Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Hậu Brexit: Anh đối mặt khủng hoảng, EU sẽ tan rã?

Lê Hồng Hiệp



Một cú sốc địa chính trị đã diễn ra hôm nay 24-6 (giờ VN) khi kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh cho thấy người dân nước này đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu sau 43 năm gắn bó. Vậy sự kiện Brexit này sẽ có những tác động như thế nào đối với nước Anh, châu Âu cũng như thế giới?

Nước Anh đối mặt khủng hoảng

Trước tiên, đối với nước Anh, kết quả sít sao 51,89-48,11% nghiêng về phía những người ủng hộ Brexit cho thấy nước Anh đã bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Sự chia rẽ này xoay quanh cuộc tranh luận về các hệ lụy kinh tế, chính trị lẫn an ninh của việc “đi hay ở”.

Về kinh tế, cả hai bên ủng hộ lẫn phản đối Brexit đều cho rằng sẽ có những thiệt hại khi một trong những lợi ích quan trọng nhất của Anh là quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu sẽ có thể bị hạn chế.

Ví dụ, tờ The Economist chỉ ra rằng khoảng 45% hàng xuất khẩu của Anh là sang các nước EU và nếu Anh rời EU, các ưu đãi thuế quan có thể bị đình chỉ và các cuộc đàm phán thương mại sau đó sẽ có thể khó khăn.

Tuy nhiên, hai bên lại có đánh giá khác nhau về mức độ nghiêm trọng của thiệt hại này. Những người ủng hộ Brexit tin rằng thiệt hại sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, còn về dài hạn Anh sẽ thu nhiều lợi ích khi có được quyền tự chủ trong các chính sách, giúp Anh dứt ra khỏi một châu Âu đang chìm đắm trong các cuộc khủng hoảng.

Vẫn còn phải chờ xem liệu bên nào sẽ đúng về tác động kinh tế, nhưng tác động về chính trị thì đã bắt đầu phát tác rõ ràng. Ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức.

Đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng trong Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như trong hệ thống chính trị Anh, nhất là nếu Brexit châm ngòi cho một cơn suy thoái hay khủng hoảng kinh tế đi kèm. Trong lịch sử, kịch bản như vậy đã từng diễn ra tại Anh vào các năm 1931, 1967 và 1992.

Về mặt an ninh, Anh cũng có thể gánh chịu hậu quả. Bản đồ kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy Scotland và Bắc Ireland (cùng khu vực Đại Luân Đôn) là ba khu vực chủ chốt đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo để ủng hộ việc Anh ở lại EU. Vì vậy, việc Anh rời EU sẽ tạo nên sự bất mãn cho người dân Scotland và có thể thúc đẩy họ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác nhằm tách khỏi Vương quốc Anh.

Với sự bất mãn gia tăng, khác với năm 2014, lần này có thể người Scotland sẽ quyết định ủng hộ độc lập. Nếu vậy, bản thân Vương quốc Anh cũng sẽ ngấp nghé bên bờ vực tan rã, nhất là nếu các thành phần khác như Bắc Ireland cũng đưa ra đòi hỏi tương tự.

Nguy cơ tan rã châu Âu

Như một số nhà bình luận đã chỉ ra, khi Anh quyết định gia nhập Cộng đồng châu Âu vào năm 1973, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay, lúc đó Anh ở vào tuyến cuối của tiến trình hội nhập châu Âu. Thế nhưng với kết quả Brexit lần này, Anh giờ lại đứng ở tuyến đầu của quá trình tan rã châu Âu.

Thật vậy, đây là một nguy cơ hiển hiện trong bối cảnh châu Âu tiếp tục đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính và các vấn đề gây bức xúc khác như người nhập cư và chủ nghĩa khủng bố.

Đặc biệt, các đảng dân túy và cực hữu bài châu Âu đã nổi lên ở nhiều nước EU, trong đó có cả những quốc gia quan trọng như Pháp, Đức, Hà Lan… càng làm cho tư tưởng hoài nghi châu Âu gia tăng.

Nếu Anh rời EU bình an vô sự và các cuộc khủng hoảng của EU tiếp diễn, các cuộc trưng cầu ý dân tương tự ở các quốc gia khác không phải là một viễn cảnh xa vời.

Việc Anh rời EU không phải là trường hợp chưa có tiền lệ. Năm 1985, Greenland đã rút khỏi Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), nhưng hoàn cảnh của hai trường hợp hoàn toàn khác biệt.

EEC 30 năm trước không thể so sánh được với EU ngày nay về mức độ hội nhập, và bản thân Greenland cũng có sức nặng về kinh tế và chính trị kém hơn nhiều so với Vương quốc Anh.

Vì vậy, ngay cả khi EU trụ vững sau sự kiện này, EU cũng sẽ trở nên bị suy yếu, chia rẽ và tiếng nói của họ trên trường quốc tế theo đó cũng bị giảm sút.

Thế giới đối mặt với những bất định gia tăng

Khi EU giảm trọng lượng, Nga là người đắc lợi nhiều nhất vì sức ép từ châu Âu có thể giảm. Còn đối với Mỹ, một châu Âu chia rẽ hay tan rã là một điều không đáng mong muốn, vì Mỹ sẽ khó khăn hơn trong việc điều phối các chính sách hợp tác của mình với châu Âu.

Đó là chưa kể tới việc châu Âu suy yếu và nền tảng quan hệ Mỹ – châu Âu lung lay càng khuyến khích các đối thủ của Mỹ, như Nga và Trung Quốc, tự tin hơn khi thách thức vai trò toàn cầu của Washington.

Đối với các khu vực khác của thế giới, trong đó có Đông Nam Á và Việt Nam, tác động của Brexit có thể không rõ rệt. Tuy nhiên, ở khía cạnh chính trị, sự kiện Brexit có thể khuyến khích sự đảo chiều của tiến trình hội nhập toàn cầu.

Theo đó, trong tương lai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay chủ nghĩa bảo hộ kinh tế có thể ngày một trỗi dậy, làm xói mòn những thành quả toàn cầu hóa mà thế giới đã đạt được trong những năm qua.

Nếu vậy, thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của sự bất định với những hệ lụy khó lường đối với tất cả các quốc gia.


Nguồn: Tuổi Trẻ - nghiencuuquocte.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét