Biên dịch: Tuong Vu
Nguồn: K. W. Taylor,
“Introduction: Voices from the South”, in K. W. Taylor (ed), Voices from the
Second Republic of South Vietnam (1967-1975) (Ithaca: Cornell Southeast Asia
Program Publications, 2014), pp. 1-8.
Người Mỹ chúng ta thường
nghĩ về chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) như một định chế thống nhất trong hai
thập kỷ (1955-75) khi quốc gia này là đồng minh của Hoa Kỳ. Thực ra, nền chính
trị của VNCH trải qua nhiều thăng trầm của cuộc chiến tranh: đầu tiên là một chế
độ độc tài, sau đó là một giai đoạn hỗn loạn, rồi đến một thời kỳ thử nghiệm
dân chủ đại nghị khá ổn định. Trong phần lớn các bài viết, dù là nghiên cứu học
thuật hay báo chí, VNCH hiện lên như một chế độ độc tài, tham nhũng, và hỗn loạn.
Hình ảnh này mang tính chất phiến diện, cường điệu, và dựa trên những biến cố
trong hai thời kỳ đầu của VNCH. Đã có rất ít nỗ lực đánh giá những thành tựu của
VNCH trong tám năm cuối.
Tác giả của các bài
viết trong tập sách này là những người đã cố sức xây dựng một thể chế hiến định
của chính phủ đại nghị trong bối cảnh một cuộc chiến tranh tuyệt vọng với đối
phương là một nhà nước độc tài toàn trị. Đây là thời kỳ Đệ nhị cộng hòa
(1967-1975). Nhiều người Việt đã đặt niềm hy vọng vào nền Đệ nhị cộng hòa, và
qua nó chiến đấu và nỗ lực đóng góp cho tương lai của một Việt Nam-phi-cộng-sản.
Qua tập sách này chúng tôi muốn đem câu chuyện của họ đến với bạn đọc vì những
thành tựu của thời kỳ đó không phải nhỏ.
Trong những thập kỷ đầu
của nửa sau thế kỷ 20, các thuộc địa trở thành quốc gia độc lập bằng nhiều đường
khác nhau. Quá trình này ở Việt Nam đặc biệt phức tạp và lâu dài vì cuộc tranh
chấp giữa các nhóm người Việt có ý thức hệ khác biệt bị lôi cuốn vào cuộc tranh
hùng của hai siêu cường trên thế giới. Trong bài giới thiệu này, tôi sẽ trình
bày bối cảnh lịch sử của nền Đệ nhị cộng hòa trong đó người Việt đóng vai trò
chủ động bên cạnh các cường quốc. Tôi cũng sẽ xem xét những vấn đề quan trọng
liên quan đến việc đánh giá nền Đệ nhị cộng hòa, và đề nghị một cách phân tích
nhìn từ quan điểm của người Việt.
Trong nửa thế kỷ, từ
năm 1940 đến năm 1990, chiến tranh đã bao phủ cuộc sống của người dân thuộc địa
Đông dương của Pháp và sau đó là Cam Bốt, Lào, và Việt Nam. Đầu tiên là cuộc
chiến tranh Thái bình dương, hay Thế chiến thứ Hai ở Á châu, khi Đông dương bị
Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng.
Sau khi Đức chiếm
Pháp năm 1940, Nhật điều đình với chính phủ Vichy do Đức lập nên ở Paris để được
quyền chiếm đóng và động viên tài lực ở Đông dương cho quân đội Nhật ở vùng
Đông nam Á và Thái bình dương. Đông Dương vẫn do chính phủ thuộc địa của Pháp
cai trị, cho phép Nhật rảnh tay dồn mọi nỗ lực đánh bại quân Đồng minh ở Miến
Điện và quanh các quần đảo ở Đông nam Á và Thái bình dương.
Đóng góp lớn nhất của
Nhật vào lịch sử Việt Nam hiện đại là cuộc đảo chính tháng 3 năm 1945, khi quân
Nhật bắt giam người Pháp và trực tiếp cai quản Đông dương. Cuộc đảo chính này
do Nhật đề phòng khả năng Pháp trở mặt khi quân Đồng minh đến gần Đông dương.
Quan hệ giữa Nhật và Pháp đã ngày càng căng thẳng; việc cả hai tích trữ lương
thực dẫn đến nạn đói lớn ở Bắc kỳ vào mùa đông năm 1944-45. Cú đảo chính Pháp của
Nhật kết liễu chế độ thực dân Pháp ở Đông dương. Điều này có nghĩa là người
Pháp hoặc phải chấp nhận họ đã vĩnh viễn mất Đông dương, hoặc phải giành lại nó
bằng vũ lực. Họ chọn cách thứ hai.
Sau khi Nhật đầu hàng
Đồng minh vào tháng 8 năm 1945, chiến tranh trở lại khi Pháp tìm cách tái lập
chế độ thuộc địa ở Đông dương. Quân đội Pháp gặp phải sự chống đối của người Việt.
Hồ Chí Minh thành công trong việc loại bỏ hay trung lập hóa những cá nhân hay đảng
phái theo chủ nghĩa Quốc gia, và phe Cộng sản của ông ta giành được địa vị lãnh
đạo ở miền Bắc. Cuộc chiến tranh của người Pháp kéo dài đến năm 1954 còn có tên
gọi khác là cuộc chiến Pháp-Việt hay chiến tranh Đông dương lần thứ nhất. Khi Cộng
sản Trung Hoa lên nắm quyền và bắt đầu hỗ trợ Cộng sản Việt Nam vào đầu năm
1950, cuộc chiến này trở thành một phần của cuộc đối đầu giữa phe Cộng sản và
phe chống Cộng trên phạm vi toàn thế giới. Đối với người Việt, thực ra sự phân
chia Quốc-Cộng này đã diễn ra từ thập niên 1930.
Những người Việt chống
Cộng theo chủ nghĩa Quốc gia chỉ còn hai con đường: hoặc tham gia vào chính phủ
Việt Nam do Pháp bảo trợ và do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo trên danh nghĩa, hoặc
rút lui khỏi chính trường chờ một cơ hội khác để thành lập chính phủ mới không
Cộng sản cũng không dính dáng đến Pháp. Nhân vật nổi bật nhất trong số những
người lui về chờ thời là Ngô Đình Diệm, người được Bảo Đại trao quyền Thủ tướng
năm 1954. Vào thời điểm này người Pháp bắt đầu rút lui khỏi Việt Nam theo một
hiệp ước quốc tế trả lại độc lập cho ba nước Đông dương đồng thời chia đôi Việt
Nam. Miền Bắc nằm dưới quyền kiểm soát của Cộng sản và Hồ Chí Minh, còn miền
Nam do chính phủ của Ngô Đình Diệm và phe Quốc gia cai quản.
Giới học giả và ký giả
đã mất nhiều giấy mực tranh cãi về thuật ngữ chủ nghĩa Quốc gia (hay dân tộc).
Chủ nghĩa này có sức mạnh to lớn trong lịch sử hiện đại, và trong một thời kỳ
dài người ta tôn sùng chủ nghĩa này và tin vào tính chính đáng của nó hơn tất cả
các chủ nghĩa khác. Liệu thuật ngữ này chỉ nên dành riêng để mô tả phong trào Cộng
sản Việt Nam là một câu hỏi căn bản trong việc giải thích lịch sử hiện đại của
Việt Nam. Dựa trên quan điểm của người Việt, dĩ nhiên không khó khăn gì để trả
lời câu hỏi này từ sau năm 1945, khi Cộng sản Việt Nam liên minh với phong trào
Cộng sản quốc tế. Đối với phong trào này, giai cấp quan trọng hơn quốc gia và
dân tộc. Vì lẽ này, những người chống Cộng ở Việt Nam coi mình là thực sự đại
diện cho chủ nghĩa Quốc gia, xem trọng dân tộc hơn giai cấp. Quan điểm này được
thể hiện mạnh mẽ nhất trong hồi ký của Nguyễn Công Luận, “Một Người theo Chủ
Nghĩa Quốc Gia trong Chiến Tranh Việt Nam.”[1] Một mục đích của tập sách này là
trình bày quan điểm của những người cống hiến cho nền Đệ nhị cộng hòa mà họ xem
là đại diện cho chủ nghĩa Quốc gia Việt Nam, khác hẳn với chủ nghĩa Cộng sản.
Đây là những người muốn xây dựng một Việt Nam mới không phải trải qua một cuộc
cách mạng bạo tàn để thay đổi xã hội truyền thống. Vì mục đích này, tôi không
có lý do gì để không dùng thuật ngữ chủ nghĩa Quốc gia để nói về họ, những người
đã đầu tư sức trẻ vào nền Đệ nhị cộng hòa.
Khi Trung Cộng bắt đầu
hỗ trợ Cộng sản Việt Nam vào năm 1950, Hoa Kỳ cũng bắt đầu ủng hộ các lực lượng
của Pháp và người Việt theo chủ nghĩa Quốc gia. Sau năm 1954, Hoa Kỳ tiếp tục
giúp miền Nam, còn Liên Xô và Trung Cộng giúp miền Bắc. Đây là bối cảnh của cuộc
chiến tranh kế tiếp, dưới tên gọi chiến tranh Đông dương lần thứ hai, chiến
tranh của người Mỹ, hay chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ cuối thập niên 1950 và
kết thúc vào năm 1975.
Những biến chuyển
trong hai thập niên đó thường được xem là thuộc về một cuộc chiến tranh duy nhất.
Tuy nhiên, theo quan điểm của miền Nam trong thời gian đó có ba giai đoạn khác
nhau về chiến tranh, chính trị, và chính quyền. Dưới nền Đệ nhất cộng hòa
(1955-63) của tổng thống Ngô Đình Diệm, một chính quyền tương đối ổn định được
thiết lập ở Sài gòn vào giữa thập niên 1950. Nhưng sau đó chính quyền Hà nội
theo đuổi đường lối lật đổ chính quyền miền Nam bằng khủng bố, xúi giục bất ổn
chính trị, và chiến tranh du kích. Chính phủ Mỹ ngày càng chỉ trích Ngô Đình Diệm
nhiều hơn vì ông ta không muốn mở rộng chính phủ cho những nhân vật không có
liên hệ gia đình hay thân hữu gia nhập. Về phần ông ta, Ngô Đình Diệm mất tin
tưởng vào người Mỹ sau khi Hoa Kỳ ký thỏa thuận về Lào cho phép Bắc Việt có thể
thâm nhập vào miền Nam qua biên giới Lào-Việt. Ông ta không tán thành việc
chính quyền Kennedy muốn tăng mạnh con số cố vấn Mỹ ở miền Nam. Ngô Đình Diệm
cho rằng chính sách của Kennedy đe dọa chủ quyền của VNCH và trái với sự nghiệp
và lý tưởng Quốc gia của ông.
Ngô Đình Diệm cũng bất
đồng với người Mỹ về cách thức đương đầu với mối đe dọa từ miền Bắc. Ông ta tin
rằng cần phải giải quyết các vấn đề quân sự và an ninh trước khi mở rộng chính
phủ cho các thành phần khác tham gia, trái với ý kiến của nhiều người Mỹ cho rằng
phải làm ngược lại mới đúng. Các bất đồng chưa được giải quyết thì những biến cố
bất ngờ xảy ra dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. Năm 1963, anh trai của
Ngô Đình Diệm là Tổng giám mục Thiên chúa giáo ở Huế gây ra căng thẳng với các
tu sĩ Phật giáo khiến họ chống lại chính quyền Sài Gòn. Huế là kinh đô của vua
chúa nhà Nguyễn trước khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, và sau khi độc
lập trở thành trung tâm của phong trào Quốc gia do các tu sĩ Phật giáo có xu hướng
chính trị lãnh đạo. Các cuộc biểu tình chống chính phủ của tăng ni Phật giáo
lan tới những thành phố lớn của miền Nam vào mùa hè năm 1963, làm cho người Mỹ
mất hẳn niềm tin vào Ngô Đình Diệm. Nền Đệ nhất cộng hòa kết thúc với cái chết
của ông ta trong cuộc đảo chính quân sự được chính phủ Mỹ khuyến khích.
Bốn năm tiếp theo
(1963-67) là giai đoạn giao thời. Trong thời kỳ này, chính quyền miền Nam do
các sĩ quan quân đội lãnh đạo với sự cộng tác của viên chức dân sự. Lúc này ngọn
lửa chiến tranh đã lan rộng với lực lượng quân đội của Mỹ và miền Bắc đổ vào miền
Nam ngày càng nhiều. Cho đến năm 1966, chính trị trong nước rơi vào tình trạng
bất ổn và chính quyền thay đổi liên tục. Sự hỗn loạn này là do quan hệ thay đổi
giữa các sĩ quan quân đội, do các hoạt động chính trị của nhóm tu sĩ Phật giáo
đã gây ra sự sụp đổ của nền Đệ nhất cộng hòa, và do cố gắng của các tổ chức tôn
giáo hay chính trị khác thúc đẩy hay chống lại thay đổi.
Vào năm 1967, một bản
Hiến pháp mới được thông qua và thi hành, dẫn đến sự ra đời của nền Đệ nhị cộng
hòa (1967-75). Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chế độ miền
Nam đạt được sự ổn định chính trị và ngày càng đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong
cuộc chiến khi quân đội Mỹ rút lui dần dần và hoàn toàn vào năm 1973. Trong những
năm này, thường dân, nhà giáo, nhà báo, chính khách, thương nhân, viên chức, luật
sư, thẩm phán, tướng lãnh quân đội, và nhà ngoại giao, đều có đóng góp vào việc
xây dựng một chính phủ hiến định dựa trên chế độ bầu cử tương đối cởi mở với
các cơ quan hành pháp, lập pháp, và tư pháp riêng biệt. Trong một đất nước vừa
được độc lập không lâu, trải qua một quá trình giải thực khó khăn, không có
truyền thống dân chủ hay lập hiến, lại bị một nước lân cận quyết tâm phá hoại,
và với một đồng minh đang tìm cách rút lui, thử nghiệm dân chủ dưới nền Đệ nhị
cộng hòa vẫn diễn ra và đạt được nhiều thành công.
Hầu như tất cả các
tác giả viết về những năm cuối của cuộc chiến đều lờ đi thành tích đạt được của
nền Đệ nhị cộng hòa. Những thành tích đó làm cho người Mỹ xấu hổ vì một trong
những lập luận chính của những người có lập trường chống chiến tranh Việt Nam
là chính phủ Sài gòn là một chế độ độc tài không thể thay đổi được, không xứng
đáng nhận sự giúp đỡ của Mỹ, và dù thế nào chăng nữa cũng phải thất bại. Lập
trường phản chiến này đã giành được địa vị độc tôn trong giới học giả và phân
tích chính trị ở Mỹ. Lập luận nêu trên giúp cho người Mỹ bớt dằn vặt về đạo đức
vì nước Mỹ đã bỏ rơi một đồng minh trong cơn hoạn nạn. Nhưng thực ra lập luận
đó phản ánh nỗi thất vọng của người Mỹ nhiều hơn là thực tế những gì đang xảy
ra do người Việt cảm nhận. Những hồi ức trong tập sách này phản ánh những ước vọng
và nỗ lực của những người quan tâm nhiệt thành đến tương lai của nền Đệ nhị cộng
hòa.
Nền Đệ nhị cộng hòa đạt
được ít nhất bốn thành tựu chính. Thứ nhất, về mặt quân sự, Quân lực VNCH nhận
trách nhiệm chiến đấu từ người Mỹ. Mặc dù biến cố Tết Mậu thân năm 1968 làm cho
dư luận Mỹ chuyển sang phản đối chiến tranh Việt Nam, dư luận ở miền Nam Việt
Nam thay đổi theo chiều ngược lại. Tổn thất của phe Cộng sản giúp chính phủ
giành lại quyền kiểm soát phần lớn vùng thôn quê và thực thi những chính sách hợp
lòng dân quê. Thêm nữa, việc người Cộng sản đem cuộc chiến vào giữa các đô thị
gây căm phẫn cho dân cư thành thị. Rất nhiều người giờ đây hiểu rằng họ có một
thứ cần phải chiến đấu để gìn giữ: đó chính là nền Đệ nhị cộng hòa. Với sự rút
lui của quân đội Mỹ sau Tết Mậu thân, người Việt ngày càng nhận thêm trách nhiệm
bảo vệ đất nước họ.
Trong hai năm 1970 và
1971, Quân lực VNCH tham chiến với quân đội Mỹ hay với sự trợ giúp hỏa lực của
Mỹ đã tiến hành những chiến dịch lớn ở Lào và Cam Bốt với mục đích làm giảm bớt
khả năng của quân đội Bắc Việt dùng lãnh thổ của hai nước láng giềng tấn công
vào miền Nam Việt Nam. Những chiến dịch này gây nhiều tổn thất và tranh cãi,
nhưng cũng giúp cho Quân lực VNCH thêm khả năng và kinh nghiệm, và phần nào đặt
quân đội Bắc Việt vào thế bị động. Trong cuộc tổng tấn công trên ba mặt trận
vào mùa xuân 1972 của Cộng sản, khi hầu như tất cả quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt
Nam, Quân lực VNCH đã đẩy lùi Cộng quân với sự trợ giúp của không quân Mỹ. Tuy
nhiên ba năm sau đó, thiếu sự ủng hộ vật chất và tinh thần của đồng minh, nền Đệ
nhị cộng hòa đã bị đánh bại.
Thành tựu thứ hai của
nền Đệ nhị cộng hòa là ở lĩnh vực phát triển nông thôn. Sau Tết Mậu thân, tình
hình an ninh ở thôn quê được đảm bảo cho việc thực thi một chương trình cải
cách ruộng đất làm thay đổi nền kinh tế, xã hội, và chính trị ở phần lớn khu vực
nông thôn. Mặc dù không được phần lớn giới quan sát ngoại quốc quan tâm, chính
sách này tạo ra một mối quan hệ bình đẳng hơn giữa thành thị và thôn quê cũng
như bồi đắp tiềm lực của khu vực nông thôn để làm tiền đề cho việc phát triển
kinh tế trong tương lai. Chương trình cải cách ruộng đất được thực thi một cách
hòa bình và được sự ủng hộ của dân chúng, hoàn toàn khác với các cuộc cải cách
ruộng đất tàn bạo ở Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Đây là một lý do nữa mà
người miền Nam phải chiến đấu chống lại miền Bắc.
Thứ ba, những thành tựu
quan trọng về sản xuất và phân phối lúa gạo, về quản lý thị trường, về tìm kiếm
dầu hỏa, và về chính sách tài chính đưa miền Nam Việt Nam gần hơn với mục tiêu
độc lập kinh tế khi viện trợ Mỹ chấm dứt. Một thế hệ lãnh đạo mới đã hình
thành, trong đó nhiều người có tinh thần dân tộc cao và tốt nghiệp từ các trường
đại học của Mỹ. Những người này đem chí hướng cải cách cũng như thái độ tích cực
và thực tế vào một nền hành chánh vốn chịu nhiều ảnh hưởng của quá khứ thực dân
quan liêu. Trong hoàn cảnh phải đối đầu với những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí
đến mức tuyệt vọng, trong hoàn cảnh nguồn lực suy yếu vì đồng minh Mỹ cắt giảm
viện trợ, chính phủ Đệ nhị cộng hòa cho thấy có khả năng đưa ra những quyết định
táo bạo.
Thứ tư, nhiều tiến bộ
phải được ghi nhận về việc xây dựng một chính phủ hợp hiến gồm có lưỡng viện Quốc
Hội, thể chế bầu cử đa đảng, và một hệ thống tư pháp độc lập giúp củng cố quy
trình pháp luật để bảo vệ tự do cá nhân và những nguyên tắc chính trị dân chủ.
Nhiều người Mỹ chê bai những tiến bộ trong lãnh vực này của chính phủ Đệ nhị cộng
hòa bằng cách so sánh chúng với những thể chế ở Mỹ đã có hơn 200 năm phát triển.
Nhưng nếu so sánh với những gì Việt Nam trải qua dưới thời thực dân và trong
chiến tranh, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều tiến bộ trong thời kỳ Đệ nhị cộng
hòa.
Những thành tựu trên
không có nghĩa là Đệ nhị cộng hòa không có khuyết điểm gì. Nhiều quốc gia hậu
thuộc địa, kể cả hai nhà nước ở hai miền của Việt Nam, đều phải lệ thuộc rất lớn
vào ngoại viện. Ngược lại với Bắc Việt, khuyết điểm lớn nhất của Đệ nhị cộng
hòa là việc nó lệ thuộc vào một đồng minh không “chung thủy” [nguyên văn:
“unreliable”]. Các chính khách của miền Nam có xu hướng coi quan hệ đồng minh với
Mỹ là mặc nhiên và không tìm cách để bảo vệ mối quan hệ hay thay thế nó khi nó
không còn nữa.
Đệ nhị cộng hòa thất
bại trên mặt trận tuyên truyền ở Mỹ vì người ta gán cho nó những khuyết điểm của
nền Đệ nhất cộng hòa và của giai đoạn giao thời. Dĩ nhiên những cặp mắt phê
phán luôn có thể tìm thấy khuyết điểm ở bất cứ quốc gia nào, đặc biệt trong trường
hợp một quốc gia trẻ đang cố gắng để tồn tại dù phải đương đầu với một kẻ thù
ghê gớm. Nhưng những người Mỹ phê phán Đệ nhị cộng hòa lại có thái độ kẻ cả của
một nước lớn. Họ đi xa đến mức chối bỏ tính chính danh của chế độ Đệ nhị cộng
hòa như một nhà nước có chủ quyền. Chính phủ Mỹ cũng phạm sai lầm tương tự. Hiệp
định Paris do Washington ký kết với Hà Nội đã vi phạm hiến pháp và chủ quyền của
Đệ nhị cộng hòa.
Năm 1954, Pháp thay mặt
cho những người Việt quốc gia đàm phán ở Geneva nhưng thực ra là làm hại họ. Chính
phủ Mỹ cũng làm thế đối với Hiệp định Paris năm 1973. Ngô Đình Diệm coi Hiệp định
Geneva là hành động của Pháp qua mặt chính phủ của ông ta để đàm phán với kẻ
thù. Nguyễn Văn Thiệu cũng có suy nghĩ tương tự với Hiệp định Paris giữa Mỹ và
Bắc Việt. Cả hai thỏa ước chứa đựng những điều khoản có thể hay thực tế đã gây
khó khăn cho những người Việt quốc gia.
Một lý do gây tranh
cãi về Hiệp định Geneva là việc người Pháp thừa nhận Cộng sản Việt Nam là đại
diện cho một nhà nước có chủ quyền, trong khi đó họ lại không phê chuẩn một thỏa
ước trao trả độc lập cho chính quyền của phe quốc gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh
đạo. Mưu đồ của người Pháp muốn giữ lại chủ quyền ở miền Nam là để nắm quyền xử
lý tình hình ở Sài gòn cho đến khi “bầu cử” thống nhất được tổ chức hai năm sau
theo Hiệp định.
Nhưng Ngô Đình Diệm
không cho phép người Pháp tiếp tục khuynh đảo tương lai của Việt Nam. Ông ta tổ
chức trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 1955 để truất phế Bảo Đại và tạo điều kiện
cho nền Đệ nhất cộng hòa ra đời. Biến cố này có thể được xem là bản tuyên ngôn
độc lập của người Việt quốc gia. Họ làm được việc này nhờ tìm được người Mỹ làm
đồng minh. Tuy nhiên, khi người Mỹ thỏa thuận với Cộng sản để rút lui khỏi Việt
Nam năm 1973, người Việt quốc gia không còn chỗ dựa nào khác.
Có lẽ chẳng có cách
nào để VNCH khắc phục được khuyết điểm căn bản là thiếu một đồng minh đáng tin
cậy trong khi đồng minh của Bắc Việt không bỏ cuộc cho đến phút cuối. Có lẽ chẳng
có cách nào giúp chế độ Đệ nhị cộng hòa khắc phục được việc bị dư luận Mỹ đánh
đồng với những thất bại của Đệ nhất cộng hòa và giai đoạn giao thời. Nhưng cũng
có thể lập luận như một vài tác giả trong tập sách này rằng Đệ nhị cộng hòa lẽ
ra nên tích cực chủ động hơn trong việc tác động đến dư luận Mỹ để chính phủ Mỹ
có thể hỗ trợ Việt Nam lâu hơn và nhiều hơn—dù rằng việc này rất khó trong điều
kiện dân chúng Mỹ phải bận tâm đến những rối loạn chính trị xã hội ở nước họ.
Không thể phủ nhận rằng
Đệ nhị cộng hòa phải đương đầu với những thách đố nghiêm trọng. Phần lớn nếu
không phải tất cả những thách đố đó đều có liên quan đến việc giảm dần tiến tới
mất hẳn nguồn ngoại viện nhưng vẫn phải mạnh lên để kháng cự quân đội miền Bắc
vẫn tiếp tục được đồng minh của họ trợ giúp. Bài viết của Trần Quang Minh và
Nguyễn Đức Cường trong tập sách này mô tả những cố gắng tái cấu trúc kinh tế và
kế hoạch tự lực cánh sinh. Hồ Văn Kỳ-Thoại kể lại trận đánh giữa VNCH và Trung
Cộng ở Hoàng Sa năm 1974. Khi đó, tàu của Hải quân Mỹ quan sát từ xa nhưng
không can thiệp và thậm chí không cứu vớt những người lính thủy Việt Nam bị
chìm tàu trong cuộc hỗn chiến. Qua cử chỉ này của quân đội Mỹ, chính phủ Sài
gòn đáng lẽ phải biết rằng không thể tiếp tục trông vào sự giúp đỡ của Mỹ khi cần
thiết nữa. Việc Sài gòn vẫn tiếp tục mong được Mỹ giúp đỡ có lẽ là thất bại lớn
nhất của Đệ nhị cộng hòa—tuy nhiên cũng phải nói là khó tìm được một đồng minh
khác có thể thay thế Hoa Kỳ.
Không khó để chỉ
trích những quyết định chiến thuật và chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu trong mùa
xuân 1975, nhưng không phải dễ để chỉ ra một lối thoát. Từ khi quân đội Mỹ triệt
thoái năm 1973, viện trợ Mỹ cho Đệ nhị cộng hòa giảm bớt rất nhanh. Trong khi
đó, địch quân được Hiệp định Paris cho phép ở lại miền Nam và tiếp tục được củng
cố, huấn luyện và tái trang bị cho các chiến dịch kế tiếp.
Ai đó có thể lập luận
rằng cam kết thực thi một nền dân chủ hợp hiến của Đệ nhị cộng hòa là một nhược
điểm so với chế độ Cộng sản độc tài toàn trị ở miền Bắc. Chế độ này huy động tất
cả dân chúng vào cuộc chiến và không cho phép ai có ý kiến khác. Đúng là việc động
viên toàn bộ dân chúng kiểu miền Bắc khó có thể thực hiện được trong chế độ đa
nguyên chính trị của Đệ nhị cộng hòa với một nền báo chí và cơ chế bầu cử tương
đối tự do cho phép có dân biểu đối lập trong Quốc Hội, cộng thêm một nền tư
pháp tương đối độc lập. Nhưng đây lại chính là ý nghĩa của cuộc chiến tranh, là
lý do người miền Nam phải chiến đấu để gìn giữ. Nếu Đệ nhị cộng hòa cũng bắt
chước chế độ toàn trị ở miền Bắc thì không còn lý do nào để chiến tranh tiếp diễn.
Những bài viết trong
tập sách này đầu tiên được trình bày tại một hội thảo ở Đại học Cornell vào
tháng 6 năm 2012. Các tác giả đại diện cho nhiều quan điểm và có những kinh
nghiệm khác nhau dưới thời Đệ nhị cộng hòa, nhưng đều có ước vọng và công sức
đóng góp vào xây dựng nền dân chủ hợp hiến trong thời chiến. Công cuộc xây dựng
một nền dân chủ vững mạnh và thực thi những cải cách để đạt được mục đích đó đã
nhận được nỗ lực và niềm tin của nhiều người Việt, dù phải tiến hành trong điều
kiện chiến tranh khắc nghiệt và chịu dư luận búa rìu của một đồng minh lúc đầu
thì dẫm đạp lên quyền lợi quốc gia của Việt Nam nhưng sau đó lại bỏ rơi nó. Tôi
biết ơn lòng can đảm của những tác giả. Sau nhiều thập kỷ Đệ nhị cộng hòa bị
người Mỹ coi thường, họ vẫn giữ được tiếng nói, và giờ đây viết lại kinh nghiệm
của họ với sự trung thực.
Bài của tác giả Bùi
Diễm dựa trên kinh nghiệm của ông ta trên chính trường từ thập niên 1940 và
trong nhiều năm đóng vai trò ngoại giao giữa Washington và Sài gòn. Với những
suy tư sâu sắc về lịch sử, Ông Diễm nhìn lại cuộc tranh đấu Quốc-Cộng đã có trước
khi người Mỹ can thiệp và vẫn còn tiếp tục dai dẳng sau khi họ đã bỏ cuộc. Theo
quan điểm của ông, cách thức can thiệp và rút chạy của Mỹ đã làm hại người Việt
quốc gia trong khi Cộng sản Việt Nam không gặp những vấn đề tương tự với đồng
minh của họ.
Phan Công Tâm phục vụ
trong Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) giống như Cục Tình báo Trung ương (CIA)
của Mỹ. Bài viết của ông cung cấp thông tin về sự hình thành, tổ chức, và phát
triển của Tổ chức Tình báo Trung ương, và kinh nghiệm của ông khi trong quan hệ
quốc tế, bao gồm hòa đàm Paris, vụ đảo chánh năm 1970 ở Cam Bốt, và quan hệ ngoại
giao với lãnh tụ của một quốc gia Phi châu.
Nguyễn Ngọc Bích thuật
lại những nỗ lực của ông để giới thiệu chính phủ VNCH tại nước Mỹ và trên thế
giới giữa lúc tuyên truyền thân Cộng sản đang làm dấy lên một phong trào chống
chiến tranh Việt Nam. Là nhà giáo dục, ông tranh luận và bác bỏ những lập luận
và thông tin sai lệch nhưng được nhiều người tin về Đệ nhị cộng hòa.
Trần Quang Minh là
giáo sư đại học về môn thú y và đã phục vụ trong nhiều bộ và cơ quan chính phủ
liên quan đến sản xuất và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp và sau đó là chương
trình cải cách điền địa năm 1970. Bài viết của ông kể lại một cách sống động
khoảng thời gian hơn một thập kỷ làm việc trong lãnh vực nông nghiệp.
Nguyễn Đức Cường là một
tổng trưởng kinh tế dưới thời Đệ nhị cộng hòa. Ông mô tả tình hình kinh tế của
miền Nam trong thời gian Mỹ can thiệp quân sự, với sự quan tâm đặc biệt về những
nỗ lực điều chỉnh kinh tế khi Mỹ rút trong những năm cuối của cuộc chiến.
Bài của Phan Quang Tuệ
về sự nghiệp của thân phụ ông và của chính ông dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị cộng
hòa. Thân phụ ông là Bác sĩ Phan Quang Đán, một nhân vật đối kháng nổi bật dưới
thời Đệ nhất cộng hòa. Do hoạt động đối kháng, ông ấy và cả gia đình chịu nhiều
sách nhiễu chính trị. Phan Quang Tuệ kể lại về thời trẻ lớn lên trong một gia
đình có tiếng tăm, về công việc của ông trong hệ thống tư pháp của Đệ nhị cộng
hòa, và về cuộc vận động tranh cử vào Hạ Viện năm 1971 của ông.
Trần Văn Sơn thuật lại
những thăng trầm của gia đình ông trong những cuộc chiến tranh của thế kỷ hai
mươi và sự nghiệp của ông từ một sĩ quan hải quân đến dân biểu đối lập trong Hạ
Viện sau khi được bầu năm 1971, đến giai đoạn ông bị Cộng sản cầm tù, chuyến đi
vượt biển, và cuối cùng là hoạt động chính trị của ông trong cộng đồng người Việt
di tản ở Mỹ.
Mã Xái là một dân biểu
đối lập ở Hạ Viện trong suốt thời kỳ Đệ nhị cộng hòa, được bầu lần đầu vào năm
1967 và tái đắc cử năm 1971. Bài viết của ông trình bày về chương trình và hoạt
động của Đảng Tân Đại Việt trong những năm đó.
Hồ văn Kỳ-Thoại là
phó Đề đốc Hải quân. Ông đang là tư lệnh vùng khi quân Trung Cộng đánh chiếm quần
đảo Hoàng Sa năm 1974. Bài viết của ông thuật lại trận đánh trên biển từ góc
nhìn của người trực tiếp chỉ huy phía Việt Nam và cố gắng của Hải quân Việt Nam
để bảo vệ quần đảo mặc dù không thành công.
Lữ Lan là Trung tướng
trong Quân lực VNCH. Ông đã phục vụ trong các trường huấn luyện, cơ quan tham
mưu, Ban chỉ huy sư đoàn, và chức vụ Tổng Thanh tra. Bài viết của ông có cả
phân tích các vấn đề và tường thuật một số sự kiện.
Các bài viết trong tập
sách này tường thuật nhiều trải nghiệm khác nhau và các tác giả cũng có quan điểm
và cách trình bày vấn đề khác nhau. Điều này thể hiện sự đa dạng về mục đích và
ý kiến của thành phần ưu tú trong xã hội miền Nam vào thập niên 1960 và đầu thập
niên 1970, khi những thăng trầm của cuộc chiến và sự can thiệp của nước ngoài tạo
ra những thay đổi nhanh và một loạt khủng hoảng về lãnh đạo, tổ chức chính trị,
hoạt động quân sự, đời sống kinh tế, trật tự xã hội, và chính sách hành chính.
Sự đa dạng đó của miền Nam khi so sánh với xã hội độc tài toàn trị của miền Bắc
là một lý do chính yếu để tiếp tục cuộc chiến. Đệ nhị cộng hòa đối với người Mỹ
vào lúc đó và sau này, cho đến tận hôm nay, là một chế độ độc tài đáng để cho sụp
đổ. Đó là một sự vu khống; một sự vu khống rất tiện lợi để biện hộ cho việc Mỹ
bỏ rơi VNCH, nhưng bản chất nó là một sự vu khống. Nỗ lực có thật của nhiều người
Việt để kiến tạo một xã hội dân chủ trong thời chiến vẫn chưa xuyên phá được
cái huyền thoại tiện lợi nhưng không có thật về một đồng minh bị bỏ rơi và bị
miệt thị vào bậc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Mục đích của tập sách này không phải
chỉ để thu thập tiếng nói của những người đóng vai trò quan trọng trong Đệ Nhị
Cộng Hòa trước khi họ vĩnh viễn ra đi, mà còn để tạo cho người Mỹ một cơ hội, một
cơ hội muộn màng sau gần nửa thế kỷ, để hiểu rõ hơn một quốc gia đồng minh mà
vì nó cả chục ngàn thanh niên Mỹ đã bỏ mạng.
——
[1] Nguyen Cong Luan,
Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier (Bloomington
and Indianapolis, IN: Indiana University Press, 2012).
Nguồn:
Tuannyriver.com
http://nghiencuuquocte.org/2015/08/02/de-nhi-cong-hoa-nam-viet-nam/#more-9593
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét