Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Người Sài Gòn chưa biết bao giờ mới được ăn cá sạch

Trần Tiến Dũng


SÀI GÒN (NV) - Từ văn phòng một công ty tư nhân, lời đối đáp qua điện thoại giữa hai người nữ nhân viên, người từ Sài Gòn nói với người bạn đang công tác ở Quảng Trị. “Bà coi có mắm hay khô gì ngoài đó ngon ngon mua giùm tôi, bà về tôi gởi tiền lại.” Sau đó người từ Sài Gòn lại nói. “Xém nữa thì tôi quên chuyện cá chết, ừ, tôi nghe lời bà, thôi thì bà coi có bánh trái gì đó mua cũng được.”

Từ căn chung cư ở quận Tân Bình, những người đến để chào tạm biệt người thân Việt kiều trước khi họ trở lại Úc, điều đáng chú ý ở đây là những người họ hàng được bà Việt kiều tặng cho chai nước mắm mà bà mua mang về Sài Gòn khi đi chơi Phú Quốc. Bà Việt kiều nói với bà con: “Trước khi tôi lên máy bay, các chợ người Việt ở Sydney như Bankstown, Cabramatta... đều hết sạch nước mắm. Bên đó người ta tin mua trữ nước mắm Thái là chắc ăn, còn về đây tôi thấy mua nước mắm Phú Quốc là chắc ăn, đâu có gì chắc là nước mắm ở miền Trung không làm bằng cá nhiễm độc.”


Đã hơn hai tháng từ ngày vùng biển Vũng Áng - Hà Tĩnh có sự việc cá chết hàng loạt và biển bị đầu độc, từ đó, hầu như người Sài Gòn không đi chợ mua cá biển hay hải sản các loại như thói quen truyền thống.

Ở một ngôi chợ ông Hoàng, Tân Bình, nơi đông người nhập cư gốc miền Trung, trước đây luôn có người bán cá biển từ miệt ngoài gởi theo xe đò chạy đêm vào bán cũng phải nghỉ bán một thời gian, gần đây bắt đầu bán lại nhưng rất ít cá và hầu như vắng bóng khách mua.

Ở đường Thành Thái, quận 10, mấy cửa hàng từng đề bảng bán cá đặc sản Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết... chỉ bán cầm hơi. Ở một nhà hàng thuộc loại lớn nhất quận 8, có tên gọi là Bình Xuyên, các loại cá biển đặc sản vẫn lội đầy các hồ kiếng của quán, nhưng không còn là mồi ngon khiêu khích dân nhậu lắm tiền nữa. Hỏi chuyện người phục vụ quán này món nào đặc biệt nhất. Người phục vụ lanh miệng giới thiệu nào là thịt bò cuốn cải bẹ xanh, cơm cháy nước dừa chấm nước mắm kho quẹt, gà nướng các loại... nhưng tuyệt nhiên không đá động tới các món cá biển mắc tiền. Dân nhậu cắc cớ hỏi, chỉ vô các hồ kiếng nào đủ loại cá biển, hải sản biển hạng sang. Anh chàng phục vụ nói giọng Nam rằng. Dạo này ai cũng chạy mặt mấy đồ biển, tụi cháu mở miệng mời là bị chửi nên không dám mời như trước.

Nếu nói rằng cả Sài Gòn và các đô thị miền Nam không bán cá biển hay hải sản từ biển nữa thì không ai dám khẳng định, nhưng rõ ràng là lượng cá biển bán ở các chợ đầu mối hay siêu thị thực phẩm rất ít có người mua. Vào siêu thị Co.opmart, một hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam, một nhân viên quầy hàng thực phẩm tươi sống nói với chúng tôi cá biển bán ở đây là cá từ các tỉnh miền Tây, không phải cá miền Trung. Thật vậy chăng? Ở Việt Nam hiện nay không ai có thể bảo đảm chính xác nguồn xuất xứ của thực phẩm nói chung huống gì là cá biển. Tất nhiên người ta biết cá biển từ phía Tây như Kiên Giang, Cà Mau chưa có dấu hiệu chết trắng bụng vì chất độc hay các lý do khác, nhưng tâm lý chung vẫn lo sợ mua nhằm cá biển bị đầu độc.

Ngày 10 tháng 6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã công bố thông tin qua kiểm nghiệm phát hiện mẫu thử của lô 30 tấn cá nục đông lạnh đang tồn kho, thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ biển miền Trung, có chứa chất cực độc phenol, một loại chất độc mà theo truyền thông, chỉ cần ngửi, hay sử dụng chất cực độc này thì sẽ bị ngộ độc cấp, tiêu chảy, rối loạn ý thức, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Sự việc này càng tăng độ nóng lo sợ trong cộng đồng người có thói quen ăn cá biển. Hẳn nhiên vẫn còn đó người Sài Gòn thèm cá biển và trong hơn 10 triệu dân Sài Gòn, nhất là người nghèo cũng có không ít người đánh liều mua cá biển về ăn.

Một cửa hàng bán cá biển trương bảng hiệu “cá biển sạch” trên phố Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Phải chăng người Việt vốn có bệnh mau quên và người Việt ngày nay lại có thêm bệnh cam chịu, chấp nhận nuôi sống sự tồn vong của mình bằng nguồn cá biển mà họ không cách nào kiểm tra được có nhiễm độc hay không.

Từ bỏ thói quen ăn cá biển lâu đời hay cam chịu liều mạng ăn cá bị nhiễm độc đều là việc tự đầu độc chính mình. Bao giờ các gia đình Việt được ăn cá sạch từ biển sạch trở lại? Câu hỏi đó không ray rức bằng ý nghĩ. Ai đã đầu độc biển của dân tộc!

Từng bữa thèm cá biển, cái cảm giác bình thường thèm vị ngọt, béo bình dị của thịt cá nục, cá thu, cá ngừ, cá chim, cá mối... thậm chí các thứ cá rẻ tiền nhất cũng bị cái chính quyền không minh bạch toa rập cùng bọn thủ phạm được bao che đánh cướp là sao?

Hôm qua đến ăn cơm ở nhà một người bạn, nghe đứa bé trai sắp vô lớp một của họ kêu ngay giữa mâm cơm, “Con ngán thịt, con muốn ăn cá!” Những người lớn đưa mắt nhìn nhau, không có câu trả lời nào cho đứa trẻ. Có thể ngày mai người mẹ cưng con sẽ tìm mua một loại cá đồng nào đó cho con ăn, nhưng ngay cả các loài cá đồng mà các gia đình Việt sẽ ăn hôm nay và ngày mai cũng không trả lời được cho họ câu hỏi rằng, vì sao họ bị cướp mất quyền được ăn cá sạch từ biển đất nước mình.

Người Việt đang sống ở thế kỷ nào mà cả hệ thống cầm quyền đang được nuôi sống bằng tiền thuế, mồ hôi nước mắt của công dân; vậy mà, lúc này, ngày mai người Việt vẫn không thể ăn, không thể có bữa ăn hàng ngày với cá sạch.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét