Trương Thị Thanh Hiền & Vũ Thị
Hương Giang[1]
Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Southeast Asia”, in L.K Yew,
One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 159-203.
THÁI LAN: Tầng lớp dưới gây khuấy động
Sự xuất hiện của Thaksin Shinawatra đã thay đổi vĩnh viễn nền
chính trị Thái Lan. Trước khi ông ta nổi lên, Bangkok thống trị mọi mặt trong cạnh
tranh chính trị và chủ yếu cai trị theo hướng vì quyền lợi của thủ đô của đất
nước. Nếu trước đó có bất đồng nào trong giới tinh hoa Bangkok thì cũng không
có điểm nào khủng khiếp như những bất đồng sắp xảy ra. Cũng không có bất hòa
nào gây chia rẽ như những bất hòa nổi lên trong và sau nhiệm kỳ của Thaksin. Những
gì Thaksin đã làm chính là đảo lộn tình hình nguyên trạng chính trị Thái Lan bằng
cách chuyển cho các vùng nghèo hơn của đất nước những nguồn lực từng bị Bangkok
và các cư dân trung, thượng lưu của nó chiếm phần lớn. Nền chính trị của
Thaksin là kiểu chính trị mang tính hòa nhập hơn, cho phép nông dân từ phía bắc
và đông bắc được chia sẻ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Một hố sâu ngăn cách
đã tồn tại từ trước khi ông xuất hiện trên chính trường, do các chính sách tập
trung cho Bangkok của các vị tiền nhiệm gây ra. Tất cả những gì ông làm là thức
tỉnh người dân về hố sâu này cùng sự bất công của nó, và đưa ra các giải pháp
chính sách để vượt qua hố sâu ấy. Nếu ông không làm như vậy, tôi tin rằng ai đó
khác cũng sẽ đến và làm điều tương tự.
Khi nhậm chức Thủ tướng năm 2001, Thaksin đã là một doanh
nhân thành công và là một tỷ phú. Nhưng nếu người Thái giàu có trông chờ ông chứng
tỏ tinh thần đoàn kết giai cấp, họ sẽ nhanh chóng bị thất vọng. Ông đã thực hiện
các chính sách ưu đãi người nghèo nông thôn với một mức độ chưa từng có tiền lệ.
Ông đã nới hạn các khoản vay cho nông dân, dành học bổng du học cho sinh viên
con nhà nông thôn và cung cấp nhà ở được chính phủ trợ giá cho người nghèo đô
thị, mà nhiều người trong số đó đã di cư ra thành phố để tìm việc làm và chỉ đủ
tiền để sống trong các khu ổ chuột. Kế hoạch chăm sóc sức khỏe của ông – nhằm
vào những ai không tự trả được bảo hiểm y tế – giúp người dân chỉ phải trả 30
baht (khoảng 1USD) cho mỗi lần khám bệnh.
Với những đối thủ của Thaksin, ông đã làm đảo lộn đất nước.
Họ không muốn để ông yên thân với điều đó. Họ gọi ông là một kẻ dân túy và
tuyên bố rằng các chính sách của ông sẽ khiến quốc gia phá sản. (Đáng chú ý là
điều này không ngăn cản họ tiếp tục nhiều chính sách như vậy và tạo ra nhiều
chính sách tương tự khi họ cầm quyền từ tháng 12-2008 đến tháng 8-2011.) Họ buộc
ông phạm tội tham nhũng và ưu đãi công việc kinh doanh của gia đình, những cáo
buộc mà ông đã bác bỏ. Họ cũng không vui vẻ với việc ông xử lý cứng rắn – mà một
số người nói là độc tài –đối với truyền thông, cũng như cuộc chiến chống ma túy
gây tranh cãi của ông ở miền nam đất nước, mà trong quá trình đó quy trình chuẩn
mực và nhân quyền đôi khi có thể bị lơ là. Tuy nhiên, nông dân, với số lượng áp
đảo, đã phớt lờ các chỉ trích và bầu lại ông năm 2005. Giới tinh hoa Bangkok cuối
cùng đã không thể chịu đựng nổi con người này. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo
chính quân sự năm 2006.
Kể từ đó, thủ đô của Thái Lan đã trải qua nhiều biến động. Từ
năm 2008, cảnh hỗn loạn xảy ra nhiều lần trên đường phố Bangkok, với các cuộc
biểu tình ồ ạt liên quan đến hoặc là phe Áo Vàng – những người phản đối Thaksin
nhân danh bảo vệ chế độ quân chủ, hoặc là phe Áo Đỏ – gồm những người ủng hộ
Thaksin nồng nhiệt. Nhưng cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất – được tổ chức năm
2011 và trao chức Thủ tướng cho em gái của Thaksin là Yingluck – chứng minh cho
sự ủng hộ của cử tri Thái đối với con đường mới mà Thaksin đã chọn cho Thái
Lan. Những nông dân ở miền bắc và đông bắc sau khi đã được hưởng lợi từ việc tiếp
cận vốn sẽ không từ bỏ điều đó. Thaksin và các đồng minh hiện đã chiến thắng
năm lần tổng tuyển cử liên tiếp, trong các năm 2001, 2005, 2006, 2007 và 2011.
Với các đối thủ của Thaksin, việc gắng sức đấu lại là vô ích.
Bất chấp những náo động gần đây trong xã hội Thái Lan, vẫn
còn lý do để lạc quan về dài hạn. Áo Đỏ sẽ tiếp tục đông hơn Áo Vàng trong một
thời gian dài vì nhóm sau hình thành từ một nhóm đang teo tóp. Thế hệ trẻ hơn
đã không còn quan điểm kính trọng như trước đối với hoàng gia. Hơn nữa, mặc dù
Vua Bhumibol Adulyadej là một nhân vật được kính trọng nhưng phần lớn uy tín và
phép thuật liên quan đến ông sẽ không còn khi ông qua đời.
Quân đội luôn có vai trò trung tâm trong chính trị Thái Lan.
Nó đảm bảo rằng không một phong trào nào chống lại chế độ quân chủ – nguồn gốc
sức mạnh của quân đội – được phép ngóc đầu dậy. Tuy nhiên, cả quân đội cũng
không còn lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận và thích nghi với tình hình đã thay
đổi. Suy cho cùng, họ cũng không thể trụ vững trước ý chí của giới cử tri trong
một thời gian kéo dài. Qua thời gian, các cấp bậc cũng sẽ vào tay những binh
lính thuộc thế hệ trẻ, ít say mê chế độ quân chủ hơn. Các nhà lãnh đạo quân đội
sẽ tiếp tục bám lấy các đặc quyền và sẽ không hài lòng với việc bị giáng xuống
thành một đội quân bình thường. Nhưng họ cũng sẽ học cách sống với một chính phủ
do các đồng minh của Thaksin lập nên. Thậm chí quân đội còn có khả năng chấp nhận
sự quay trở lại Thái Lan của Thaksin nếu ông có thể hứa hẹn sẽ hòa thuận với họ
và không đòi trả thù.
Thái Lan không thể quay trở lại nền chính trị cũ, trở lại thời
đại tiền-Thaksin khi giới tinh hoa Bangkok nắm độc quyền quyền lực. Thái Lan sẽ
tiếp tục đi theo con đường mà Thaksin lần đầu dẫn đất nước bước vào. Khoảng
cách về mức sống trên toàn đất nước sẽ thu hẹp lại. Nhiều nông dân sẽ được gia
nhập tầng lớp trung lưu và sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa của đất nước.
Thái Lan sẽ ổn.
Hỏi: Một số nhà phân
tích Thái Lan không lạc quan lắm về các thay đổi trong chính trị Thái Lan từ
khi Thaksin xuất hiện. Họ nói về chuyện trong những năm 1960, các thủ tướng có
thể phát triển kinh tế Thái Lan bằng các chính sách dài hạn, nhưng từ khi
Thaksin nắm quyền năm 2001, chính phủ đã dùng đến các biện pháp dân túy ngắn hạn
và phân phát cho người nghèo.
Đáp: Không, đó là quan điểm rất một chiều. Thaksin khôn
khoan và sắc sảo hơn các nhà phê bình của ông ta nhiều. Đó là lý do tại sao ông
ta cải thiện quan hệ với vùng đông bắc để vượt qua phản kháng từ họ.
Hỏi: Nhưng tôi nghĩ
người ta lo ngại về cuộc đua tới đáy, để gắng sức giành càng nhiều phiếu của
nông thôn càng tốt.
Đáp: Thế anh lấy tiền đâu cho các trợ cấp?
Hỏi: Vấn đề là ở chỗ
ấy.
Đáp: Không thể, để trợ cấp được, anh phải có nguồn lực. Nó
chỉ đến từ ngân sách. Và nếu anh muốn cho đi nhiều hơn mà ngân sách đã cân bằng
rồi thì anh buộc phải tăng thuế.
Hỏi: Hoặc cũng có thể
đến từ vay mượn.
Đáp: Ai sẽ cho vay? Với tài sản thế chấp gì?
Hỏi: Vậy ông không
cho rằng Thái Lan sẽ trải qua một đợt tê liệt dài hạn vì sa vào nền chính trị
dân túy?
Đáp: Tôi nghi ngờ điều đó. Sao họ lại thỏa mãn quá mức cho
người nghèo làm gì?
Hỏi: Ấn tượng của
ông về Thaksin là gì?
Đáp: Ông ta là nhà lãnh đạo thực tiễn, tích cực làm việc
chăm chỉ để đạt kết quả nhanh chóng. Ông tin tưởng vào kinh nghiệm kinh doanh
và bản năng của mình hơn các lý thuyết kinh tế. Ông ta từng nói với tôi rằng
ông ấy đã đi xe khách suốt từ Bangkok tới Singapore và ông ấy xác định là đã biết
điều gì khiến Singapore thành công. Vì thế ông ấy sẽ làm theo cách tương tự.
Tôi không biết liệu một chuyến đi có cho ông ấy hiểu được hộp đen của chúng ta
chính là giáo dục, kỹ năng, đào tạo và một xã hội cố kết với các cơ hội bình đẳng
cho tất cả hay không. Đừng quên rằng ở đông bắc có nhiều người dân tộc Lào hơn
người Thái.
Hỏi: Từng có một thời
gian, ít nhất cách đây một thập niên, khi các lãnh đạo Singapore nói về Thái
Lan như một đối thủ ghê gớm của Singapore với tư cách là một trung tâm giao
thông, chế tạo và du lịch y tế. Điều đó còn đúng không?
Đáp: Hãy xem địa lý của họ. Anh có thể đi vòng qua Bangkok
nhưng không thể nào đi vòng qua Singapore nếu đi bằng tàu biển.
Hỏi: Thế còn đường
không?
Đáp: Kỹ năng và giáo dục của họ cao ở mức nào? Họ phải giỏi
hơn chúng ta [đã].
Hỏi: Họ có tiềm năng
để giỏi hơn chúng ta không?
Đáp: Trước tiên, chúng ta có lợi thế tiếng Anh. Thứ hai,
chúng ta có cơ sở hạ tầng giáo dục đã đang tạo ra những sinh viên tốt nghiệp chất
lượng cao, những người từ các trường bách khoa tới các viện giáo dục công nghệ
(ITEs). Không ai là không có kỹ năng nào đó. Liệu họ có thể phát triển điều này
cho 60 triệu dân rải khắp các vùng nông thôn không?
Hỏi: Chúng ta có thể
thảo luận địa chính trị của khu vực không? Thái Lan là đồng minh của Hoa Kỳ.
Nơi đây từng được dùng làm một căn cứ của Hoa Kỳ trong suốt Chiến tranh Việt
Nam. Liệu họ có tiếp tục làm đồng minh không?
Đáp: Điều đó không tạo khác biệt gì. Câu hỏi thật sự là : Liệu
lợi ích của họ có trùng nhau? Anh có thể có một liên minh và liên minh đó sẽ vững
chắc chỉ khi nào các lợi ích còn song trùng. Cũng giống như NATO. Họ đoàn kết
khi còn Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, NATO trở nên vô hiệu.
Hỏi: Có một quan điểm
là thời điểm bước ngoặt xuất hiện khi Thái Lan gặp khó khăn với cuộc khủng hoảng
tài chính châu Á năm 1997 và người dân nhận ra là Hoa Kỳ đã không tới giải cứu
họ. Và từ khi đó họ đã quyết định là Trung Quốc có thể là một người bạn còn
đáng tin cậy hơn nhiều.
Đáp: Bởi vì giá trị của Thái Lan đối với Hoa Kỳ đã rớt xuống
cùng với sự chấm dứt của Chiến tranh Việt Nam.
Hỏi: Ông nhìn nhận
thế nào về phản ứng của người Thái trước sự thống trị và ảnh hưởng ngày càng
tăng của Trung Quốc tại khu vực này của thế giới?
Đáp: Anh biết lịch sử của người Thái rồi. Khi người Nhật còn
mạnh và chuẩn bị tấn công Đông Nam Á, họ cho phép quân đội Nhật vào Thái Lan,
giúp họ dễ dàng tiến vào Malaysia và Singapore. Bởi vậy hễ ai là phe đang thắng,
ai là bên mạnh hơn, thì đó sẽ là bên họ liên minh cùng.
Nguồn: nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét