Rất nhanh, năm 2016 đã xẻ ngang đôi nửa.
Thế nhưng Việt Nam vẫn nằm nguyên trong vòng nghịch lý đầy tủi
hổ: bất chấp đại hội đảng 12 “thành công tốt đẹp” và Tổng bí thư Trọng “bất ngờ
vì được 100% phiếu bầu,” bất chấp không khí ca ngợi không biết ngượng miệng của
một số tờ báo nhà nước dành cho dàn lãnh đạo mới của Chính phủ và Quốc hội,
cũng bất chấp các con số tô hồng về “giữ vững tăng trưởng GDP 6,5%” được thủ tướng
mới là Nguyễn Xuân Phúc không thay đổi so với “quyết tâm” không biết bao nhiêu
lần của thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng.., thực trạng kinh tế năm 2016 có vẻ
đang lặp lại năm 2011.
Lặp lại như thế nào?
Năm 2011, lần đầu tiên sau nhiều năm, chính phủ Việt Nam phải
ban hành quy chế “thắt chặt đầu tư công.” Trước đó, tiền đổ ra quá nhiều, vào
chứng khoán, vào bất động sản, vào ngân hàng và bảo hiểm theo đúng phương châm
của giới doanh nghiệp Trung Quốc “đầu tư, đầu tư liên tục cho đến khi sụp đổ
hoàn toàn.”
Giai đoạn 2010 - 2014, khi hai thị trường bất động sản và chứng
khoán ở Việt Nam đồng loạt lao dốc, quá nhiều doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước
đã trở nên cám cảnh và trở thành con nợ khủng của ngân hàng. Đang từ vị thế dư
dả tiền bạc để “đầu tư,” gần hết các ngân hàng bất chợt thiếu tiền nghiêm trọng,
dẫn đến chiến dịch tăng vô tội vạ lãi suất huy động đến trên 20%/năm và kéo
theo lãi suất cho vay đến 30%/năm trong năm 2011. Nhân nào quả nấy, riêng trong
năm 2011, lạm phát theo báo cáo đã lên đến 20% (trong thực tế giá cả nhiều mặt
hàng trên thị tường tăng gấp rưỡi).
Còn vào năm nay, số liệu cho thấy lạm phát tháng 4, 2016 đã
tăng cao nhất 5 năm, được giải thích là do tác động của việc tăng giá xăng,
thép và phí dịch vụ y tế, giáo dục. Trong khi đó, nền kinh tế trong quý I chứng
kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 đến nay. Lần đầu tiên trong
vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với cùng kỳ (5,46% so với 6.12%). CPI
quý I/2016 đã tăng 1.25%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (đây chỉ là những
con số tồn tại trên báo cáo, còn trong thực tế luôn khác biệt lớn).
Còn có những yếu tố khác khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao
trở lại, tiếp đà tăng của quý I/2016 là giá lương thực có thể tăng vì hạn hán
kéo dài ở Việt Nam; Trung Quốc đang tích cực thu mua gạo; giá các dịch vụ công
cũng có thể sẽ điều chỉnh tăng...
Trong ít nhất nửa năm qua, nhiều người hưu trí đã cảnh báo một
hiện tượng rất đáng lưu ý là khi đi lãnh lương hưu, họ nhận được toàn tiền mới.
Mới cứng. Ngày càng nhiều dồn đoán rằng những tờ giấy bạc này vừa được “sản xuất”
từ nhà máy in tiền phi mã của ngân hàng nhà nước.
Từ năm 2011, đã có những thông tin ngoài lề về việc Việt Nam
in tiền hàng năm đến 30% so với lượng tiền lưu thông. Chỉ cần thông tin này có
một phần cơ sở, có thể nói là là mức độ lạm phát chủ ý đã được Ngân hàng nhà nước
đẩy lên rất mạnh ở đất nước tràn ngập suy thoái này.
Vẫn chưa có gì được “xử lý!”
Một nghịch lý cũng đang tái phát lộ là trái ngược với tình
trạng ngân sách rỗng ruột và đặc biệt đang phải tìm kiếm ngoại tệ để ngay trước
mắt trả nợ cho các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế,
nhiều ngân hàng thương mại lớn lại đang thừa tiền. Trong bối cảnh tỉ lệ doanh
nghiệp sản xuất và kinh doanh phải ngừng hoạt động và rơi vào cảnh phá sản
trong 5 tháng đầu năm 2016 tăng đến 20% so với cùng kỳ năm trước, việc ngân
hàng muốn “đẩy” tiền ra lưu thông thật không hề dễ dàng.
Nhưng không làm cho tiền lưu thông cũng là mang một món nợ
trên mình. Vì thế, nhiều ngân hàng đang bỏ qua hệ số rủi ro lớn để làm mọi cách
tạo ra khối khách hàng vay mượn, bất kể khả năng thanh toán.
Nhưng nghịch lý lớn khác vẫn tiếp diễn là trong lúc ngân
hàng thừa tiền, nợ xấu vẫn nằm nguyên trong vòng thê thiết.
Nếu bỏ qua số liệu công bố về nợ xấu của Ngân hàng nhà nước
mà luôn “quyết tâm” đưa nợ xấu về dưới 3%, số liệu mà một trang kinh tế trong
nước là Cafe F tổng hợp từ 17 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý
I/2016, với 11/17 ngân hàng có phần thuyết minh chi tiết về nợ xấu, cho thấy nợ
xấu đã thực sự tăng mạnh trong thời gian gần đây, cả về số tương đối và tuyệt đối.
BIDV vẫn đang là ngân hàng đứng đầu về tổng số nợ xấu với
con số lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong số này chiếm một nửa là nợ có khả
năng mất vốn. Tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1.84% và trong gần 7,600 tỷ
đồng nợ xấu có đến 77% thuộc nợ nhóm có khả năng mất vốn...
Hãy nhớ lại: chỉ đến cuối năm 2014, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà
Nước Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu vào năm 2013 lên đến
khoảng 500,000 tỷ đồng (tương đương khoảng 23 tỷ USD), trong khi vào thời điểm
năm 2013, Ngân Hàng Nhà Nước chỉ công bố “láo” con số nợ xấu vào khoảng 150,000
tỷ đồng - đúng vào thời điểm mà một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng có uy
tín trên thế giới là Fitch Ratings đã tuyên bố một con số khác hoàn toàn dành
cho nợ xấu Việt Nam: 13%!
Đến năm 2015, một tổ chức tín dụng độc lập khác là FT
Confidential Research cũng công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng
15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Vào đầu năm 2016 và ngay trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11, Ủy
Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, một cơ quan khá khép nép thuộc chính phủ, đã đột
ngột tung ra số liệu cho rằng trong năm 2015, nợ xấu là 119,660 tỷ đồng, tương
đương tỉ lệ 2.9% (năm 2014 là 3.7%), giá trị tuyệt đối khoảng 120,000 tỷ đồng;
tuy nhiên, con số này chưa tính đến 243,000 tỷ đồng nợ xấu đang “mắc kẹt” tại
công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống
kê.
Như vậy sau hai năm rưỡi ra đời, VAMC đã chỉ làm được một
công việc rất khiêm tốn là “gom nợ xấu,” nhưng không biết phải xử lý số nợ xấu
này ra sao. Vào đầu tháng 6, 2016, một quan chức cao cấp của VAMC đã lần đầu
tiên phát lộ “VAMC sẽ lần đầu tiên mua nợ xấu bằng tiền mặt trong năm 2016.”
Phát lộ này có ý nghĩa tương đương với một tình cảm thú nhận: hoàn toàn trái
ngược với số liệu công bố trong các báo cáo trước đây về việc VAMC đã mua được
10% nợ xấu, VAMC chưa bao giờ mua nợ xấu bằng tiền mặt. Tất cả những gì bỏ ra
mua chỉ là “trái phiếu đặc biệt” - về thực chất là giấy!
Cũng sau hơn hai năm kể từ ngày phát động phong trào thoái vốn
đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, số liệu mới nhất
cho thấy vẫn còn đến 60% số vốn chưa thể thoái được.
Một trong những hậu quả ngay trước mắt đang ứng vào Tập Đoàn
Tư Nhân Hoàng Anh Gia Lai. Mang trên mình đến 26,000 tỷ đồng nợ và chiếm đến
hơn phân nửa số nợ xấu của ngân hàng BIDV, Hoàng Anh Gia Lai lại đang hầu như
bí lối trong việc phát triển kinh doanh và trả nợ. Trong năm 2016 và sang năm
2017, nếu chính phủ không “đặc cách” cứu Hoàng Anh Gia Lai thì nhiều khả năng
BIDV cũng phải chịu liên đới với một số lớn nợ xấu một đi không bao giờ trở lại...
Một quang cảnh hầu như bế tắc của nền kinh tế!
Ngư dân sắp đói!
Kinh tế đã bi bét thế, còn xã hội lại là hệ lụy của kinh tế.
Mặt bằng giá cả và lạm phát có thể tăng vọt trong năm 2016 sẽ khiến một giai tầng
khốn khổ như công nhân, nông dân các vùng bị hạn hán và nhiễm mặn, đặc biệt là
ngư dân ở các vùng cái chết miền Trung sẽ lâm vào tình trạng khốn khổ hơn nhiều.
Những người am hiểu tình hình ngư dân miền Trung cho biết
cho tới nay, đại bộ phận ngư dân này vẫn chưa nhận được hỗ trợ vật chất của
chính quyền địa phương như chính phủ hứa hẹn. Nếu tình trạng thiếu thốn này kéo
dài từ 3-6 tháng nữa, dự trữ trong dân sẽ cạn. Khi đó, tất yếu sẽ dấy thành một
phản kháng tự nhiên và mang tính đám đông của ngư dân, trực tiếp đối với chính
quyền địa phương, sau đó còn có thể trở thành một phong trào phản kháng rộng lớn
của ngư dân và người dân các vùng khác.
Khi đó, tất yếu sẽ dấy động dư luận “đuổi cổ chính phủ” -
như những gì mà các tuyên ngôn tiến bộ của nhân loại về nhà nước pháp quyền đã
bạch hóa dành cho những chính phủ quá tham nhũng và vô dụng.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét