Nguyễn Mạnh Hùng
Những ngày qua, dân mạng
xôn xao với phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng
nói: “Việt Nam dân chủ thế này là cùng”. Trong một thể chế độc đảng, cơ chế bầu
cử áp đặt cho quyền làm chủ đất nước của công dân như thế nào?
Thuật ngữ “bầu cử” có
thể hiểu nôm na là công dân, với tư cách người chủ đất nước chọn người mình tin
tưởng để cử người đó thay mặt mình quản lý và điều hành đất nước. Bầu cử cũng
được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền quản lý và điều hành đất nước cho một
số người một cách minh bạch ngay thẳng. Trong một nền dân chủ, quyền lực của
nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân. Để chuyển sự nhất
trí đó thành quyền lực nhà nước, phải tổ chức bầu cử tự do, dân chủ và công bằng.
Theo Hiến pháp VN, Tại
Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực
nhà nước thuộc về Nhân dân…”.
Điều 6 quy định:
“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại
diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của
Nhà nước”.
Điều 69 quy định: “Quốc
hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao
nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Khoản 1 Điều 117 quy
định: “Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ
chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp.”
Theo hiến định thì Quốc
hội và Hội đồng bầu cử (HĐBC) đều do cử tri bầu ra và trao quyền. Các đại biểu
được bầu phải chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước,
tính độc lập của thiết chế này là ở chỗ đó. Với tư cách là chủ thể của quyền lập
hiến, thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, nhân dân trao quyền cho Quốc
hội thành lập HĐBC thay mặt mình tổ chức và điều hành các cuộc bầu cử. Như vậy,
xét về phương diện tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì Quốc hội
cũng như HĐBC đều do nhân dân trao quyền, các cơ quan này phải làm theo ý chí,
nguyện vọng của nhân dân. Ngoài ra không một tổ chức nào, cơ quan nào có thẩm
quyền chỉ đạo, lãnh đạo Quốc hội và HĐBC. Các đại biểu Quốc hội và thành viên
HĐBC cũng không có nghĩa vụ phải tuân theo chỉ thị của bất cứ tổ chức nào, cơ
quan nào kể cà đcsVN.
Trên thực tế, phương
pháp này được thể hiện cách tùy tiện, chỉ là hình thức áp đặt, nhân dân không
được lựa chọn người đại diện xứng đáng nhất cho mình. Người viết xin đưa ra một
số luận điểm dưới đây để làm sáng tỏ nhận định trên.
Thứ nhất: Thành lập
HĐBC vi Hiến.
Trước khi thành lập Hội
đồng Bầu cử quốc gia 20 ngày, ngày 4/1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt
Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2016-2021. Trong 8 nhiệm vụ lãnh đạo bầu cử có các nhiệm vụ: Lãnh đạo tốt công
tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của
Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy
hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự…. Điều này là vi hiến, vì theo Hiến
pháp thì cử tri giao quyền cho Quốc hội và HĐBC quốc gia, do đó HĐBC quốc gia
chỉ chịu trách nhiệm với cử tri. Ngoài ra pháp luật không quy định HĐBC quốc
gia phải chịu sự lãnh đạo của bất cứ cơ quan, tổ chức nào.
Theo VOV.VN, trong
ngày 24/11/2015 các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thành lập HĐBC quốc gia và bầu
Chủ tịch Hội đồng; đồng thời thảo luận về đề nghị Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ
tịch và Ủy viên HĐBC quốc gia. Kết quả ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch HĐBC,
các Phó chủ tịch và hầu hết Ủy viên của HĐBC là đại biểu Quốc hội, Bộ Trưởng
công an, Bộ Trưởng quốc phòng, ủy viên BCT và TƯ đảng. Chính những người nằm
trong HĐBC quốc gia này cũng lại là ứng cử viên do đảng đề cử. Như vậy HĐBC này
được thành lập do sự chỉ đảo của đcs chứ không phải do ý chí của nhân dân như
đã được hiến định. Đây là việc làm vi hiến, tiếm quyền làm chủ đất nước của
nhân dân.
Thứ hai: Áp đặt các
chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Theo Hiến pháp và
pháp luật, sau khi có kết quả bầu cử, đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14,
tức là vào tháng 7/2016 thì Quốc hội khóa 14 mới bầu Ủy ban thường vụ Quốc hội
khóa 14, bầu Chủ tịch Quốc hội rồi bầu Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ
trong số đại biểu Quốc hội.
Sáng 24-1, trao đổi
bên lề Đại hội Đảng 12 ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch
- Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác nhận rằng: Hội
nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nhất trí giới thiệu Đại tướng
Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an cho chức danh Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cho chức danh Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân cho chức danh Chủ tịch Quốc hội. Cũng theo ông Vũ Trọng
Kim, khi Đại hội XII kết thúc và việc bầu 4 vị trị chủ chốt theo đúng như công
tác chuẩn bị nhân sự của Ban chấp hành Trung ương khoá XI thì chỉ có Tổng Bí
thư là giữ ngay trọng trách của mình; 3 chức danh còn lại là Chủ tịch nước, Thủ
tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội phải chờ đến Quốc hội khoá XIV sau cuộc bầu
cử vào ngày 22-5-2016.
Câu hỏi đặt ra:
Nếu kết quả bầu cử Quốc
hội các ông bà Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân không
trúng cử đại biểu Quốc hội thì sao???
Nếu kỳ họp thứ nhất của
Quốc hội khóa 14 vào tháng 7/2016 các ông bà này cũng không được bầu vào các chức
vụ trên thì sao???
Phải chăng, để áp đặt
chức danh cho 3 người trên, ông Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt BCT ban hành Chỉ
thị số 51-CT/TW chỉ đạo buộc Quốc hội phải bầu các ông bà này vào HĐBC quốc
gia. Khi đó chính các ông bà này sẽ là những người lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu
cử; giải quyết mọi khiếu nại – tố cáo về công tác bầu cử; kiểm phiếu và công bố
kết quả bầu cử; tự thẩm tra tư cách ứng cử và tự xác nhận tư cách trúng cử đại
biểu Quốc hội của mình; tự công bố mình trúng cử. Nói tóm lại họ là những người
vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Thứ ba: Cơ chế hiệp
thương.
Theo khoản 5 Điều 4
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”.
Tuy nhiên, theo Bách
khoa toàn thư mở Wikipedia thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính
trị do ĐCSVN lập ra và chịu sự lãnh đạo của đcsVN: Ngày 18 tháng 11 năm 1930,
Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản
đế Đồng Minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất (ngày nay là
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) được Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 đã thông qua ngày
12 tháng 6 năm 1999, cũng khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ
phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” (Khoản 2, Điều 1).
Tại Đại hội MTTQVN lần
thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là
thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận” (Được ghi trong Điều lệ MTTQVN do Đại
hội đại biểu toàn quốc Mặt trận TQVN lần thứ VII thông qua ngày 30/9/2009). Như
vậy MTTQVN phải chịu sự lãnh đạo của đcs thì khi tham gia công tác bầu cử sẽ
không bảo đảm công bằng, dân chủ.
Vì vậy, quá trình hiệp
thương thật sự chỉ là việc hợp thức hoá sự chỉ đạo định hướng từ cấp trên chứ
không làm theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Việc pháp luật hiện hành đề cao
vai trò của MTTQVN như trên trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân là vi hiến.
Thứ tư: Cơ chế giám
sát, giải quyết khiếu nại – tố cáo.
Quốc hội là cơ quan vừa
chỉ đạo, vừa giám sát bầu cử. Trong mối quan hệ với Quốc hội, HĐBC chịu trách
nhiệm báo cáo công tác bầu cử với Quốc hội, nhưng hầu hết ủy viên HĐBC lại
chính là những người lãnh đạo trong Quốc hội, BCT và trung ương đcs. MTTQVN là
chủ thể duy nhất lập danh sách ứng cử viên, tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới
thiệu người ứng cử và tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội. Với cơ
chế chỉ đạo, giám sát, hiệp thương, kiểm phiếu trong hoạt động bầu cử như vậy
thì liệu có bảo đảm khách quan không??? Việc giải quyết khiếu nại – tố cáo liệu
có đúng pháp luật và nghiêm túc không??? Những người vừa là ứng cử viên, vừa thẩm
tra tư cách ứng cử viên, chỉ đạo bầu cử, giám sát bầu cử, cũng là người xác định
người trúng cử, công bố người trúng cử có khi nào bị loại không??? Đặc biệt là
3 vị trí chủ chốt đã được định sẵn trước khi thành lập HĐBC quốc gia.
Kết luận:
Với cơ chế bầu cử như
trên có thể thấy rõ các vị trí chủ chốt thay mặt cử tri nắm quyền lực nhà nước,
quản lý và điều hành đất nước đã được định sẵn từ trung ương tới địa phương.
Các vị trí còn lại chỉ là những nét điểm tô cho cái gọi là “Việt Nam dân chủ thế
này là cùng” của ông Nguyễn Phú Trọng và lời hứa của Chủ tịch HĐBC Nguyễn Sinh
Hùng: “Tôi hứa làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để
cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật”.
Với cách tổ chức bầu
cử và cơ chế bầu cử theo quy định này thì đối với nhiều đại biểu có thể tự mình
công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử
tốn tiền thuế của dân. Về phần người dân cũng đỡ uổng phí thời gian, nhọc công
vô ích, có thêm được một ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị bươn trải kiếm sống
cho tuần lễ kế tiếp. Hy vọng toàn dân sớm nhận ra điều này và sử dụng quyền làm
chủ đất nước của mình ngay trong cuộc bầu cử ngày 22/5/2016.
Nguyễn Mạnh Hùng viết
tại Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét