Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Buổi xế chiều của loại máy bay Boeing 747



 HOA KỲ - Sau gần nửa thế kỷ là hình ảnh quen thuộc trong hầu hết các hãng hàng không quốc tế, hơn 1,500 chiếc máy bay phản lực khổng lồ Boeing 747 đã xuất xưởng đang lần lượt ngừng hoạt động và tương lai sẽ không còn thấy bóng dáng trên bầu trời.


Một máy bay Boeing 747-400 của hãng hàng không Đức Lufthansa bay trong buổi chiều.  (Hình: Lufthansa via Getty Images)

Cuối thập niên 1960, hãng hàng không Pháp Air France bắt đầu có một phi đội Boeing 747 chuyên chở hành khách trên các đướng bay xuyên lục địa. Những chiếc chiếc máy bay to lớn bệ vệ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, Saigon vào thời ấy, trên đường bay từ Âu Châu tới Nhật Bản hay Nam Thái Bình Dương, đều được kiêu hãnh mang tên một lâu đài nổi tiếng của nước Pháp như Chateau de Versailles, Chateau de Chambord,…

Ngày 10 tháng Giêng vừa qua, Air France chấm dứt hơn 40 năm sử dụng Boeing 747, được đánh dấu bằng chuyến bay cuối cùng của một chiếc Boeing 747-400 từ phi cảng quốc tế Mexico City đến Paris-Charles de Gaulle. Hiện giờ Airbus A380 và Boeing 777-300ER thay thế nhiệm vụ trên đường bay này của Air France.

Hãng hàng không Pan American World Airways đã là động lực chính để Boeing Co. hoạch định và sản xuất ra Boeing 747. Theo Pan Am, loại máy bay phản lực khổng lồ là giải pháp đáp ứng tốt nhất trước tình trạng ối đọng hành khách. Vào đầu thập niên 1960, Boeing cũng cần thay thế Boeing 707 bằng một kiểu máy bay mới, lớn hơn, để đủ sức cạnh tranh với các công ty kỹ nghệ hàng không khác như Douglas, Lockheed. Do đó chưa thể biết chắc kết quả tương lai ra sao nhưng Boeing chấp nhận một rủi ro kinh doanh chưa từng có là vay $2 tỷ của một tổ hợp ngân hàng – tín dụng chưa từng công ty nào có vào thời đại ấy. Boeing mua 780 mẫu đất gần Seattle để thành lập cơ xưởng sản xuất mới và hứa hẹn giao hàng trong hạn kỳ ngắn nhất có thể được.

Sau khi Boeing 747 ra đời năm 1969, các đối thủ của Boeing cũng sản xuất ra loại máy bay thân rộng trên 5 mét với hai lối đi giữa các hàng ghế, tuy nhiên 747 vẫn là máy bay lớn hơn hết. So với McDonnel Douglas DC-10 và Lockheed L-1011 TriStar ba động cơ phản lực, thì Boeing 747 lớn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn tuy rằng đương nhiên giá phải đắt hơn. Mỗi chiếc Boeing 747 giá từ $234 đến $266 triệu tùy theo phiên bản.

Các máy bay hai động cơ phản lực như Boeing 757 hay 767, nếu hỏng một động cơ vẫn có thể bay an toàn một khoảng đường ngắn rồi tìm nơi đáp khẩn cấp. Với 4 động cơ phản lực, nếu một đông cơ tắt, Boeing 747 vẫn đủ khả năng bay được bình thường. Do đó máy bay hai động cơ khi bay đường dài phải đi vòng theo một lộ trình không quá xa các phi trường. Boeing 747-400; phiên bản cải tiến những năm 1990 và được sử dụng phổ biến nhất, có lợi điểm bay được xa tới trên 8,000 dặm bằng đường ngắn nhất không phải đi quanh co. Tuy nhiên đó là tình trạng của những thập niên cũ, ngày nay với kỹ thuật tiến bộ và sự phát triển của những loại động cơ phản lực turbofan mạnh hơn, an toàn hơn, máy bay không cần thiết phải dùng tới 4 động cơ hao tốn nhiều nhiên liệu.

Nhiều người đã tưởng rằng tương lai của hàng không thương mai sẽ là siêu thanh và như thế loại máy bay chỉ có vận tốc trên dưới 600 dặm/giờ sẽ mau chóng trở thành lỗi thời. Dự đoán ấy không đúng vì máy bay thương mại siêu thanh như Concorde quá tốn kém về chế tạo cũng như sử dụng và do đó giá vé phải cao, không hợp khả năng kinh tế của đại chúng.

Bên cạnh thành quả về kỹ nghệ hàng không, thành tích quan trọng nhất của Boeing 747 chính là có thể cung cấp việc chuyên chở hành khách trên đường bay dài với giá vé vừa túi tiền của mọi giới. Loại máy bay này như vậy đã tạo nên cuộc cách mạng về giao thông hàng không và đem đến sự chuyển biến phát triển lớn cho ngành du lịch. Đi tới khắp nơi trên thế giới trở thành khả năng của giới trung lưu thay vì chỉ những người giàu có như trước kia. Dù sau này Boeing 747 không còn là máy bay thương mại lớn nhất từ khi Airbus A380 ra đời, nhưng cả hai loại máy bay này đều trở thành không thích hợp cho việc khai thác dễ dàng và có hiệu quả kinh tế của các hãng hàng không.

Từ Boeing 747-100 đến Boeing 747-800 trong đó phiên bản 747-400 thành công và được sản xuất nhiều nhất, đã có rất nhiều thay đổi bề ngoài cũng như bên trong, dài hơn, lớn hơn, động cơ mạnh hơn và trang bị những dụng cụ phi hành tân tiến hơn. Trên những chiếc Boeing 747-100, các phi công còn phải dùng kính lục phân (sextant) đo độ cao mặt trời để xác định vị trí con tàu, sau này với GPS và những trang bị điện tử khác, việc điều khiển máy bay có thể được tự động hóa trong nhiều giai đoạn.

Khối u trên đầu thân Boeing 747, hình dáng đặc biệt khác hẳn những loại máy bay khác, cũng có nhiều sửa đổi, được dùng làm tầng lầu cho phòng khách hay khoang vé hạng nhất. Vào thời kỳ đông hành khách và số máy bay của các hãng hàng không còn thiếu, ghế hạng bình dân được gia tăng khiến cho trên những chuyến bay đường dài trên 10 tiếng đồng hồ hành khách bị chật chội vướng víu khó chịu và rất mỏi mệt. Sau này hầu hết các hãng đã sửa đổi, thay thế bằng những ghế rộng hơn có khoảng trống để chân thoải mái hơn. Một số Boeing-747 cũ được sửa thành máy bay chở hàng và đồng thời với sự phát triển rất nhanh của ngành vận chuyển hàng hóa đường hàng không, một số phiên bản chuyên dụng mới cũng được sản xuất.

Nhưng đồng thời với những cải tiến, Boeing 747 dần dần trở nên lỗi thời, sử dụng không thuận tiện và ít có lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không. Với tiến bộ kỹ thuật, khuynh hướng bây giờ trong ngành hàng không thương mại là sử dụng máy bay hai động cơ phản lực, đủ khả năng và mức độ an toàn trên những đường bay dài. Những máy bay này cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn và dễ dàng để các hãng hàng không xếp đầy hành khách, không phí phạm với những ghế bỏ trống.

Boeing 747 sẽ không còn là máy bay vua trong các hãng hàng không quốc tế nữa nhưng chưa hẳn là sẽ hết bay, một số phiên bản đặc biệt vẫn được chế tạo để sử dụng cho các nhiệm vụ khác, như trước đây chiếc Boeing 747 nổi tiếng của NASA mang tên SCA (Shuttle Carrier Aircraft) chở phi thuyền con thoi trên lưng. Năm ngoái Boeing không nhận được thêm một đơn đặt hàng nào về Boeing 747 và hiện nay chỉ còn lại 20 chiếc chưa hoàn thành, với mức sản xuất 6 chiếc một năm.

Như vậy, sau nửa thế kỷ, Boeing 747 đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành hàng không dân dụng cả về hành khách lẫn hàng hóa, chiếc máy bay huyền thoại này đang đi vào dĩ vãng, dành chỗ cho những sáng kiến, tiến bộ và thành tựu kỹ thuật mới luôn xuất hiện trong lịch sử hơn 100 năm của máy bay. (HC)


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét