Nguyễn Hải
Hoành
Có một người Pháp gốc
Hoa sống âm thầm giữa thành Paris hoa lệ đã 27 năm mà không ai biết gì. Thế
nhưng hôm 30/6/2009, khi ốm chết ở tuổi 70 thì bỗng dưng ông ta lại được dư luận
đặc biệt quan tâm. Báo đài phương Tây đưa tin chi tiết về nhân vật đó. Thời báo
New York hôm 2/7/2009 đăng một bài khá dài dưới đầu đề Shi Pei Pu, Singer, Spy
and ‘M. Butterfly,’ Dies at 70 (Shi Pei Pu, ca sĩ, điệp viên và “Ông Bươm bướm”
chết ở tuổi 70). Thực ra từ năm 1993 báo này đã đăng một phóng sự rất dài về đề
tài trên, dưới tiêu đề The True Story of M. Butterfly: The Spy Who Fell in Love
With a Shadow.
Thì ra cái người tên
Shi Pei Pu (tên chữ Hán là Thời Bội Phác) ấy vốn là nguyên mẫu của nhân vật
chính trong vở opera Ông Bươm bướm (Mr. Butterfly) của kịch tác gia người Mỹ gốc
Hoa David Henry Hwang.
Công diễn lần đầu tại
Broadway ngày 20/3/1988, sau 777 buổi diễn thành công và được tặng mấy giải thưởng,
vở ca kịch Mr. Butterfly mới giã từ sân khấu Broadway. Năm 1993 Ông Bươm bướm
được đạo diễn David Cronenberg chuyển thể thành bộ phim cùng tên, với diễn xuất
của hai ngôi sao Jeremy Irons và John Lon (Tôn Long, người Hong Kong).
Tác phẩm trên của
Hwang lấy cảm hứng từ Bà Bươm bướm (Madama Butterfly) – vở opera nổi tiếng nhất
của nhạc sĩ Ý lừng danh Giacomo Puccini từng làm biết bao khán giả rơi lệ và
năm 2004 khi được long trọng kỷ niệm 100 năm công diễn.
Kịch bản Bà Bươm bướm
do David Belasco chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ John Luther
Long, kể lại câu chuyện xảy ra tại Nagasaki hồi cuối thế kỷ 19: cô gái Nhật 15
tuổi Cio-Cio San (tức Bà Bươm bướm) ngây thơ nhận lời lấy Pinkerton, chàng sĩ
quan lính thủy Mỹ quen thói ăn chơi đàng điếm. Chỉ vì trung thành với bạn đời
mà Cio-Cio San từ bỏ tất cả, kể cả tôn giáo của mình. Cưới nhau được ít lâu,
Pinkerton bất ngờ nhận lệnh chuyển về Mỹ. Sau đó hai mẹ con Cio-Cio San mòn mỏi
chờ ba năm không có tin tức gì. Pinkerton về nước lấy vợ khác rồi trở lại thăm
Nhật. Không chịu nổi sự phản bội, Cio-Cio San tự mổ bụng quyên sinh bằng con
dao găm ông bố cô để lại – dao này do Nhật Hoàng ban cho để ông dùng làm nghi
thức hara-kiri, tức mổ bụng tự sát – trên có khắc dòng chữ: Kẻ nào không sống
trong danh dự thì hãy chết trong danh dự.
Vở opera Ông Bươm bướm
kể lại một chuyện tình xảy ra vào giữa thập niên 1960. Trong một lần xem vở ca
kịch Bà Bươm bướm trình diễn tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh do Song Liling
(Tống Lệ Linh) đóng vai nữ chính; vẻ xinh đẹp lộng lẫy cũng như tài diễn xuất của
Song đã hút hồn René Gallimard, chàng trai Paris 20 tuổi nhân viên sứ quán Pháp
tại Bắc Kinh.
René gặp Song tỏ tình
và xin cầu hôn. Vốn là điệp viên của chính quyền nước chủ nhà, Song lợi dụng
tình yêu mù quáng ấy để ép René cung cấp cho Trung Quốc các tin tình báo bí mật
của Pháp. Do quá hiếu kỳ và có cảm giác quá thần bí về nền văn hóa phương Đông,
René quan hệ như vợ chồng với Song trong gần hai chục năm mà không biết Song là
người thế nào. Cuối cùng, vì phản bội tổ quốc, René phải ra tòa án Pháp; người
đàn ông làm chứng cho tội trạng của René lại chính là Song. Cả hai đều bị kết
án tù. Trên xe về nhà giam, Song cởi hết quần áo để René thấy mình là đàn ông
100%. Biết mình đã bị lừa dối, bao năm nay theo đuổi một mối tình hão huyền, chẳng
khác gì nhân vật nữ chính trong vở opera Bà Bươm bướm, René không chịu nổi nỗi
xấu hổ và đau khổ dằn vặt, và đã tự tử trong nhà tù.
***
Rất nhiều người nay mới
biết nhân vật Song Liling lấy từ nguyên mẫu Thời Bội Phác, con người sau khi chết
được báo mạng Trung Quốc ca ngợi là điệp viên vĩ đại nhất của nước họ.
Đây là một chuyện
tình ly kỳ chưa từng có trong lịch sử chiến tranh gián điệp thế giới, cũng có
thể là một mối tình lâm ly nhất trong thế giới những người luyến ái đồng giới.
shi_pei_pu_1436204f
Thời Bội Phác hồi thập
niên 1960 trong trang phục diễn viên Kinh kịch
Nhân vật chính của
câu chuyện là Bernard Boursicot 20 tuổi, chàng nhân viên kế toán Sứ quán Pháp
năm ấy vừa khai trương tại Bắc Kinh; “nàng” là Thời Bội Phác 26 tuổi, biết tiếng
Pháp, con trai duy nhất của một gia đình trí thức có ba con, lúc đó làm diễn
viên Kinh Kịch (một loại tuồng cổ) kiêm giáo viên dạy tiếng Trung Quốc cho các
phu nhân đoàn ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh.
Một ngày năm 1964,
phía Trung Quốc tổ chức biểu diễn Kinh Kịch chiêu đãi đoàn ngoại giao, Thời Bội
Phác đóng vai nữ chính. “Nàng” quá xinh đẹp và đầy nữ tính kiểu phương Đông đã
hút hồn chàng trai Pháp lãng mạn và vô cùng hâm mộ văn hóa phương Đông.
Boursicot đâu có biết trong sân khấu Trung Quốc cổ, toàn bộ nhân vật nữ đều do
nam đóng thay. Đó là hậu quả của quan niệm đạo đức thời phong kiến “Xướng ca vô
loài”, các gia đình cấm con gái làm nghề nghệ thuật sân khấu. Qua hàng nghìn
năm, nghệ thuật hóa trang và tài diễn xuất của các nam diễn viên Kinh Kịch đạt
tới mức xinh đẹp và giàu nữ tính hơn cả các phụ nữ bình thường.
Ngay hôm sau
Boursicot tìm gặp Thời Bội Phác bầy tỏ tình cảm ngưỡng mộ và muốn kết bạn trăm
năm.
Xã hội Trung Quốc thời
ấy khép kín, dân chúng không được phép có bất cứ quan hệ nào với người phương
Tây, nhất là nhân viên ngoại giao. Bởi vậy Thời Bội Phác phải báo cáo lãnh đạo
chuyện đó. Cuối cùng tin ấy lên tới cấp rất cao và cơ quan an ninh Trung Quốc
vào cuộc, chỉ thị Thời Bội Phác phải nắm lấy cơ hội này để dụ dỗ Boursicot làm
việc cho họ. Thời Bội Phác không thể không chấp hành lệnh của nhà nước. Hồi ấy
Trung Quốc đang bị cô lập và cấm vận, rất cần thông tin về mọi mặt từ thế giới
phương Tây, nhất là thông tin khoa học, công nghệ.
Người ta bố trí cho
đôi tình nhân gặp nhau tại Tử Cấm Thành trong một đêm đẹp trời nên thơ. Thời Bội
Phác tâm sự: bẩm sinh là gái nhưng ông bố có tâm lý trọng nam khinh nữ rất nặng
muốn có con trai mà không có, cho nên từ nhỏ Thời đã phải hoàn toàn giả trai
cho tới bây giờ. Boursicot hoàn toàn tin vào lời người yêu. Từ tháng 6/1965 hai
người sống chung với nhau như vợ chồng. Ở Trung Quốc thời ấy, luyến ái đồng giới
bị coi là phạm tội; thế mà họ sống yên ổn được lâu như thế rõ ràng là có sự che
chở của chính quyền.
Cuối năm đó Boursicot
nhận nhiệm vụ rời Trung Quốc đi làm việc ở nước khác; lúc chia tay “nàng” báo
cho chàng biết mình đã có thai!
Năm 1969, Boursicot
trở lại Bắc Kinh làm việc và lần đầu tiên được gặp “con trai” 4 tuổi của mình –
Thời Độ Độ (Shi Du-du), da trắng, mắt xanh, mũi cao! Hồi ấy đang “Cách mạng văn
hóa”, khắp nơi đấu tố, không khí vô cùng căng thẳng, ai có quan hệ với người nước
ngoài sẽ bị theo dõi, trừng trị rất nặng … Lấy lý do ấy, Thời Bội Phác ép người
tình của mình phải cộng tác với Cơ quan An ninh Trung Quốc, cụ thể là phải cung
cấp các thông tin mật của Pháp; nếu không “vợ con” anh sẽ không được yên thân.
Boursicot chấp nhận yêu cầu đó.
Năm 1972, Boursicot
chuyển đi công cán ở nước khác. Năm 1973 anh có về thăm “vợ con” với tư cách
khách du lịch. Thời gian 1977-1979, Boursicot làm việc tại Sứ quán Pháp tại
Ulanbator, Mông Cổ; nhờ đi lại gần nên có dịp thường xuyên sang Bắc Kinh thăm
“vợ con”.
Sau khi nhận được từ
tay người tình khoảng 500 tin tức tình báo mật của Pháp, Thời Bội Phác yêu cầu
Boursicot đưa “em và con” sang Pháp sinh sống với lý do tránh mọi rắc rối nguy
hiểm tại một đất nước dân chúng vốn rất ghét đồng bào nào của họ lấy chồng hoặc
vợ người ngoại quốc.
Mất rất nhiều thời
gian, công sức và tiền bạc, Boursicot mới xin được visa cho “vợ và con” sang
Pháp. Tháng 3/1982, Thời Bội Phác và Thời Độ Độ tới Paris định cư tại cùng tòa
nhà chung cư có căn hộ của Boursicot đang công khai sống với “vợ” mới – một người
đàn ông luyến ái đồng giới tên là Thierry Toulet. Bấy giờ Thời Bội Phác mới biết,
trong khi ở Trung Quốc, luyến ái đồng giới là một tội lỗi thì tại phương Tây
người cùng giới có thể đàng hoàng sống chung với nhau, thậm chí công khai làm lễ
cưới!
Ngày 30/6/1983, Thời
Bội Phác và Boursicot bị chính quyền Pháp bắt giam với tội danh gián điệp. Cơ
quan An ninh Pháp cố ý giam đôi “vợ chồng” cũ này trong cùng một phòng; nhờ thế
Boursicot mới biết một sự thật tàn nhẫn: “cô vợ” của mình là đàn ông đích thực!
Kết quả xét nghiệm
máu của Thời Độ Độ cho thấy cậu ta không cùng huyết thống với Thời Bội Phác và
Boursicot. Độ Độ phải thừa nhận mình là người dân tộc Uighur ở Tân Cương (vùng
tây bắc Trung Quốc), một dân tộc có ngoại hình rất giống người châu Âu. Do nhà
nghèo, cha mẹ Độ Độ phải đem bán con cho Thời Bội Phác, nói đúng ra là cho Cơ
quan An ninh Trung Quốc.
Năm 1986 tòa án Paris
xử vụ này và kết án mỗi người 6 năm tù giam. Phát biểu trước tòa, Boursicot nói
mình bị Thời Bội Phác phản bội.
Vụ án gián điệp ly kỳ
nói trên làm rung động dư luận khắp thế giới. Boursicot cả tin và ngu xuẩn trở
thành trò cười trong dân chúng Pháp. Quá xấu hổ, Boursicot đã dùng lưỡi dao lam
cứa cổ tự tử, nhưng may mắn được cứu sống.
Do mắc bệnh tim nặng
nên sau 19 tháng ngồi tù Thời Bội Phác được Tổng thống Pháp Mitterand ân xá.
Ông về sống với Thời Độ Độ cho tới ngày cuối đời.
Boursicot cho biết,
anh “con trai” này của ông hiện đã có ba đứa con.
Điều kỳ lạ nữa là cặp
“tình nhân” Boursicot và Thời Bội Phác vẫn thỉnh thoảng liên lạc với nhau, lần
cuối cùng cách vài tháng trước khi Thời Bội Phác chết, và “bà” vẫn nói là rất
yêu Boursicot! Phải chăng đây thực sự là một chuyện tình đồng giới?
Trước vụ án động trời
có hai bị can là công dân gốc Trung Quốc nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Trung Quốc chỉ tỏ ý “rất ngạc nhiên” và nói không có bằng cớ nào chứng tỏ
Thời Bội Phác là gián điệp của Trung Quốc, người này sang Paris là do Chính phủ
Pháp mời sang giảng dạy… Ngoài ra phía Trung Quốc không có bất cứ phản ứng
chính thức nào đối với vụ “Mỹ nhân kế” thành công tuyệt vời này.
Vì chính quyền cả hai
bên Trung Quốc và Pháp đều im lặng, hai nhân vật chính trong vụ án này lại càng
tránh nói, cho nên người ta chỉ có thể suy đoán, giả thiết.
Boursicot vốn là người
luyến ái đồng giới ngay từ khi còn là học sinh ký túc xá. Trong một lần trả lời
nhà báo năm 1988, ông nói: “Tôi luôn thích cả đàn ông lẫn đàn bà; dù tôi và họ
thuộc giới tính nào – điều ấy không quan trọng.” Boursicot cho biết thực ra ông
rất ít có quan hệ tình dục với Thời Bội Phác, nếu có thì cũng chỉ lén lút làm
chớp nhoáng trong đêm tối, vì ông cho rằng phụ nữ Trung Quốc vô cùng e thẹn
không muốn để lộ thân hình của mình trước đàn ông; mà Boursicot thì rất hiểu
văn hóa phương Đông và không bao giờ làm gì trái ý “vợ”. Các chuyên gia tình dục
học cho rằng trong điều kiện như thế, Thời Bội Phác hoàn toàn có thể lắp một bộ
phận sinh dục nữ giả để đánh lừa Boursicot. Tất nhiên việc đó phải có sự chủ động
tiếp tay của Cơ quan An ninh Trung Quốc.
Mấy chục năm trời
đóng “khổ nhục kế” giả đàn bà trong điều kiện éo le như vậy mà không bị lộ bí mật,
Thời Bội Phác quả là con người có ý chí sắt đá, thần kinh thép và trí tuệ khôn
ngoan, thực xứng đáng là điệp viên vĩ đại như dân mạng Trung Quốc ca ngợi./.
Hình: Boursicot và Thời
Bội Phác tại tòa án Paris.
http://nghiencuuquocte.org/2016/02/02/cau-chuyen-ve-diep-vien-vi-dai-nhat-trung-quoc/#more-13963
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét