Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Quà tặng của ông Antonin Scalia



Ngô Nhân Dụng

Nếu Thẩm Phán Antonin Scalia qua đời trễ một năm, khoảng tháng này năm 2017, thì phần lớn dân Mỹ sẽ không được nghe nhắc đến tên ông, như trong mấy tuần này.

Nếu sang năm một vị thẩm phán tối cao ra đi, ông hay bà tổng thống mới sẽ đề nghị một người thay thế. Các nghị sĩ sẽ chất vấn người được đề cử, sẽ bàn cãi rồi biểu quyết. Lúc đó, sau một năm sôi nổi nghe vận động tranh cử, dân chúng Mỹ chỉ muốn quay trở lại với đời sống bình thường, sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến việc bổ nhiệm một thẩm phán tối cao mới.

Nhưng ông Antonin Scalia tạ thế vào đầu năm 2016, dân Mỹ sắp bầu tổng thống, bầu 34 nghị sĩ trong số 100 người ngồi ở Thượng Viện, và bầu lại toàn thể các dân biểu Hạ Viện. Tất cả các chính trị gia đều đang muốn nói, tìm cơ hội để nói. Vì vậy, ông Scalia vừa nhắm mắt thì cả nước Mỹ đã ồn lên.


Các nghị sĩ Cộng Hòa nói ngay rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ ai mà Tổng Thống Barack Obama đề nghị lên thay thế. Các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa phụ họa, nói rằng nên hoãn lại tới sang năm, cho vị tổng thống và Thượng Viện mới chọn người vào ngồi cái ghế của ông Scalia! Riêng ông Trump thì luôn luôn độc đáo, còn tỏ ý nghi ngờ rằng cái chết có vẻ không bình thường! Trong khi đó thì Tòa Bạch Ốc xác định ông Obama có bổn phận phải làm, ông sẽ đề nghị và xin Thượng Viện phê chuẩn một người mới để Tối Cao Pháp Viện tiếp tục công việc với đủ 9 thành viên. Các chính trị gia đảng Dân Chủ tất nhiên cũng nghĩ như vậy.

Ðây là món quà cuối cùng của Thẩm Phán Antonin Scalia tặng cho nước Mỹ: Thúc đẩy các nhà chính trị và dân chúng Mỹ phải quan tâm đến vai trò của Tối Cao Pháp Viện. Dân chúng cần chú ý tới việc đề cử các vị thẩm phán tối cao. Bởi vì họ là những người “cầm cân nảy mực” quyết định những chuyện liên can đến đời sống của rất nhiều người.

Trong một chế độ tự do dân chủ, đúng ra người dân phải có quyền bày tỏ ý kiến về việc chọn lựa vị thẩm phán tối cao, người sẽ quyết định rất nhiều vấn đề liên can đến đời sống của mình. Thí dụ, có những chuyện lặt vặt hàng ngày như chuyện học hành (một sinh viên gốc Á Châu học giỏi nhưng không được nhận vào một đại học danh tiếng, có thể đi thưa kiện hay không?), chuyện góp tiền cho nghiệp đoàn (một giáo viên không gia nhập công đoàn có phải đóng niên liễm hay không?). Ðến những vấn đề khá quan trọng khác, như chuyện các bà có quyền được cung cấp thuốc ngừa thai miễn phí hay không, người mua súng có bị kiểm tra lý lịch tư pháp chặt chẽ hơn không, vân vân. Trong thực tế, hai vấn đề thuốc ngừa thai và tiền niên liễm nghiệp đoàn trong mấy tháng tới đáng lẽ Tối Cao Pháp Viện sẽ phán quyết. Nhưng sau khi ông Scalia qua đời, những vụ này có thể sẽ bị bỏ lửng.

Năm nay, dân Mỹ sẽ được nghe nói rất nhiều về Tối Cao Pháp Viện, về các thẩm phán tối cao, họ sẽ phải suy nghĩ và có cơ hội chọn lựa các đại biểu Quốc Hội, chọn vị tổng thống sẽ bổ nhiệm người thay thế ông Scalia! Ít nhất, đây là một vấn đề “đứng đắn” đáng cho dân chúng suy nghĩ và lựa chọn trong năm bầu cử.

Chuyện này hiếm hoi, vì nhiều khi các chính trị gia đưa ra các đề tài tranh cử rất “tào lao.” Tào lao hiểu theo nghĩa đó là những vấn đề sôi nổi trong sáu tháng, một năm, nhưng về lâu về dài thì không quan trọng. Hoặc đó là những vấn đề phù phiếm, không ai có thể quyết định gì cả. Chẳng hạn, có ứng cử viên tổng thống làm dư luận sôi nổi khi đòi trục xuất tất cả các di dân không hợp pháp, xây một bức tường ngăn biên giới Mỹ với Mexico và bắt chính phủ Mexico trả tiền. Có ai suy nghĩ đứng đắn lại tin rằng đề nghị này có thể thực hiện được hay không?

Một ứng cử viên tổng thống khác yêu cầu nước Mỹ sẽ không nhận một di dân nào theo Hồi Giáo nữa! Một quốc gia ra đời do những người di cư vì họ bị bức hại về tôn giáo, có thể nào phản bội tinh thần tự do tín ngưỡng như thế hay không?

Năm 2004, một đề tài tranh cử gây ồn ào nhất là đề nghị thay đổi Hiến Pháp Mỹ, thêm tu chính án cấm hôn nhân đồng tính. Ai cũng biết đó là chuyện không thể nào thực hiện được dù được một đảng kiểm soát cả hành pháp lẫn lập pháp. Nhưng bao nhiêu cử tri đã nức lòng đi bỏ phiếu để ủng hộ ý kiến đó; mà sau cuộc bầu cử thì chính các người hô hào cũng cho chìm xuồng! Nếu năm nay cuộc vận động tranh cử ở Mỹ được hướng về đề tài Tối Cao Pháp Viện thì ít nhất các cử tri cũng được an ủi: Họ được mời suy nghĩ như những “người lớn,” chú ý đến một vấn đề quan trọng thật, đáng suy nghĩ thật,

Trong số ba quyền hành quan trọng nhất của chế độ dân chủ, quyền Tư pháp thường đóng vai trò mờ nhạt, trong khi vai trò của Hành pháp và Lập pháp luôn luôn nổi bật. Cũng dễ hiểu, vì các vị thẩm phán cấp liên bang ở Mỹ không phải tranh cử. Không ai chi hàng triệu hay trăm triệu đô la quảng cáo trên ti vi để được phong làm thẩm phán! Hình bóng mờ nhạt này rất thích hợp với vai trò của họ. Vì các thẩm phán, nhất là thẩm phán tối cao, phải sử dụng hiểu biết luật pháp và trí phán đoán của mình với tâm tĩnh lặng, không bị các tình tự sôi nổi nhất thời thúc đẩy.

Ông Antonin Scalia đã diễn tả điều này một cách rõ ràng nhất, khi ông nói, năm 2005: “Làm một thẩm phán đàng hoàng, bạn phải chấp nhận rằng không phải lúc nào bạn cũng ưa thích phán quyết của mình. Nếu suốt cả đời bạn luôn luôn ưa thích tất cả các phán quyết của mình, thì chắc có điều gì không ổn!” Chính ông, một thẩm phán được coi là bảo thủ, đã bỏ phiếu ủng hộ quyền các công dân Mỹ được đốt cờ Mỹ. Ông nói, “Tôi không ưa gì những người đốt quốc kỳ Mỹ, nhưng Tu chính án số một cho họ quyền tự do được làm việc đó.”

Cho nên xếp loại các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thành hai nhóm: bảo thủ (thường do các vị tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm) hoặc cấp tiến (thường do các vị tổng thống Dân Chủ) là quá máy móc. Vì các thẩm phán không quyết định theo lập trường chính trị. Vào Tối Cao Pháp Viện rồi, họ có thể ngồi đó suốt đời hay đến khi muốn nghỉ thì thôi. Những người từ nhiệm vẫn được trả lương và hưởng các phụ cấp như cũ. Lương bổng của họ trên 200 ngàn một năm, không thua lương tổng thống bao nhiêu. Họ không cần phải chiều theo ý muốn của bất cứ người nào dù đó là các nhà chính trị hay các đảng. Họ được các vị tổng thống đề nghị dựa trên quan điểm về Hiến Pháp, luật pháp. Họ xét xử theo luật pháp, theo cách họ giải thích Hiến Pháp, với lương tâm và hiểu biết của họ. Họ bỏ phiếu khác nhau vì mỗi người có thể giải thích hiến pháp theo cách khác nhau.

Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đóng vai quan trọng hơn tất cả các nhà chính trị. Các vị tổng thống ở Tòa Bạch Ốc được nhiều lắm là tám năm, sau đó chỉ đi diễn thuyết hoặc ngồi viết hồi ký. Các thẩm phán tối cao có ảnh hưởng rất lâu dài. Ông Antonin Scalia làm việc gần 30 năm. Ông Paul Stevens ngồi tòa 35 năm mới tự ý về hưu. Ông Stephen G. Breyer bắt đầu năm 1994, bà Bader Ginsburg năm 1993, Anthony M. Kennedy năm 1988, năm nay họ vẫn còn đó cả. Họ thường không được công chúng biết đến chính vì họ độc lập, họ không cần đi vận động “kiếm phiếu” như các chính trị gia.

Tính chất độc lập này thể hiện rất rõ. Thẩm Phán Tối Cao David H. Souter do cựu Tổng Thống Georges W.H. Bush (Cộng Hòa) bổ nhiệm nhưng ông vẫn hay đồng quan điểm với các vị thẩm phán cấp tiến. Ông Anthony M. Kennedy do cố Tổng Thống Reagan (Cộng Hòa) đề cử nhưng thường vẫn bỏ phiếu cùng các đồng viện cấp tiến. Thẩm Phán John Roberts, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện là một người được cựu Tổng Thống Georges W. Bush (Cộng Hòa) bổ nhiệm; nhưng sau đó ông đã hai lần bảo vệ mấy điều khoản bị kiện trong đạo luật cải tổ y tế của Tổng Thống Obama (Dân Chủ).

Trong các phán quyết tại tòa án tối cao, nhiều khi các thẩm phán bỏ phiếu không theo “hàng ngũ” nào cả. Một thí dụ tiêu biểu là vụ án, Florida v. Jardines, mỗi lần được đưa lên tòa trên là một lần phán quyết lại thay đổi.

Câu chuyện bắt đầu khi cảnh sát tiểu bang Florida và cơ quan bài trừ ma túy liên bang (DEA) bắt một người tên Jardines về tội trồng cần sa trong nhà. Bằng chứng đưa ra tòa rất hiển nhiên: Joelis Jardines có trồng cần sa, anh ta bị bắt trong lúc đang lẻn ra cửa sau đi trốn. Nhưng bị cáo đã cãi trước tòa rằng cảnh sát đã lấy được các “bằng chứng” này một cách bất hợp pháp! Vì cảnh sát đã đem chó tới trước cửa nhà anh ta hít hít nên mới thấy mùi cần sa. Ðàn chó đã hít hít trước khi cảnh sát được tòa ký giấy cho phép khám nhà. Như vậy là vi phạm Tu chính án số 4 trong Hiến Pháp Mỹ, cấm lục soát nhà tư nhân nếu không được tòa án cho phép (unreasonable searches).

Tòa sơ thẩm ở Florida đồng ý với Jardines, không chấp nhận các bằng chứng bất hợp pháp, do đó, anh ta không bị kết tội. Lên đến tòa kháng án tiểu bang, quan tòa lại đồng ý với chính phủ. Công tố viên Florida nói rằng việc đem chó tới ngửi trước cửa nhà không vi phạm “tư gia” của bị can, và đằng nào thì dù chó không hít, sau khi có phép khám nhà họ cũng tìm ra các bằng chứng đó. Nhưng Jardines tiếp tục kiện lên Tòa Tối Cao tiểu bang Florida. Ở đây, các thẩm phán lại nghĩ rằng việc đem chó đến ngửi trước cửa nhà là vi phạm Tu chính án số 4 vì “tính chất đặc biệt dành cho nhà riêng của các công dân trong truyền thống luật pháp Anh-Mỹ (special status accorded a citizen's home in Anglo-American jurisprudence). Thế là Jardines lại thắng, mấy đống cần sa không được chấp nhận làm bằng chứng.

Ðiều đặc biệt là trong các phiên tòa kể trên, người ta đã đưa ra các “tiền lệ” dựa trên các phán quyết trước của Tối Cao Pháp Viện Mỹ. Nhiều lần các thẩm phán đã đồng ý là các thứ ma túy tịch thu được là những bằng chứng buộc tội chấp nhận được, sau khi chó ngửi thấy mùi trong hành lý ở phi trường hay trong một chiếc xe hơi bị chặn khám. Nhưng phi trường hay đường lộ là những nơi công cộng, không phải tư gia. Hơn nữa khi cho chó ngửi thì nhân viên công lực không hề mở hành lý hay mở chiếc xe ra coi, do đó không vi phạm đời tư của các bị cáo. Còn ngôi nhà người ta ở, dù chỉ là cái cửa ra vào, cũng phải coi là “nhà tư.”

Sau cùng, năm 2013, vụ kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện liên bang. Các vị thẩm phán tối cao đã đồng ý với tòa án cao nhất Floria, không chấp nhận các bằng chứng kết tội anh Jardines, với một phán quyết 5 thuận, 4 chống. Hai ông Scalia và Thomas (bảo thủ), đã bỏ phiếu cùng với các bà Ginsburg, Sotomayor và Kagan (cấp tiến) họp thành đa số; còn thiểu số là chánh án Roberts và Alito (bảo thủ) đứng cùng phía với Breyer (cấp tiến) và Kennedy (bảo thủ nghiêng trung dung). Ðiều đáng chú ý là người ta vẫn nghĩ các thẩm phán được coi là bảo thủ thường vẫn hay coi trọng quyền của các nhân viên công lực; còn phe cấp tiến thì ngược lại! Nhưng trong vụ án này, chín ông bà thẩm phán đã chứng tỏ họ không thuộc một nhãn hiệu nào cả! Họ bỏ phiếu theo cách họ giải thích Tu chính án số 4 trong Hiến Pháp Mỹ.

Câu chuyện vụ án trên cho thấy việc giải thích Hiến Pháp và luật pháp không giản dị; mỗi quan tòa hay mỗi luật sư có thể hiểu theo cách khác nhau. Chính vì thế trong thể chế dân chủ tự do người ta không thể cho phép một nhóm người hay một đảng bao biện vừa làm ra luật, thi hành luật, lại vừa nắm quyền giải thích luật theo ý mình. Tam quyền phân lập là một nền tảng của chế độ dân chủ.

Năm nay dân chúng Mỹ có thể sẽ thấy việc chọn người vào Tối Cao Pháp Viện trở thành đề tài tranh cử gay cấn nhất - nếu Tổng Thống Obama và các nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện không thỏa hiệp được một ứng viên vừa lòng cả hai bên. Dân Mỹ sẽ có dịp học ôn lại về Hiến Pháp, về các quy tắc sống dân chủ tự do, những thứ mà trong đời sống hàng ngày họ vẫn bỏ qua, giống như không khí mà người ta vẫn thở nhưng không ai chú ý đến! Ðây là một quà tặng quý giá mà ông Antonin Scalia để lại.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét