Biên dịch: Talawas
Nguồn: Heinz Schütte, “Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen
in Vietnam 1954-1960”, Hamburger Südostasienstudien, Band 3, 2009.
Bài liên quan: Phần 1; Phần 2; Phần 3
Giai phẩm
Điều gì đã xảy ra trong giới văn nghệ sĩ và trí thức Hà Nội
thời gian này? Như tôi đã nói, tạp chí Giai phẩm mùa Xuân do Hoàng Cầm chủ
trương đã được xuất bản nhân dịp Tết nguyên đán tháng 3 năm 1956. Trong số báo
này, các tác giả đã không viện dẫn đến Liên Xô hay Trung Quốc, mà họ chọn Trường
Chinh, nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng, bằng việc trích dẫn báo cáo “Chủ nghĩa
Mác và văn hóa Việt Nam” năm 1948, trong đó Trường Chinh viết:“Không có phê
bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc
quá… Phê bình với thái độ phụ trách, với ý định chân thành, với lời lẽ khiêm tốn
thì chẳng những không có hại mà còn giúp cho nhau thêm tiến bộ và hiểu nhau
thêm. Xuất phát từ đoàn kết mà phê bình để tăng cường đoàn kết, như thế mới thật
là đoàn kết chân chính.”
Điều này thì giới văn nghệ đồng ý. Nhưng đây mới là điều Trường
Chinh thực sự muốn nói: “Phê bình chúng tôi đề nghị đây là phê bình đúng nguyên
tắc, phê bình trong kỉ luật dân chủ, không phải ‘tự do phê bình’. Có thể có những
kẻ mang tâm mượn phê bình để gieo rắc sự chia rẽ, nghi ngờ trong hàng ngũ dân tộc,
để cung cấp tài liệu cho địch hại ta. Những kẻ đó không phải là phê bình mà là
quấy rối, không phải thật tâm cầu tiến bộ mà là khiêu khích. Địa vị của chúng
không ở trên đàn ngôn luận của một nước dân chủ, mà phải ở trong nhà tù của
chính quyền nhân dân.”[1] Định nghĩa của Trường Chinh về “phê bình” như vậy là
hết sức rõ ràng, và cũng rõ ràng như vậy là số phận của tất cả những ai không
chấp nhận định nghĩa đó.
Các văn nghệ sĩ của Giai phẩm mùa Xuân hồi đó đều là thành
viên của một cơ quan hay tổ chức chính thống, như Phòng Văn nghệ Quân đội, Hội
Văn học Nghệ thuật hay ban biên tập của một tờ báo nào đó. Có thể nói rằng, hầu
hết họ đều đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trừ vài người tập kết
ra Bắc theo Hiệp định Genève. Các tác giả của Giai phẩm đều khao khát chống
công thức, tìm cái mới, nói tiếng nói chân thực của văn nghệ sĩ[2]. Đặc biệt có
hai bài thơ trong tập này gây phẫn nộ cho giới lãnh đạo văn nghệ. Một là bài “Mới”
của Lê Đạt với những câu như:
Những kiếp người sống
lâu trăm tuổi
Y như một chiếc
bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé
lại[3]
Trong Giai phẩm mùa Thu 1956, tập II, nhà giáo, nhà Hán học,
nhà báo kiêm nhà hoạt động chính trị Phan Khôi (1887-1960)[4], trong bài xã luận
“Ông bình vôi” đã giải thích bài thơ của Lê Đạt, đại ý, cái bình vôi thường
dùng để ăn trầu, dùng lâu ngày thì trong lòng nó sẽ đầy cặn, còn miệng nó sẽ
tum húm lại. “Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày,… cũng như pho tượng đất
hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi
bằng ông.” Và điều đó có nghĩa là Lê Đạt đã cả gan tấn công vào các bậc tiền bối,
các đồng chí đàn anh trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Nhà thơ Xuân Diệu, người được
“cách mạng tái sinh”, đã quật lại Lê Đạt như sau: “Được sự giáo dục của Đảng,
những con người cũ trong chúng ta càng ngày càng bé lại thật, cố gắng thu hẹp
cái cá nhân chủ nghĩa của mình càng nhỏ càng tốt, để cho con người mới, con người
tập thể càng lớn mạnh lên: đó là điều đáng vui mừng của chúng ta!”[5] Khi Phan
Khôi phê bình tập thơ được trao giải văn học năm 1954-55, tập Ngôi sao của Xuân
Diệu, là có những câu “bí hiểm không hiểu nghĩa được”, thì bị một người trong
Ban Tuyên giáo cãi lại: thế thì bao lâu
nay Đảng giáo dục Xuân Diệu không có hiệu quả gì sao?Và Phan Khôi đã bật ra câu
này: “Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng, chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ
đâu…”.[6] Đây chính là điểm chia rẽ, dẫn tới một trường hỗn loạn các cuộc cãi
vã với những quan điểm không còn dung hòa được với nhau.
Bài thơ thứ hai gây phẫn nộ là bài “Nhất định thắng” của Trần
Dần, một bài thơ dài hơn 500 câu chịu ảnh hưởng phong cách của Maiakovsky. Giới
lãnh đạo văn nghệ thấy đây là một tác phẩm “phản động một cách tinh vi”[7]. Bài
thơ kể về cuộc sống và tình yêu của một cặp vợ chồng trẻ trong cái mùa đông mưa
tầm tã ở Hà Nội năm đầu tiên sau chiến tranh, về sự chật trội, khốn khó của đời
sống vật chất, về tương lai bất định và về cuộc di cư của hàng vạn người vào
Nam để chạy chốn cái nghèo – những chủ đề cấm kị của một chế độ mới đang trên
đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Những ngày ấy bao
nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Những hình ảnh đau xót được thay thế bằng đòi hỏi:
Đất nước khó khăn
này
Sao không thấm được
vào Thơ?
….
Tôi ước ao tất cả
mọi người ta
Đòi thống nhất phải
đòi từ việc nhỏ
– từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
– từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ…
Trần Dần đã không khắc họa những hình ảnh công nông binh anh
hùng như bộ máy tuyên truyền đòi hỏi, bởi vì: “Những câu hỏi đi giữa đời chỏng
ngỏng/ Ôi! Xưa nay người vẫn thiếu tin Người/ Người vẫn kinh hoàng trước Tương
Lai”[8]. Trần Dần nói về quân đội anh hùng, về cuộc đấu tranh thống nhất, về niềm
tin vào chính nghĩa của miền Bắc, nhưng: “… tôi cúi mặt trước đèn?/ Gian nhà vắng
chuột đêm nó rúc./ Bao nhiêu lo lắng hiện hình ra./ Hừ! Chúng đã biến thành tảng
đá// chặn đường ta! Em ơi thế ra/ Người tin tưởng nhất như anh// vẫn có những
phút giây ngờ vực.” Hệ quả là, trong một cuộc họp của Ban Thường vụ Hội Văn học
và Nghệ thuật tháng 2.1956, bài thơ đã bị đem ra phê phán và báo Văn học của Hội
được lệnh phải vạch trần tính chất phản động của bài thơ cũng như con người Trần
Dần. Trước đó, cuối tháng 1.1956, tạp chí Giai phẩm đã bị tịch thu.[9]
Ở Hà Nội tôi được nghe kể, hồi đó Trần Dần đang được cử đi
tham quan cải cách ruộng đất ở nông thôn nên không hay biết về việc in bài thơ.
Vào một ngày tháng 2 năm 1956, Trần Dần cùng Tử Phác bị bắt và đưa lên một chiếc
xe nhà binh, vì “vi phạm kỉ luật quân đội” (ra khỏi trại ban đêm không có giấy
phép)[10]. Hồi đó Trần Dần sống cùng một cô gái tiểu tư sản theo đạo Thiên chúa
(vì vậy cô gái bị cáo buộc là gián điệp) tại ngôi nhà nhỏ ở phố Sinh Từ[11], và
điều này bị xem như một sự phản bội giai cấp[12], nhất là với một người vừa là
đảng viên vừa là quân nhân như Trần Dần. Để thoát khỏi hầm giam nằm sâu dưới
lòng đất, nhà thơ nhanh trí đã giả vờ tự tử bằng cách cứa dao lam vào cổ, khiến
giới lãnh đạo Đảng và quân đội bị một phen bối rối. Trong thời gian bị cấm trại,
Trần Dần đã phải viết kiểm thảo. Các cán bộ lãnh đạo tư tưởng-văn hóa muốn chỉ
ra những nhận thức lệch lạc của Trần Dần và kéo ông về khối những người tin tưởng.
Một mặt giới lãnh đạo không muốn mất thể diện (bởi nếu không thì chẳng khác gì
họ chấp nhận sự nghi ngờ vào quyền lực của họ), mặt khác Trần Dần là một công cụ
tuyên truyền đáng giá cho công cuộc giải phóng miền Nam và củng cố miền Bắc.
Nguyễn Đình Thi (cũng như Huy Cận) là người không bao giờ muốn
từ bỏ niềm tin vào sứ mệnh của mình trong việc xây dựng một xã hội mới với những
con người mới. Là một nhà thơ gốc tiểu sư sản, Nguyễn Đình Thi đã tìm thấy địa
vị của mình ở chủ nghĩa xã hội và ông được Đảng – lương tâm của thời đại – ủng
hộ về tinh thần. Suốt đời mình, Nguyễn Đình Thi luôn là người bạn trung thành của
quyền lực. Ông không vòng vo, mà đi thẳng vào vấn đề: “Văn nghệ phải xây dựng
được ý thức mới, tâm hồn mới cho nhân dân ta, theo phương hướng chủ nghĩa yêu
nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa”[13]. Văn nghệ sĩ dù ở vị trí nào cũng đều phải
là cánh tay nối dài của Đảng, là những người góp phần xây dựng mục tiêu thần
thánh của Đảng và chịu trách nhiệm trước Đảng. Song điều đó cũng có nghĩa rằng
Đảng cũng chờ đợi sự tham dự của văn nghệ sĩ vào dự án của mình, vì như chúng
ta đã thấy, văn nghệ sĩ được Đảng xem như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa
trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (bên cạnh các mặt trận kinh tế, chính
trị và quân sự). Chính điều đó đã cho phép các văn nghệ sĩ một không gian nhất
định để đàm phán. Và lúc này họ vẫn quyết tâm tận dụng triệt để không gian này.
Giai phẩm là cuộc tấn công công khai đầu tiên của giới trí
thức văn nghệ sĩ vào đường lối lãnh đạo công thức cứng nhắc của Đảng, và Đại hội
20 Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiếp cho họ thêm sức mạnh. Một ngày tháng 3 năm
2002, Nguyễn Đình Thi đã kể với tôi rằng, thời gian ngắn sau khi trở về từ
Moskva, Trường Chinh có nói với ông thế này: “Mấy người làm Giai phẩm mùa Xuân
thực ra đều là anh em kháng chiến mình cả. Cậu thấy ở Hà Nội này, cứ vào mấy hiệu
sách mà xem, còn đầy sách của đế quốc đấy, đầy sách chống cộng đấy, vậy mà người
ta có làm gì đâu. Lại đi thu cái tạp chí của anh em quân ta. Phải thay đổi gấp
thôi.”[14] Và nhà văn Nguyễn Tuân, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, thời
gian này cũng công khai tự phê bình: “Anh em văn nghệ không muốn quay lưng lại
Đảng, họ thừa nhận Đảng đã cho họ hướng đi, họ chỉ mong có tự do trong nghệ thuật.
Câu hỏi quan yếu nhất lúc này là liệu văn nghệ có được phép phát huy tất cả khả
năng của mình hay không?”[15] Việc câu hỏi của Nguyễn Tuân sẽ nhận được câu trả
lời tích cực, và phê bình lãnh đạo văn nghệ là được phép, là điều mà phần đông
văn nghệ sĩ đã không còn nghi ngờ nữa, bởi vì “sau khi những sai lầm đẫm máu của
Stalin bị vạch trần, sau những bi kịch trong cải cách ruộng đất và trong các cuộc
thanh trừng của Đảng, tình hình đã thay đổi nhanh chóng”.[16] Giai phẩm ra liền
hai số, số mùaThu tập 1 và số mùa Thu tập 2. Tiếp đó,Giai phẩm mùa Xuân cũng được
tái bản. Theo đề nghị của Nguyễn Đình Thi, tất cả văn nghệ sĩ đều được triệu tập
tham gia lớp học 18 ngày do Hội Văn nghệ tổ chức từ 1 đến 18.8.1956 để học tập
các quan điểm của Marx về dân chủ trong văn nghệ và tiến hành việc tự phê bình.[17]
Lớp học này đánh dấu một bước ngoặt. Các bên tranh luận gay gắt. Đường lối lãnh
đạo của Đảng và quan điểm của văn nghệ sĩ đối nghịch với nhau chan chát. Đối với
các cán bộ văn nghệ thì thơ ca không phải là việc riêng tư mà là việc chung;
thơ ca cần có tính phục vụ thay vì chỉ biểu lộ cảm xúc[18]. Trong một bài đăng
trênNhân văn số 3, họa sĩ Sĩ Ngọc viết rằng, những người viết Nhân văn-Giai phẩm
bị gán cho danh hiệu “bất mãn” với cuộc sống khó khăn ở miền Bắc, và từ bất mãn
đã nảy sinh phản ứng giai cấp. Đây là một sự kết án hết sức nặng nề, bởi những
kẻ “bất mãn” thường được hiểu là chống cách mạng. Sĩ Ngọc lật ngược lại, bằng
cách quy kết giới lãnh đạo là “những đứa con của phong kiến, đế quốc”, những kẻ
quen dùng những luận điệu cũ là di chứng của thời thiếu dân chủ trước đây để kết
tội những người dám phê bình mình là bất mãn. Sĩ Ngọc viết rằng, nếu những người
Nhân văn sai thì quần chúng sẽ có đủ sáng suốt để nhận định. Trong khi giới
lãnh đạo lại tìm cách bịt miệng những người phê bình mình, như thế là khinh thường
quần chúng, hoặc sợ quần chúng sáng suốt mà biết sự thật. Vì vậy lúc này, lãnh
đạo muốn giữ uy tín thì cần phải tự phê bình thành khẩn. Sĩ Ngọc cho rằng những
sai lầm trong cải cách ruộng đất và những sai lầm trong chính sách văn nghệ và
trí thức là rất nặng nề, và tất nhiên là giới văn nghệ sĩ bất mãn với những sai
lầm này, những sai lầm làm tổn hại và kìm hãm văn hóa văn nghệ. Ông viết: “Bất
mãn với những cái sai lầm là chính đáng. Chỉ có kẻ nào thỏa mãn với cái sai kẻ ấy
mới là kẻ có tội.”[19] Sĩ Ngọc chống lại các cán bộ văn nghệ chỉ biết quan tâm
lợi ích của mình.
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng Lao động Việt Nam đã
tạo ra một “không khí dân chủ”[20], vì vậy trong lớp học 18 ngày đáng nhớ đó,
công tác trao giải thưởng văn học 1954-55, đặc biệt tập thơ Ngôi sao được trao
giải Nhì của Xuân Diệu, bị phê phán gay gắt. Tờ Văn nghệ của Hội Văn học và Nghệ
thuật đã mở ra cuộc tranh luận bằng những bài tự phê bình của các lãnh đạo văn
nghệ.[21] Trong khoảng thời gian từ tháng 8.1956 tới đầu năm 1957 đã xuất hiện
một loạt các tờ báo đầy tinh thần hứng khởi như Đất mớicủa Hội Sinh viên, Trăm
hoa của Nguyễn Bính[22], và những tờ khác như Nói thật, Tập san phê bình… Ngay
cả những tờ báo chính thống như Nhân dâncủa Đảng hay Cứu quốc của Mặt trận Tổ
quốc cũng không cưỡng được làn sóng tự do bày tỏ ý kiến và tự do thảo luận về
các chủ đề như chính sách văn hóa, vai trò của trí thức trong chủ nghĩa xã hội
và tự do dân chủ. Thậm chí những sinh viên và học sinh nôn nóng còn muốn xuống
đường biểu tình, nhưng do một dịch cúm[23] bùng phát, các trường phổ thông và đại
học ở Hà Nội đã bị đóng cửa ngày 2.5.1957.
Bà xã luận “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của Phan Khôi đăng
trên Giai phẩm mùa Thu tháng 9.1956[24] phản ánh không khí ngột ngạt của đời sống
trí thức văn nghệ sĩ hồi đó và phản ứng của họ với Đảng và các cơ quan lãnh đạo
văn nghệ. Phan Khôi viết trên cương vị một nguời đã tham gia kháng chiến, người
không nghi ngờ gì vào tính chính đáng của chế độ sau cuộc đấu tranh dài gian khổ
giành độc lập. Đối với Phan Khôi thì chế độ miền Bắc đương nhiên là chế độ tốt.
Tuy nhiên ông muốn xóa bỏ lối lãnh đạo mệnh lệnh trong văn hóa, kìm hãm tư tưởng,
những lề lối hình thành trong những năm cuối của cuộc kháng chiến. Nhà văn lão
thành này đòi hỏi phải có phê bình – không chỉ phê bình nội bộ – mà phê bình
công khai. Ông viết: “Tôi muốn nói sự thực. Nhưng có người bảo rằng ‘có những
cái sự thực không nên nói’. Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ nào kia, chứ ở
dưới chế độ của chúng ta, đã lấy phê bình, tự phê bình làm võ khí, thì còn có
cái sự thực nào là cái sự thực không nên nói?”. Về việc phê bình có thể bị địch
xuyên tạc, ông nói: “Cái thời kì ‘đóng cửa dạy nhau’ đã qua rồi, ngày nay chính
là ngày có mâu thuẫn gì giữa nội bộ cần phải giải quyết trước mặt quần chúng
nhân dân, không nhờ ánh sáng của quần chúng nhân dân soi rõ cho, thì không thể
giải quyết nổi… Còn như sợ ‘bên địch xuyên tạc’ thì chỉ là cái cớ mượn để mà giấu
kín im ỉm. Bên địch hà tất đợi đến có cái gì mới xuyên tạc?… Đã là bên địch thì
nó cứ dựng đứng chuyện lên…”.[25] Ông nhấn mạnh rằng không ai đòi hỏi tự do bừa
bãi cả, mà nguời ta chỉ yêu cầu được tự do trong nghệ thuật. Bởi vì, “phần nghệ
thuật nầy là phần riêng của văn nghệ, chính trị không bao biện được…”.[26]
Theo Phan Khôi, chính đường lối văn nghệ của miền Bắc sau
khi hòa bình lập lại là lý do dẫn tới sự ra đời của Giai phẩm, mà trong đó các
tác giả thể hiện sự bất bình với lãnh đạo. Ông đề cập đến trường hợp Trần Dần bị
“hỏi tội” tại trụ sở Hội Văn nghệ vì trong bài thơ “Nhất định thắng” đã dám sử
dụng chữ “Người” viết hoa, chữ lâu nay vốn chỉ để xưng Hồ Chủ tịch. “Tôi ngồi
nghe mà tưởng như mình ở trong chiêm bao”, Phan Khôi viết, “chiêm bao thấy mình
đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng
trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài, thế mà tên
Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài chữ không phải thuộc về hoàng thượng. Nhưng
may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình ngồi trong phòng họp Hội Văn nghệ”.[27]
Nhân văn
Ngày 20 tháng 9 năm 1956, tờ báo tư nhân mang tên Nhân văn
ra số đầu tiên ở Hà Nội (hồi đó báo tư nhân còn được phép xuất bản, bên cạnh
báo nhà nước). Chủ nhiệm báo là Phan Khôi, một người rất có uy tín và tên tuổi
của ông mang lại sức nặng cho tờ báo – Phan Khôi khi đó đang có một hợp đồng dịch
Lỗ Tấn với sự trợ cấp kinh phí của chính phủ.[28] Nhà văn, họa sĩ Trần Duy (sn.
1920) đảm nhiệm chức vụ thư kí tòa soạn. Trong một cuộc trò chuyện với tôi vào
tháng 10 năm 2000 ở Hà Nội, một trong những nhân vật chính của Nhân văn miêu tả:
“Tờ báo là một công cụ hết sức quan trọng cho cuộc đấu tranh vì tự do và chống
lại sự nô lệ hóa về tinh thần, vì dân chủ và chống lại sự độc tài mang danh
chuyên chính vô sản.” Có lẽ cái mục đích chính trị được diễn đạt rõ ràng và thẳng
băng ra như thế vào năm 2000 đã hoàn toàn không tương đồng với những mục đích vốn
có tính bộc phát củaNhân văn vào thời 45 năm trước, giữa cái mùa Đông đầu tiên
sau Điện Biên Phủ và 1956/57.
Người thực chất đứng sau dự án Nhân văn là nhân vật đã được
nhắc đến nhiều lần ở trên: nhà báo, nhà xuất bản, nhà chính trị Nguyễn Hữu
Đang. Trong kháng chiến, ông từng là cộng sự thân cận của Tổng Bí thư Trường
Chinh – hai người có quan hệ với nhau từ thời Mặt trận Bình dân những năm 1930.
Năm 16 tuổi (1929), chịu tác động của các sự kiện chính trị nóng hổi trong nước,
và mặc dù chưa hiểu biết gì về chủ nghĩa Marx, Nguyễn Hữu Đang đã gia nhập Việt
Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, một tổ chức do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở
Trung Quốc. Sau một năm hoạt động bí mật, ông bị Pháp bắt và nhốt vào tù, nhưng
vì còn ở tuổi vị thành niên, ông được Pháp thả cho về quê. Ông đã tìm thấy ở chủ
nghĩa cộng sản con đường giải phóng dân tộc; chủ nghĩa cộng sản, như ông tự diễn
giải, là phương tiện để đạt được mục đích.[29] Cùng với Trường Chinh trong ban
biên tập tờ báoTin tức của Đảng, ông có nhiệm vụ thuyết phục giới trí thức đi
theo cách mạng. Theo sự ủy nhiệm của Hồ Chí Minh, ông đã tổ chức Lễ Tuyên ngôn
Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945[30] – giờ phút của định
mệnh mà ở đó “những người An-na-mít… đã trở thành những người Việt Nam”, như
Rudy Schröder (tức Lê Đức Nhân) đã miêu tả sau này.[31] Ông trở thành Bộ trưởng
Bộ Thanh niên đầu tiên trong chính phủ Hồ Chí Minh. Tháng 11 năm 1946, ông đã
lãnh đạo việc tổ chức Hội nghị Văn nghệ Toàn quốc lần thứ nhất ở Hà Nội (hội
nghị bị rút ngắn do kháng chiến sắp bùng nổ). Như đã nói ở trên, Nguyễn Hữu
Đang đã đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ trong kháng chiến.
Cũng vậy, như đã nói, đầu những năm 1940, ông vẫn được Trường Chinh tin cẩn
giao nhiệm vụ, thông qua Hội Văn hóa Cứu quốc, huy động trí thức và văn nghệ sĩ
tham gia kháng chiến.[32] Tuy nhiên sau nhiều năm song hành cùng Tổng Bí thư Đảng
tại những vị trí then chốt trong chính sách văn hóa, Nguyễn Hữu Đang dần trở
thành một đối thủ cạnh tranh quyền lực và là một người đối lập về tư tưởng với
Trường Chinh. Những gì diễn ra trong những năm sau Điện Biên Phủ cho thấy, những
hình dung của Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh về một xã hội mới cũng như vai
trò của văn hóa-văn nghệ trong xã hội ấy đã trở nên đối nghịch nhau. Thực ra, sự
đối lập này có lẽ đã xuất hiện từ Đại hội Văn hóa Toàn quốc năm 1948. Khi hồi
tưởng lại, Nguyễn Hữu Đang cáo buộc Trường Chinh ngày đó đã quá đặt nặng “vai
trò của tư tưởng Mác-Lê để hạ thấp truyền thống tiếp nhận văn hóa từ hàng nghìn
năm của Việt Nam”. Ít lâu sau đó, trong một tập san nội bộ của Đảng, ông bị Trường
Chinh phê phán là “thiếu kiên định tư tưởng”.[33] Theo nhiều nguồn kể lại, từ
đó Nguyễn Hữu Đang đã không còn giữ vị trí nào trong kháng chiến nữa mà rút lui
về nông thôn cùng người bạn Trần Thiếu Bảo – người sau này sẽ trở thành giám đốc
Nhà xuất bản Minh Đức.[34] Chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Đang mới
quay trở lại chính trường. Tuy nhiên khi được hỏi, ông luôn từ chối nói về những
năm tháng này.
Những mâu thuẫn cơ bản của Nguyễn Hữu Đang giờ đây mới được
thoát ra và chúng tìm được mảnh đất xã hội màu mỡ ở báo Nhân văn. Ông tóm tắt mục
đích của mình với tờ báo như sau: “Đấu tranh cho dân chủ, chống lại chế độ
chuyên chế kiểu Stalin và Mao Trạch Đông, nghĩa là, chống lại xu hướng toàn trị;
tự do văn nghệ chỉ là một mảng trong cuộc đấu tranh bao quát nhiều lĩnh vực
này.” Ba đòi hỏi chính trị đặc biệt được Nguyễn Hữu Đang miêu tả như sau: “Đòi
quyền tự do dân chủ cho toàn thể nhân dân; Đòi quyền tự do cá nhân cho mọi công
dân phù hợp với nhu cầu từng người; Đòi chính trị phải tuân thủ luật pháp, bao
gồm việc tái thực hành Hiến pháp 1946, vốn đã bị tạm đình chỉ hiệu lực do hoàn
cảnh kháng chiến.”[35] Nếu như trước đây, có lúc ông còn những ảo tưởng nào đó
thì bây giờ, ông dồn tất cả cho mục đích: tập hợp giới trí thức văn nghệ sĩ để
chống lại khuynh hướng toàn trị của cách mạng và chủ trương đơn nhất hóa của
các cựu đồng chí của ông. Phải chăng Nguyễn Hữu Đang đã thực sự tin rằng ông có
thể thắng trận chiến này? Liệu ông có ý thức được rằng ông đang phải đối diện với
những lực lượng nào hay không? Những người quy tụ quanh ông ở Nhân văn có vẻ đều
tin tưởng ở ông và đi theo ông với tất cả sự hứng khởi… “Il faut développer à
l’outrance l’individualisme”, Nguyễn Hữu Đăng tuyên bố[36] – và Lê Đạt đòi hỏi:
“Un poète doit garder jalousement sa singularité”. Có nghĩa là, nhà thơ phải cảnh
giác trước các nhà chính trị, những kẻ luôn lợi dụng thơ ca cho mục đích của họ.[37]
Sau Điện Biên Phủ 1954, Nguyễn Hữu Đang đã chuyển sang giai
đoạn thứ hai trong sự nghiệp chính trị của ông: sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ,
dân quyền và nhân quyền. Ông coi mình như một thành viên của giới trí thức trưởng
thành từ “trường học của Cách mạng Pháp 1789”.[38] Với tư cách một nhà tổ chức
dày dạn kinh nghiệm, Nguyễn Hữu Đang đã quy tụ giới văn nghệ sĩ, như các nhà thơ quân đội Trần Dần
và Hoàng Cầm, cũng như Lê Đạt, Trần Duy, và giới học giả, như nhà cựu học uy
tín Phan Khôi, học giả Đào Duy Anh (1904-1988), triết gia Trần Đức Thảo và luật
sư kiêm giáo sư văn chương Nguyễn Mạnh Tường[39], xung quanh tờ báo Nhân văn để
làm một cuộc đột phá mới.[40] Tất cả các nhân vật chính của Nhân văn ở cả hai
nhóm đều thuộc giới trí thức vốn quen biết nhau từ trước: họ cùng đi học với
nhau, sống gần nhau, thậm chí có quan hệ cọc chèo với nhau. Để làm tờ tạp chí,
Nguyễn Hữu Đang đã nhắm tới Hoàng Cầm, Trưởng đoàn Kịch Quân đội, “thầy giáo tư”
của tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ của quần chúng (“Nhân dân yêu tôi lắm”,
Hoàng Cầm tự nói về mình với chút châm biếm), bạn thân của Trần Dần, người đã từng
trình bày bản Dự thảo đề nghị 32 điểm với tướng Thanh.
Tuy nhiên, khác với Giai phẩm, Nguyễn Hữu Đang không có ý định
làm Nhân văn trước hết như một tạp chí văn học, mà ưu tiên cho các chủ đề về thời
sự chính trị Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ số đầu tiên cho tới
số cuối cùng với kết cuộc cay đắng, câu hỏi tờ báo nên nghiêng nhiều hơn về văn
nghệ hay nghiêng nhiều hơn về chính trị đã luôn gây tranh cãi trong nội bộ ban
biên tập, giữa một bên là nhóm các văn nghệ sĩ và bên kia là Nguyễn Hữu Đang,
nhà chính trị và nhà tuyên truyền. Các văn nghệ sĩ rõ ràng muốn đấu tranh cho tự
do biểu đạt trong văn nghệ, nhưng đồng thời họ cũng cảnh báo nhóm kia đừng tấn
công trực diện vào chính trị.[41] Song lúc này, ngay cả các văn nghệ sĩ cũng đã
sẵn sàng chống lại hệ thống chuyên chế, hệ thống không cho con người cá nhân một
không gian tự do nào, không cho phép bất kì cái gì khác Đảng, bởi vì các phương
pháp trong Cải cách Ruộng đất giờ đây đang được thực hành trong lĩnh vực văn
nghệ, và giới trí thức văn nghệ sĩ ý thức được rằng, những phương pháp và mô
hình tổ chức xã hội mà họ chứng kiến trong quá trình Cải cách Ruộng đất sẽ trở
thành mô hình tương lai cho toàn thể Việt Nam. Cải cách Ruộng đất là biểu hiện
bệnh hoạn của hệ thống chuyên chế và Nguyễn Hữu Đang đã xuất hiện đúng lúc, Lê
Đạt giải thích, bởi phong trào ly khai đã bùng phát do thái độ cứng nhắc của Đảng,
và nếu không có Nhân văn thì chắc chắn sẽ có cái gì khác tương tự. Đòi hỏi về tự
do văn nghệ đã không thể kìm hãm lâu hơn được nữa.[42]
Những hoạt động chuẩn bị cho báo Nhân văn của Nguyễn Hữu
Đang đã không thể qua mắt giới lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Những người này đã
tìm cách phân hóa nội bộ các trí thức văn nghệ sĩ, bằng cách ngăn cản các cộng
tác viên tiềm năng tham gia Nhân văn. Như đã nói ở trên, đại tá Lê Liêm, Tổng cục
phó Tổng cục Chính trị Quân đội dưới quyền tướng Nguyễn Chí Thanh, đã nhân danh
Bộ Chính trị thực hiện vài cuộc nói chuyện với các văn nghệ sĩ vào tháng
6.1956, vài tuần trước khi số báo đầu tiên ra mắt. Lê Liêm khẳng định sự trân
trọng của ông cũng như của các vị lãnh đạo khác với văn nghệ sĩ và ghi nhận
đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ với cách mạng. Như Hoàng Cầm nhớ lại[43], Lê
Liêm cũng thừa nhận rằng, những đòi hỏi của các văn nghệ sĩ là hết sức chính
đáng, và những “sai lầm” của Đảng trong chính sách văn nghệ là do trình độ yếu
kém của các cán bộ văn nghệ, và nhìn chung thì Đảng đồng ý với nhiều điểm trong
các đòi hỏi của các văn nghệ sĩ. Lê Liêm nhấn mạnh rằng văn nghệ sĩ là bạn (chứ
không phải kẻ thù) của Đảng, và chính vì thế họ cần có sự cảm thông chia sẻ với
Đảng và tha thứ cho những sai lầm của Đảng. Giới lãnh đạo cao nhất sẵn sàng lắng
nghe ý kiến văn nghệ sĩ, tất cả đều có thể được thảo luận và xem xét, nhưng phải
tuân thủ hai điều: thứ nhất, họ phải chấm dứt cộng tác với Nguyễn Hữu Đang, bởi
vì, như Lê Liêm giải thích, mục đích của Nguyễn Hữu Đang không phải là đấu
tranh cho việc nới lỏng trí thức văn nghệ sĩ, mà Đang có tham vọng chính trị với
mục tiêu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, các văn nghệ sĩ không
nên công khai những đòi hỏi của mình bằng các bài viết đăng báo mà nên gửi kiến
nghị tới lãnh đạo. Việc này cần phải giải quyết nội bộ (cũng như Đảng chỉ có thể
thừa nhận những sai lầm của mình trong phạm vi nội bộ), bởi còn có vấn đề miền
Nam và thống nhất đất nước.[44] Vì những lí do đó, văn nghệ sĩ trước hết cần phải
đặt trọn niềm tin vào Đảng, bởi Đảng là lực lượng duy nhất có thể thống nhất đất
nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, mọi sự tự do đều phải đặt dưới kỉ luật Đảng, và
chỉ có tuân thủ kỉ luật tư tưởng và kỉ luật đời sống mới mang lại tự do đích thực,
trong đó có tự do văn nghệ. Ngược lại, nếu các văn nghệ sĩ công khai những đòi
hỏi của mình trên báo chí thì quần chúng nhân dân miền Nam sẽ mất niềm tin vào
Đảng. Phụng sự cho sự nghiệp của Đảng cũng đồng nghĩa với phụng sự cho sự nghiệp
thống nhất đất nước (và hoàn thành mục tiêu cách mạng).[45]Thơ ca cần có tinh
thần chiến đấu, nhà thơ cần phục vụ Đảng; thơ ca là vũ khí tuyên truyền[46], hội
họa là vũ khí cổ động.
Các văn nghệ sĩ đã không từ chối trực tiếp đề nghị này của
Lê Liêm, mà họ đưa ra một số đề nghị ngược lại. Họ đồng ý sẵn sàng chấm dứt hợp
tác với Nguyễn Hữu Đang, nếu giới lãnh đạo đồng ý kỉ luật những người chịu
trách nhiệm trong vụ bắt Trần Dần và xin lỗi công khai về những sai lầm đã mắc
phải từ trước đến nay trong chính sách văn nghệ. Nếu điều này không xảy ra, thì
họ sẽ tự thực hiện bằng tờ báo sắp ra mắt. Trên thực tế, những đề nghị này
không những đe dọa con người đầy quyền lực Tố Hữu mà còn đòi Đảng phải công
khai xin lỗi. Nhưng đây lại chính là hai điểm không thể nào có thể thảo luận được.
Báo Nhân văn phê phán giới lãnh đạo văn nghệ:
[…] còn một số người lạc hậu mang nặng tàn tích đế quốc và
phong kiến, tuy đứng trong hàng ngũ cách mạng, nhưng vì quyền lợi, địa vị cá
nhân, nên có hành động hoặc lời nói vu cáo, đe doạ định bóp nghẹt dân chủ bằng
những phương pháp khi lén lút, khi trắng trợn… […] báo Nhân văn bao giờ cũng đứng
dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà, kiên quyết đấu tranh cho thống nhất đất nước và dân chủ thực sự […][47]
Ngay cả trong thời gian báo Nhân văn đã hoạt động vẫn có những
cuộc đàm phán giữa những đại diện cao nhất của giới lãnh đạo với các thành viên
Nhân văn. Trần Duy kể lại rằng, sau khi Nhân văn số 4 ra mắt, Thủ tướng Phạm
Văn Đồng đã cho mời ông lên nói chuyện và lưu ý ông không được quên “tình hình
đất nước” và mục tiêu dân tộc, và đừng làm gì ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Phạm Văn Đồng đề nghị Trần Duy từ giờ nếu có kiến nghị gì thì cứ việc liên hệ
trực tiếp với ông, và ông hứa sẽ đề đạt lại với Bộ Chính trị, ngoài ra ông còn
cho biết sẵn sàng ủng hộ toàn bộ chi phí cho việc in ấn báo Nhân văn. Khi Trần
Duy kể lại việc này, những người chủ trương Nhân văn đã cáo buộc ông bắt tay với
chính quyền. Dù sao về phần mình, sau cuộc gặp gỡ này, Trần Duy quả thực cho rằng
nên dừng Nhân văn (“vì tất cả đều quá mệt mỏi, mà chúng tôi đều không được chuẩn
bị cho cuộc chiến đấu này”). Có vẻ như sau đó còn có những cuộc gặp giữa Trần
Duy, Văn Cao phía bên này với Trường Chinh, Nguyễn Đình Thi phía bên kia. Nguyễn
Đình Thi nói với Trần Duy: “Mình rất quí cậu, sao cậu lại làm chuyện rắc rối
này, cậu là một họa sĩ, nghề của cậu là vẽ…”. Và Trường Chinh thì nói: chúng ta
đã có tất cả các tờ báo cần thiết rồi, tại sao các cậu lại phải làm một tờ báo
như thế. Và Trần Duy cho rằng cách bày tỏ thái độ của Trường Chinh như thế là
“très, très raisonnable” (hết sức hợp lý), bởi vì “kẻ thù” sẽ lợi dụng, và Nhân
văn sẽ phá hoại nền độc lập và sự nghiệp thống nhất đất nước. Theo Trần Duy thì
Bộ Chính trị đã làm hết sức để can ngăn ông và những đồng sự của ông.[48]Như vậy,
rõ ràng trong nhóm những nhà ly khai cũng có sự bất đồng và các quan điểm mâu
thuẫn nhau; mối nghi ngờ của một số văn nghệ sĩ với Trần Duy, người bị họ coi
là đầu hàng và thỏa hiệp, vẫn còn kéo dài cho đến nay.[49]
Nhân văn được xuất bản dưới hình thức báo và thoạt tiên được
thực hiện từ tiền túi của các thành viên chủ trương. Tờ báo đã gặt hái thành
công vượt bậc, gây chú ý và sợ hãi. Chỉ vài ngày, báo đã bán được 6.000-7.000 bản,
một con số rất lớn ở Hà Nội hồi đó.[50] “Chúng tôi ngồi trên lưng hổ – nếu chúng
tôi đứng im, con hổ sẽ hất chúng tôi xuống; nếu chúng tôi nhảy xuống, con hổ sẽ
ăn thịt. Vậy là chúng tôi cứ bị đẩy đi”, Trần Duy nhớ lại.[51]Nhân văn số 1
đăng một bài viết dài của Hoàng Cầm kể câu chuyện bi kịch của Trần Dần. Bài viết
có nhan đề “Con người Trần Dần” với một bức minh họa của Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần
với vết sẹo ở cổ từ lần (giả vờ) tự tử – một bằng chứng hùng hồn tố cáo giới
lãnh đạo văn nghệ. Trong Nhân văn số 3, nhà thơ Chu Ngọc tuyên bố: “Chúng tôi
chỉ muốn thực hiện đúng phương châm trong việc phê bình của chúng ta là: Nói thẳng,
nói thật, nói hết.”[52]Nhưng, như Trần Duy đã viết trong bài “Phấn đấu cho trăm
hoa đua nở” in ở trang đầu báo Nhân văn số 2 ngày 30.9.1956: “Thực tế ở xã hội
chúng ta, vấn đề thực hiện trăm hoa đua nở không phải là một việc đơn thuần dễ
dàng. Một khẩu hiệu không thôi, không đủ sức mạnh để khai thông tất cả những đầu
óc bảo thủ, quan liêu, đã quen với những tác phong lãnh đạo lỗi thời, chỉ lăm
le buộc văn học, nghệ thuật vào những khẩu hiệu khô khan, những chính sách cùng
những nguyên tắc máy móc về kinh tế và xã hội.”[53] Còn Lê Đạt tuyên bố: “Người
công an đứng ngã tư đường phố… rất cần cho việc giao thông… Nhưng đem bục công
an… đặt giữa tim người… có thể gây rất nhiều chua xót…”.[54]
Các đòi hỏi ngày càng vượt ra khỏi lĩnh vực văn nghệ và lan
sang các chủ đề chính trị-xã hội, như các thảo luận về tính chính danh của
chính quyền, về nhân quyền và dân chủ, nghĩa là đòi canh tân hệ thống – và như
vậy nghĩa là đòi có đa nguyên chính trị (dù chỉ úp mở). Ngay cả những người vốn
né tránh hoạt động chính trị mà chỉ giới hạn hoạt động của mình như những trí
thức hoặc văn nghệ sĩ thuần túy cũng
không thể che giấu đòi hỏi này, nhất là sau các sự kiện ở Moskva, Hungary và Ba
Lan (và dĩ nhiên cả những sự kiện ở Đại lộ Stalin ở Berlin tháng 6.1953). Báo
Nhân văn số 5 có bài viết kí tên Người quan sát: “Bài học Ba Lan và Hungari”.
Nhiều người ở Hà Nội cả quyết với tôi rằng tác giả bài viết đó là Lê Đạt. Trong
bài viết này, tác giả phân biệt giữadân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ
địch. Tác giả đòi hỏi phải nhanh chóng sửa chữa những sai lầm đã mắc phải, nâng
cao mức sống nhân dân và mở rộng các quyền tự do dân chủ. Tác giả viết, ở Ba
Lan và Hungary, “sự tôn sùng Sta-lin, và những sai lầm của Sta-lin ảnh hưởng
sâu xa đến một số đông những đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, đã vi phạm
nghiêm trọng đến đời sống và quyền tự do của con người”.[55] Chủ trương hộc tiến
lên chủ nghĩa xã hội, quá coi trọng công nghiệp nặng, coi thường nông nghiệp và
tiểu thủ công đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Lý luận sai
lầm cho rằng càng tiến tới chủ nghĩa cộng sản thì đấu tranh giai cấp càng quyết
liệt đã dẫn tới áp dụng chuyên chính với cả đảng viên và quần chúng và vi phạm
trầm trọng nền pháp trị xã hội chủ nghĩa.[56]
Bài viết “Cần phải chính quy hơn nữa” của Nguyễn Hữu Đang
đăng ở trang đầu báo Nhân văn số 4 ngày 5.11.1956 đã đi quá giới hạn chịu đựng
của Đảng. Nội bộ nhóm biên tập đã tranh cãi quyết liệt vì một số người cho rằng
bài báo quá trực diện chính trị, và nếu cho in thì chính quyền có thể cho đóng
cửa tòa báo. Nguyễn Hữu Đang viết: “Vì lòng khinh bỉ của chúng ta đối với pháp
lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng khinh bỉ
pháp lý nói chung. Vì trong cuộc kháng chiến kéo dài và gian khổ, chúng ta đã
quen giải quyết mọi công viêc to nhỏ trong không khí gia đình, với tinh thần tuỳ
tiện. Chúng ta đã quen dùng cái linh động để gỡ cho công việc trôi chảy được mỗi
khi vấp phải điều quy định chính xác. Chúng ta đã quen dùng cái lập trường để
thay cho luật lệ cụ thể […] Trong Cải cách Ruộng đất, những việc bắt người,
giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết
sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô
tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính là nông dân mà bị quy sai thành phần),
không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị
hẳn hoi.”[57]
Tiếp theo, Nguyễn Hữu Đang bàn về nhân quyền trong bài trang
Nhất báoNhân văn số 5 với nhan đề “Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và hiến pháp
Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào?”. Nguyễn Hữu Đang viết rằng, do hoàn cảnh
chiến tranh, Hiến pháp 1946 đã tạm thời bị hoãn thi hành, nhưng nay tình hình
miền Bắc đã dần trở lại bình thường, vì vậy cần cấp thiết xem xét thực hiện Hiến
pháp, đặc biệt là Điều 10, quy định về các quyền tự do dân chủ của nhân dân.
(Điều 10 Hiến pháp 1946: Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất
bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước.)[58]
Bản can của số báo này (cũng như các số trước) được các cán bộ của xưởng in, vốn
là những đảng viên đầy tinh thần kỉ luật, chuyển tiếp cho lãnh đạo Đảng, và số
báo đã bị cấm ngay tập tức.[59] Trong một báo cáo gửi từ Hà Nội, phóng viên
hãng thông tấn CHDC Đức (AND) Erwin Borchers (tên Việt Nam là Chiến Sĩ) viết:
“Quan điểm chung là không thể để những kẻ phá hoại này tiếp tục lộng hành nữa
[…] và đã đình chỉ hai số báo”.[60]
Nhân văn số 6 đã lên khuôn và đang chuẩn bị in thì bị chặn lại.
Ngày 15.12.1956, Ủy ban Hành chính Hà Nội đã ban lệnh đình bán và cấm lưu hành
báo Nhân văn với lý do Nhân văn đã có những bài viết: “xuyên tạc sự thật, gây
hoang mang chia rẽ trong dư luận, gieo rắc sự nghi ngờ vào chế độ dân chủ nhân
dân, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, phá hoại trật tự và đời sống yên bình
của nhân dân thành phố.”[61]
(Còn tiếp)
————
Chú thích
[1] Trường Chinh 1994, tr.271.
[2] PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.022.
[3] Xem Hoàng Văn Chí 1964, tr.236; tham khảo thêm Hoang
Giang 1987, tr.12.
[4] Xem Jamieson 1995, tr.109/11. Ông ngoại Phan Khôi là Tổng
đốc Hoàng Diệu, người đã treo cổ tự vẫn khi Hà Nội thất thủ. Bản thân Phan Khôi
từng bị tù 9 năm ở Côn Đảo.
[5] Xem Jamieson 1995, tr.265; tham khảo Hoàng Văn Chí 1964,
tr.237.
[6] Tóm tắt bài xã luận “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của
Phan Khôi, Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 015.
[7] Về tình hình văn hóa (Zur kulturellen Situation), Đại sứ
quán CHDC Đức ở Hà Nội, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.023.
[8] Từ: Giai phẩm mùa Xuân, 1956, Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà
Nội, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.007-011.
[9] Về tình hình văn hóa (Zur kulturellen Situation), Đại sứ
quán CHDC Đức ở Hà Nội, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420.
[10] Đại sứ Pfützner, Hà Nội, tháng 11.1956, Phong trào đối
kháng của văn nghệ sĩ chống đường lối của Đảng Lao động về công tác văn nghệ, tại
PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.032. Theo nhiều nguồn tin của các trí thức ly khai
còn sống ở Hà Nội thì Tố Hữu đã ra lệnh cho Văn Phác, Trưởng Phòng Văn nghệ
quân đội, bắt Trần Dần. Lệnh của Tố Hữu được đưa ra trong một cuộc họp lãnh đạo
văn nghệ để bàn về tập Giai phẩm, trong đó nhà thơ Chế Lan Viên là người đã mở
màn châm ngòi cuộc tấn công Trần Dần.
[11] Nay là số 6 Nguyễn Khuyến.
[12] Trung úy Hoàng Cầm cũng bị quân đội ép phải bỏ người vợ
mà ông kết hôn năm 1956, bởi cô này bị coi là “tư sản” và đã ở lại Hà Nội trong
kháng chiến, nơi cô làm công việc y tá. Vì vậy Hoàng Cầm đã ra khỏi quân đội.
Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội 23.11.1948.
[13] Báo cáo nhân danh Ban chấp hành Hội Văn nghệ tại Đại hội
Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, ngày 28.2.1957, trích theo Tongas 1960, tr.336.
[14] Trò chuyện với Nguyễn Đình Thi ở Hà Nội 26.3.2002.
[15] Nguyễn Tuân, tại: Về tình hình văn hóa (Zur kulturellen
Situation), Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.018.
Thậm chí Tố Hữu, người cứng rắn nhất trong những người cứng rắn, dưới ảnh hưởng
của Đại hội 20 cũng trở nên hoang mang, khi ông tuyên bố: “… thời gian qua đã
có những sai lầm nghiêm trọng phải sửa đổi trong công tác văn nghệ và trí thức.
Tất cả những sai lầm đã xảy ra đều là do định hướng yếu kém về tư tưởng.” Nt,
tr.020.
[16] Boudarel 1990, tr.160-161. Tham khảo thêm: Kommuniqué
der vietnamesischen Regierung zur innenpolitischen Lage in der DRV – 1956, tại:
PolA, AA, MfAA/A 11621.
[17] Trò chuyện với Nguyễn Đình Thi ở Hà Nội 26.3.2002. Nguyễn
Đình Thi cho biết, trong lớp học này, người ta đã sử dụng bản dịch Marx ra tiếng
Pháp của Jean Fréville tại Éditions sociales francaises.
[18] Jamieson 1995, tr.270.
[19] Sĩ Ngọc, Nhân văn số 3, 15.10.1956, tại: NAA, A 463/17,
tr. 23-25.
[20] “Ví dụ đầu tiên là các đại biểu quốc hội tại Đại hội 3 ở
Hà Nội đã phê bình hoàn toàn tự do về tình hình thành phố và thảo luận về các
giải pháp. Đây thật sự là điều mới mẻ trong đời sống chính trị.” Về tình hình
văn hóa (Zur kulturellen Situation), Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, tại: PolA,
AA, MfAA/A 8420, tr. 023.
[21] Tự phê bình của Ban thường trực Hội Văn nghệ Việt Nam
được công bố ngày 2.10.1956. Tham khảo: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 020-021.
[22] Theo nhiều nhân chứng kể lại thì Nguyễn Bính – “một người gần như mù chữ, vô chính phủ, một
nhà thơ thứ thiệt” – được Ủy ban Tuyên giáo của Đảng ứng tiền để ra báo chống lại
Nhân văn – nhưng, vì là “một nghệ sĩ đích thực” nên chẳng bao lâu tờ báo của
Nguyễn Bính cũng nhanh chóng trở nên gai góc.
[23] Có dịch cúm xảy ra thật và nó đã được lợi dụng. Thao khảo:
Tongas 1960, tr.313.
[24] Theo lời nói đầu của Nhà xuất bản Minh Đức thì Giai phẩm
mùa Thuđược ấn hành để: “góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ toàn quốc,
để phát huy và đẩy mạnh tự do sáng tác văn nghệ theo phương châm trăm hoa đua nở,
chúng tôi xuất bản tập Giai phẩm mùa Thu gồm có nhiều bài của nhiều tác giả bản
sắc khác nhau, khuynh hướng khác nhau. Mỗi tác giả chịu trách nhiệm bài viết của
mình.” Xem: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 023.
[25] Tóm tắt bài viết của Phan Khôi, tại: PolA, AA, MfAA/A
8420, tr. 013.
[26] Theo Hoàng Văn Chí 1958, tr.79. Một bản dịch khá đầy đủ
bài xã luận của Phan Khôi có tại Hoa Mai o.J. tr.29-41. Tôi sử dụng cả hai nguồn,
mặc dù không nguồn nào đầy đủ.
[27] Nt, tr. 81-82.
[28] Theo báo cáo của Đại sứ quán CHDC Đức chuyển về Berlin
thì Phan Khôi được coi là một “kiện tướng ăn nghệ” và giải thích thêm rằng danh
hiệu này là do Đảng phong cho ông và Phan Khôi được “cấp lương 60.000 nghìn đồng
và sở hữu một phòng riêng”. Đại sứ quán CHDC Đức, Hà Nội, 27.3.1958, gửi Bộ Ngoại
giao, Berlin, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.000065.
[29] Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội 21.5, 24.5 và
3.6.1999
[30] Mặc dù trong quá khứ thuộc địa, đây là nơi đặt Phủ Toàn
quyền Đông Dương – một biểu tượng của đế quốc Pháp (xem Meyer, 1985, tr.192) –
nhưng vì là nơi diễn ra Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, Quảng trường Ba
Đình vẫn được chọn là biểu tượng của nhà nước mới, và dường như để nhấn mạnh điều
này, sau này người ta đã cho xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.
[31] Schröder, bản thảo chưa công bố, tại: FMS, xem Schütte
2006
[32] Hội Văn hóa Cứu quốc tồn tại tới 1948 thì bị thay thế bởi
Hội Văn học và Nghệ thuật.
[33] Khi được hỏi về chuyện này, Nguyễn Hữu Đang nói với
tôi: “Có sự bất đồng giữa ông ấy (Trường Chinh) và tôi, nhưng vì những lý do
khác, ví dụ như việc phân công công tác cách mạng, những việc ông ấy quyết định
mà tôi cho là không thỏa đáng; hồi đó tôi đã có cảm nhận rằng mình sẽ phải gánh
chịu những kết cục không lành. Tôi rất đau khổ vì có quá ít những thay đổi hợp
lý. Sau này thì ông ấy đã thừa nhận những sai lầm của mình. Thực ra hồi đó tôi
đã từ bỏ con quái vật chính trị để giành sức lực cho (cũng như quay lại với)
công việc văn hóa. Rốt cuộc tôi đã tìm được vị trí của mình trong vai trò Trưởng
Hội truyền bá Quốc ngữ để xóa nạn mù chữ cho nhân dân.” Trò chuyện với Nguyễn Hữu
Đang ở Hà Nội, 30.10.2000.
[34] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội, 23.11.1998. Trong giới
văn nghệ cũng như chính trị ở Hà Nội có rất nhiều tin đồn khác nhau về chuyện
này, tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cụ thể. Trong những buổi
trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang, ông luôn từ chối nói về chuyện này. Báo Nhân
văn được in ở nhà xuất bản Minh Đức với trụ sở ở số nhà 25 đường Phan Bội Châu.
[35] Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội, 24.5.1999
[36] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội, 14.6.1999 và với
Nguyễn Hữu Đang, 3.6.1999
[37] Trò chuyện với Lê Đạt ở Hà Nội, 4.10.2000
[38] Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội, 30.10.2000
[39] Nguyễn Mạnh Tường 1992
[40] Đại sứ CHDC Đức ở Hà Nội hồi đó miêu tả và đánh giá
nhóm Nhân vănnhư sau: “Nhóm này có xu hướng và nội bộ không thống nhất. Một bộ
phận, bộ phận phản động nhất, đã nhân danh chống bệnh sùng bái cá nhân để chống
Chính phủ và Đảng Lao động. Bộ phận khác là những kẻ có tư tưởng lệch lạc, hoặc
tự cho mình là đại diện cho ‘chủ nghĩa Mác chân chính’, hoặc đòi hỏi tất cả những
‘quyền tự do dân chủ’ nào đó, giống như những quyền ở những nước tư bản. […] Do
những sai lầm của Đảng và Chính phủ, không chỉ trong lĩnh vực văn nghệ (ví dụ
sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, vi phạm các quyền tự do dân chủ), nhóm này tụ
tập lại thành một đám bất mãn đủ kiểu và đòi Đảng và Chính phủ phải quan tâm tới
họ.” Đại sứ Pfützner, Phong trào đối kháng của văn nghệ sĩ…, 11.1956, PolA, AA,
MfAA/A 8420, tr.034.
[41] Trò chuyện với Hoàng Cầm, 13.11 và 2.12.1998, và Trần
Duy, 17.10.2001
[42] Trò chuyện với Lê Đạt ở Hà Nội, 11.10.2000
[43] Điểm này và những điểm sau: Trò chuyện với Hoàng Cầm ở
Hà Nội tháng 11.1998, tháng 6.1999 và tháng 9.2000; Theo đó, những điểm này đã
được Nguyễn Chí Thanh nói trước đó khi ông đến thăm Trần Dần nằm viện trong vụ
(giả vờ) tự tử.
[44] Ví dụ về việc tình hình miền Nam hồi đó được chăm chú
theo dõi thế nào, có thể đọc báo cáo của Đại sứ quán Úc tại Sài Gòn gửi về
Canberra 1956/57; tham khảo Memo. No.287 – File NV. 201/2/1, Australian Embassy
on Secretary, Department of External Affairs, Canberra, 11.4.1957, tại: NAA,
A463/17.
[45] Lê Đạt cho rằng, thực ra Đảng không bao giờ muốn chia sẻ
quyền lực, không bao giờ chấp nhận khác biệt, và luôn luôn chuyên chế – tình
hình miền Nam chỉ là cái cớ tốt nhất hồi đó. Nếu không có cái cớ này thì Đảng sẽ
lại tìm ra cái cớ khác mà thôi. Trò chuyện với Lê Đạt, 11.10.2000.
[46] Đây là một giai đoạn rất đáng chú ý: thực tế, người ta
có thể tranh luận mọi chuyện trong phạm vi nội bộ, bởi luôn có những quan điểm
khác nhau. Tuy nhiên đưa các ý kiến ra công luận thì lại vượt quá ranh giới cho
phép.
[47] Về tình hình văn hóa (Zur kulturellen Situation), PolA,
AA, MfAA/A 8420, tr.024
[48] Trò chuyện với Trần Duy ở Hà Nội, 17.10.2001
[49] Ngược lại, Nguyễn Hữu Đang nói về Trần Duy ngày
30.10.2000 như sau: “Trần Duy là thư ký tòa soạn, rất hăng hái, can đảm, trung
thành với anh em, với mục tiêu dân chủ”.
[50] Đại sứ Pfützner, Phong trào đối kháng của văn nghệ sĩ…,
tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.034. Những người tham gia Nhân văn ở Hà Nội nói
số đầu in 1.500 bản và tới số 5 thì in 20.000 bản.
[51] Trò chuyện với Trần Duy ở Hà Nội, 17.10.2001
[52] Trích dẫn theo Boudarel 1990, tr.164
[53] Trích dẫn theo báo cáo Về tình hình văn hóa (Zur
kulturellen Situation), PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.024. Bài xã luận “Những người
khổng lồ” của Trần Duy trên Giai phẩm mùa Thu tập 2 được Đại sứ Pfützner tóm tắt
như sau: “Đất nước bị đám ma vương quỉ dữ hành hạ và cai trị. Những người khổng
lồ xuất hiện và dũng cảm chiến đấu chống lại những kẻ cai trị và rốt cuộc đã
chiến thắng. Nhưng họ đã không để ý đến những người bị trị và trong cuộc chiến
đấu đó họ đã giết chết luôn cả tình yêu và tình người.”, xem tại: Phong trào đối
kháng của văn nghệ sĩ…: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.033. Tuy nhiên bản thân Trần
Duy thì cho rằng ông bị hiểu lầm. Ông muốn người ta phải phân biệt giữa những
người khổng lồ không tim và những người khổng lồ có tim; “những người có tim là
Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, những người không tim là Tố Hữu, Trường Chinh…”.
Trò chuyện với Trần Duy ở Hà Nội, 17.10.2001.
[54] PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.033. Có thể tham khảo một bản
dịch khác về bài thơ của Lê Đạt tại Nguyen Dang Thuc 1958, tr.69: “Placing
police stations and machinery in the center of the human heart, / Forcing
feelings to be expressed according to a set of rules romulgated by the
government.“
[55] Xem: Hoa Mai o.J., tr.130
[56] Nt, tr.131.
[57]Nguyen Huu Dang, It Is Necessary To Have A More Ordered
Society,Nhân văn, 5. November (1956), xem: Hoa Mai o. J., S. 101-104.
[58]Nguyen Huu Dang, How Are Democratic Freedoms Guaranteed
By The Vietnamese Constitution Of 1946, in: Nhân Van, November 20 (1956), trích
dẫn theo: Hoa Mai o. J., S. 127-129.
[59] Trò chuyện với Nguyễn Đình Thi ở Hà Nội, 26.3.2002
[60] Nguyễn Chiến Sĩ, Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại
trong văn nghệ ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Nội 29.7.1958, tại: Lưu trữ Liên
bang (BArch), Lưu trữ của Đài AND, SAPMO, DC 900-926; về việc tiếp cận tư liệu
này, tôi xin cảm ơn đồng nghiệp Martin Grossheim ở Berlin. Thời gian ngắn sau
khi Chiến Sĩ gửi báo cáo này thì người phiên dịch của văn phòng Đài AND ở Hà Nội,
Tran Anh Do, bị Bộ An ninh Hà Nội cáo buộc “có liên hệ với các phần tử chống đối
và nhóm phản động chống chính quyền Nhân văn-Giai phẩm những năm qua” cũng như
đã từng có mặt ở “một quán cà phê đáng ngờ ở Hà Nội”. Đại sứ quán Đức ở Hà Nội
được Cơ quan An ninh Việt Nam yêu cầu hãy đặc biệt lưu ý tới đồng chí Chiến Sĩ
trong các báo cáo mật, và không tiết lộ với Chiến Sĩ về việc điều tra đang tiến
hành với phiên dịch viên Tran Anh Do. Tham tán Kittler, phụ chú hồ sơ số 51/60,
Hà Nội, 20.3.1960, tại: PolA, AA, MfAA/A 8563. Trụ sở của Đài AND, nơi Borchers
(Chiến Sĩ) từng trú ngụ và làm việc, là nơi lui tới của “nhiều trí thức Hà Nội”,
những người, theo lời Borchers, “mong có nhiều điều lệ tự do hơn trong Đảng của
họ”. Pommerening, Hà Nội, 10.11.1961, tại: BArch, Lưu trữ của đài AND, DC
900-296a. Tham khảo thêm: Schütte 2006, tr.272-274.
[61] Quyết định của Ủy ban Hành chính Hà Nội về việc đình chỉ
và cấm lưu hành báo Nhân văn, kèm theo thư của Đại sứ quán Đức ngày 7.1.1957 gửi
Bộ Ngoại giao ở Berlin, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.026.
Nguồn: Talawas - nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét