Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Lý Quang Diệu viết về Đông Nam Á và Việt Nam (P3) - VIỆT NAM VÀ MYANMAR


Trương Thị Thanh Hiền & Vũ Thị Hương Giang[1]

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Southeast Asia”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 159-203.

VIỆT NAM: Mắc kẹt trong tư duy xã hội chủ nghĩa

Nhiều người giành nhiều hy vọng cho Việt Nam khi họ quyết định áp dụng cải cách thị trường tự do trong những năm 1980, vài năm sau khi Trung Quốc có động thái tương tự. Đổi Mới, hay “thay đổi sang điều mới” như cách gọi cải cách trong tiếng Việt, đã bắt đầu đầy hứng khởi. Trong số những bước đi đầu tiên đất nước này thực hiện tách biệt khỏi chủ nghĩa xã hội là trả lại quyền kiểm soát những mảnh ruộng mênh mông đã bị tập thể hóa cho các nông dân. Điều này dẫn tới sự gia tăng mạnh sản lượng nông nghiệp trong vòng vài năm. Nhiều người cả trong và ngoài nước đã nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Quả thực khi cả thế giới thấy rõ sự mở cửa của Trung Quôc là một thành công kinh tế không thể tin được thì những ai không quan sát kỹ Việt Nam cũng bắt đầu cho rằng chương trình cải cách của họ cũng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự.

Hiện đang có một cách nhìn thận trọng hơn. Quan điểm của riêng tôi về cải cách của Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi tôi có các chuyến thăm đầu tiên vào những năm 1990. Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách căn bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng này [Old Guard leaders] đang khiến Việt Nam trì trệ. Chỉ khi họ qua đời thì đất nước này mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa của mình.

Kinh nghiệm trực tiếp mà tôi có được trong một chuyến thăm gần đây minh họa cho kiểu trở ngại mà Việt Nam đang đối mặt. Tôi đang dự một cuộc họp với nhiều lãnh đạo dân sự và quân sự cấp cao và tôi kể lại với họ những vấn đề mà một công ty Singapore gặp phải khi đang triển khai một dự án khách sạn ở Hồ Tây ở Hà Nội. Khi công ty này bắt đầu việc đóng cọc móng, hàng ngàn người dân đổ đến đòi bồi thường cho ô nhiễm tiếng ồn. Để tránh phát sinh thêm chi phí, công ty quyết định thay đổi phương pháp đổ móng sang biện pháp vít bu-lông neo, cách này đỡ ồn ào hơn nhiều so với ép cọc. Lần này, chính quan chức đã phê duyệt dự án đến gặp công ty. Ông ta nói : “Tôi chưa bao giờ cho phép các anh làm như vậy.” Rõ ràng là vị quan chức này thông đồng với những người dân bực bội kia. Tôi giải thích với các lãnh đạo Việt Nam có trong buổi gặp với tôi rằng điều này là phản năng suất. Tôi thúc giục họ rằng, nếu các anh muốn mở cửa, hãy nghiêm túc về điều đó. Họ trả lời ậm ừ và điều đó cho thấy rõ ràng họ chỉ nửa vời với cải cách. Họ không hiểu rằng một nhà đầu tư hài lòng sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Ý tưởng của họ là khi đã phục kích được một nhà đầu tư vào một góc phòng rồi thì đó là cơ hội để vắt của anh ta càng nhiều càng tốt.

Các bậc lão thành cách mạng này đã được lên sọc [tức chức vị và quân hàm – ND] trong hệ thống thứ bậc của đảng trong suốt chiến tranh và bây giờ nắm giữ nhiều vị trí quyền lực. Rủi thay, họ tiến lên các chức vụ đó không phải bởi vì đã quản lý tốt nền kinh tế hay đã thể hiện được tài năng quản trị. Họ làm được như vậy bởi vì đã đào hầm từ miền bắc cho tới miền nam trong hơn 30 năm. Điểm chung của họ với kinh nghiệm mở cửa của Trung Quốc chính là các quan chức trở nên tham nhũng. Những cán bộ tin rằng họ sẽ được chế độ chăm sóc bỗng nhiên thấy người ngoài đảng trở nên giàu có nhanh chóng. Họ bị vỡ mộng và trở nên tham lam, ví dụ như với các quan chức hải quan cấp cao nhập khẩu xe hơi trái phép, để có thể giành phần trong sự giàu có ấy. Điều mà họ không có điểm chung với Trung Quốc là một nhân vật kiểu Đặng Tiểu Bình vừa có vị trí không thể tranh cãi trong các cán bộ, vừa có niềm tin không lung lay rằng cải cách toàn diện là lối thoát duy nhất. Lý do họ thiếu vắng một nhân vật như vậy là do Chiến tranh Việt Nam. Khi các nhà cộng sản Trung Quốc đang tích tụ hàng thập niên kinh nghiệm quản trị ở thời bình, thu lượm những gợi ý thực tiễn xem điều gì hiệu quả và điều gì không, và cập nhật niềm tin và ý thức hệ trong quá trình đó, thì các nhà cộng sản Việt Nam bị kẹt trong một cuộc chiến tranh du kích tàn bạo với người Mỹ, chẳng học được gì về cách điều hành đất nước. Hơn nữa, hầu hết doanh nhân thành công trong số người Việt ở miền Nam – những người quen thuộc với cách làm của chủ nghĩa tư bản – đã rời bỏ Việt Nam trong những năm 1970.

Người Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường có điểm số cao nhất. Với những người dân thông minh như vậy, thật tiếc là họ không phát huy được tiềm năng của mình. Hy vọng rằng khi thế hệ chiến tranh nhạt đi và một nhóm trẻ hơn lên thay thế, họ sẽ xem Thái Lan phát triển tốt như thế nào và trở nên tin tưởng vào tầm quan trọng của thị trường tự do.

Hỏi:   Việt Nam có những vấn đề lớn với Trung Quốc về lãnh thổ ở Biển Đông. Và tại một Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012, khi ASEAN lần đầu tiên sau 45 năm không đạt được một bản thông cáo chung, Việt Nam là một trong những nước tham gia nhiều vào tranh cãi ở đó.

Đáp: Họ không thể lấy sự đồng thuận của ASEAN để ủng hộ quan điểm của họ vì người ta tin rằng Trung Quốc đã làm việc riêng rẽ với Brunei và Malaysia về các tranh chấp, vốn là những tranh chấp nhỏ hơn. Nhưng tranh chấp chính – cũng là tranh chấp còn rắc rối – là của Việt Nam.

Hỏi:   Đây có phải là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã có thể chia rẽ ASEAN trong vấn đề này?

Đáp: Nó cho thấy người Trung Quốc khéo léo như thế nào. Họ đã ứng xử với các nước bên ngoài, hay những man tộc ngoại bang, cả hàng ngàn năm và họ biết cách xử lần lượt từng bên một và ngăn cản họ hợp lại để không phải đối mặt với một nhóm. Họ mua chuộc từng bên một.

Hỏi:   Việt Nam đang tìm cách mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ để có thể đương đầu tốt hơn với Trung Quốc.

Đáp: Đúng vậy. Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã thăm vịnh Cam Ranh năm 2012. Điều đó hàm ý là nó có thể đón cả người Mỹ. Có thể sẽ có ích khi có người Mỹ tại đó nếu có xung đột quanh quần đảo Hoàng Sa (nguyên văn), nhưng tôi không nghĩ người Mỹ sẽ trực tiếp đối đầu với người Trung Quốc. Điều tốt nhất mà người Việt Nam có thể hy vọng là áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho tranh chấp này.

Hỏi:   Cũng đã có tin về việc người Việt Nam có thể mua vũ khí của Mỹ.

Đáp: Tôi sẽ không ngạc nhiên. Người Mỹ hiện đang gần gũi với họ hơn so với người Trung Quốc. Và người Mỹ có những vũ khí tinh vi hơn vũ khí của người Trung Quốc.

Hỏi:   Ông có nghĩ rằng ASEAN có lẽ nên tránh tranh chấp Biển Đông trong các cuộc họp thượng đỉnh trong tương lai?

Đáp: Họ đã bất hòa rồi. Lẽ ra đã phải có một bộ quy tắc ứng xử nhưng nó cũng đã bị dập tơi bời.

***

MYANMAR: Các vị tướng thay đổi phương hướng

Khi chúng ta mắc kẹt trong ngõ cụt, chỉ còn một phương hướng hành động lý trí duy nhất. Quay đầu lại và bước ra khỏi đó. Trên nhiều phương diện, đây là cách nói so sánh hữu ích nhằm hiểu được thay đổi sâu sắc về định hướng dẫn dắt đất nước của chính phủ quân sự Myanmar bắt đầu từ năm 2011. Nhưng đây không phải là sự quay đầu xuất phát từ quá trình tìm kiếm linh hồn bên trong hay sự giác ngộ thực thụ. Nó cũng không phải là hành động tuyệt vọng nhằm tự bảo toàn của một chế độ độc đoán tin rằng mình đang trên bờ vực sụp đổ. Ta có một cách giải thích đơn giản hơn nhiều. Các vị tướng đã thấy rằng đất nước này đang không còn lối thoát. Chẳng còn lựa nào nào khác.

Chuyện ngó qua biên giới sang sự thịnh vượng tương đối ở Thái Lan hẳn đã đẩy nhanh sự khám phá này. Xét về tài nguyên thiên nhiên, Myanmar giàu như Thái Lan, nếu không muốn nói là giàu hơn. Nhưng nếu phải so sánh, chẳng hạn như quả bưởi ở mỗi nước, ta sẽ thấy là quả bưởi của Thái to hơn và ngon hơn vì có các nghiên cứu về khoa học và công nghệ. Người Thái cũng đã phát triển thành nước sản xuất lớn nhất trong khu vực sản phẩm hoa lan và các loại cây trồng, hoa quả khác. Về lý thuyết, Myanmar cũng phải làm được như thế, bởi vì nó được thiên nhiên ban cho khí hậu và đất đai tương tự. Trên thực tế, chẳng có điều gì xảy ra. Nhưng phần thất vọng nhất của chuyện so sánh này có lẽ là thực tế người Miến Điện phải sang bên kia biên giới Thái Lan để đổi các loại đá quý lấy hàng y tế. Đất nước ngày càng bị bỏ xa đằng sau.

Cơn bão Nargis là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả chế độ và người dân Myanmar. Thảm họa năm 2008 này đã đẩy hàng triệu người trên cả nước vào cảnh vô gia cư vì một chính phủ mất phương hướng đã không thể tỏ ra hiệu quả khi hỗ trợ chính các công dân của mình và cũng chẳng sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ từ các nước khác như Mỹ và Pháp. Đối lập hẳn là phản ứng của chính phủ Trung Quốc với động đất ở Tứ Xuyên vốn không kém phần hủy diệt. Binh lính rất nhanh nhẹn trong các nỗ lực cứu nạn, các lãnh đạo Trung Quốc – gồm cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo, bao quát mọi việc và cả quốc gia hợp sức lại. Có những chuyên gia về Myanmar tin rằng cơn bão đã đóng vai trò như một cú hích thúc đẩy nước này qua điểm thử thách, nhờ đó đã gieo được những hạt giống cải cách. Có lẽ họ không đứng xa sự thật lắm.

Không cần nhiều phô trương, đất nước này bắt đầu cải cách một cách nghiêm túc từ năm 2011. Các tù nhân chính trị được thả, trong đó có cả Aung San Suu Kyi và hàng trăm người khác. Người giành giải Nobel Hòa Bình được phép chạy đua bầu cử vào quốc hội năm 2012 và bà được bầu một cách xứng đáng. Chế độ nhanh chóng bắt tay vào xử lý bầu cử và tù nhân vì họ muốn thuyết phục Phương Tây bỏ cấm vận, tin rằng điều đó sẽ giúp đất nước có được một cú hích quan trọng về kinh tế. Ban đầu phương Tây phản ứng thận trọng nhưng cuối cùng đã chấp nhận, và sự khôi phục hình ảnh Myanmar trên trường quốc tế được hoàn tất bằng chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama vào tháng 11/2012. Năm 2015, quốc gia này dự định sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng đầu tiên kể từ cuộc bầu cử nổi tiếng năm 1990 khi Aung San Suu Kyi thắng áp đảo nhưng chính phủ quân sự không công nhận. Chậm rãi nhưng chắc chắn, Myanmar sẽ quay trở lại thành một đất nước bình thường.

Những năm 1960, lãnh đạo Miến Điện – Tướng Ne Win đã chọn con đường chủ nghĩa xã hội. Ông trục xuất người Ấn Độ – những người do người Anh đưa vào để giúp nền kinh tế vận hành bởi vì họ là các nhà buôn và doanh nhân, chỉ để lại còn mỗi người Miến Điện và một nền kinh tế đóng cửa. Đất nước đã bị trì trệ suốt 40 năm.

Có thời gian – khoảng một thập niên trước, tôi có tiếp xúc với Khin Nyunt, người sáng láng nhất trong số các vị tướng và là người duy nhất có khuynh hướng cải tổ. Tôi giục ông ấy học hỏi Suharto – cởi bỏ đồng phục, thành lập đảng chính trị và thắng cử. Tôi nói, khi ấy anh sẽ được người dân ủng hộ và anh có thể mở cửa. Nhưng không lâu sau đó, Khin Nyunt bị quản thúc tại gia. Tôi mất liên lạc với chế độ, và tôi cho rằng Singapore không có lợi gì nếu tôi đến Myanmar thuyết phục họ về sự cần thiết phải thay đổi trong khi rất nhiều người đã cố gắng và đã thất bại. Chuyện đó không phải việc của tôi.

Hai năm qua, Myanmar đã đi những bước quan trọng theo hướng mở cửa. Tôi tin lần này các vị tướng sẽ không quay lưng lại với cải cách. Câu hỏi duy nhất là: Họ sẽ tiến về phía trước nhanh như thế nào ?

Một nhân vật được nhiều người hy vọng là Aung San Suu Kyi. Bà là nhân vật hình tượng, người đã tập hợp các lực lượng chống lại quân đội ở trong nước. Một số người đang kêu gọi bà đóng vai trò lãnh đạo trong một chính phủ tương lai. Tôi có chút nghi ngờ. Bà kết hôn với một người Anh và con cái bà mang nửa dòng máu Anh, vì thế cho dù bà là con gái của Aung San, người giải phóng Miến Điện, bà vẫn không được một số người trong nước coi là người Miến Điện một cách hoàn toàn. Hiến pháp cũng có những quy định đang cản trở bà trở thành Tổng thống. Vào tuổi 68, bà cũng đã già rồi. Nhưng cho dù bà có thể lãnh đạo, bà cũng sẽ phải vật lộn với những cuộc nổi dậy sắc tộc từ bắc tới nam. Liệu bà có khả năng dập tắt những cuộc nổi dậy đó?

Người Miến Điện sống ở nước ngoài là một nhóm khác có thể thúc đẩy đất nước mở cửa nhanh hơn. Họ là những người giỏi nhất từ Myanmar đã bị đẩy đi lưu vong trước đây. Con cái của họ không còn cảm thấy có nghĩa vụ với đất nước, nhưng những ai rời Myanmar khi trẻ hay đã trưởng thành vẫn còn những mối dây tình cảm. Với tình hình chính trị đang thay đổi, nếu họ được thuyết phục trở về để mở các công ty, điều đó chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy đất nước.

Hỏi:   Trong một trong các cuốn sách trước của ông, Những Sự thật Khó khăn nhằm Phát triển Singapore (Hard Truths to Keep Singapore Going), ông nói rằng mình đã không thèm đoái hoài đến các vị tướng Miến Điện trong cả đời mình, rằng họ là một lũ ngốc không nhận ra mình cần làm gì.

Đáp: Họ rất cứng đầu. Nhưng chính họ đã nghĩ lại và thừa nhận mình đã húc đầu vào tường.

Hỏi:   Có một số thảo luận về chuyện liệu có phải chính cái gọi là can dự mang tính xây dựng của ASEAN hay cấm vận của phương Tây cuối cùng đã khiến người Miến Điện quyết định cải cách và mở cửa hay không. Quan điểm của ông là gì?

Đáp: Không quan trọng là cái nào. Điều quan trọng là họ đã quyết định theo đuổi một tương lai khác.

Hỏi:   Nếu cải cách tiếp tục và Myanmar mở cửa, liệu chúng ta có tiếp tục nhìn thấy sự thống trị và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar không?

Đáp: Có, bởi vì họ đã xây một con đường cao tốc. Và họ đã giúp người Miến Điện trong suốt nhiều năm bị cô lập. Vì thế họ đã thành bạn bè và họ biết rằng đây là những người bạn lâu bền. Người Ấn Độ đang tìm cách tham gia vào bức tranh này bằng một số viện trợ nhưng tôi không nghĩ họ có thể cạnh tranh với người Trung Quốc.

Hỏi:   Liệu người Mỹ có thể tạo chỗ đứng ở nước này trong nỗ lực nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực không?

Đáp: Họ ở xa quá. Việc khai triển quyền lực (của Mỹ) nằm ở quá xa. Myanmar có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc, với tỉnh Vân Nam của nước này.

Xem thêm: Các chương khác của cuốn One Man’s View of the World

[1] Trương Thị Thanh Hiền biên dịch và hiệu đính phần về Indonesia, Vũ Thị Hương Giang phần về Thái Lan, Việt Nam, Myanmar. Chương này còn có phần về Malaysia nhưng không được dịch ở đây.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét