia có thế mạnh nông nghiệp và ngư nghiệp, thì cũng không
khó lắm để kiếm tiền.
Với chiều dài 3.000 km bờ biển, tại sao chúng ta không học
theo các quốc gia mạnh về ngư nghiệp như Nhật Bản, Na Uy…nhờ họ đào tạo, chuyển
giao, hổ trợ công nghệ đánh bắt và bảo quản hải sản hiện đại.
Hải sản đánh bắt về sau đó, chỉ cần xây một số cụm công nghiệp
nghề cá dọc ven biển, lựa chọn phần ngon trong hải sản để chế biến, bán nội địa
và xuất khẩu.
Các sản phẩm thải loại từ đó lại dùng làm thức ăn chăn nuôi
gia súc và phân bón, cũng lại cung ứng cho ngành nông nghiệp- chăn nuôi nội địa
và xuất khẩu.
Như vậy bài toán kinh tế quốc dân trong 2 ngành xương sống
ngư nghiệp và nông nghiệp-chăn nuôi đâu có khó để giải quyết, và hoàn toàn tự nội
lực quốc gia làm được, đâu cần phải nghe ông nước ngoài nào hô hào chọn “sắt
thép hay cá”.
Đã đến lúc chúng ta cần có một tầm nhìn về nội lực quốc gia,
không thể dựa vào ngoại bang mãi được dù là nước nào đi nữa…Học hỏi cường quốc
để tự thân vận động và trông chờ họ ban phát là hai việc khác nhau.
Chúng ta sinh ra và lớn lên trên đất liền, nhưng không thể
đi ra biển được thì làm sao chúng ta lớn lên hùng mạnh được?
Việt Nam có 28 tỉnh/ thành phố ven biển, với một Formosa mà
ngư dân 4 tỉnh miền Trung phải bỏ biển, vậy thêm 6 Formosa nữa là ngư dân cả nước
thất nghiệp? Và Biển Đông sẽ thuộc về ai?
Cái giá của an ninh quốc gia
Có quan chức đảng cầm quyền từng so sánh và động viên “ngư
dân là những cột mốc chủ quyền sống” trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu vậy
thì giờ đây một bộ phận trong đó phải dời vào cắm trong bờ, và bản thân “cây cột
mốc” thì yếu ớt còi cọc vì mất sinh kế, vậy chủ quyền Biển Đông có yếu đi không
?
Tôi cho ước lượng là 1 Formosa đầu tư là 15 tỷ USD, thêm 6
Formosa nữa thì khoảng 105 tỷ USD.
GDP một năm của Việt Nam hiện nay là 150 tỷ USD/năm, so sánh
mới thấy chúng ta đánh đổi nguy cơ bất ổn an ninh quốc gia và kinh tế biển là
quá rẻ, chưa bằng tiền 1 năm chúng ta làm ra. Đây là điều tôi e ngại.
Chúng ta là một đất nước nhỏ bé về diện tích, đừng biến mình
thành bãi rác của các quốc gia lớn hơn. Trách nhiệm của nhân dân là tỉnh táo và
cảnh giác, còn trách nhiệm của chính quyền là lập ra sách lược tốt và minh bạch,
công khai để phát triển, và khi có hậu quả xảy ra thì xử lý minh bạch, nhanh
chóng, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích nhân dân.
Đừng để sau một thời gian nữa, giới quan sát chính trị Việt
Nam phải đưa ra nhận xét “Muốn làm xáo trộn và suy yếu Việt Nam, chỉ cần trăm tỷ
USD, quá rẻ”.
Vấn đề Formosa cũng là một cơ sở để mở ra cho Việt Nam tiếp
cận một khái niệm chiến tranh mới mà các cường quốc đang nghiên cứu, Chiến
Tranh Sinh Thái. Tôi sẽ có bài viết về đề tài này tới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét