Các phòng phiếu đã mở cửa trong kỳ trưng cầu dân ý lịch sử về
việc Anh ở lại hay rời khỏi Liên hiệp Âu châu. Có 46.499.537 người được quyền tham gia bỏ phiếu, là con số
cao kỷ lục đối với một kỳ bỏ phiếu ở Anh.
Các phòng phiếu mở từ 7:00 giờ sáng BST (13:00 giờ trưa giờ
Hà Nội) và sẽ đóng lúc 22:00 BST (04:00 giờ sáng 24/6).
Đây là kỳ trưng cầu dân ý toàn quốc lần thứ ba trong lịch sử
Anh quốc, diễn ra sau bốn tháng vận động quyết liệt để tranh giành lá phiếu
cử tri của cả hai phe Đi và Ở.
Cùng với các hãng truyền thông khác, BBC bị giới hạn phạm vi
nội dung được tường thuật trong thời gian các phòng phiếu đang mở, nhưng quý
vị có thể theo dõi kết quả trên BBC sau khi phòng phiếu đóng cửa vào tối thứ
Năm 23/6.
Phiếu trưng cầu dân ý đưa ra câu hỏi: "Nước Anh nên tiếp
tục là thành viên của Liên hiệp Âu châu hay nên rời khỏi Liên hiệp Âu
châu?"
Phương án nào nhận được quá bán tổng số phiếu bầu sẽ được
coi là phương án được lựa chọn.
Dự báo thời tiết trong ngày bỏ phiếu tương đối đa dạng.
Tại London và đông nam xứ Anh đã có bão kèm sấm chớp, gây
ngập lụt hồi đêm.
Dự báo trời nắng và có mưa lớn ở Bắc Ireland và Scotland,
trong lúc các nơi khác khô ráo sáng sủa.
Sau khi các phòng phiếu đóng cửa, các thùng phiếu sẽ được
tập hợp đưa về kiểm phiếu tại 382 địa điểm khác nhau, đại diện cho toàn bộ
380 khu vực chính quyền địa phương tại xứ Anh, Scotland và xứ Wales, cộng với
một điểm cho Bắc Ireland và một điểm cho Gibraltar.
Kết quả của từng khu vực sau đó sẽ được tuyên bố lần lượt
trong đêm, bên cạnh kết quả từ việc kiểm phiếu vùng.
Tùy thuộc vào việc có sự chênh lệch đến đâu, kết quả của
kỳ trưng cầu có thể đã được thể hiện rõ ràng trước khi được quan chức đứng đầu
hoạt động kiểm phiếu chính thức tuyên bố từ Tòa thị chính Manchester.
Ủy ban Kiểm phiếu dự tính kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra
"vào khoảng bữa sáng" ngày thứ Sáu 24/6.
Kỳ trưng cầu dân ý lần trước diễn ra cách đây 5 năm, khi cử
tri bỏ phiếu bác nỗ lực thay đổi cách bầu dân biểu.
Lần trưng cầu dân ý đầu tiên được tổ chức hồi 1975, với câu
hỏi liệu Anh có nên tiếp tục là thành viên của tổ chức khi đó có tên là Cộng
đồng Kinh tế Âu châu (EEC) hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét