Là một sĩ quan bộ binh tác chiến của Quân Đội Miền Nam cách nay gần
50 năm, và cũng đã từng làm công tác tham mưu ở Trung Tâm Hành Quân
(TOC: Tactical Operations Center) của Sư Đoàn Việt Nam lẫn Sư Đoàn Hoa
Kỳ (sĩ quan liên lạc hành quân (liaison officer) tại Sư Đoàn 5 Cơ Giới
Hoa Kỳ-5th Mechanized Infantry Division) tôi xin có nhận xét về một số
vấn đề thiếu sót của Không Quân Việt Nam hiện nay qua việc tìm kiếm và
tiếp cứu hai phi cơ mất tích trong 2 ngày 14 và 16 tháng 6, 2016 hầu
mong góp ý để Không Quân Việt Nam cải thiện tăng cường khả năng chiến
đấu để bảo vệ hữu hiệu vùng biển và vùng trời của tổ quốc.
Phi công chiến đấu của bất cứ quân đội nước nào khi kéo ghế thoát hiểm
thì sẽ được kèm theo "túi mưu sinh thoát hiểm", thường được gắn dưới ghế
thoát hiểm; trong đó đựng những thứ tối cần thiết để người phi công có
thể hoặc tự tìm đường về phòng tuyến bạn, hoặc liên lạc với đơn vị bạn
để được cấp cứu. Trung tướng "anh hùng" Phạm Tuân của không quân Bắc
Việt cũng xác định như vậy. Toàn thể phi công chiến đấu của Không Quân
Miền Nam và đồng minh Hoa Kỳ trước 1975 cũng được trang bị như vậy. Và
vì thế, mỗi khi bị trúng đạn phòng không, hoặc khi bị trục trặc kỹ
thuật, người phi công khi đáp xuống đất trong vùng quân bạn, sẽ được cấp
cứu gần như ngay tức khắc. Được như vậy là vì, ngoài những khí tài
khác, người phi công lâm nạn được trang bị máy vô tuyến và súng phóng
trái sáng (flare); và đơn vị cấp cứu có máy xác định tọa độ; đó là ba
điều kiện cơ bản để cấp cứu một phi công lâm nạn. Một khi sóng liên lạc
được kết nối, đơn vị cấp cứu có thể xác định tọa độ của phi công lâm nạn
ngay tức khắc. Đó là nói về thời điểm cách nay trên dưới 50 năm trong
cuộc chiến tranh Việt Nam, chứ đừng nói là thời bây giờ với máy định vị
tọa độ (GPS) cầm tay được phổ biến tới cả dân thường. Vả lại, thời nay
ai cũng biết, một khi mình dùng điện thoại di động thì ngay lập tức, nếu
cần, cơ quan điều tra có thể biết ngay vị trí của người xử dụng chiếc
điện thoại đó. Do đó những tay trùm tội phạm hay khủng bố như Bin Laden
đã tuyệt đối không dùng điện thoại di động để tránh bị phát hiện.
Một điều thông thường của mọi cuộc hành quân là ngay khi bắt đầu hành
quân (hành quân thật hay thực tập) thì đơn vị cấp cứu đã phải được hình
thành và ở tình trạng chờ đợi thi hành nhiệm vụ (stand by). Và ngay sau
khi xác định được vị trí của phi công lâm nạn thì đơn vị cấp cứu được
trực thăng vận tới địa điểm, lâu hay mau tùy khoảng cách. Nhưng một khi
đơn vị cấp cứu đã tới bãi đáp, và với tất cả cản trở và nguy hiểm trong
lòng địch thì cuộc cấp cứu cũng sẽ hoàn tất trong không tới 7 phút. Đó
là cuộc cấp cứu đại úy phi công chiến đấu Hoa Kỳ bị bắn hạ ngày 2 tháng
6, 1995, tức cách nay đã 21 năm. Viên phi công này phải nhảy dù rơi ở
hậu phương địch trong cuộc chiến tại Bosnia. Ngay khi chạm đất, anh ta
lập tức kéo theo túi cấp cứu dưới gầm ghế thoát hiểm và chạy trốn. Trong
4 ngày đầu tiên anh ta giữ "im lặng vô tuyến" vì bài học mưu sinh thoát
hiểm dạy rằng hầu hết các phi công lâm nạn sau phòng tuyến địch bị bắt
là vì liên lạc quá sớm với đơn vị hành quân. Vì thế mãi 4 ngày sau anh
ta mới mở máy phát sóng để báo cho biết vị trí của anh ta. Để hạn chế
pin, anh ta chỉ phát sóng từng quãng thời gian ngắn một. Các phi công
bay hành quân trên vùng này đều bắt được làn sóng mà họ nghĩ là có thể
của đại úy O'Grady. Mãi 2 ngày sau, sau khi thấy địa điểm đủ an toàn để
kêu cấp cứu, anh ta mới nói chuyện với phi công bạn. Lúc đó là sau nửa
đêm mùng 8 tháng 6, tức 6 ngày sau khi lâm nạn, đại úy O'Grady mới dám
nói chuyện với một phi công chiến đấu lái F-16 khác bay ngang vùng trời.
Sau khi xác nhận chắc chắn đó là đại úy phi công lâm nạn trước đó 6
ngày, bộ tư lệnh hành quân quyết định thi hành kế hoạch cấp cứu ngay tức
khắc.
Khởi đầu vào lúc 4:40 sáng, tướng tư lệnh lực lượng hành quân triệu tập
đơn vị thủy quân lục chiến đi cấp cứu. 51 thủy quân lục chiến được chở
trên hai trực thăng vũ trang đổ bộ. Hai trực thăng này được hộ tống bởi
hai trực thăng vũ trang chiến đấu (không phải loại đổ quân) và hai phản
lực chiến đấu cơ. Cả sáu chiếc phi cơ đi cấp cứu này được hỗ trợ bởi
hàng chục phi cơ trang bị đủ loại khí tài trong đó có các phi cơ trang
bị máy móc tác chiến điện tử và phi cơ trang bị radar (electronic
warfare planes & a NATO AWACS radar
plane.) Ngoài ra còn có cả trực thăng vũ trang đổ bộ chuẩn bị thay thế 2
trực thăng vũ trang chở đơn vị đổ bộ cấp cứu trong trường hợp hai trực
thăng này trúng đạn không hoàn thành được nhiệm vụ. Chưa đầy 2 tiếng sau
(lúc 6:35 sáng), theo các tín hiệu cấp báo (signal beacon) của đại úy
O'Grady, các trực thăng cấp cứu đã tới hiện trường. Phi công trực thăng
cấp cứu nhìn thấy khói sáng vàng tỏa lên từ chùm cây gần một cánh đồng
cỏ lởm chởm đá (a rocky pasture) nơi đại úy O'Grady đã bắn trái sáng.
Chiếc trực thăng cấp cứu thứ nhất hạ cánh và 20 thủy quân lục chiến nhảy
ra tạo vòng vây an toàn (a defensive perimeter). Khi chiếc trực thăng
thứ nhì vừa hạ cánh thì một bóng người cầm súng lục chạy tới, đó là đại
úy O'Grady trước đó bị mất tích. Khi cánh cửa hông của trực thăng vừa
mở, đại úy O'Grady đã được kéo lên trước khi toán 20 thủy quân lục chiến
trên chiếc trực thăng này mặc dù đã chuẩn bị rời phi cơ nhưng chưa kịp
hành động. Họ được lệnh trở lại chỗ ngồi. Và số thủy quân lục chiến đang
làm hàng rào phòng thủ dưới đất cũng được lệnh trở lại trực thăng của
họ. Sau khi lẹ làng đếm đủ quân số, hai chiếc trực thăng cấp cứu cất
cánh. Tổng cộng họ chỉ ở dưới đất không quá 7 phút. Có hỏa lực của đối
phương bắn theo trực thăng nhưng không ai bị thương. Vào lúc 7:15 sáng
giờ địa phương, tức là chỉ 30 phút sau khi bốc được phi công lâm nạn,
toán cấp cứu báo cáo đã bay ra tới biển an toàn để trở về hạm đội đang
chờ ngoài khơi (1).
Từ một cuộc cấp cứu phi công tác chiến Hoa Kỳ bị rớt máy bay vào năm
1995, cách nay 21 năm, chúng ta quay trở lại cuộc cấp cứu hai phi công
phản lực của chúng ta bị rơi máy bay trong thời bình, trên lãnh thổ của
mình, và không xa bộ tư lệnh hành quân (37 km). Cuộc cấp cứu diễn ra
trong hơn 30 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ 13 phút sáng ngày 14 tháng 6 là lúc
máy bay mất liên lạc, đến 13 giờ 30 trưa ngày hôm sau là lúc mang được
thiếu tá phi công Cường sống sót về lại đất liền. Được biết máy bay
Sukhoi Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-30 do Nga sản xuất. Việt
Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, với
số lượng 32 chiếc. Theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia Úc nghiên
cứu về quốc phòng thì nhìn chung công nghệ máy bay của Nga được cho là
tốt cũng tương tự như máy bay F16 của Mỹ. Với một phản lực cơ chiến đấu
tối tân như thế người phi công cũng phải được trang bị những khí tài tối
tân tương tự. Nhưng tại sao thiếu tá Cường không được trang bị máy vô
tuyến cá nhân? Vì thế trong suốt thời gian bị rơi, thiếu tá Cường không
liên lạc được với bộ chỉ huy hành quân. Không một ai từng là quân nhân
có thể hiểu được điều này. Một buồn cười nữa là ngay sau khi được thuyền
ngư dân cứu sống, thiếu tá Cường liền mượn điện thoại di động của ngư
dân để liên lạc về gia đình. Báo chí thuật lời của ngư dân Lệ, người cứu
phi công Cường, như sau "Lên được thuyền, anh ấy nói cảm ơn tôi rồi
nói "tôi sống rồi". Tôi lấy quần áo mới cho anh rồi đưa sữa, sâm để anh
ấy ăn nhưng anh liền mượn điện thoại tôi để gọi về cho vợ con, về gia
đình báo tin mình còn sống."
Và một buồn cười kế tiếp là bộ chỉ huy hành quân chỉ được biết tin thiếu
tá Cường đã được ngư dân cứu sống nhờ gia đình thiếu tá Cường thông
báo. Có một bộ chỉ huy hành quân nào hoạt động như vậy không?
Khu vực tìm thấy thiếu tá Cường cách khoảng 28 hải lý về phía Đông Bắc đảo Mắt.
Rồi điều buồn cười nữa là sau khi biết tin ngư dân đã cứu sống thiếu tá
Cường thì đơn vị hành quân vẫn không liên lạc được với ngư dân để tìm vị
trí con thuyền! Khi liên lạc điện thoại được với thuyền ngư dân rồi,
đơn vị cấp cứu vẫn không xác định được vị trí con thuyền mà phải nhờ ngư
dân trên thuyền cho biết vị trí con con thuyền. Báo chí thuật, "Ngư
dân Dậu cho báo chí biết, "Chia sẻ về những khó khăn trong công việc
liên lạc, xác định vị trí của thuyền cứu được anh Cường cho các lực
lượng chức năng trên bờ biết, ông Dậu cho biết: “Lúc đó đang ở giữa
biển, sóng liên lạc chập chờn, đặc biệt máy điện thoại của ai cũng hết
pin nên công tác liên lạc gặp rất nhiều khó khăn. Rất may, sau một thời
gian cố gắng liên lạc qua bộ đàm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận
được thuyền và đưa chúng tôi lên bờ an toàn”." Trời đất ơi, để xác
định vị trí của người sử dụng điện thoại di động thì phải có máy móc rất
phổ biến trong kỹ nghệ công nghệ cao hiện nay chứ sao lại bảo người bị
nạn xác định vị trí? Cuối cùng, đơn vị tiếp cứu bảo ngư dân neo thuyền
tại chỗ chờ tầu của đơn vị tiếp cứu.
Một chuyện khác có thể gọi là "tiếu lâm" hết chỗ nói khi thiếu tá Cường
thấy được thuyền đánh cá, đã dùng một "que diêm" để bật sáng cầu cứu.
Báo chí thuật lời ngư dân, "Nhìn ra xa, ông Lệ thấy một bóng đen, sau
đó là những tiếng gọi "thuyền ơi, thuyền ơi, cứu với". "Tôi lấy đèn pin
ra soi, thấy ánh sáng như lửa của que diêm phát ra từ phía bóng đen."
Dĩ nhiên từ "que diêm" là do ngư dân mô tả, nhưng quân đội cho biết
thiếu tá Cường được cấp phát 10 trái sáng và đã bắn 9 trái bị hỏng, trái
cuối cùng thì cũng không khá gì, chỉ lóe sáng bằng một que diêm. Làm
sao mà phi công của một phi cơ chiến đấu tối tân loại hạng nhất thế giới
mà lại được trang bị loại trái sáng cấp cứu yếu kém như vậy?
Lại chuyện buồn cười nữa, như tôi đã viết, thông thường trước khi hành
quân phải có sẵn đơn vị cấp cứu, trong đó có trực thăng cấp cứu để khi
phát hiện quân nhân lâm nạn thì phái trực thăng tới bốc về chứ sao lại
không có trực thăng mà phải dùng tầu ra đón thiếu tá Cường, khiến cho
việc mang thiếu tá Cường vào bờ, thay vì chỉ mất không quá nửa tiếng với
tốc độ của trực thăng so với khoảng cách vớt được phi công Cường là
không quá 60 km, lại phải mất tới 9 tiếng rưỡi sau khi thiếu tá Cường
được ngư dân cứu (4 giờ sáng thiếu tá Cường được ngư dân cứu vớt nhưng
mãi tới 13 giờ 30 mới được tầu cấp cứu đưa vào đất liền.) May là thiếu
tá Cường chỉ bị xây xước nhẹ. Nếu bị thương nặng e thiếu tá Cường không
qua khỏi với cung cách cấp cứu hành quân kiểu này.
Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra là với lộ trình bay huấn luyện đã biết,
thời gian bay đã biết, và vùng hoạt động của phi cơ quá nhỏ (bề dài
không tới 60 km từ bờ), tại sao ngay lúc đầu đơn vị không dùng phi cơ
quan sát ra tìm kiếm mà lại dùng tầu có tầm nhìn rất hạn chế so với tầm
nhìn từ trên không của phi cơ quan sát và tốc độ cũng quá chậm so với
phi cơ? Phi cơ quan sát là loại phi cơ nhỏ thông dụng gồm chỉ một phi
công và một quan sát viên ngồi phía sau dùng ống nhòm quan sát phía
dưới. Trong chiến tranh Việt Nam, phi cơ này luôn luôn được dùng (hàng
ngày) để quan sát viên quan sát mục tiêu dưới đất chỉ điểm cho phi cơ
chiến đấu oanh tạc hay pháo binh bắn vào mục tiêu đối phương. Nếu dùng
phi cơ quan sát ngay từ đầu thì nhiều phần trăm chắc chắn sẽ tìm thấy
phi công lâm nạn chỉ sau vài tiếng đồng hồ chứ không mất gần 24 tiếng
như thực tế.
Một câu hỏi khác cũng cần nêu lên là tại sao ngay sau khi tai nạn xảy
ra, tòa đại sứ Hoa Kỳ đã đề nghị giúp tìm kiếm mà Việt Nam không chấp
nhận? Việc tìm kiếm này hoàn toàn là vấn đề nhân đạo, không có tích cách
bí mật quốc phòng gì cả. Ai cũng biết, với phương tiện kỹ thuật hiện
đại, nếu Hoa kỳ giúp sức thì việc tìm kiếm phi công mất tích sẽ mau
chóng hơn nhiều. Ít ra là người dân thường cũng biết rằng Hoa Kỳ mà tìm
kiếm thì họ sẽ dùng không ảnh chụp từ vệ tinh, chưa kể nhiều máy móc tối
tân khác mà chúng ta không biết. Nhưng trong khi từ chối sự giúp sức
của Hoa Kỳ thì Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh lại yêu cầu Trung Quốc giúp
đỡ. Hành động này càng khiến người dân thắc mắc.
Một câu hỏi khác là tại sao Không Quân Việt Nam lại đưa chiếc Casa-212
bay đi tìm kiếm hai phi cơ mất tích trong khi phi cơ này chỉ là phi cơ
vận tải loại nhỏ, không phải là loại phi cơ tìm kiếm hay cấp cứu người
bị nạn (CASA Cargolifters: xin xem đường link kèm phía dưới) (2).
Và câu hỏi cuối cùng là tại sao bay đi tìm kiếm hai chiếc máy bay mất
tích lại phải cử phi hành đoàn có tới 9 người? Ngoài phi công và quan
sát viên thì 7 người còn lại trong phi hành đoàn làm công tác gì? Rõ
ràng người dân có quyền nghi ngờ là 7 người còn lại tham gia đoàn cấp
cứu chỉ vì tò mò đi chơi vì họ không có nhiệm vụ gì cả. Nếu như vậy thì
là một hành động hết sức vô nguyên tắc trong quân đội và sự mất mát của
họ là một thiệt hại vô ích cho quân đội và cho cá nhân họ. Liệu sự thiệt
mạng của 7 người ngày có được coi là một sự hy sinh trong khi thi hành
nhiệm vụ hay không?
Những vấn đề nêu trên thuộc 4 loại vấn đề, trong nhiều loại vấn đề khác,
của tiêu lệnh hành quân là 1-chỉ huy & tham mưu 2-Trang bị &
tiếp liệu 3-Thông tin & liên lạc và 4-Tìm kiếm & cấp cứu &
tản thương. Tôi biết chắc chắn quân đội miền Bắc đã thực hiện tốt 4 loại
vấn đề này trong mọi cuộc hành quân trước kia. Không hiểu tại sao Không
Quân Việt Nam ngày nay lại có những thiếu sót trầm trong như vậy. Nếu
không sớm cải tiến thì không thể đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc
chống ngoại xâm đang nhòm ngó đất nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét