Sau cuộc trưng cầu
dân ý với kết quả Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), một số tờ báo Anh nhắc lại
'lời tiên tri' của Tướng Charles de Gaulle rằng Anh Quốc "sẽ chỉ làm tan vỡ
liên minh này".
Các tư liệu của BBC nội địa còn ghi lại rằng vào năm 1967,
Tổng thống nền Cộng hòa thứ năm của Pháp đã công khai ngăn Anh vào Cộng đồng
Kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU.
Ông cảnh báo đưa Anh Quốc vào thì khối này "sẽ tan vỡ".
Vào thời điểm đó, ngoài Pháp ra thì cả năm nước EEC, Bỉ, Hà
Lan, Luxembourg, Ý và Đức đều sẵn sàng mời Anh gia nhập.
Thái độ của Tướng de Galle với Anh được báo chí châu Âu lúc
đó mô tả là 'thù địch ra mặt' (open hostility).
Như quên hết công Anh giúp ông tá túc bên London để kháng
chiến chống phát-xít Đức, Tướng Charles de Gaulle mở cả một cuộc họp báo lớn
tại Điện Elysee để mắng người Anh.
Trước cả nghìn nhà báo, nhà ngoại giao, các bộ trưởng, Tướng
de Gaulle nói Anh Quốc mới là nước "thù địch sâu nặng" với dự án
châu Âu.
Không chỉ phê London từng thờ ơ với Thị trường chung châu Âu
và nước Anh thiếu "thiên hướng châu Âu" (European vocation), ông còn
khẳng định "kinh tế Anh không phù hợp với Cộng đồng châu Âu".
Cụ thể hơn, ông nói cách làm nông bên Anh là cách làm của
dân đảo, và Anh sẽ không muốn chính phủ trợ giá cho nông dân.
Đây không phải là lần đầu tiên Charles de Gaulle chống Anh.
Năm 1963 cũng chính ông là lãnh đạo châu Âu duy nhất lớn tiếng
phản đối Anh gia nhập EEC.
Vụ việc lặp lại năm 1967 khiến London choáng váng.
Thủ tướng Harold Wilson đưa Anh vào Thị trường
chung châu Âu
Thủ tướng Harold Wilson phải đợi hai ngày mới lên tiếng phản
bác.
Để tỏ ra không kém cạnh, ông Wilson tung ra một diễn văn 16
trang để "gạch bỏ" từng điểm mà Tướng de Gaulle nêu ra.
Nhưng bài diễn văn chẳng có tác dụng gì.
Anh Quốc phải đợi sau khi Tướng de Gaulle rời chính trường
năm 1969 thì mới thấy có cơ hội nộp đơn lần thứ ba xin vào Cộng đồng chung
châu Âu.
Không biết có phải sợ tướng de Gaulle đến thế không mà phải
sau khi ông qua đời năm 1970, ba năm sau, đến 1973, chính giới Pháp mới dám đồng
ý cho Anh gia nhập EEC.
Đúng hay sai?
Cho đến nay đã có nhiều bình luận về thái độ của Tướng de
Gaulle.
Các sử gia đồng ý rằng vị tướng kiêu hãnh tới mức ngạo mạn
thực sự là mắc bệnh bài Anh (Anglophobia).
Nhưng lớn lên trong một truyền thống đế quốc của Pháp cạnh
tranh với đế quốc Anh ông de Gaulle như không ít người khác ở Pháp thường coi
Anh là xảo trá, 'La perfide Albion'.
Bỏ sang một bên các vấn đề văn hóa và tâm lý dân tộc, lời
của ông de Gaulle có gì đúng không?
Khi nói Anh sẽ không chịu chấp nhận trợ giá nông sản như
Cộng đồng châu Âu, gần như Tướng de Gaulle đã tiên đoán được mâu thuẫn mà bà
Margaret Thatcher gây ra với EU sau này.
Margaret Thatcher và Ronald Reagan
Lập luận rằng Anh vào EU sau và không được hưởng nhiều năm
trợ giá nông nghiệp, bà đòi khoản 'miễn trừ' (rebate) từ khoản Anh đóng vào
ngân sách chung của EU hàng năm.
Khoản tiền mà tính vào năm 2015 là hơn 6,2 tỷ euro được coi
như 'thắng lợi' cho Thủ tướng Thatcher và Đảng Bảo thủ Anh năm 1985 nhưng làm
nhiễm độc quan hệ hai bên.
Với nhiều nước EU khác, chuyện Anh được hưởng "quyền
ưu tiên" là bất công.
Sau khi Anh từ chối vào khu vực tiền tệ euro và ký Hiệp định
lưu thông tự do Schengen, cũng dưới thời Đảng Bảo thủ cầm quyền, cách nhìn coi
Anh là một thứ thành viên ở "xóm ngoài" càng phổ biến tại châu Âu.
Khi hai lần bác bỏ đơn của Anh, Tướng de Gaulle nói tốt nhất
là châu Âu lập một quan hệ thương mại chặt chẽ, đặc biệt với Anh.
Lời tiên tri đó phải chăng đang được chính các lãnh đạo Anh
hồ hởi nghe theo sau Brexit?
Phái 'Leave' của đảng Bảo thủ và cả ông Nigel Farage của đảng
thiên hữu UKip đều mong muốn thương mại với châu Âu vẫn được giữ.
Thủ tướng David Cameron cũng nhắc đi nhắc rằng thương mại với
EU "phải giữ bằng mọi giá".
Tuy không phải là nhà kinh tế, Tướng Charles de Gaulle cũng
nhìn ra rằng đảo Anh không trồng được nhiều cây quả mà đã có truyền thống nhập
khẩu nông phẩm từ nhiều vùng ngoài châu Âu.
Là dân tộc có truyền thống buôn bán, Anh sẵn sàng bỏ EU để
có giá hời hơn nơi khác.
Anh hiện muốn tăng thương mại với khối Commonwealth để bù
vào thua thiệt từ thị trường EU nếu đàm phán gặp trở ngại.
Nhưng Tướng de Gaulle còn lo ngại về một trục Anglo-Saxon
do Mỹ chỉ đạo, và Anh là "tay trong" để giúp Washington giải quyết
các vấn đề châu Âu.
Về điều này, có vẻ ông đã đánh giá quá cao 'sự đoàn kết
Anglo-Saxon'.
Trên thực tế, chính Thủ tướng Harold Wilson của đảng Lao
động Anh đã bác bỏ lời mời từ Tổng thống Lyndon B. Johnson muốn Anh tham chiến
ở Nam Việt Nam.
Bất chấp lời khuyên của Bộ Ngoại giao Anh là "Mỹ thất
bại trong Cuộc chiến Việt Nam sẽ tác động xấu đến liên minh chống cộng sản
quốc tế" và dù Đại sứ David Bruce khẩn thiết đề nghị năm 1965, ông Wilson
nói 'NO'.
Tuy thế, không ai phủ nhận cho đến nay dù còn ở trong EU
hay bỏ ra, Anh Quốc không chỉ có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ mà
còn là đồng minh đặc biệt của Hoa Kỳ trong NATO ở châu Âu và vùng phụ cận.
Mở rộng quá nhanh?
Nhưng Charles de Gaulle còn cảnh báo châu Âu không chỉ về nước
Anh.
Ông từng cho rằng nên giữ Cộng đồng châu Âu ở con số sáu nước
nòng cốt, tránh mở rộng.
Người kế nghiệm ông, Tổng thống Georges Pompidou lại có
cách nhìn hoàn toàn ngược lại và ủng hộ để Anh, Ireland, Đan Mạch gia nhập Đại
gia đình châu Âu năm 1973.
Từ đó, Liên minh này mở rộng không ngừng và sau Chiến tranh
Lạnh đã đẩy số thành viên lên 28.
Trên lý thuyết, EU là liên minh mở và nhận mọi quốc gia đạt
tiêu chuẩn dân chủ, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, theo Hiệp ước
Copenhagen.
Nếu chưa đạt các tiêu chuẩn này nhưng có tham vọng thôi cũng
được làm ứng viên chính thức như Thổ Nhĩ Kỳ, Albania...
Trên thực tế, EU nay to hơn cả Đế quốc La Mã ngày xưa.
Cờ EU đã có mặt trên toàn châu Âu và ở cả Ấn Độ Dương,
Caribbean tại các lãnh thổ hải ngoại như Saint-Martin, Martinique, Reunion,
Mayotte...
Bên cạnh rất nhiều điểm tích cực, sự bành trướng vừa nhanh vừa
rộng bất chấp khác biệt kinh tế, mức sống và văn hóa khiến EU gặp nhiều lực
cản.
Cảnh báo của Charles de Gaulle về EU đúng hay sai thì còn phải
chờ xem nhưng những gì ông nói về Anh Quốc đang được nhiều người Anh thảo luận
trong cơn choáng hậu Brexit.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét