Lã Yên
Vừa bước chân vào quan cafe chưa kịp ngồi đã có một đứa bé -
chừng 8 tuổi chạy lại chìa tập vé số, nói - mua vé số đi chú. Tôi trả lời, chú
không mua. Nó năn nỉ - chỉ còn mấy tờ, mua giúp cháu đi chú, một tờ thôi cũng
được. Nghe nó năn nỉ, tôi mủi lòng, thấy tội thương, mua ba tờ, nó cảm ơn. Tôi
hỏi, cháu còn nhỏ sao không đi học mà đi bán vé số. Nó trả lời, nhà cháu nghèo,
cháu nghĩ học rồi, nói rồi nó quay đi. Nhìn bộ dạng của nó tôi tin là nó nói thật.
Tôi không tin vào mấy trò may rủi, nên rất ít mua vé số, thỉnh
thoảng mua một vài tờ chỉ để ủng hộ người bán, vì đa phần họ là những người
nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật... đồng thời cũng nghĩ mua vé số là
đóng góp vào ngân sách Nhà nước để kiến thiết đất nước. Và tôi tin là cũng có
nhiều người nghĩ như tôi.
Nhưng có lẽ từ nay tôi không bao giờ mua vé số nữa, bởi những
đồng tiền thu từ vé số không được dùng minh bạch.
Theo tin từ báo Tuổi Trẻ: trong tháng 2 và tháng 3/2015, Xổ
số Bình Thuận đã chi ra lần lượt tới 3.6 và 3.2 tỷ đồng để trả lương và thưởng
cho lãnh đạo và nhân viên. Thu nhập cao nhất thuộc về ông Nguyễn Văn Thế – một
trong 4 viên chức quản lý công ty với thu nhập tháng 2 là 136,4 triệu đồng và
thu nhập tháng 3 là 133.8 triệu đồng. Tính tổng 6 tháng đầu năm 2015, ông Thế
nhận về 407.1 triệu đồng, thời điểm thu nhập của bảo vệ lên tới 40 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân của nhân viên công ty XSKT tỉnh Tiền
Giang là 30,2 triệu đồng tháng. Lương viên chức quản lý (4 người): Thu nhập
bình quân 60,8 triệu đồng/tháng (Theo Dân Việt). Mới đây Cục thuế tỉnh Long An
phát hiện có đến 7 hóa đơn “ăn uống” được xuất cho công ty XSKT Long An với số
tiền lên đến 240 triệu đồng (vtc.vn 9/6/2016)
Chuyện ở công ty XSKT Bình Thuận, Tiền Giang, Long An không
phải là cá biệt, thực tế cán bộ ngành xổ số chỗ nào cũng nhận lương khủng. Tại
sao lại có chuyện như vậy? tất cả là do cơ chế độc quyền dành cho ngành xổ số
kiến thiết.
Không chỉ cán bộ trong ngành sổ số nhận lương khủng, các đại
lý vé số thu nhập cũng không nhỏ, Một đại lý vé số cấp 2, ngày cũng kiếm được
1triệu đến 1,5triệu, đúng là việc nhẹ lương cao, niềm mơ ước của bất cứ ai.
Nhưng với người bán vé số dạo lại là một chuyện khác. Theo
con số ước đoán của Bộ Tài chính, có khoảng 300.000 người đang lao động trong
ngành xổ số. Họ là những em nhỏ, người già, người tàn tật, đa số họ điều mất sức
lao động. Cho nên bán vé số là sự lựa chọn mưu sinh khi không có sự lựa chọn
nào khác. Đây là tầng lớp khốn khổ nhất trong xã hội, họ lang thang cả ngày bằng
đôi chân, bất kể nắng mưa để rao bán từng tờ vé số. Nhưng thu nhập đôi khi
không đủ sống.
Chúng ta điều nhận thấy rằng những người giàu họ thường rất
ít khi mua vé số, nếu có mua họ mua một vài tờ chỉ để ủng hộ người bán. Mua nhiều
nhất thường là dân lao động, người nghèo. Có người ăn sáng 20.000đ thì đắn đo,
nhưng sẳn sàng chi vài chục ngàn để mua vé số. Họ mua để cầu may, nuôi một hi vọng
đổi đời trong cái cuộc sống khó khăn bế tắc. Tôi kể một câu chuyện để minh chứng.
Cạnh nhà tôi có bác thợ hồ, tuy đi làm vất vả ngày công không bao nhiêu nhưng
hôm nào cũng mua vài tờ vé số. Có một lần sang chơi thấy bác mua cả chục tờ,
tôi hỏi, bác mua nhiều thế đã trúng lần nào chưa, bác thở dài trả lời, trúng giải
nhỏ à, mong có ngày trời phật phù hộ trúng giải độc đắc có tiền xây lại cái
nhà, mua ít đất làm khỏi phải đi làm thợ nữa.
Còn nhớ cách đây hơn hai năm (6/2014), trên diễn đàn Quốc hội,
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã nói: “Bán vé số tôi cho là
có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao, chúng ta cần phải
nghiên cứu tiếp vấn đề này”. Mới đầu năm nay, Ông Hồ Kinh Kha - Giám đốc Sở Tài
chính tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành xổ số là ngành giải quyết an sinh xã hội
rất lớn. “Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi gặp tôi kể lại, họ từng xuất thân nhà
nghèo, nhờ bán vé số mà có thể tiếp tục học lên cao, giúp ích xã hội. Ở Tiền
Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 - 200 tờ.
Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi”...
"Ở An Giang, có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi
ngày 3.000 tờ” - Nếu mỗi tờ vé số lãi 1.100 đồng, người bán vé số dạo có thể
thu nhập lên đến 100.000.000 đồng/tháng (vietbao.vn 22/1/2016).
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng (IRSD), Việt
Nam hiện có 64 công ty xổ số kiến thiết với doanh số đạt khoảng 3 tỷ USD vào
năm 2014, nộp ngân sách xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Xổ số kiến thiết được hiểu là nhà nước bán vé số sau khi trả
tiền cho người trúng số và trừ hết chi phí rồi tiền lời còn lại nhà nước sử dụng
vào khâu xây dựng kiến thiết đất nước. Ngay Nghị quyết 68/2006/NQ-QH11 của Quốc
hội, ghi rỏ, "Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động xổ số kiến thiết. Hội
đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ và sử dụng số thu
này để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương, trong
đó tập trung đầu tư các công trình về giáo dục, y tế; không sử dụng số thu này
vào các mục đích khác". Nhưng thực tế bây giờ nó lộn xộn, rối ren, biến tướng
và trở thành miếng bánh béo bở để tham nhũng. Ngành kinh doanh vé số là một
ngành siêu lợi nhuận. Nếu nói về bóc lột, tôi nghĩ đây là ngành bóc lột nhẹ
nhàng nhưng tàn nhẫn nhất.
Vậy nên cán bộ các công ty xổ số lương vài chục triệu một
tháng, ở nhà lầu, đi xe hơi, du lịch nước ngoài. Tiền đầu để các vị "ngồi
mát ăn bát vàng"?. Xin thưa, đó là những đồng tiền được làm ra trên mồ
hôi, nước mắt của hàng chục vạn người đi bán vé số dạo và người dân lao động
nghèo mua vé số với ước mơ tỉ phú viễn vông.
Đói giật ổ bánh mì bị coi là hành vi nguy hiểm, bị kết án
tù. Còn đây những kẻ ăn trên sức lao động của người nghèo, tàn tật, trẻ em thì
đàng hoàng, lại còn thăng quan tiến chức, lại còn luôn giảng đạo đức. Thử hỏi
có thời đại nào như vậy?.
Lã Yên
Nguồn: danluan.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét