Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Đồ đểu

Bùi Bảo Trúc

Trong thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine, con kiến là con vật đểu cáng và mất dạy nhất. Nó xuất hiện trong bài La cigale et la Fourmi được cụ Nguyễn Văn Vĩnh chuyển sang tiếng Việt rất tài tình. Bài thơ kể rằng trời sắp sang Thu, bên hàng xóm, anh ve sầu mải ca hát suốt mùa Hè, không lo giành dụm thực phẩm để tích cốc phòng cơ, trong khi gió lạnh bắt đầu thổi, nguồn cơn bối rối đến nơi. Ve qua nhà kiến định vay dăm ba hạt để cầm cự qua mùa Đông hứa sang năm sẽ trả đầy đủ. Kiến thừa sức giúp hàng xóm nhưng nhất định không, lại còn quay sang hỏi đểu ve mấy câu khiến ve càng đau khổ, cuối cùng kiến còn bồi thêm một câu xỏ xiên khác trước khi đuổi ve ra khỏi nhà: “Xưa chú hát, nay thử múa coi chơi.”

Kiến thừa biết ve đang lúc khốn khó. Ve có thể chết đói cùng với lũ ve con nên đành phải muối mặt tìm cách vay mượn kiến, một đứa keo kiệt, bủn xỉn bậc nhất trong vùng. Ve than nghèo kể khổ, vợ ốm con đau, hy vọng kiến mở lòng thương xót nhưng vẫn bị kiến từ chối mà lại còn cho nghe mấy câu nói móc thập phần khốn nạn.

Bỏ qua những chi tiết không chính xác về loài ve mà tác giả của bài ngụ ngôn không nắm vững: ve chỉ sống được vài tuần lễ, không hề có chuyện sống từ năm nọ sang năm kia để bị kiến làm khó.

Kiến chỉ cần từ chối không cho ve vay ít thực phẩm thôi cũng đã là không tử tế rồi. Đàng này biết hoàn cảnh khốn khó của ve, kiến đã không những không giúp, lại còn hỏi đểu mấy câu cho ve đau thêm. Thật là khốn nạn có thừa.

Tưởng câu chuyện ngụ ngôn đó cũng đã cảm hóa được người ta, giúp dẹp bỏ hay giảm bớt những sự đểu giả, khốn nạn, bất nhân, xấu xa trong đời sống như mong ước của Eusop (nhà văn cổ Hy Lạp) và Jean de La Fontaine. Nhưng trò khốn nạn mất dậy của một số người thì hình như vẫn còn nguyên.

Mới đây, ngày Quốc Tế Nhi Đồng 1 tháng 6, người ta đã được chứng kiến tận mắt một hành động thuộc loại đểu giả đó. Phía tiếp nhận hành động khốn nạn không phải là con ve của La Fontaine, mà là 55 em nhi đồng, ở 11 tỉnh thuộc các vùng sâu, vùng xa và nghèo ở biên giới. Các em được chọn để dự một cuộc họp mặt có chủ tịch nhà nước Trần Đại Quang phát quà cho các em.

Cũng như anh ve sầu, các em thiếu nhi, theo bản tin của tờ Tuổi Trẻ cho biết, đều là những em đang có những hoàn cảnh rất cơ cực, khó khăn. Các em được cho dự một sự kiện (như lối nói ngu dốt ở trong nước ngày nay) để nhận quà của chủ tịch nước. Chuyện ấy không phải là chuyện mới lạ gì. Vài món quà nhỏ phát trong dịp Trung Thu cho... con trẻ nó mừng. Hồi vua Bảo Đại rồi đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa cũng có chuyện phát quà cho các em học sinh nghèo học giỏi. Những gói quà đó có thể là những cuốn vở, những hộp bút chì mầu, những cái cặp sách bằng plastic... hay những hộp quà CARE của chính phủ Mỹ trong có những cây bút Crayola với mùi thơm kỳ lạ, một hai món đồ chơi nhỏ, vài chiếc kẹo Lifesavers, mấy thỏi sô cô la...

Tại cuộc phát quà lần này mà những tờ báo trong nước nói rõ là tất cả các em đều có chung những hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhưng lại học giỏi. Các em được quà đặc biệt của chủ tịch Trần Đại Quang. Ai cũng tưởng tượng ra ngay những ngôi trường (nếu có thể gọi đó là trường học) với một lớp học tường vách không có, chỉ là mấy cái phên tre huếch hoác gió mưa tha hồ tự do ra vào thoải mái. Những đứa học trò nhỏ quần áo nhếch nhác, có những đứa chân quanh năm đi đất hay nhiều lắm là những đôi dép đứt quai trên những quãng đường lầy lội trong thời tiết khắc nghiệt. Nhiều đứa phải bơi qua suối để đến trường. Có những đứa phải chui vào những cái bao nylon để được người lớn kéo qua sông. Còn có những đứa khác thì lần theo những chiếc cầu khỉ để qua con lạch đến lớp... Có những đứa phải cởi hết quần áo đội lên đầu cùng vài ba cuốn vở để lội suối băng đèo đi kiếm vài ba chữ trong lúc bụng không lòng trống...

Đó, cuộc sống hết sức khó khăn mà các bài báo nhắc tới chắc phải là như thế. Vậy thì quà của chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng cho các học sinh nghèo trong hoàn cảnh khó khăn đó là gì? Những đôi dép plastic, những cái túi đeo lưng, những cuốn vở thơm mùi giấy mới, hộp bánh biscuit các em đã lâu không được thưởng thức... hay những khoản tiền làm những chiếc cầu thô sơ cho các em vượt suối đi học...?

Làm quái gì có những thứ quà vớ vẩn như thế bao giờ! Báo chí cho biết chủ tịch nước thông cảm và thấu hiểu những khó khăn của các học sinh nghèo và để giúp các em khắc phục các khó khăn đó, các em được tặng mỗi em một bức chân dung Hồ Chí Minh.

Không quăng cho các học sinh nghèo này một câu xỏ xiên như con kiến nói với con ve nhưng mức độ đểu giả và khốn nạn của Trần Đại Quang thì không thua gì. Con ve ra về tay không sau khi được cho nghe những lời từ chối độc ác của kiến. Các học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn vật chất thì được Trần Đại Quang tặng những bức hình chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu hỏi móc của con kiến không giúp ve no bụng trong mùa đông thì cũng hệt như thế, chân dung Hồ chủ tịch có giúp cho cái bụng đỡ đói, cái thân đỡ lạnh trong những ngày đông, đôi chân dỡ bật máu trong những lần đi học không ? Có ngu nhất thì cũng thấy ngay là không. Vậy mà tên chủ tịch gốc công an đã dám làm cái việc đểu giả khốn nạn và tàn ác đó với các em học sinh nghèo để chụp hình đăng báo. Sau buổi lễ nhận quà, các em sẽ đem những bức chân dung ấy về nhà, và hôm sau lại vẫn quần áo, dép tả tơi lội suối, chui vào bao nylon qua sông đi học và nhiều em bụng vẫn đói meo... tiếp tục học tập tốt tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thành các cháu ngoan bác Hồ.

Có thể sẽ có những em vừa về đến nhà, cha mẹ mừng quá ra đón và đòi xem quà của chủ tịch nước. Và chắc chắn sẽ có những câu như thế này: “Ối giời ơi... tao tưởng quà cáp gì chứ cái của nợ này thì vác về làm gì... có đem luộc lên mà ăn được không ? Muốn sống muốn tốt thì ném vào chuồng xí ngay... mang vào nhà tao đánh thấy mẹ bây giờ... quà với chả cáp...Bố tiên sư khỉ... Nham nhở đến như thế là cùng.”

Trần Đại Quang đểu thật. Làm có một việc mà chơi xỏ được hai việc: Khốn nạn với lũ học sinh nghèo đã đành. Lại còn khiến cho Hồ Chủ Tịch bị đay nghiến, chửi cho một trận te tua!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét