Người dân xuống đường biểu tình ở Hà Nội phản đối vụ cá chết
hàng loạt ở các tỉnh miền trung, ngày 1/5/2016
An Tôn
Hồi tuần trước, kênh truyền hình PTS của Đài Loan đã hai lần
phát sóng phóng sự dài 60 phút về thảm họa cá chết ở các tỉnh miền trung Việt
Nam, gây sự chú ý lớn tại đảo quốc này.
Phóng sự mô tả sự kiện cá chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh
của Việt Nam và nhấn mạnh nạn cá chết đã làm cho cuộc sống người dân Hà Tĩnh
rơi vào cảnh khó khăn. Trả lời các phóng viên Đài Loan, nhiều người dân địa
phương cho biết ngoài sinh kế bị ảnh hưởng trầm trọng, sau khi ăn phải cá trong
vùng ô nhiễm, sức khỏe họ cũng ảnh hưởng. Họ cũng cáo buộc thẳng thừng trong
phóng sự rằng “Chính Formosa là nguyên nhân gây ra tai họa cho cái chết của
cá”.
Các phóng viên của PTS đưa vào phóng sự nhiều ý kiến tại Đài
Loan yêu cầu làm rõ vai trò của Tập đoàn Formosa, vốn bị nghi là nguyên nhân số
1 gây ra vụ ô nhiễm biển nghiêm trọng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Rất nhiều người Việt Nam đã chia sẻ phóng sự đó trên mạng
internet. Báo chí chính thống của Việt Nam cũng trích đăng nội dung của phóng sự.
Nhiều người Việt Nam đã so sánh lượng thông tin và tính cân
bằng trong phóng sự của PTS với những tin bài của truyền thông Việt Nam. Bày tỏ
ý kiến trên mạng xã hội, họ cho rằng truyền thông Việt Nam đã không “dám” làm
những phóng sự có chiều sâu và phản ánh được mối lo, các suy nghĩ của chính người
dân Việt Nam như các đồng nghiệp nước ngoài đến từ Đài Loan. Họ cũng đặt câu hỏi
vì sao sự việc xảy ra trên đất Việt Nam mà các phóng viên trong nước lại không
đưa tin được tương tự mà phải đăng lại phóng sự của nước ngoài.
Bình luận về sự hơn kém giữa báo chí Việt Nam và Đài Loan
trong việc đưa tin về vụ cá chết, bà Phạm Đoan Trang, một cựu ký giả và nay là
một nhà hoạt động vì các quyền tự do, nói với VOA:
“Truyền thông truyền thống của Việt Nam thua hẳn truyền
thông của Đài Loan trong vụ này, vì đây là sự kiện xảy ra ở Việt Nam mà chúng
ta không thực hiện được, trong khi đó họ lại sang họ thực hiện. Tôi có may mắn
giúp cho quá trình làm việc của một đồng nghiệp Đài Loan ở Việt Nam. Tôi biết
là họ cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Khi tôi xem phóng sự của
họ tôi thật sự rất cảm động vì nó rất chi tiết. Tôi thấy họ rất là lăn lộn, rất
bám sát hiện trường, lắng nghe người dân, thì mới làm được phóng sự như vậy. Về
mặt nghiệp vụ, về mặt chất lượng, cũng như về mặt tốc độ, tóm lại về mọi mặt,
truyền thông truyền thống của Việt Nam thua Đài Loan”.
Bà Trang chỉ ra rằng truyền thông Việt Nam nói chung và đài
truyền hình quốc gia VTV nói riêng cũng làm ra các phóng sự về nạn cá chết ở miền
trung, song chỉ “tiếp xúc một phía”. Bà cũng nhận xét trong khi không đưa tin đủ
toàn diện về vụ khủng hoảng, truyền thông Việt Nam lại “sâu sát quá” và “rất xuất
sắc” trong việc vu cáo về các nhà hoạt động đòi minh bạch thông tin về nạn ô
nhiễm biển và khủng hoảng cá chết.
Trong khi đó, là người trực tiếp làm việc với các nhà báo
Đài Loan, bà Trang cho rằng phóng sự của PTS có giá trị và gây xúc động vì nó
cho thấy sự quan tâm đến những thân phận của người dân và nhân quyền.
“Cái họ quan tâm là người dân sống ra sao, cái họ quan tâm
là thảm họa quy mô nó lớn đến mức nào, và phản ứng của người dân ra sao […], đi
biểu tình thì bị đàn áp ra sao. Họ rất quan tâm, vì họ quan tâm đến nhân quyền
nữa. Họ đặc biệt quan tâm đến […] sự kiện biểu tình bị đàn áp rất là tàn bạo
vào ngày 8/5 ở cả Sài Gòn và Hà Nội.
Lý giải tại sao VTV, đài truyền hình quốc gia của Việt Nam
có đủ các lợi thế về nhân lực, nguồn lực to lớn tại chỗ, cũng như các thuận lợi
về mặt pháp lý, song đã không làm ra một phóng sự toàn diện, phản ánh quan điểm
những người dân bị ảnh hưởng, bà Trang nêu ra sự khác biệt giữa VTV nói riêng,
báo chí Việt Nam nói chung và báo chí Đài Loan như sau:
“Phóng viên VTV họ có đủ mọi lợi thế […] Nhưng với từng đó lợi
thế họ không làm được bởi vì suy nghĩ của họ bị đóng khung. Họ không nghĩ về
người dân, mặc dù họ tưởng họ nghĩ về người dân. Nhưng thực ra không phải. Những
gì họ làm thực ra thiên về giải thích đường lối của nhà nước, ủng hộ nhà nước
thì đương nhiên rồi, giải thích những cái khó khăn, bất lợi mà nhà nước đang gặp
phải, quan chức Việt Nam đang gặp phải trong việc giải quyết thảm họa môi trường
này. Tức là họ đứng về phía chính quyền, chứ chưa bao giờ đứng về phía người
dân. Đó là sự khác biệt căn bản giữa phóng viên của Việt Nam, VTV, và phóng
viên của Đài Loan”.
Mặc dù nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng phóng sự của
truyền hình Đài Loan phần nào động chạm đến lòng tự ái nghề nghiệp của báo giới
Việt Nam, song họ cũng cho rằng có phần chắc là các nhà báo Việt Nam sẽ vẫn chọn
“phương án an toàn” là “làm theo các chỉ đạo từ nhà nước”.
Nguồn: www.voatiengviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét