Ngô Nhân Dụng
Ba tuần lễ sau khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama rời Việt Nam,
nhiều người vẫn phóng lên Internet những bức chân dung ông, do các họa sĩ Việt
Nam đưa lên mạng. Những chân dung rất giống, được chuyền tay khắp các diễn đàn.
Hình vẽ Obama của họa sĩ Bùi Anh An được sáu ngàn người bấm “like (thích) trên
Facebook, hàng trăm người viết lời bàn. Cô Nguyễn Túy Nguyệt, 21 tuổi, sinh
viên Kiến Trúc ở Thủ Dầu Một tâm sự: “Obama là thần tượng của mình từ lâu.” Tại
sao có những bạn trẻ thích vẽ chân dung ông tổng thống nước Mỹ? Tại sao hàng
ngàn người khác chuyển những bức họa này cho bạn bè coi? Tại sao giới trẻ Việt
Nam lại hào hứng về chuyện ông Obama ghé thăm nước mình như vậy?
Nói như Giáo Sư Trần Ngọc Vương ở Hà Nội, ông Obama đã “chạm
tới trái tim” của tất cả mọi người, những người được thấy hình ảnh ông, được
nghe ông nói. Ông Nguyễn Quang Chơn nhận xét trên mạng: “...đối với người dân
Việt, cái mà ông Obama đem đến chính là phong cách của ông, con người của ông.”
Có người coi các bức chân dung Obama xong đã viết: “ông đến
đây cho chúng tôi một niềm vui lẫn hy vọng...” Một người ngoại quốc lần đầu tới
nước mình mà biết dẫn hai câu thơ ân cần hò hẹn của Nguyễn Du (câu 455 và 456
trong Truyện Kiều)! Lại biết trích dẫn bản tuyên ngôn độc lập “Nam quốc san hà
Nam đế cư” của Lý Thượng Kiệt! Nếu gặp một người Ðức, người Mỹ, người Nhật hay
người Uganda như vậy ở trong quán phở hay đang cùng đứng chờ xe buýt, mình đã
muốn bắt tay kết bạn rồi. Nữa là một ông tổng thống một cường quốc!
Trong phong cách Obama, bài diễn văn của ông ở Hà Nội đã “chạm
lòng người” ngay tức khắc! Không phải những điều ông đề cập trong nội dung mà
ngay cách trình bày của ông đã động tới trái tim người nghe. Tiến Sĩ Ðinh Hoàng
Thắng, một cựu nhân viên cao cấp Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nhìn thấy cung cách Obama
trong bài diễn văn khác hẳn những gì người Việt Nam vẫn thấy trong giới lãnh đạo:
“Nó ấn tượng ở chỗ, loại diễn văn như thế thường được viết và đọc lại bằng một
thứ ngôn ngữ 'gỗ,' khô không khốc. Nghe xong cứ như nước đổ đầu vịt. Không nhớ
cái gì cả. Thi thoảng có chỗ nào ‘lên gân’ thì biết ngay là rởm (không phải
hàng thật).”
Những người bị bắt buộc “ăn cá gỗ” bao nhiêu năm, giờ được nếm
cá tươi, ai chẳng ngạc nhiên cảm động?
Nhưng cuộc chuyện trò của Tổng Thống Obama với các thanh
niên, sinh viên ở Sài Gòn gây ấn tượng mạnh và lâu bền hơn bài diễn văn chính
thức ở Hà Nội. Có lẽ thính chúng hôm đó trong đời chưa bao giờ nhận được nhiều
ý kiến và hiểu biết mới mẻ như vậy trong vài tiếng đồng hồ. Họ có thể ngồi coi
lại phim video chiếu cảnh gặp gỡ đọc lại bản dịch ra tiếng Việt các câu đối
đáp, để ôn lại những bài học đáng nhớ suốt đời. Mà người trao cho họ những hành
trang tinh thần đó không có vẻ lên lớp, không mang giọng thầy giáo, kẻ cả, bề
trên. Không tự quảng cáo bằng cấp, địa vị, quá khứ, thành tích ghê gớm của
mình, dù chỉ gợi ý bóng bẩy cũng không. Người nói còn tỏ ra khiêm cung, tự hạ
mình một cách thành thật, nghe có thể tin được ngay.
Như khi ông Obama tâm sự với với giới trẻ ở Sài Gòn, “...khi
còn trẻ như các bạn, tôi sống không kỷ luật, không được giáo dục và không hiểu
biết như các bạn bây giờ. Khi còn trẻ tôi là thằng lông bông không coi học hành
là quan trọng. Lúc đó tôi chỉ thích bóng rổ và nghĩ đến các cô gái. Các bạn khá
hơn nhiều.” Những điều này không thể nói dối được, ai cũng có thể kiểm lại
trong các cuốn tự truyện của Obama.
Khi bàn chuyện chính trị, Obama cũng giữ giọng khiêm cung,
thành thật, Không một lời tuyên truyền hoa mỹ khó kiểm chứng. Ông thú nhận:
“...tôi biết rằng, nhiều quốc gia nhìn vào hệ thống bầu cử của Mỹ và cho rằng,
đó là một mớ hỗn tạp. Tuy nhiên, cuối cùng mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp...
Ðôi khi chính trị không biểu hiện được hết bản chất tốt đẹp của một người.”
Nhưng ông tin tưởng dân chúng nước ông, tin vào thể chế dân chủ: “...thường thì
người dân đi bỏ phiếu vẫn chọn đúng ứng viên thích hợp, vẫn bảo vệ được thể chế
dân chủ.” Ông không quảng cáo chế độ dân chủ như một lý tưởng hoàn hảo; nhưng
chỉ như một phương thuốc để chữa trị những lầm lẫn: “Một trong những điều vĩ đại
của nước Mỹ là ngay khi phạm sai lầm, chúng tôi vẫn thích nghi, thay đổi đúng
lúc, vạch ra đường lối mới để sửa chữa, và đi những bước hoàn toàn khác.” Nói
“chúng tôi” ở đây tức là tất cả mọi người dân, không phải đảng Dân Chủ hay đảng
Cộng Hòa vĩ đại, quang vinh! Làm cách nào 300 triệu dân Mỹ có thể sửa chữa các
sai lầm? Họ dùng lá phiếu tự do. Quốc Hội của họ không phải chỉ là bọn đầy tớ,
tay sai, gọi đâu dạ đó!
Ông Obama không nói về chính mình, nhưng cuộc đời ông là bằng
chứng cho thấy thể chế tự do dân chủ đưa tới những kết quả thế nào. Nhà thơ Bùi
Minh Quốc ở Ðà Lạt, không có mặt trong phòng trực tiếp nghe ông Obama nói, cũng
nhìn thấy “tính ưu việt của nền dân chủ Mỹ,” như lời ông viết: “Tôi tin rằng
người dân (Việt Nam) ý thức rất rõ: Một chàng trai gốc Phi Châu có tên Barack
Obama xuất thân bình dân, trở thành tiến sĩ luật, thành nghị sĩ rồi làm tổng thống
Mỹ chính là biểu hiện tính ưu việt của nền dân chủ Mỹ mà bất cứ ai, bất cứ thế
lực nào dù ác ý đến đâu cũng không thể tìm cách gì hạ thấp.” Trong bài viết với
tựa đề đầy đủ “Thân Mỹ, chống bành trướng, chống độc tài, cứu nước, cứu nhà, cứu
mình!” nhà thơ dùng từ “tính ưu việt” nghe rất “kêu,” chắc vì còn nhớ những câu
tuyên truyền một chế độ “ưu việt gấp trăm ngàn lần chế độ dân chủ tư sản!” Thực
sự, những người đã chọn và sống trong chế độ dân chủ đều rất khiêm tốn: Dân Chủ
là thể chế chẳng ra cái gì cả! Có một điều, so với các thể chế chính trị đã
dùng thử trên trái đất này, thấy nó đỡ tệ hại nhất!
Ông Vũ Tú Thành, một cựu nhân viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam diễn
tả rõ hơn: “Chúng tôi nhìn về phía nước Mỹ - Mình cũng có thể giống như vậy!
Ông Obama là biểu tượng cho những giá trị mà người Việt Nam rất yêu quý.” Hàng
trăm ngàn thanh niên Việt Nam ngồi coi và đọc lại cảnh Obama đối đáp và những lời
ông nói, chắc cũng nghĩ như thế: “Nước mình cũng có thể giống như vậy!”
Nhiều bài học giới trẻ tiếp nhận được từ ông Obama nghe rất
thực tế. Tương lai mình ra sao? Obama khuyên họ hãy tìm xem mình thích điều gì
rồi hết sức thực hiện: “Các bạn cần phải mang niềm say mê một điều gì đó... Ý
tôi muốn nói là, nếu bạn thực sự say mê công việc mình làm, dần dần, bạn sẽ
phát triển và mọi người sẽ kính trọng những gì mà bạn làm được... Rất nhiều những
người mà tôi gặp đều rất thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, họ đều là
những người rất yêu công việc của mình.”
Lời khuyên trên, nếu thực hiện, có thể sẽ giúp một người trẻ
tuổi thành công, họ có thể thành người lãnh đạo. Obama nêu thí dụ một người ai
cũng biết, để minh chứng lời khuyên của mình: “Khi Bill Gates thành lập
Microsoft, ông ấy không hề nghĩ rằng mình sẽ là tỷ phú. Ông ấy chỉ nghĩ rằng,
tôi rất thích máy tính và tôi muốn tìm cách viết những phần mềm tiện dụng nhất.”
Rồi Obama tự kể: “Bản thân tôi lúc đầu cũng không nghĩ rằng mình sẽ là tổng thống
Mỹ.” Việc công ích đầu tiên mà ông say mê “khi tôi không còn muốn lông bông,”
là đi giúp những người da đen nghèo khổ ở Chicago, tạo cơ hội cho họ vươn lên.
Ông chỉ nghĩ đến việc tranh cử khi thấy rằng nếu có quyền trong tay mình sẽ làm
được nhiều điều ích lợi hơn. Chính trị không phải mục đích mà chỉ là một phương
tiện để thực hiện “điều mình say mê muốn làm.” Ông Obama không nói rõ như thế,
nhưng thanh niên Việt Nam ai cũng có thể tự hiểu được. Obama kể chuyện Bob
Moses và John Lewis, hai người trợ lực của Mục Sư Martin Luther King mà ít người
biết tới: “Họ là những người giúp đỡ dân nghèo, thúc đẩy những người này trở
thành các cử tri đi bỏ phiếu, giúp họ tham gia ngày một sâu hơn, tích cực hơn
vào đời sống xã hội. Họ là những nhà lãnh đạo vô danh nhưng là những nhà lãnh đạo
làm chúng ta kinh ngạc. Dù họ không bao giờ có những bài diễn thuyết tuyệt vời
trước những quần chúng lớn.”
Ông đã gieo những hạt giống lý tưởng, vị tha trong lòng những
bạn trẻ còn sống với lý tưởng vị tha: “Nếu các bạn quan tâm đến mạng xã hội hay
đến việc mở công ty, hãy tập trung vào việc đó. Nếu các bạn quan tâm đến việc
chăm sóc y tế cho người dân tại các làng xã Việt Nam, hãy tập trung vào việc
đó. Nếu làm tốt việc của mình, dĩ nhiên, bạn sẽ trở thành người đứng đầu và bạn
sẽ có cơ hội để làm những điều lớn lao hơn trong tương lai.” Chắc các bậc cha mẹ,
các huynh trưởng Hướng Ðạo ở nước ta cũng chỉ mong có người khuyên con em mình
những lời như vậy. Khác hẳn những khẩu hiệu tuyên truyền lừa dối đã quen tai.
Một đoạn ứng khẩu lý thú của ông Obama, có thể thành đề tài
suy nghĩ cho các thanh niên Việt Nam cũng như những người lớn tuổi, là khi ông
trả lời câu hỏi thực tế: “Làm cách nào để các sinh viên du học sẽ trở về nước
làm việc?”
Obama trả lời thắc mắc này: “Tôi cho rằng, cách tốt nhất để
giữ chân nhân tài là các quốc gia phải đảm bảo được rằng, nhân tài phải được tưởng
thưởng xứng đáng. Và cách chính để tưởng thưởng họ, là cho họ sống trong một xã
hội có tinh thần thượng tôn pháp luật đầy đủ; một hệ thống giáo dục tốt (khi muốn
lập một doanh nghiệp, bạn không chỉ cần chính bạn được giáo dục tốt mà còn phải
tuyển dụng được những người cũng được giáo dục tốt); một môi trường giúp nhà
kinh doanh dễ mở xí nghiệp; ...Khung cảnh đó sẽ khiến các tài năng trẻ thấy rằng,
nếu trở về nước mình sẽ có cơ hội tốt nhất.”
Trong câu trả lời trên, Obama không nhắc tới đồng lương
tương xứng, không nói tới các điều kiện làm việc, nhưng nhấn mạnh đến khung cảnh
xã hội, chính trị một quốc gia. Tất cả thính chúng nghe ông nói sẽ phải suy
nghĩ. Ông còn nói một điều cụ thể hơn: “Những nước mất nhiều nhân tài nhất là
những nơi nạn tham nhũng hoành hành. Bởi vì ở đó, dù có làm việc chăm chỉ đến mấy,
bạn vẫn phải hối lộ, bạn vẫn phải tuyển dụng người thân của một ai đó để được cấp
giấy phép làm cái gì đó.” Không một lời chỉ trích chính quyền Cộng Sản, ông
Obama chỉ gợi ý cho giới trẻ suy nghĩ. Cũng như khi bàn về môi trường sống, một
đề tài gan ruột của Obama, ông vẫn gợi ý: “Tại đồng bằng sông Cửu Long có những
nơi chịu hạn hán gay gắt, trong khi những nơi lại chịu cảnh lụt lội.”
Tại sao nhiều họa sĩ trẻ tuổi vẽ chân dung Obama? Tại sao
hàng ngàn người đưa các chân dung đó lên mạng? Vì ông đã chạm vào trái tim họ.
Họ có thể nhìn Obama như một huynh trưởng cho mình nghe những lời khuyên thực tế
mà chính “đàn anh” đã thí nghiệm bằng cuộc đời mình. Họ có thể thấy ông phác họa
hình ảnh một xã hội đáng sống, với “những giá trị mà người Việt Nam rất yêu
quý!” Những lời ông nói sẽ còn được giới trẻ suy ngẫm rất lâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét