Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Tư duy cải cách của Triệu Tử Dương và biến cố Thiên An Môn

Đậu Thế Hoàng: Lê Hồng Hiệp


Nguồn: Bao Tong, “Remembering Zhao Ziyang”, Project Syndicate, 17/01/2005


                           Hình: Chân dung Triệu Tử Dương


Vào thời điểm khi Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang, Tổng bí Thư ĐCS Trung Quốc từ 1/11/1987 đến 23/6/1989) qua đời năm 2005, ông đã phải sống trong điều kiện bị hoàn toàn cô lập khỏi xã hội Trung Quốc do bị quản thúc tại gia bất hợp pháp suốt 16 năm, một điều khiến cho cả luật pháp lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thấy xấu hổ.



Sự bức hại Triệu Tử Dương là sự bức hại một nhà lãnh đạo tận tâm, người đã cống hiến những nỗ lực đột phá trong hơn một thập niên giúp mở đường cho công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc. Vào cuối thập niên 1970, nông dân Trung Quốc từ lâu đã mất quyền sở hữu ruộng đất do tập thể hóa và việc thành lập các Công xã Nhân dân. Đó là quyền mà họ chưa bao giờ giành lại được. Tuy nhiên, Triệu Tử Dương là người đầu tiên ủng hộ việc trao lại quyền tự chủ cho nông dân và khởi xướng các đợt thử nghiệm đầu tiên để bãi bỏ Công xã Nhân dân.



Ngành công nghiệp Trung Quốc trước đó đã bị chuyển hóa thành các doanh nghiệp quốc doanh thông qua quốc hữu hóa và kế hoạch hóa tập trung. Triệu Tử Dương là người đầu tiên đề xuất “quyền tự chủ mở rộng cho các xí nghiệp Trung Quốc” và “khôi phục mối quan hệ lành mạnh giữa chính phủ và công nghiệp.” Quyền tự chủ mở rộng cho các xí nghiệp và giai cấp nông dân là các bước đi quan trọng đầu tiên, theo đó thành công của chúng đã dẫn tới công cuộc cải cách kinh tế toàn diện sau này.



Đây là các mục tiêu nằm trong số những thắng lợi mà Triệu Tử Dương giành được để giúp người dân Trung Quốc thoát khỏi tình trạng trì trệ ngột ngạt của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Mao. Trong vai trò là Thủ tướng Trung Quốc, Triệu Tử Dương thực hiện mười năm cải cách kinh tế, nhờ đó mang lại sự tiến bộ vững chắc để người dân, đặc biệt là giai cấp nông dân, được hưởng những cải thiện đời sống đích thực.



Nhưng Triệu Tử Dương cũng là nhà lãnh đạo duy nhất của ĐCSTQ đề xuất gói cải cách chính trị nhằm giải quyết hệ thống cai trị độc đảng ở Trung Quốc. Việc Đảng độc quyền kiểm soát quyền lực chính trị một cách có hệ thống đảm bảo rằng mỗi sai lầm mà đảng mắc phải – chẳng hạn như thập niên tồi tệ thời Cách mạng Văn hóa – đều sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng dai dẳng trên phạm vi toàn quốc.



Để có được sự ổn định thật sự và lâu dài, Triệu Tử Dương đề xuất các cải cách mà cuối cùng nhằm mục đích hợp pháp hóa và hệ thống hóa nền dân chủ. Ông mong muốn thành lập một nền chính trị dân chủ có thể hỗ trợ và nuôi dưỡng một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Dù các mục tiêu thực tế ngắn hạn trong các cải cách chính trị của Triệu Tử Dương bị hạn chế bởi hoàn cảnh khi chúng được đề xuất, nhưng các biện pháp này đều nhằm mục đích kiềm chế quyền lực của Đảng Cộng sản và đại diện cho một bước đi cụ thể hướng tới việc trao lại quyền lực cho nhân dân Trung Quốc một cách hòa bình. Gói cải cách của Triệu Tử Dương, một sự chuyển hướng rõ nét khỏi chế độ độc tài của Mao, đã được thông qua bởi Đại hội Đảng lần thứ 13, cơ quan quyền lực chính thức cao nhất trong nội bộ Đảng Cộng sản.



Trong thời gian 20 tháng giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ, Triệu Tử Dương đã tạo ra một nền văn hóa chính trị mà trong đó Bộ chính trị hạn chế can thiệp vào các tòa án, và ông còn ngăn không cho cơ quan này cố gắng kiểm soát văn chương và nghệ thuật. Triệu Tử Dương đã bãi bỏ chính sách các xí nghiệp được vận hành bởi các tổ chức Đảng cùng hệ thống fa ren (pháp nhân) vốn là thành phần cốt cán của các xí nghiệp.



Đáng tiếc thay, những cải cách chính trị của Triệu Tử Dương đã bị chấm dứt khi ông bị miễn nhiệm. Kết cục thảm hại là dân quyền và các nguyên tắc dân chủ bị phủ nhận một cách vô tội vạ, và nổi lên thứ mà giới lãnh đạo ngày nay gọi là “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, một lối uyển ngữ đầy cay đắng hàm ý Đảng không bị ai kiểm soát và quyền lực chính phủ gắn chặt với các nhóm lợi ích kinh tế.



Số phận của ông Triệu cũng là một lời nhắc nhở đáng sợ về những bất công khác đang tồn tại trong lương tâm của những nhà cầm quyền hiện nay. Lý do duy nhất khiến Triệu Tử Dương bị đối xử tệ hại là việc ông phản đối đàn áp một cách bạo lực cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Đáng lẽ ra đó phải là quyết định ông phải đưa ra trong vai trò Tổng Bí thư, song sự thể đã không diễn ra như vậy.



Cần nhắc lại rằng, nguyên Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, người đã bị Đặng Tiểu Bình buộc phải từ chức hai năm trước đó do quan điểm tự do của mình, đã qua đời vào tháng 4 năm 1989, châm ngòi cho các đợt biểu tình ôn hòa và tự phát của sinh viên ở Bắc Kinh và sau đó lan rộng ra cả nước. Chỉ tính riêng Bắc Kinh đã có nửa triệu sinh viên đại học tham gia phong trào này.



Phong trào kéo dài trong 50 ngày và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dân Bắc Kinh và mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước. Triệu Tử Dương chỉ ra cho Bộ Chính trị thấy rằng những quan điểm được sinh viên và người dân thể hiện khi họ tưởng niệm Hồ Diệu Bang, biểu tình chống tham nhũng, và khao khát về nền dân chủ thực sự trùng khớp với những gì mà bản thân họ suy nghĩ. Ông tin rằng có thể giải quyết được các cuộc biểu tình của sinh viên và tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền.



Dưới sự chỉ đạo của Triệu Tử Dương, Bộ chính trị và Ban Thường vụ kêu gọi đối thoại với sinh viên. Song, hướng đi đầy triển vọng này đã thay đổi hoàn toàn khi Đặng Tiểu Bình để lộ ý định việc đàn áp biểu tình một cách bạo lực.



Cuối cùng, giữa năm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị đã xảy ra mâu thuẫn: Lý Bằng và Diêu Y Lâm muốn triển khai quân đội. Triệu Tử Dương phản đối cách làm này. Ban đầu, Kiều Thạch và Hồ Khải Lập đứng về phía Triệu Tử Dương, nhưng về sau rút lại sự ủng hộ, và thay vào đó họ đề nghị Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết định cuối cùng.



Với sự chia rẽ trở nên rõ ràng, Đặng Tiểu Bình chọn cách qua mặt tất cả các thể chế đang tồn tại khi đó là Bộ chính trị, Ủy ban Trung ương Đảng và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc cùng Ban Thường vụ của nó. Không cần bàn bạc thêm, Đặng Tiểu Bình huy động 500.000 lính tiến vào Bắc Kinh đàn áp sinh viên và dân thường tay không tấc sắt. Vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 là một thảm kịch đối với Trung Quốc, và là một thảm kịch khác trong thế kỷ 20. Mười sáu năm đã qua (cho tới năm 2005), nhưng nỗi đau vẫn còn đó, được chôn sâu trong trái tim và tâm trí của người dân Trung Quốc.



Trong những năm đã qua, giới lãnh đạo Trung Quốc không những phải chịu trách nhiệm về việc quản thúc tại gia bất hợp pháp đối với Triệu Tử Dương, mà còn về nỗ lực xóa bỏ tên ông khỏi lịch sử một cách có hệ thống. Nhưng, việc họ cố gắng che giấu sự thật về quá khứ sẽ chỉ làm lộ ra sự yếu kém và sự trơ trẽn của họ mà thôi. Có một thứ họ không thể nào thay đổi được: hình ảnh Triệu Tử Dương vẫn còn đó, trong cuộc đấu tranh giành lại các quyền và nền dân chủ của nhân dân Trung Quốc.



Bao Tong (Bào Đồng), nguyên là Giám đốc Văn phòng Cải cách Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng là Thư ký của Thủ tướng Quốc Vụ viện Triệu Tử Dương từ năm 1980 đến năm 1985.





Nguồn: nghiencuuquocte.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét