Nhân vòng tranh cử sơ bộ mở màn tại Iowa
Nguyễn Xuân-Nghĩa
Hôm Thứ Hai mùng 1, Tháng Hai, cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ chính thức
mở màn tại Iowa, một tiểu bang nhỏ, dân số hơn ba triệu với khoảng hai triệu cử
tri. Mục tiêu chính là để tiếng nói của cử tri khỏi bị các tiểu bang đông dân lấn
át.
Iowa cũng là nơi mà thể thức bầu cử làm nhiều người điên đầu không hiểu
vì cử tri của 1681 đơn vị bầu cử không trực tiếp bỏ phiếu cho các ứng cử viên
mà, tùy đảng, tập trung vào các “đảng đoàn” hay “đoàn đại biểu” (caucuses) để bầu
người đại diện sẽ dự đại hội đảng vào mùa Thu và đề cử ứng viên chính thức của
mình. Khoảng hai ngàn địa điểm của các đảng đoàn là nơi diễn ra hình thái dân
chủ trực tiếp nhất khi các ứng cử viên gặp thẳng cử tri để xin phiếu. Năm nay,
Iowa cũng lần đầu tiên áp dụng phương pháp đếm phiếu tân kỳ của Microsoft.
Nhưng bài này sẽ nói về chuyện khác, về Tổng Thống Chế của nước Mỹ.
Mọi cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đều khởi sự khoảng bốn năm trước
ngày bầu cử, hay khi tổng thống tân cử vừa tuyên thệ nhậm chức - vào ngày 20
Tháng Giêng năm sau bầu cử. Nhìn từ bên ngoài, nền dân chủ Hoa Kỳ là nơi mà cử
tri bầu ra các đại diện dân cử và vị đại diện cao cấp nhất là tổng thống, duy
nhất được mọi cử tri cùng bầu lên theo một thể thức vừa trực tiếp vừa gián tiếp,
nhưng số phiếu gián tiếp của cử tri đoàn mới có giá trị chung quyết.
Một cuộc tranh cử kéo dài bốn năm qua nhiều thể thức rắc rối và dị biệt
là một cơ hội bằng vàng cho truyền thông báo chí. Và cho ngành quảng cáo chính
trị.
Nhưng việc tranh cử kéo dài, quá dài nếu nhìn từ Âu Châu hay các nước
dân chủ khác, lại có sự hợp lý rất Mỹ.
Dân chủ là tiến trình thường trực và cử tri thường xuyên có tiếng nói
sau khi cuộc bầu cử vừa kết thúc cho nhiệm kỳ trước. Cũng vì vậy mà vào một đêm
giá lạnh tại một tiểu bang heo hút như Iowa, có khi vận mệnh quốc gia lại được
quyết định qua sự tuyển chọn của các đảng đoàn. Các ứng cử viên lẫn tổ chức đảng
phải mất nhiều năm tháng chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ ở nơi hẻo lánh ấy. Hình
như bậc tổ phụ thời lập quốc, trước hết là James Madison, “Cha đẻ bản Hiến
Pháp” đã tính như vậy. Ðể chính phủ phải lắng nghe ý dân, bị tê liệt trong các
quyết định, và... bớt phần cai trị cho dân nhờ!
Nền dân chủ này tuyệt vời vì nó hạn chế vai trò của chính quyền, của
nhà nước, dù là một nhà nước do dân bầu lên: vừa được bầu lên, các đại diện dân
cử đã lật đật nghĩ tới việc xin phiếu cho kỳ sau!
Nền dân chủ này còn báo hiệu hiện tượng thông tin tức thời ngày nay.
Khi phải tranh cử gần như thường trực và kéo dài liên tục như từng chuỗi
tin chạy trên màn ảnh truyền hình, các chính trị gia phải tin rằng cử tri đang
theo dõi từng hành động và lời nói của mình. Không có chuyện cử tri đã tạm quên
để mình tự tung tự tác cho tới kỳ sau. Khi lại chọn ngày Thứ Ba (sau ngày Thứ
Hai đầu tiên của Tháng Mười Một) làm ngày bầu cử, người ta cố tình lôi kéo
thành phần cử tri tích cực, đi bầu trong ngày làm việc chứ không phải một ngày
Chủ Nhật cuối tuần ai cũng được nghỉ thì mới “lo việc nước”!
Người viết này tránh nói về chuyện bầu cử tổng thống, cho đến tháng đầu
của năm tranh cử.
Trước đó, chuyện bầu cử là cả chục dàn thanh la não bạt đầy nhiễu âm
đinh tai nhức óc như một doanh nghiệp cỏn con thành hình trong nhà xe và lùng
tùng xòe đi ra như một đội lân trong xóm. Rồi từ Tháng Giêng trở đi thì các dàn
nhạc xuất sắc nhất mới vượt qua âm thanh bát nháo mà tấu lên giai điệu có giá
trị cho thành phần cử tri gọi là “thẩm âm.” Thành phần này biết nghe nhạc, biết
so sánh các chương trình hành động và cũng là thành phần chịu khó theo đuổi cuộc
chơi cho tới phòng phiếu vào ngày 8 Tháng Mười Một.
Nhưng chẳng vì vậy mà những thử nghiệm om sòm vào buổi ban đầu lại là
vô ích. Ðấy là khi các chuẩn ứng cử viên chứng tỏ khả năng xuất chúng và vượt
qua tầng đãi lọc đầu tiên để thành ứng cử viên, và cũng là lúc các ứng viên gạo
cội ca bài lá rụng về cội. Bị loại bỏ không tiếng vang!
Bây giờ đến chuyện năm nay, của cuộc bầu cử kỳ này.
Lần này, chúng ta chứng kiến sự hốt hoảng của một thiểu số. Ðó là những
người ưu lo cho tiền đồ của nền Cộng Hòa gọi là Hiệp Chủng Quốc. Họ xuất hiện với
lời báo động về ngày tàn của nước Mỹ, và ra quân rất sớm để cứu lấy tổ quốc lâm
nguy. Bên cạnh là những người cũng sớm ra tay để nhờ cuộc tranh cử mà cải thiện
cuộc sống. Tranh cử là cần tiền và tạo ra cơ hội làm ăn mà là làm ăn trong khu
vực tiếp cận với chính trị.
Ða số người Mỹ thì khác, họ không lý tới “đỉnh chung” là quyền lợi và bổng
lộc chính trị, họ đi làm, họ kinh doanh và cải thiện cuộc sống qua ngả khác. Rất
nhiều người trong số này có vẻ thờ ơ với những phát ngôn nảy lửa của các chuẩn ứng
cử viên đã xuất hiện quá sớm. Vì vậy, trong năm qua, sân khấu chính trị Hoa Kỳ
mới là nơi trình diễn của các chính khách bi quan với lời báo động nảy lửa và
những thậm từ ném vào mặt các đối phương.
Về chuyện lăng mạ đối thủ thì họ chẳng phát minh điều gì mới lạ: khi
tranh cử thì bậc quốc phụ năm xưa, từ Jefferson trở đi, đã từng có nhiều kiệt
tác làm các chính khách Âu Châu phải ngạc nhiên và xấu hổ! Nhưng lời báo động,
rằng nếu mà ta không lãnh đạo thì nước nhà sẽ tan nát vì di dân hay vì bất công
xã hội, là điều gì đó rất khôi hài. Người yếu bóng vía có thể bủn rủn vì những
lập luận ấy.
Nhưng biết đâu, đấy lại là một ưu thế khác của nền dân chủ Hoa Kỳ?
Nó cho phép những kẻ có tham vọng lên tiếng một cách cuồng nhiệt trong
một trò vui rồi bươi móc để loại bỏ nhau trước sự chứng kiến và cổ võ của khán
giả. Nhớ đến đại hội đảng vừa qua ở Hà Nội thì ta thấy trò chơi dân chủ của Mỹ
có “tính giải trí” rất cao, khác hẳn trò hề quanh khu Ba Ðình! Vòng sơ bộ có vẻ
nhiễu loạn ấy còn khiến chính quyền Obama có vẻ như bị tê liệt, vì làm gì cũng
sợ ảnh hưởng bất lợi cho phe ta. Nhờ vậy mà chúng ta ít bị sáng kiến rợn người
của một tổng thống khỏi cần tranh cử!
Chung cuộc thì tổng thống Hoa Kỳ có rất nhiều quyền hạn mà không toàn
quyền.
Lãnh đạo Hành Pháp phải thỏa hiệp với hai viện trên dưới của Lập Pháp,
mỗi viện lại có cơ cấu chính trị và thủ tục vận hành nhiêu khê và khác biệt. Rồi
tới Tối Cao Pháp Viện là cơ chế độc lập, cũng phân cực tùy hồ sơ phải thụ lý.
Có khi quyết định về lẽ đúng sai của Hành Pháp chỉ với một lá phiếu của
một vị chánh án cao niên được bổ nhiệm từ xưa với sự phê chuẩn của một Thượng
Viện đối lập! Chung quanh tổng thống còn có 50 thống đốc tiểu bang chỉ có trách
nhiệm với cử tri của họ, chứ không tuyệt đối tuân thủ chính quyền liên bang về
mọi chuyện. Sau cùng, tổng thống cũng chẳng thể bốc điện thoại ra chỉ thị cho
thống đốc ngân hàng về các biện pháp kinh tế có lợi cho chính quyền.
Tổng thống Mỹ chỉ có quyền hạn mở rộng về đối ngoại, nếu được hai điều
kiện: 1) Người khác, kể cả chế độ hung đồ hay tổ chức khủng bố, chấp thuận và
chấp hành, chao ôi là khó. Và 2) nhất là nếu quần chúng ở nhà đồng ý.
Nhưng ai là người nắm bắt được ý kiến hay tinh thần của quần chúng ở
nhà? Ðấy là các dân biểu của Hạ Viện, họ gần dân và “thân dân” vì hai năm lại
xin phiếu cử tri một lần và cũng ở vào tình trạng tái tranh cử thường trực! Họ
đồng ý với tổng thống hay không là do những tính toán cho cuộc tranh cử sắp tới
của họ. Việc tổng thống có mời họ đi đánh golf hay du ngoạn miễn phí trên Air
Force One chỉ là màn phụ diễn - cho vui.
Nền dân chủ quái đản này mà không có nét tuyệt vời sao?
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét