Nguyễn Thị Từ Huy :
Các chính sách đối ngoại đã được xây dựng như thế
nào ở Bộ Ngoại giao, thưa ông ?
Đặng Xương Hùng :
Cũng như các cơ quan nhà nước khác, Bộ Ngoại giao cũng chỉ
đơn thuần là cơ quan làm minh họa cho một chính sách đối ngoại đã có sẵn mà các
kỳ đại hội đảng vạch ra. Các hoạt động đối ngoại hầu như chỉ có tính chất tô vẽ
minh họa hoặc phân bua, ngụy biện bào chữa, đối phó. Những người phát ngôn Bộ
Ngoại giao như Nguyễn Phương Nga, Lê Dũng, Lê Hải Bình, họ đều là những người
khá giỏi. Nếu để họ được nói theo cách của họ, chắc rằng họ sẽ không bị mang tiếng
là những « quan ngại ». Như vậy, công việc phân tích độc lập để đề ra những
thay đổi chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình không phải là nhiệm vụ
chính của Bộ Ngoại giao.
Đảng và Nhà nước chưa dành cho Bộ ngoại giao một cơ chế
nghiên cứu, phân tích thật sự độc lập để có thể đề ra một chính sách đối ngoại
phù hợp với đất nước và phục vụ lợi ích của dân tộc, của nhân dân.
Bộ ngoại giao Việt Nam khác với Bộ ngoại giao các nước văn
minh khác. Bộ Ngoại giao các nước phụ trách toàn bộ công việc đối ngoại của
một quốc gia, từ những hoạt động đối ngoại cụ thể, cho đến việc họ là cơ quan
chính nghiên cứu tình hình, nghiên cứu, phân tích các đối tượng, để đề ra một
chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Việt Nam nặng về phần làm công
việc minh họa cho chính sách đối ngoại của đảng đã định sẵn. Họ làm công tác
nghiên cứu, nhưng mới dừng ở mức đưa ra những kiến nghị nẳm trong một khuôn khổ
đã được định hình từ trước trong chính sách đối ngoại. Phần lớn những kiến nghị
của Bộ ngoại giao chỉ mang tính chất sách lược, nằm ở khâu đề ra giải pháp chứ
chưa mang tầm một thay đổi chiến lược.
Những thay đổi chiến lược trong lịch sử ngoại giao Việt Nam
thường gắn với việc thay đổi xác định bạn và thù. Thường xảy ra sau một tranh
cãi nội bộ của đảng gay gắt. Ví dụ, như những thay đổi thời hội nghị Thành Đô
1990, mà chính trong các sự kiện liên quan đến việc thay đổi chiến lược với
Trung Quốc trong thời gian này, tiếng nói của Bộ Ngoại giao đã bị gạt ra ngoài,
để các tiếng nói của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và của Bộ Quốc phòng trùm
lên. Những phân tích tình hình thế giới và những bước đi cần thiết của đất nước
trong bối cảnh đối ngoại lúc đó đã được các ông Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ
phân tích đều không được lắng nghe. Thậm chí, người ta còn gạt ông Thạch đi để
thực thi một đường lối đối ngoại mới.
Như vậy có thể nói chính sách đối ngoại của Việt Nam còn phụ
thuộc rất nhiều về yếu tố ý thức hệ là chính, tức vẫn còn chịu tác động bởi sự
phục vụ cho lợi ích của đảng nhiều hơn là phục vụ lợi ích dân tộc, lợi ích của
người dân. Nếu để Bộ được quyền nghiên cứu tình hình một cách độc lập, ít nhiều
đất nước ta đã không rơi vào tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như
hiện nay. Các mối quan hệ với Mỹ và Phương Tây cũng sẽ được tăng cường thực chất
hơn, nền kinh tế của Việt Nam cũng được phát triển cởi mở hơn.
Nguyễn Thị Từ Huy :
Như vậy là tương đối rõ ràng : Bộ Ngoại giao thực
hiện chính sách đối ngoại do đảng đề ra và đặt lợi ích của đảng
lên trên hết. Điều này hẳn là một trong những lý do khiến ông rời
khỏi Bộ ?
Đặng Xương Hùng :
Ngay từ đầu khi mới vào ngành tôi đã được dạy : Bộ Ngoại
giao là Bộ cộng sản. Câu « Bộ Ngoại giao là Bộ cộng sản » là câu mà các lãnh đạo
Bộ Ngoại giao thường xuyên nhắc tới trong giai đoạn những năm 1980. Câu nói này
lúc đó mang tính tự hào, đề cao vị thế của Bộ Ngoại giao, là Bộ quan trọng của
đảng. Ngày đó yếu tố đảng hết sức quan trọng trong mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại
giao thường là một trong những người đứng đầu trong Bộ Chính trị của đảng cộng
sản Việt Nam, thí dụ như ông Nguyễn Duy Trinh, ông Nguyễn Cơ Thạch. Những năm
đó, cán bộ ngoại giao phải là đảng viên. Muốn nắm một chức vụ phải là đảng
viên. Việc vào đảng lúc đó cũng khá chặt chẽ và khắt khe.
Sau này, câu nói trên ít được nhắc đến nữa. Cũng có thể là
do yếu tố cộng sản không còn là một khái niệm mang đến tự hào nữa, nhất là khi
khối cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, và sự mất điểm của đảng cộng sản Việt Nam đối với
chính dân chúng của mình. Tuy nhiên, yếu tố đảng vẫn nặng trong các hoạt động
đối ngoại. Các báo cáo, đề án quan trọng của Bộ đều phải qua Bộ Chính trị và
Ban Bí thư là chính chứ không phải báo cáo Thủ tướng chính phủ là chính. Trong
những buổi kiểm điểm định kỳ, chúng tôi luôn phải tuyên bố tuyệt đối trung
thành với lý tưởng cộng sản. Việc này, trong những năm gần đây, cùng với hình ảnh
đã thay đổi tệ hại của đảng cộng sản thì nó đã giảm dần ý nghĩa của nó, nhưng
nó vẫn là câu tuyên thệ bắt buộc và vô hình chung nó nhưng một cái khóa, khóa
chúng tôi lại với vòng luẩn quẩn đó.
Khi tôi lựa chọn từ bỏ, bạn tôi có vài người đã cho tôi là dại.
Vì rằng tôi còn một lựa chọn khác, chờ đến khi trọn vẹn về hưu rồi thì hãy muốn
làm gì thì làm, muốn lên tiếng gì thì lúc đó mới lên tiếng, như lựa chọn của một
số công chức nhà nước hiện nay. Làm như vậy mình được cả đôi đường. Nghe ra,
đây là lựa chọn số đông và bao giờ cũng có phần có lý của họ. Ông Trần Quang
Cơ, ông Nguyễn Trung cũng lựa chọn như vậy. Mà làm như vậy cũng đã để chúng ta
rất đáng kính trọng rồi. Ít ai dám như ông Trần Xuân Bách, ông Nguyễn Cơ Thạch.
Các ông đã lựa chọn được cả, không thì thôi không còn ý nghĩa gì hết, trả về
cho gió cuốn đi và chỉ cần thế là đủ làm các ông mãn nguyện.
Là người trong cuộc và thuộc giới hưởng lợi, tôi luôn hằng
mong rằng đảng cộng sản sẽ thay đổi, để lựa chọn đi với thế giới văn minh, từ bỏ
ảo tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng không, những diễn biến xảy ra trước mắt mình
cho thấy, cho tôi tự rút ra kết luận rằng, cộng sản sẽ không bao giờ thay đổi.
Vì vậy, nếu cộng sản đã khăng khăng quyết tâm như vậy, tôi đã bắt đầu nghĩ đến
việc sẽ từ bỏ nó. Như một bài học ta thường được nghe thấy, nếu ta không tự cải
tạo được điều gì thì ta nên rời bỏ nó hoặc tránh xa nó ra. Câu chuyện đối với
tôi, chỉ còn là thời điểm nào tôi sẽ quyết định. Một số bạn bè của tôi đã từng
được nghe tôi bày tỏ dự định này của tôi. Cuối cùng tôi đã đi đến quyết định rằng,
khi các anh chị của tôi đã hoàn toàn về hưu, tôi sẽ thực hiện dự định này, vì rằng
trong chế độ cộng sản, họ thường sử dụng chiêu dùng người nhà làm nhụt chí những
ai có ý đồ chống đối. Tháng 10/2013, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua giữ điều 4
trong Hiến pháp sửa đổi, và khi ông Nguyễn Phú Trọng thản nhiên tuyên bố chủ
nghĩa xã hội một trăm năm nữa không biết nước ta đã có chưa, thì tôi đã thất vọng
hoàn toàn. Tôi đã quyết định không chần chừ được nữa. Tôi đã tự nhủ với mình rằng,
cũng như một quyết định đi tự tử, nếu bỏ qua giây phút quyết định, mình sẽ
không bao giờ quay lại được nữa. Tôi đã chọn đây là thời điểm hành động. Cũng
nên thành thật rằng, tôi có một sự thuận lợi hơn so với người khác là vợ con
tôi lúc đó đã ở Châu Âu được hơn chục năm rồi.
Paris - Genève, tháng 6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét