Ngô Nhân Dụng
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=222166&zoneid=7
Cô Jenni Harvey, người
đứng ra quyên góp để tiền tặng ông Mã Long, nhận xét: “Tôi nghĩ có người xấu
làm chuyện xấu xa thì cũng có người tốt làm việc tốt lành.” Trung Úy Mã Hoàng
Long là người lái xe taxi bị ba tù vượt ngục bắt cóc suốt một tuần lễ, đã thoát
chết trở về. Khỏi cần giới thiệu, hình ảnh ông đã quen thuộc với quý vị độc giả
Người Việt trong cả tuần qua.
Cô Harvey nói đúng
quá. Nhưng thực ra ai mà chẳng nghĩ như vậy? Trên thế gian lúc nào chẳng có nhiều
người tốt? Ðọc báo, coi ti vi, chúng ta thường chỉ nghe những chuyện “người xấu
làm chuyện xấu xa.” Một người nhận ra đây là một dấu hiệu đáng mừng, đó là Ðức
Ðạt Lai Lạt Ma (đời thứ 14). Vì báo, đài thường chỉ loan tin những chuyện hiếm
có, ít khi xảy ra. Một con mèo năm chân có thể trở thành một đề tài được loan
tin khắp thế giới, còn những con mèo bốn chân ít hy vọng được lên báo, lên đài.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma bảo rằng báo, đài chỉ loan những tin người xấu làm chuyện xấu
chứng tỏ đó là những chuyện rất hiếm hoi. Nếu trên thế gian toàn những “người xấu
làm chuyện xấu” thì khi nào thấy có những “người tốt làm chuyện tốt” báo chí mới
làm ồn ào! Trên báo, trên đài không ai thấy bản tin “Một bà mẹ yêu con” hay “Một
cây cầu không sụp đổ.” Bởi vì đó là những chuyện bình thường, giống như không
khí chúng ta đang thở.
Trong những ngày chờ
đón Tết Bính Thân báo Người Việt đã có một dịp may, được kể chuyện “những người
tốt làm chuyện tốt.” Lại kể ra trong lúc đang loan tin “những người xấu làm việc
xấu,” thế mới may. Nói như cô Ngọc Lan: Ðược tổ đãi! Những người xấu làm việc xấu
là ba anh tù vượt ngục, bắt cóc, có lúc định giết một người lái tắc xi. Còn
Trung Úy Mã Hoàng Long là một người tốt làm việc tốt. Anh Dương Bắc, viết tên
trước họ sau thành Bắc Dương, một trong ba người tù vượt ngục, cũng cho thấy
anh là một người tốt, làm việc tốt. Rồi tới anh Matthew Hay-Chapman, một người
vô gia cư ở San Francisco, cũng là một người tốt làm việc tốt. Anh đã theo dõi
một người tù vượt ngục rồi báo cho cảnh sát bắt, để hắn ta không thể làm những
việc xấu khác. Cô Jenni Harvey, hoàn toàn không dính líu gì đến tất cả câu chuyện,
cũng là một người tốt làm việc tốt nữa.
Phải nói là chúng ta
may mắn, được nghe nhiều chuyện người tốt làm việc tốt trong lúc đang chuẩn bị
“đón Xuân về.” Mỗi lần đem kể lại câu chuyện cho người khác nghe, hay truyền bản
tin qua Internet cho bạn bè ở xa, là một lần chúng ta thấy ấm lòng. Ai cũng niềm
tin ở tính thiện của con người sống dậy, muốn chia sẻ cùng nhau. Ðón Giao Thừa
với những tình cảm an lành như thế, chẳng phải là may mắn lắm hay sao?
Ðối với người Việt
Nam thì đoạn phim ông tài xế Mã Long và người tù vượt ngục Dương Bắc đi với
trong hai ba ngày, trò chuyện với nhau trong chiếc xe dùng làm taxi, ngủ chung
trong motel trong một đêm, chạy loanh quanh từ chỗ này qua chỗ khác, là những cảnh
nhiều kịch tính nhất.
Từ chỗ cầm bằng mình
sẽ bị giết, từ chỗ nhìn người bắt cóc mình với con mắt nghi ngờ, ghê sợ, Trung
Úy Mã Hoàng Long dần dần nhận ra người tù vượt ngục này đã cứu mạng mình, anh
ta có từ tâm. Một biến chuyển bất ngờ trong kịch bản là khi giữa câu chuyện Bắc
bỗng gọi Trung Úy Long là “bố,” rồi lại nhờ “bố” cứu mình. “Tối đó, Bắc ngồi
nói chuyện với tôi. Nó khóc nhiều. Nó kêu tôi bằng 'bố,' nó bảo tôi nhận nó làm
con nuôi, rồi nó nói, 'Bố, bố cứu con!'”
Chắc hẳn nhân vật
Dương Bắc này đã chớm nảy ra ý định quay đầu trở về với luật pháp khi anh phản
đối người cùng vượt ngục, Hossein Nayeri, khi anh ta muốn giết người tài xế
taxi bị bắt cóc. Thấy một ai tỏ ý muốn giết người khác mà không ngăn cản, thì
mình cũng a tòng với hành động sát nhân. Tức là phạm một tội nặng hơn tội vượt
ngục. Tức là càng chạy xa ra ngoài vòng pháp luật. Dương Bắc đã phản đối kịch
liệt đến nỗi bị Hossein hành hung.
Vượt ngục thì phạm tội
với luật pháp, nhưng giết người, hoặc thấy có kẻ định giết người mà không ngăn
cản, là phản bội cả những nền đạo lý của loài người. Dương Bắc bị tên bạn tù
đánh đấm, không dám đánh lại vì chắc biết nó hung dữ lắm, nó sẽ đánh đau hơn.
Anh chấp nhận chịu đòn nhưng không chấp nhận đồng lõa với tội ác giết người.
Không muốn một người không dưng bị giết, dù đó là một người không quen biết. Có
thể nói đó là một hành động hy sinh hay không? Tại sao anh ta chịu hy sinh như
vậy?
Dương Bắc chắc hẳn đã
được cha mẹ giáo dục đàng hoàng hồi còn nhỏ. Trước khi đầu thú với cảnh sát,
anh còn bầy kế cho “Bố Long” được nhận tiền thưởng, và xin ông Long chia một phần
cho mẹ mình và cho các con mình. Một người con trước khi trở lại nhà tù còn
nghĩ đến mẹ, người bố vẫn lo cho các con thơ; một người như vậy thì chắc ông
Long phải thương. Ông gọi Dương Bắc là “con” với tình thương chân thật: “Con cứu
mạng bố. Bố sẽ nhớ ơn con.”
Nhưng trước khi Bắc gọi
ông Long là “bố” thì chắc anh ta cũng đã nhìn thấy ông Long có phong cách một
người đáng làm cha. Một người bị bắt cóc bất ngờ mà không hoảng hốt, không lạy
van xin tha. Bị dí súng vào bụng mà không run sợ, không vùng vẫy tìm đường chạy,
chạy không thoát mà có thể bị giết. Ðóng vai “tù binh” suốt năm ngày, ba anh tù
vượt ngục có súng, có dao kèm sát bên cạnh; nếu chúng bị cảnh sát tấn công thì
mình có thể bị chết oan. Trong hoàn cảnh như thế, ông Long vẫn bình tĩnh được.
Nằm bên cạnh người tù vượt ngục đang canh gác mình, ông lên tiếng xin phép hắn
rồi mới đứng dậy vào nhà vệ sinh. Ông vẫn chọn món ăn theo ý thích, “thà làm
con ma no” khi biết 99% chắc mình sắp chết. Coi ti vi, ông cố học được một tiếng
Anh “tù nhân, inmate” để chờ có dịp nói cho người khác biết. Trung Úy Long chấp
nhận vai trò một người tù của những người tù với thái độ thản nhiên, sẵn sàng
chờ, chết hay sống cũng vậy. Có lẽ nhìn ba người tù vượt ngục này, ông thấy họ
còn có chất “người” hơn những anh quản giáo trong nhà tù Việt Cộng. Không đứa
nào tính bắt ông phải “học tập” cái con khỉ nào hết! Ông Long là người hài hước.
Khi Bắc đề nghị ông đi báo cảnh sát để lãnh thưởng, ông còn đùa: “Bây giờ con
kêu bố bằng bố, có thằng bố nào đi tố cáo con với cảnh sát để lãnh tiền thưởng
không?” Phong cách hành xử của Trung Úy Mã Hoàng Long đã khiến Dương Bắc muốn gọi
ông là bố. Nhiều người suốt đời mong có một người nào để được gọi là bố, xưng
con.
Cơ duyên đưa đẩy cho
hai người Việt Nam gặp nhau trong một nghịch cảnh lạ lùng. Một người tù vượt ngục,
một người lái xe chở khách. Chỉ vì Trung Úy Long đăng Rao Vặt trên nhật báo Người
Việt nên Bắc mới gọi ông đến! Có người nói đùa: Báo Người Việt hãy quảng cáo rằng:
“Một người vượt ngục, sau khi ra khỏi tù đã tìm đọc ngay Rao Vặt trên Người Việt!”
Nhưng chắc chúng ta không nên khai thác nỗi bất hạnh của đồng loại. Không nên
đùa cợt trước cảnh thống khổ của người khác.
Qua báo Người Việt,
hai người Việt Nam xa xứ đã gặp nhau, lôi kéo nhau vào một tấn kịch có thể kết
cục bi thảm. May mắn là câu chuyện kết thúc “có hậu!” Tự nhiên, hai người không
quen biết bây giờ gọi nhau là bố với con! Với tất cả chân tình.
Ðây chắc là do phúc đức
ông bà để lại. Tổ tiên mình ngày xưa, từ thời trống đồng Ðông Sơn với các vua
Hùng, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, các cụ đã ăn ở nhân đức như thế nào đó cho
nên con cháu bây giờ gặp nhau sẵn sàng nhận nhau làm bố nuôi, con nuôi. “Người
trong một nước phải thương nhau cùng,” câu này nghe nói đã được truyền lại từ
thời Bà Trưng. Nhà hiền triết Plato ở Hy Lạp trước đây hơn hai ngàn năm, viết:
“Ở một xứ cái gì được mọi người đề cao thì người ta sẽ nuôi dưỡng.”*
Trung Úy Long nói,
“Gia đình tôi, cá nhân tôi rất trọng cái ơn.” Cái ơn cứu mạng càng không quên
được. Ðó là truyền thống của cả dân tộc, gia đình nào cũng vậy. Những tấm gương
nhân đức đã được tổ tiên đề cao, cho nên người Việt Nam suốt mấy ngàn năm đã
nuôi dưỡng. Chúng ta sống theo lời dạy của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn
Ðình Chiểu! Chúng ta đều là con cháu của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn
Ðình Chiểu và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng truyền thống đó.
Nhưng trên thế gian
còn rất nhiều người tử tế. Anh Matthew Hay-Chapman, cô Jenni Harvey đều là những
người tử tế. Chúng ta sống trong một xã hội rất nhiều người tử tế, đó là một
tin vui trong lúc đợi Xuân về!
*Chú thích: “What is
honored in a country is cultivated there.” Plato, Republic, Book VIII. Ông bàn
về các thể chế chính trị. Ở đâu đề cao danh vọng, thì người ta thích gây chiến
tranh. Nơi đề cao tiền tài thì ai cũng tham lam vơ vét. Xã hội bất công quá thì
dân nổi loạn, rồi có thể rơi vào cảnh độc tài chuyên chế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét