Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Một ngày buồn

Lê Phan



Sáng nay, Thứ Sáu, 24 Tháng Sáu, tôi bị đánh thức bởi một email của một bạn đồng nghiệp ở Đông Nam Á với một câu hỏi “Tại sao chuyện này có thể xảy ra được? Bộ các bạn khùng rồi sao? Ở đây chúng tôi cầu có được một Liên Hiệp Âu Châu để đối đầu với ông khổng lồ Trung Quốc.” Tôi đã trả lời “Tôi biết chứ. Tôi bỏ phiếu để ở lại. Nhưng Âu Châu khác Đông Nam Á!!! Tuy vậy đây là một ngày đáng buồn.”
Câu chuyện khó tin này bắt đầu khi Thủ Tướng David Cameron đánh cá và thua độ. Hơn nửa dân chúng Anh đã chọn nghe những lời đe dọa của các ông Boris Johnson, Michael Gove, Nigel Farage, cũng như các tờ nhật báo lá cải như The Sun và The Daily Mail. Và Liên hiệp Vương quốc Anh, Âu Châu, Tây phương và có thể toàn thế giới đã thức dậy không còn nguyên vẹn nữa. Vương quốc thống nhất sẽ mất đi rất nhiều ảnh hưởng và sẽ có thể sau cùng bị phân chia trở lại. Âu Châu mới mất nền kinh tế lớn thứ nhì và một trong những cường quốc có tầm nhìn cởi mở nhất.

Như nhà bình luận Martin Wolf của tờ Financial Times đã nhận xét, cái bản lề nối giữa Liên Hiệp Âu Châu và các cường quốc nói tiếng Anh đã bị bẻ gãy. Đây có lẽ là giây phút đáng kể nhất trong lịch sử Anh kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Nó có thể đánh dấu một điều còn đáng sợ hơn, đó là sự rút ra khỏi toàn cầu hóa và trở về với bảo hộ mậu dịch. Một số các đại công ty nay đã tìm lại bài học của thập niên 1930 khi bảo hộ mậu dịch cộng với chủ nghĩa quốc gia quá khích dẫn đến chiến tranh kinh tế và khủng hoảng toàn cầu. Và trên hết tất cả, nó là một sự chiến thắng của những người bất mãn và lo sợ chống lại những người tự tin vào khả năng của Liên Hiệp Vương Quốc Anh có thể đáp ứng được với thay đổi và lãnh đạo Âu Châu.

Địa lý của kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy đây cũng là một sự nổi loạn của các tỉnh chống lại một thủ đô Luân Đôn phồn vinh của toàn cầu hóa. Đây cũng là một sự nổi dậy chống lại những uy quyền đương thời, chính trị, kinh tế và cả doanh nghiệp nữa. Trong khi đó, những người coi mình là những kẻ thua thiệt, những người bực tức với những thay đổi trong nước mình, nhất là di dân hàng loạt, đã thắng. Họ đã phá hủy những kiến trúc được xây dựng công phu bởi những uy quyền trong nửa thế kỷ. Điều còn đáng sợ cho nền dân chủ Anh hơn nữa là đảng Lao Động, đảng đối lập hiện nay, cũng là một nạn nhân. Với kết quả từ miền trung nước Anh, nơi vốn là thành trì của đảng, họ đã mất một số ủng hộ lớn.

Nhưng Anh Quốc có thể không phải là quốc gia cuối cùng phải trải qua một trận động đất như vậy. Những phong trào của những người nổi giận đang có mặt ở nhiều nơi khác, nhất là ở Hoa Kỳ, với sự thăng tiến về cánh hữu có ông Donald Trump, về cánh tả có ông Bernie Sanders; với sự nổi lên của bà Marine Le Pen, và ngay cả ở Đức, với sự thành công của đảng Alternative for Germany. Những quốc gia khác có thể đi vào vết xe đổ của Anh Quốc.

Một trong những cơn ác mộng của thế giới là khi một Tổng Thống Donald Trump gặp một Thủ Tướng Boris Johnson. Cả hai có rất nhiều điều giống nhau. Họ cũng sẵn sàng chà đạp lên sự thật và sẵn sàng dùng đủ mọi thủ thuật để chiến thắng. Ông Trump có thể bất chấp thực tế khi ông bảo với người dân Michigan là ông sẽ “ra lệnh” cho công ty xe hơi phải đưa xí nghiệp trở về Hoa Kỳ, cũng như ông Johnson đã từ nhiều năm trước với tư cách chủ bút của một tờ tạp chí nổi tiếng của cánh hữu Anh, bảo là Liên Hiệp Âu Châu không cho dân Anh được quyền tiêu thụ cà rốt và chuối cong.

Anh Quốc nay đang đi vào một giai đoạn bất ổn kéo dài mà với một triển vọng hầu như chắc chắn sẽ mở màn cho một tương lai ít quan trọng hơn. Đảng Bảo Thủ nay sẽ đi vào một giai đoạn tranh chấp tương tàn trong ba tháng nữa với triển vọng một số thuộc phe ở lại tách ra khỏi đảng.

Bất chấp những lời khuyên bảo của các kinh tế gia, đồng minh và chính phủ của chính họ, một đa số dân Anh đã cương quyết rút khỏi bốn thập niên của ổn định trong Liên Hiệp Âu châu để bước đi vào chỗ hoàn toàn xa lạ. Sự trụt giảm 10% của đồng bảng Anh là một báo hiệu của những gì sẽ xảy ra. Khi niềm tin sụp đổ, Anh Quốc có thể rơi vào suy thoái. Một nền kinh tế ít sinh động hơn có nghĩa là ít công ăn việc làm hơn, thuế thu được vào ngân khố giảm đi, và rồi sẽ lại phải thêm thắt lưng buộc bụng nữa. Mà lần này kinh tế Anh sẽ không hy vọng vào sự cứu nguy của ai hết. Hậu quả cũng có thể gây chấn động cho nền kinh tế thế giới đang còn hết sức mong manh.

Về chính trị, Tô Cách Lan, mà hầu hết dân chúng bỏ phiếu ở lại với Âu Châu, nay càng muốn tách rời ra khỏi Vương Quốc Anh hơn, như họ đã suýt làm năm 2014. Bên kia bờ eo biển English Channel (hay Biển Manche), những kẻ nghi ngờ Âu Châu như Mặt Trận Quốc Gia của bà Le Pen sẽ coi việc phủi áo ra đi của Anh Quốc như là một sự khuyến khích. Liên Hiệp Âu Châu, một định chế đã giúp bảo vệ hòa bình cho Âu Châu trong nửa thế kỷ, đã bị một đòn mà thế giới phải hy vọng là không chí mạng.

Tại sao lại rút lui ư? Vì một đa số trong cử tri Anh Quốc đã là nạn nhân của những cắt giảm công chi và không thấy được chia sẻ với sự hồi phục kinh tế, nay sẵn sàng nghe theo tiếng nói của những kẻ mị dân tức giận. Những người bỏ phiếu ra đi đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hành động của họ, từ thiếu dân chủ và hành chánh cồng kềnh của Brussels đến sự yếu kém của các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro. Nhưng điều thực sự đã đẩy họ chọn Brexit là tự do di dân bên trong liên hiệp. Với số di dân tăng, di dân trở thành đề tài nóng bỏng.

Dựa trên đà tức giận của dân chúng, phe chủ trương ra đi đã hứa là họ có thể có một nền kinh tế thịnh vượng và kiểm soát di dân. Nhưng dân chúng đã bị lường gạt bởi họ không thể có được điều đó chỉ qua lá phiếu ra đi. Nếu họ muốn buôn bán với thị trường chung Âu Châu và hưởng những lợi nhuận từ đó, họ phải chấp nhận tự do di dân. Tự do di dân cho các công dân trong Liên hiệp là một trong bốn điều cấm kỵ và không thể điều đình được của Liên Hiệp Âu Châu. Nếu Anh Quốc bác bỏ tự do đi lại thì họ sẽ phải trả cái giá bị cấm cửa đối với thị trường chung. Dân chúng Anh sẽ phải lựa chọn giữa giới hạn di dân hay phồn vinh.

Anh Quốc có thể chọn con đường của Na Uy, chấp nhận tự do di dân để được buôn bán với một thị trường chung lớn nhất thế giới. Nhưng chọn giải pháp Na Uy cũng có nghĩa là Anh Quốc đang ngồi bàn tiệc với các quốc gia Âu Châu khác, vừa được ăn vừa được nói, nay sẽ phải chọn được ăn mà không được nói.

Có khó khăn nhất của vị nào lên làm thủ tướng thay thế ông David Cameron là phải bảo cho những người bỏ phiếu ra đi là họ không thể vừa ra đi vừa được ngồi vào bàn tiệc. Vị thủ tướng đó sẽ bị cáo buộc là thất hứa vì quả thật phải thất hứa, hoặc là về di dân hoặc là về nền kinh tế. Sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý nữa nhưng chính phủ thất hứa đó sẽ bị lật đổ từ một cử tri còn tức giận hơn bây giờ nữa. Trong khi đó, nền kinh tế Anh sẽ bị tổn hại và di dân sẽ tự nó giảm đi.

Điều còn làm tôi lo ngại hơn nữa là nhìn sang bên kia Đại Tây Dương. Khi một cử tri tức giận, họ không nghe tiếng nói của sự thật, của ôn hòa, của tính toán, mà muốn nghe tiếng nói của quá khích, của những hứa hẹn viển vông. Tiếng nói ôn hòa của lý trí thường rất “boring.” Khi người ta tức giận, những lời nói thật của các chuyên gia, đồng minh và ngay cả lãnh tụ của mình không so sánh nổi với sự hấp dẫn của những lời hứa vẽ lên một thế giới tuyệt vời. Cũng như những người Anh đã bỏ phiếu cho Brexit, những người Mỹ bây giờ đang say mê những hứa hẹn của ông Trump sẽ không cần biết là những gì hứa hẹn có thực hiện được hay không.

Khi biết được cái đó là bánh vẽ thì quá muộn rồi.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét